Ngày 27/03/2014-16:41:00 PM
(MPI Portal) –Sáng ngày 26/3, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EU). Kỳ họp do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Giám đốc điều hành, Cơ quan Đối ngoại Châu Âu, David O’Sullivan đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Đại sứ quán các nước thành viên Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan đến từ hai nước.
Hội nghị nhằm trao đổi về quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU. Với việc ký chính thức Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, quan hệ hai Bên đã được mở rộng trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, thể chế, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, năng lượng, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 21 tháng 3 năm 2014 vừa qua, hai Bên đã kết thúc thành công Phiên đàm phán thứ 7 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU tại Hà Nội, đưa mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương trình bày tổng quan về tình hình kinh tế xã hội, tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, năm 2013 kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế và kinh tế từng bước hồi phục. Tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012, đưa quy mô nền kinh tế lên khoảng 170,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1900 USD. Lạm phát năm 2013 thấp nhất trong vòng 10 năm. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và năm 2013 được kiểm soát ở mức 6,04%. Thị trường tiền tệ ổn định, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại. Tăng trưởng tín dụng đã có chuyển biến. Dư nợ tín dụng năm 2013 tăng 12,5%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 18,57%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 15,04%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa. Tỷ giá được giữ tương đối ổn định. Thị trường ngoại tệ tự do dần bị thu hẹp, tình trạng vàng hóa giảm đáng kể, niềm tin vào giá trị tiền đồng Việt Nam được tăng lên. Vềxuấtnhập khẩu, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Xuất siêu năm 2013 khoảng 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong năm 2013, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với năm 2012, số vốn giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 9,9%. Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tổng giá trị giải ngân ODA cả năm 2013 đạt 4,5 tỷ USD, tăng 23,2% so với năm 2011 và 7,5% so với năm 2012, đóng góp quan trọng vào nguồn vốn đầu tư phát triển của Việt Nam. Về an sinh xã hội, mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn song Việt Nam luôn ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2013, ước tạo việc làm cho khoảng 1,54 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,48%. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012 và khoảng 7,8% năm 2013, bình quân giảm trên 2%/năm. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ có tiến bộ. Mạng lưới cơ sở y tế, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực.
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014: Trên cơ sở đánh giá bối cảnh thế giới và tình hình trong nước,trong năm 2014, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển từ kiềm chế lạm phát sang chủ động kiềm chế lạm phát, đồng thời, điều hành linh hoạt để từng bước phục hồi tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Về tái cơ cấu đầu tư công: Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, rà soát các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển và các khoản vay được nhà nước bảo lãnh để tập trung đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội.Chính phủ Việt Nam cũng sẽ chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa 3 đột phá chiến lược về cải cách thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở giai đoạn sau. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
|
Ông David O’Sullivan, Giám đốc điều hành, Cơ quan Đối ngoại Châu Âu.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Hội nghị, ông David O’Sullivan, Giám đốc điều hành, Cơ quan Đối ngoại Châu Âu, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và những nỗi lực to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong tiến trình hội nhập quốc tế. Ông bày tỏ mong muốn quan hệ giữa hai bên tiếp tục phát triển tốt đẹp.
EU là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, là thị trường lớn với thế mạnh về công nghệ cao, các sản phẩm xanh và sạch. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, EU luôn là một trong những đối tác tài trợ lớn cho Việt Nam với tổng ngân sách cam kết tài trợ trong giai đoạn 1993-2013 đạt gần 14 tỷ USD.
Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-EU:Trong vòng 12 năm từ 2001 đến 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-EU đã tăng hơn 7 lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2001 lên 33,7 tỷ USD năm 2013, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 8 lần và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 6,2 lần.
Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 33,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012. Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 24,3 tỷ USD năm 2013, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2013 vẫn là các mặt hàng truyền thống có thế mạnh như: Hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính. Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011, song có kim ngạch xuất khẩu cao, đạt trên 8 tỷ USD năm 2013. Các nhóm mặt hàng này chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Kết thúc Hội nghị, hai bên khẳng định Việt Nam - EU thúc đẩy quan hệ đối ngoại phát triển hiệu quả và thực chất, đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực./.
Mai Phương Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|