Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/06/2014-14:35:00 PM
Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2013

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
(MPI Portal) – Theo tài liệu Họp báo công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng nhanh cả về số lượng, quy mô và kết quả sản xuất.

Đến nay khu vực doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, có vai trò đáng kể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và góp phần giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Một số kết quả sản xuất kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2000-2013

Tính đến ngày 31/12/2013, tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc là 9093 doanh nghiệp, gấp 6 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng xấp xỉ 16%. Trong đó doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 7543 doanh nghiệp gấp 8,8 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng xấp xỉ 20%. Doanh nghiệp liên doanh là 1550 doanh nghiệp gấp 2,3 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 mỗi năm tăng 6,7%. Số doanh nghiệp FDI đang hoạt động thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng hiện chiếm tỷ lệ cao nhất với 73%. Tiếp đến là khu vực dịch vụ với 25,7%. Doanh nghiệp FDI hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 123 doanh nghiệp, chiếm 1,4%. Lao động việc làm trong các doanh nghiệp FDI trên 3,2 triệu người, gấp 8 lần năm 2000.

Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực này năm 2013 là 214,3 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2000, bình quân giai đoạn 2000-2013 tăng 18,1%.

Các chỉ tiêu cơ bản của khu vực FDI có tỷ trọng năm 2013 giảm so với năm 2000: số doanh nghiệp giảm từ 3,6% năm 2000 xuống 2,2%; nguồn vốn giảm từ 21,8% xuống 16,2%; lợi nhuận giảm từ 52,4% xuống 45,4%; thuế và các khoản nộp ngân sách giảm từ 39,4% xuống 30,5%. Ngoài ra các chỉ tiêu có tỷ trọng tăng: số lao động tăng từ 11,5% lên 25,4%; thu nhập của người lao động tăng từ 18,7% lên 27,7% doanh thu thuần tăng từ 20% lên 22%. Doanh nghiệp FDI tăng nhanh về quy mô và kết quả sản xuất kinh doanh nhưng tỷ trọng chiếm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2000-2013 thay đổi không nhiều.

Doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào khu vực công nghiệp và xây dựng.Năm 2013 chiếm tới 73% tổng số doanh nghiệp FDI; 91% số lao động; 80% thu nhập của người lao động; 55,2% nguồn vốn; 81,5% doanh thu; 47,9% lợi nhuận và 81,3% nộp ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, FDI là khu vực sản xuất kinh doanh năng động, ổn định và hiệu quả. Quy mô đầu tư phát triển nhanh, khu vực FDI đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp về các chỉ tiêu như số doanh nghiệp, lao động, vốn và doanh thu, nhưng khu vực này lại chiếm tỷ trọng cao về lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước. Năm 2013 các doanh nghiệp FDI chiếm tới 45,4% tổng lợi nhuận và 30,5% tổng số nộp ngân sách Nhà nước của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Một số hạn chế của các doanh nghiệp FDI

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, khu vực doanh nghiệp FDI thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu chủ yếu nhập từ nước ngoài nên giá trị gia tăng chưa cao, trong khi Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, tỷ trọng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào sản xuất kinh doanh nghành nông, lâm nghiệp, thủy sản rất thấp và có xu hướng giảm dần; các doanh nghiệp FDI hiện nay chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông có chi phí nhân công thấp; Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần vào việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà quản lý doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời tạo ra nhiều giá trị gia tăng, giúp đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các kỳ vọng trên hầu như còn khá lâu mới đạt được những mục tiêu này.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang áp dụng các quy định về môi trường dành cho các nước đã và đang phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số các doanh nghiệp FDI không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết khi đăng ký kinh doanh về đầu tư trang thiết bị và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Qua nhiều năm đổi mới, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam và khu vực này vẫn tiếp tục có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động; nâng cao khả năng cạnh tranh và hôi nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục rà soát môi trường đầu tư, tạo yếu tố minh bạch và ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài để Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư./.

Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3379
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)