(MPI Portal) - Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững, sáng ngày 10/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo sửa đổi Thông tư liên tịch số 10/2009/TTLT - BKH-BTC ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về quy định lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Ngọc Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện Lãnh đạo các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Gia Lai cùng các đơn vị liên quan.
|
Ông Trần Ngọc Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ phát biểu khai mạc. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Ngọc Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ cho biết, xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư; Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo.
Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nhằm hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện).
Kết cấu Dự thảo gồm 3 chương, 8 điều: Quy định chung, quy định cụ thể và tổ chức thực hiện.
Theo Dự thảo Thông tư, phạm vi điều chỉnh là các tỉnh có huyện nghèo, các huyện nghèo; các chương trình, dự án, chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi và hỗ trợ khác trên địa bàn các huyện nghèo. Việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện theo các nguyên tắc lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn, phù hợp với Đề án Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững được phê duyệt; Lồng ghép các nguồn vốn được thực hiện khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Trong quá trình thực hiện lồng ghép các nguồn vốn phải đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức vốn đầu tư phát triển, tổng mức kinh phí sự nghiệp được giao. Đối với các chế độ, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến con người, hộ gia đình phải đảm bảo đủ kinh phí, thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và không được sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện cho các mục tiêu, nhiệm vụ khác.
Hội thảo đã được nghe các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến. Về cơ bản, các đại biểu đồng ý với nội dung và kết cấu Dự thảo. Theo ý kiến của ông Phạm Hải, Nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Địa phương và Lãnh thổ, không nên sửa đổi các mục tiêu, chỉ tiêu và mức vốn hỗ trợ đã có trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành. Phạm vi lồng ghép là các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a bao gồm xã, thôn, bản. Đối tượng lồng ghép là các chương trình, dự án trên địa bàn huyện nghèo; Chế độ, chính sách, nhiệm vụ nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thuộc địa bàn các huyện nghèo. Nguyên tắc lồng ghép: các nguồn vốn phải trong quy hoạch, kế hoạch các cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tôn trọng nội dung, yêu cầu quản lý của từng chủ sở hữu các nguồn vốn hỗ trợ; Phân cấp mạnh cho cấp huyện việc thực hiện lồng ghép và được thực hiện ngay từ khâu lập và trình duyệt kế hoạch./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư