Trong chương trình tái đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ trong đầu tư công.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bùi Quang Vinh
|
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chương trình tái đầu tư công vẫn còn bộc lộ những tồn tại và vướng mắc.
Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chuyển kế hoạch đầu tư hàng năm sang đầu tư trung hạn. Đây được đánh giá là cơ chế minh bạch nhất nhằm chống tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh xung quanh vấn đề này.
- Thưa Bộ trưởng, một trong những bước đi đầu tiên của chương trình tái đầu tư công là thực hiện Nghị quyết số 11 ban hành ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, đến nay đã gần được ba năm, xin Bộ trưởng có những đánh giá về chương trình này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nghị quyết số 11 ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ là một Nghị quyết rất toàn diện. Đây là một dấu mốc để chuyển từ những chủ trương trước đây là phát triển nhanh và bền vững sang một chương mới phù hợp với tình hình chung của thế giới cũng như nội tại của kinh tế Việt Nam như: ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý.
Nghị quyết 11 toàn diện với tám nội dung xuyên suốt để giải quyết những vấn đề trên, trong đó, có một nội dung liên quan đến đầu tư, đó chính là cần phải siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công.
Theo đó, trong Nghị quyết 11 nêu lên ba nội dung chính nhằm hạn chế giảm bớt đầu tư công để góp phần kiềm chế lạm phát là: cần có chế tài kiểm soát đầu tư công một cách chặt chẽ, tránh đầu tư tràn lan và tạm dừng tất cả dự án khởi công mới trong năm 2011.
Tôi khẳng định, sau ba năm thực hiện, Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống rất tốt và tạo ra ổn định kinh tế vĩ mô và đã kiềm chế được lạm phát.
Tiếng vang của Nghị quyết 11 và chuyển chủ trương của Chính phủ cũng như hiệu quả của đầu tư công trong ổn định kinh tế vĩ mô rất rõ nét.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, Nghị quyết 11 ko phải là Nghị quyết chuyên đề về đầu tư công. Trong ba năm qua, dấu ấn quan trọng nhất để cơ bản thay đổi đầu tư công, hạn chế dàn trải, nâng cao hiệu quả, đó là chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/10/2011. Đây là chỉ thị tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ trong đầu tư công.
Đặc biệt, trong năm 2013, các Bộ, ngành và địa phương đã cơ bản thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị đã và đang từng bước chuyển đổi căn bản trong đầu tư và hiệu quả của đầu tư công đã được nhân lên. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả kém vẫn có nhưng đã được ngăn chặn một cách có hiệu quả.
Chỉ thị 1792 mới tạo ra nhiều bước đột phá trong đầu tư công. Chỉ thị đã quy định rất nhiều về chế tài mà trước đây chưa đặt ra. Tôi cho rằng: “Chỉ thị 1792 là một đột phá rất lớn. Nếu như thời qua, Chính phủ không ban hành chỉ thị 1792 trong lĩnh vực đầu tư công, đến năm 2013, thì tình trạng đầu tư tràn lan, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và tình trạng nợ công của chúng ta không biết sẽ đi đến đâu.”
- Thưa Bộ trưởng, ngoài Chỉ thị 1792 đã và đang đi vào cuộc sống, trong năm 2014, chúng ta có những giải pháp nào tích cực hơn nữa trong lĩnh vực đầu tư công?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong lĩnh vực đầu tư công, không chỉ có Chỉ thị 1792, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp rất căn cơ. Tuy nhiên, trong năm 2014, lần đầu tiên chúng ta làm là vấn đề chuyển từ kế hoạch đầu tư hàng năm trong đầu tư xây dựng cơ bản sang đầu tư trung hạn. Tôi cho rằng, đây là biện pháp có cơ chế minh bạch nhất và chống tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí, chống "chạy chọt" trong đầu tư.
Nếu như chúng ta không chủ động được điều này thì chúng ta không bao giờ tạo ra hiệu quả trong đầu tư. Khi một người làm chủ trương đầu tư mà không biết có bao nhiêu tiền và nếu như hàng năm phải đi xin thì tạo ra tiêu cực, dẫn đến không minh bạch, thậm chí dùng vốn không hiệu quả vì dàn trải. Cho nên việc quyết định chuyển sang kế hoạch đầu tư trung hạn là một chính sách rất mạnh mẽ.
Hiện, Chính phủ đã chính thức ký kế hoạch trung hạn hai năm 2014-2015 cho tất cả các Bộ, ngành và các địa phương. Tôi khẳng định: “Đây là một chuyển đổi vô cùng quan trọng và thực sự căn bản.”
- Thưa Bộ trưởng, ngày càng minh bạch hóa kế hoạch trung hạn, kế hoạch dài hạn nhưng trong tiến trình tái đầu tư công có việc rà soát và xem xét lại những dự án đang triển khai, những dự án đã được ghi vốn. Trong khi việc này có liên quan nhiều đến các Bộ, ngành và các địa phương. Với vai trò trọng tài, thẩm định, tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có gặp khó khăn gì không?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Những quy định chế tài này rất rõ ràng nhưng không phải tất cả các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc vì họ gặp rất nhiều sức ép. Ví dụ như: Thời gian đầu thực hiện chỉ thị 1792 gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ, có nhiều công trình kiểm soát nhưng chưa chặt chẽ. Do đó, tỷ lệ thực hiện Chỉ thị 1792 không được theo ý muốn.
Tôi cho rằng, kế hoạch 2013-2014, tình hình rất tốt. Năm 2013, có tới 96,5% tổng số vốn hỗ trợ Trung ương cho các địa phương là chấp hành theo chỉ thị này. Và năm 2014, tỷ lệ đó còn cao hơn, có nghĩa là các địa phương, các Bộ, ngành đã nhận thấy lợi ích của việc này và cũng đã quen với chế tài này và họ tự ý thức được là cần phải làm như vậy thì mới đỡ được hậu quả. Tuy nhiên, cơ quan thẩm định gặp rất nhiều khó khăn, việc không thông cảm chia sẻ giữa địa phương với các Bộ, ngành là có.
Là người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, tôi nhận được sự ủng hộ cao của các địa phương. Và vốn nợ đọng về đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2014, sẽ giảm nhanh chóng. Đấy là điều tôi rất vui, hiệu quả quản lý trong đầu tư công đang có chiều hướng rất tích cực.
- Công khai, minh bạch và khoa học hơn là vấn đề tính toán về mặt thời gian nhưng nhìn về khía cạnh bên ngoài, hình dung tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ là siết chặt các khoản đầu tư mà lãng phí dàn trải. Nhưng còn một lĩnh vực khác là huy động vốn để thực hiện các dự án mới cần thiết và các dự án trọng điểm cần phải hoàn thiện. Hiện nay, về vấn đề huy động vốn gặp khó khăn như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nguồn vốn ngân sách cho đầu tư công giảm dần là quy luật chung của các nước và ở Việt Nam cũng vậy. Tôi cho rằng, một trong những giải pháp rất quan trọng là huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tham gia vào xây dựng, kết cấu hạ tầng và cung ứng các dịch vụ công của đất nước. Thay vì trước đây chúng ta chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách này.
Do đó, chúng ta cần mở ra một chương mới, đó là cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia vào đầu tư công, mà đặc biệt tư nhân. Các thành phần này là ở khu vực trong nước và nước ngoài. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước có thể tham gia vào dịch vụ công như: dịch vụ y tế, giáo dục, đường xá và cầu cảng.
Đây chính là nội dung quan trọng trong đầu tư công mà Chính phủ đề ra trực tiếp giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo văn bản pháp luật này.
Bộ đang soạn thảo hợp nhất Nghị định 108 về hướng dẫn Luật Đầu tư cùng với Quyết định 71 về thí điểm đối tác công tư thành một nghị định chung là Nghị định PPP (Nghị định về đối tác công-tư) để khuyến khích lĩnh vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lớn cũng như các dịch vụ cung ứng đầu tư công.
Mục tiêu của chúng ta không chỉ là doanh nghiệp trong nước mà chính là các Tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Đây là điều quan trọng nhất để khai thác nguồn tiềm năng , hiếm có về nhân lực, tài lực trong dân chúng ta để đầu tư. Lúc này, nguồn vốn Nhà nước không đầu tư trực tiếp nữa mà chỉ làm nguồn vốn đối ứng cho các dự án. Tôi khẳng định, đây là một hướng rất quan trọng trong chiến lược mở ra nguồn lực để đầu tư cho đất nước trong trung hạn và dài hạn.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.