Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/08/2013-19:01:00 PM
Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Xây-sen
(MPI Portal) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Tổng thống nước Cộng hòa Xây-sen James Alix Michel tại Việt Nam, sáng ngày 29/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại Sứ quán Xây-sen tại Bắc Kinh tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Xây- sen”.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Tham dự Diễn đàn, phía nước Cộng hòa Xây-sen có Tổng thống James Alix Michel, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jean – Paul Adam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Marco Francis, Đại sứ Cộng hòa Xây-sen tại Bắc Kinh kiêm Việt Nam Phillippe Le Gall. Phía Việt Nam có Bộ trưởng Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước và các cơ quan thông tấn báo chí.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Xây-sen còn có sự tham gia của các diễn giả là Lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị xúc tiến thương mại, Lãnh sự và lãnh đạo của các công ty, tập đoàn tài chính hàng đầu Xây-sen nhằm cung cấp những thông tin mới và chính xác về các chính sách ưu đãi, môi trường kinh doanh và đầu tư của Xây- sen cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam được gặp gỡ chia sẻ các kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Xây-sen.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam – Xây-sen có nhiều tiềm năng to lớn trong hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật. Xây- sen đứng đầu trong số 7 nước Châu Phi hiện có đầu tư vào Việt Nam với 8 dự án, tổng số vốn là 33,6 triệu USD (tính đến tháng 6/2013). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt khoảng 2,2 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khoảng 1,3 triệu USD chủ yếu là gạo, sản phẩm hóa chất và lưới đánh cá.
Các lĩnh vực đầu tư chính của Xây-sen gồm sản xuất bê-tông trộn sẵn, các sản phẩm từ bê-tông, xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất băng keo và các nhãn hàng bằng nhựa, sản xuất và gia công các sản phẩm lò xo dùng trong các lĩnh vực công nghiệp, chế biến và đóng hộp thủy sản, rau, ngũ cốc.
Ông Vũ Tiến Lộc hy vọng Việt Nam là cửa ngõ để Xây-sen thâm nhập vào thị trường ASEAN và Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. Còn Xây-sen sẽ là cửa ngõ để Việt Nam thâm nhập thị trường Châu Phi nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc lần này của Tổng thống Xây-sen, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Xây-sen đã ký các văn bản thỏa thuận hợp tác. Điều này thể hiện quyết tâm của Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước trong việc hỗ trợ và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Xây-sen, ông Marco Francis cho biết, trong năm 2011, GDP của Xây Sen là 5%, GDP đầu người là 12.000 USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 470 triệu USD, nhập khẩu đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Các ngành đóng vai trò quan trọng của Xây Sen gồm ngành du lịch, khai thác thủy sản, dầu khí, kinh tế biển.
Trong giai đoạn 2011-2013, thị trường châu Phi được dự đoán sẽ tiêu dùng đến 24 triệu tấn gạo, trong đó 10 triệu tấn gạo sẽ phải nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vì thị trường châu Phi luôn dành cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.
Mối quan hệ giữa Việt Nam – Xây-sen đã phát triển trong những năm qua và đã có mối quan hệ song phương đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác. Ông Marco Francis nhấn mạnh, Diễn đàn lần này là hoạt động quan trọng vì chắc chắn nó sẽ tăng cường sự trao đổi giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm tăng cường trao đổi thương mại giữa hai bên. Xây-sen muốn kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy nắm bắt cơ hội vàng này để hợp tác với các đối tác Xây-sen và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mỗi bên.
Trong khuổn khổ Diễn đàn, các diễn giả của Xây-sen đã giới thiệu tổng quan về tình hình thương mại và đầu tư của Cộng hòa Xây-sen. Các lĩnh vực được chia sẻ liên quan đến du lịch; Tiềm năng của nền kinh tế biển, cụ thể lĩnh vực ngư nghiệp; Tiềm năng thương mại với Xây-sen và khu vực./.
Tùng Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1284
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)