Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, đây là cơ hội để đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các Tổng Công ty chia sẻ những khó khăn về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư. Thứ trưởng Đào Quang Thu đề nghị đại diện các Bộ, ngành, địa phương thẳng thắn, khách quan đưa ra những kiến nghị, góp ý nhằm đưa ra những ý kiến quý báu góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo niềm tin và bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Nội dung buổi họp tập trung vào tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu, tình hình giải ngân vốn ODA, thu hút FDI và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2013, các giải pháp để thúc đẩy trong thời gian tới. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 của các nguồn vốn.
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, về sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012. Mặc dù chỉ số công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 tăng thấp hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên có chiều hướng cải thiện dần qua từng quý. Cụ thể, Quý I/2013 tăng 4,5%, Quý II/2013 tăng 6%.
Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm. Nhìn chung sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm, tính ổn định và bền vững chưa cao.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ phát triển ổn định. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là nhu cầu thị trường xuất khẩu giảm, giá lúa xuống thấp ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 năm 2013 ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng 5/2013. Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,053 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ gồm điện thoại và các loại linh kiện, máy tính, rau quả, đá quý, các mặt hàng may mặc.
Về thị trường xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 18,5% và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu vào EU tăng 25,4% và chiếm tỷ trọng 18,7%, xuất khẩu vào ASEAN tăng 17,7% và chiếm tỷ trọng 14,9%. Tiếp đến là vào thị trường Nhật Bản và Trung Quốc với tỷ trọng lần lần lượt là 10,4% và 9,7%.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 6 năm 2013 ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 63,6 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ gồm điện tử, máy tính, linh kiện, thức ăn gia súc, bông…
Nhập khẩu khu vực FDI tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung và chiếm tỷ trọng gần 83% trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng thêm của cả nước so với cùng kỳ năm trước.
Ước nhập siêu 6 tháng đầu năm 2013 khoảng 1,4 tỷ USD chiếm 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD (nếu tính cả dầu thô, xuất siêu khoảng 5,4 tỷ USD).
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2013 tăng 0,05% so với tháng 5/2013. So với cung kỳ năm 2012, CPI 6 tháng đầu năm tăng 6,73%.
Tốc độ thu chi ngân sách đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút cùng với việc thực hiện miễn, giãn một số loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT…
Tổng thu ngân sách nhà nước, tính lũy kế từ đầu năm đến 15/6/2013 đạt 324.420 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán năm. Trong đó 15 ngày đầu tháng 6 ước đạt 20.420 tỷ đồng.
Chi ngân sách nhà nước, tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 6 năm 2013, tổng chi ngân sách đạt 409.130 tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán năm. Chi ngân sách nhà nước trong kỳ đã đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ của ngân sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu hoạt động của bộ máy nhà nước.
Về đầu tư phát triển, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm là 401,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9% kế hoạch.
Tính tới ngày 20 tháng 6 năm 2013 có 25 chương trình, dự án ODA được ký kết với tổng trị giá là 3.073,52 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2013 ước tổng giá trị giải ngân đạt khoảng 2.200 triệu USD, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 51,1% so với dự kiến giải ngân cả năm 2013.
Theo đánh giá chung, tình hình giải ngân ODA 6 tháng đầu năm 2013 đã được cải thiện nhờ có sự điều hành sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Một số vướng mắc cần tháo gỡ như sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ, thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án còn kéo dài; vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và vốn đối ứng…
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2013 cả nước có 554 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,812 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2012 và 217 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,66 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012; khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 5,413 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 1,403 tỷ USD.
Cũng trong tháng 6 năm 2013, cả nước có 7.899 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký là 37.127 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và giảm 31,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có 38.908 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 193.561 tỷ đồng, so với năm 2012 thì tăng 7,6% về số lượng doanh nghiệp nhưng giảm 19,9% về số vốn đăng ký.
Trong 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2012. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động tăng dần qua từng tháng. Như vậy có nghĩa là các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực.
|
Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Đức Trung ( MPI Portal)
|
Tại buổi họp đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương về cơ bản đồng ý với nội dung bản báo cáo một số nét chủ yếu về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đã trình bày những nét cơ bản về tình hình kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân ODA, thu hút FDI....
Đại diện hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm tại hai địa phương này. Đại diện hai địa phương này cho biết, nhờ có những chính sách và giải pháp của Chính phủ, tình hình sản xuất kinh doanh cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của đại diện của các Bộ, ngành và địa phương, đã tập trung tăng cường công tác nắm vững tình hình của các ngành kinh tế trọng điểm, tập trung thực hiện những văn bản chỉ đạo điều hành của Chỉnh phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Đại diện của các Bộ, ngành, địa phương và các Tổng Công ty cũng đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án.
Theo đánh giá chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 6 và 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả tương đối khả quan. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân vẫn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức./.