Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/10/2013-12:26:00 PM
Định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã dành cho PV Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi xung quanh chủ đề 20 năm thu hút vốn ODA của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương
Ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút và hiện thực hóa nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ năm 1993 đến nay?
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương: Trong 20 năm qua, công tác vận động, thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở 3 chỉ tiêu chủ yếu: Vốn ODA cam kết; vốn ODA ký kết và vốn ODA giải ngân.
Thông qua 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) thường niên, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ đạt 78,195 tỷ USD. Mức cam kết ODA cao trong suốt thời gian qua đã thể hiện sự đồng tình và sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta.

Con số này cũng thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
Trong đó, tổng vốn ODA ký kết đạt trên 63,05 tỷ USD với các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, như: Phát triển nông nghiệp và nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại, quản lý nhà nước… Tổng vốn ODA giải ngân đạt khoảng 42,09 tỷ USD, chiếm trên 66,75% tổng vốn ODA ký kết.
Tuy nhiên, tôi cho rằng mức giải ngân vốn ODA đã có tiến bộ qua các năm song chưa có bước đột phá. Riêng 2 năm trở lại đây, nhờ quyết tâm cao của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp và nhà tài trợ, giải ngân của một số nhà tài trợ quy mô lớn (Nhật Bản, WB) đã có tiến bộ vượt bậc. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân của Nhật Bản tại Việt Nam năm 2011 đứng thứ nhì và năm 2012 đứng thứ nhất thế giới, tỷ lệ giải ngân của WB tại Việt Nam tăng từ 13% năm 2011 lên 19% năm 2012.
Như vậy vẫn còn những, hạn chế trong việc thực hiện và giải ngân các dự án ODA. Vậy theo ông, nguyên nhân là do đâu và chúng ta cần làm gì để khắc phục?
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương: Theo tôi, những hạn chế, tồn tại chủ yếu do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, là vướng mắc về thể chế, chính sách liên quan đến ODA. Hiện tại, hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến ODA, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán và chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA.
Thứ hai, là có sự khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ. Mặc dù giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hài hòa quy trình, thủ tục song vẫn còn tồn tại các khác biệt giữa hai bên.
Cụ thể, trong các văn bản pháp quy hiện hành thường có quy định về tính tối thượng. Theo đó, trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của Việt Nam và của nhà tài trợ thì tuân thủ theo quy định tại điều ước quốc tế đã ký kết.
Song thực tế cho thấy việc nêu cụ thể sự khác biệt này trong điều ước quốc tế không đơn giản nên để đảm bảo an toàn trước thanh tra, kiểm toán, Chủ dự án thường áp dụng phương thức “trình duyệt kép” cả phía Việt Nam và nhà tài trợ dẫn đến mất nhiều thời gian trình, duyệt và ra quyết định trong quá trình thực hiện chương trình, dự án ODA.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác như: Thiết kế dự án phức tạp gây khó khăn cho công tác điều phối; chất lượng của một số văn kiện chương trình, dự án ODA chưa đáp ứng được yêu cầu; thời gian chuẩn bị dự án và chuẩn bị thực hiện dự án kéo dài. Đặc biệt, vướng mắc do thiếu vốn đối ứng, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu...
Để khắc phục các tồn tại và hạn chế trên, theo tôi trong thời gian tới cần tập trung và ưu tiên thực hiện các nhóm giải pháp sau:
Trước tiên là nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, thể chế để đảm bảo thực hiện tốt Nghị định 38/2013/NĐ-CP. Qua đó, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đồng thời, cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, quy định ODA và vốn vay ưu đãi trong Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực GPMB và tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán... Song song với đó, cần thực hiện các nhóm giải pháp về điều hành thực hiện chính sách, đảm bảo theo cam kết của phía Việt Nam, tăng cường hiệu quả giám sát và đánh giá chương trình dự án, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh.
Mặt khác, chất lượng các Ban quản lý dự án ở một số địa phương vẫn còn chưa tốt. Dù gần đây cùng với quá trình làm quen với quy trình thủ tục, tập huấn cách thức quản lý, áp dụng hoạt động kiểm toán, đấu thầu theo tiêu chuẩn ngày một chặt chẽ hơn nhưng vẫn cần tăng cường “tính kế thừa” và tiết kiệm chi phí trong hoạt động quản lý dự án. Ngoài ra, cần khắc phục tình trạng kiêm nhiệm và biến động nhân sự của Ban QLDA ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Ban QLDA.
Xin ông cho biết những định hướng chính sách thu hút và sử dụng vốn ODA của Việt Nam trong thời gian tới?
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương: Việt Nam đã bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Nguồn viện trợ sẽ giảm dần về số lượng và mức độ ưu đãi trong thời gian tới. Các khoản vốn vay ưu đãi (IDA) có lãi suất thấp nhất sẽ ít đi và tỷ trọng nguồn vốn tín dụng có lãi suất thấp cho các nước đang phát triển (IBRD) sẽ tăng lên (lãi suất IBRD cao hơn IDA).
Do đó, bên cạnh việc sử dụng vốn xóa đói giảm nghèo, Việt Nam cần phải tính tới sử dụng một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi, bao gồm vốn IBRD để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương.
Đồng thời, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại. Sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau, trong đó có hợp tác công - tư (PPP).
Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, các địa bàn thuộc các cực tăng trưởng, kết nối với các địa phương, vùng miền với khu vực và quốc tế, tạo ra tác động lan tỏa mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của cả nước.
Bên cạnh đó, ưu tiên vốn phát triển nhanh hệ thống nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối đi đôi với sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, các công trình phòng chống thiên tai và hiện đại hóa hệ thống thông tin, để đáp ứng yêu cầu phát triển và giảm nhẹ thiên tai.
Vốn ODA sẽ ưu tiên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa... phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. ODA cũng sẽ tập trung hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những hoạt động như quy hoạch xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại thông qua việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và quản lý hiện đại, tăng cường năng lực cạnh tranh của một số loại sản phẩm và hàng hóa trên một số lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế tạo cơ sở cho sự tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế... Thông qua hỗ trợ thúc đẩy thương mại, đầu tư các nguồn vốn này sẽ hỗ trợ tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1763
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)