Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/12/2007-13:47:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa năm 2007
1. Sản xuất Công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá CĐ 1994) ước năm 2007 được 11.356 tỷ đồng tăng 12,4% năm trước, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước trung ương 352 tỷ đồng giảm 54%, giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương được 3.071 tỷ đồng tăng 2,6%, giá trị sản xuất công nghiệp thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.576 tỷ đồng tăng 3,7%, giá trị sản xuất công nghiệp các thành phần kinh tế khác 5.357 tỷ đồng tăng 38,7%, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn tăng từ 21,6% đến 54%. So năm trước, một số sản phẩm tăng cao hơn mức tăng chung như: đường mật các loại 90,7 ngàn tấn tăng 81,8%, bia các loại 17.768 ngàn lít tăng 23,4%, sợi các loại 13 ngàn tấn tăng 18,7%, cát xuất khẩu 511 ngàn m3 tăng 24%, thuốc viên các loại 140 triệu viên tăng 18,6% nhưng nhiều sản phẩm chủ yếu đóng góp phần lớn cho việc thực hiện KH xuất nhập khẩu và thu ngân sách tăng chậm so mức tăng chung hoặc giảm mức sản xuất do thiếu nguyên liệu, tiêu thụ chậm hoặc thời tiết không thuận: thuốc lá điếu 696 triệu bao tăng 11,4%, thủy sản đông lạnh 48,7 ngàn tấn giảm 3,9%, vải các loại 4.680 ngàn m2 giảm 11,8%, xi măng các loại 27,1 ngàn tấn giảm 21,7%, gạch xây giảm 1,7%, dây khóa kéo giảm 0,8%, muối hạt giảm 9,1%. Sản xuất công nghiệp của tỉnh từ năm 2003 mức tăng trưởng đã chậm lại: so năm trước giá trị sản xuất năm 2004 tăng 20,07%, năm 2005 tăng 19,01%, năm 2006 tăng 15,47%, năm 2007 tăng 12,40%. Với mức tăng 12,4% so năm trước sản xuất công nghiệp năm 2007 vừa không đạt KH vừa tác động trực tiếp đến việc không hoàn thành KH của các chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách. Nguyên nhân chủ yếu là do 4 năm qua việc bổ sung năng lực sản xuất công nghiệp không tương xứng với vị thế và tiềm năng của công nghiệp, biểu hiện rõ nhất hụt hẫng vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, trước hết là vốn đầu tư nước ngoài: năm 2005 có 2 dự án, năm 2006 có 1 dự án, vốn đầu tư năm 2007 cũng chỉ có 2 dự án (Cty TNHH may Cerie Việt Nam và Chi nhánh Cty TNHH thực phẩm Yamato) đi vào hoạt động sản xuất và 4 dự án được cấp phép mới. Vốn đầu tư trong nước có khởi công một số công trình lớn như Nhà máy xi măng, Nhà máy đóng tàu, Nhà máy thủy điện... nhưng mới có Nhà máy thủy điện EakrôngRu đi vào hoạt động từ tháng 5/2007. Một số DN chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất công nghiệp thiếu chiến lược sản xuất bền vững đến năm 2007 đã bộc lộ phải giảm mức sản xuất hoặc phải chuyển đổi công nghệ: Cty TNHH tàu biển Hyundai Vinashin tăng nhanh giá trị sản xuất sửa chữa tàu đến năm 2006 chiếm 14% GTSX công nghiệp của tỉnh, do sử dụng hạt nix gây ô nhiễm môi trường nên từ cuối tháng 8/2007 buộc phải ngừng sửa chữa tàu biển để chuyển hướng sang hoán cải đóng mới tàu thuyền, giá trị sản xuất giảm 9,5% so năm trước; sản xuất thuốc lá ở Tổng cty Khánh Việt tăng nhanh sản xuất thuốc lá điếu đến năm 2006 chiếm 24,5% GTSX công nghiệp của tỉnh, năm 2007 bị khống chế công suất và nguồn nhập khẩu nguyên liệu, giá trị sản xuất chỉ tăng 7,9%.
Trong năm 2007 UBND tỉnh đã chủ động điều chỉnh quy hoạch sản xuất công nghiệp, phê duyệt mức hỗ trợ khuyến công và công bố danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, kiên quyết xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do hạt nix, tích cực kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay khu CN Suối Dầu đã hoàn thành giai đoạn 1, cụm CN vừa và nhỏ Diên Phú 1 vừa xây dựng vừa đi vào hoạt động, cụm CN Ninh Xuân đang lập quy hoạch, các khu CN ở Cam Ranh và 10 cụm CN vừa và nhỏ đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng.
2. Đầu tư - Xây dựng
Vốn đầu tư phát triển xã hội ước 6.300 tỷ đồng bằng 105% KH tăng 21,7% so năm trước, trong đó vốn đầu tư ngân sách nhà nước 1.146,8 tỷ đồng bằng 81,8% KH, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 350 tỷ đồng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã sôi động trở lại với việc hàng loạt nhà đầu tư lớn đến Khánh Hòa tìm hiểu cơ hội đầu tư. Năm 2007 đã có thêm 5 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với số vốn đầu tư đăng ký 11,9 triệu USD và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn 7,3 triệu USD; nâng số dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực đến nay lên 64 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 478,8 triệu USD, bình quân vốn đăng ký 1 dự án được 7,48 triệu USD. Một số công trình thuộc các dự án lớn thuộc các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước với số vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng đã được triển khai thi công: Kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang, Nhà máy đóng tàu Cam Ranh, nhà ga Cảng hàng không Cam Ranh, trạm phân phối xi măng Ninh Thủy... Ngoài ra trong năm có 656 Cty TNHH, Cty tư nhân với số vốn đăng ký 7.180 tỷ đồng được thành lập.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2007 ước thực hiện được 1.146,8 tỷ đồng bằng 81,8% KH giảm 0,7% so năm trước. Năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành các quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, quy định thủ tục thực hiện, quản lý các dự án đầu tư và xây dựng sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư công khai, minh bạch theo quy trình... nên phần lớn các dự án đạt được hiệu quả đầu tư. Một số công trình thuộc các ngành y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng dân dụng và chương trình phát triển kinh tế xã hội theo chương trình 134 đã được đẩy nhanh hơn, thực hiện vốn khá như: chỉnh trang hạ lưu sông Tắc và sông Quán Trường, đường Lê Thánh Tôn- Thái Nguyên, đường tỉnh lộ 8 đi Cà Thiêu Khánh Vĩnh, đường Lê Hồng Phong Vạn Ninh (giai đoạn B), cầu Bình Tân 2, khu tái định cư Lương Hải Vạn Ninh, giải tỏa đền bù hồ Hoa Sơn Vạn Ninh (đợt 2), nhà làm việc Phòng tài nguyên môi trường Khánh Vĩnh, cảng cá Vĩnh Lương, trường THCS Phan Đình Phùng Cam Lâm, trạm y tế xã Suối Cát Cam Lâm, cống tràn số 7-8 xã Cam An Nam, cơ sở hạ tầng khu dân cư Hòn Rớ, nâng cấp đường liên xã (từ cầu Vĩnh Phương đi QL1 Diên Phú), Trung tâm giáo dục lao động xã hội Khánh Hòa, bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh, khu đô thị mới Vĩnh Hòa, khu liên cơ huyện Khánh Sơn, nâng cấp đường Âu Cơ huyện Khánh Sơn, giao thông nông thôn thị trấn Diên Khánh... Chương trình kiên cố hóa kênh mương tại các địa phương được đẩy nhanh tiến độ thi công các kênh mương loại II như hệ thống kênh hồ chứa nước Láng Nhớt Diên Khánh, hệ thống kênh hồ chứa nước Đá Đen Vạn Ninh, hồ chứa nước Tiên Du Ninh Hòa. Đối với kênh mương loại III, đang tiếp tục hoàn thiện khối lượng thi công đảm bảo đúng tiến độ để phục vụ công tác tưới tiêu nội đồng trong vụ sản xuất tới.
Một số công trình khác bị kéo dài do vướng khâu đền bù giải tỏa mặt bằng: đường Phạm Văn Đồng, đường Pasteur, đường 23/10 đoạn Mã Vòng- Thủy Xưởng, đường Nguyễn Khuyến, công trình đô thị, kè và đường ven sông Cái, thông tuyến Ngô Gia Tự- Cửu Long, Trung tâm thông tin triển lãm, nâng cấp tỉnh lộ 8, nâng cấp mở rộng hương lộ 39 và một số dự án thuộc nguồn vốn TW hỗ trợ đầu tư có mục tiêu việc lập hồ sơ thiết kế dự toán đấu thầu thi công chậm đã dẫn đến không hoàn thành KH thực hiện vốn đầu tư 2007. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân công tác kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản vẫn theo kiểu cũ, chưa theo kịp với tiến trình đổi mới trong các chủ trương chính sách của nhà nước về thủ tục lập duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, thiết kế thi công. Tiến độ giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản đã khá hơn những năm trước nhưng vẫn còn chậm, tính đến cuối tháng 11/2007 được 567 tỷ đồng đạt 42,5% KH. Dự ước năm 2007 có 45 công trình khởi công mới với tổng dự toán 101 tỷ đồng và 33 công trình hoàn thành bàn giao với tổng vốn thực hiện trên 100 tỷ đồng. Tỷ lệ huy động tài sản cố định năm 2007 chỉ khoảng 10% cho thấy vốn đầu tư bị dàn trải quá nhiều công trình dễ dẫn đến lãng phí thất thoát.
3. Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thuỷ sản
Sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản gặp thời tiết không thuận, đầu năm nắng nóng kéo dài, cuối năm mưa bão nhiều ngày đã làm giảm diện tích gieo trồng và năng suất của nhiều loại cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gia súc gia cầm và nhiều loại thủy sản nuôi trồng.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản năm 2007 ước được 2.338,7 tỷ đồng (giá so sánh 1994) tăng 2,1% so năm 2006, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp 1.029,8 tỷ đồng tăng 3,2%. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tính từ vụ đông xuân được 77.933 ha bằng 100,4% KH; trong đó diện tích cây lương thực 46.953 ha bằng 97,3%, cây chất bột có củ 5.342 ha bằng 128,3%, cây thực phẩm 6.289 ha bằng 90,4%, cây công nghiệp hàng năm 18.408 ha bằng 101,1%. So năm trước, tổng diện tích gieo trồng giảm 6,5%, trong đó diện tích cây lương thực giảm 10,7%; sản lượng các loại cây công nghiệp, cây chất bột tăng lên nhưng sản lượng các loại cây thực phẩm cây lương thực giảm; riêng lương thực 200 ngàn tấn giảm 6,5%, trong đó lúa được 188.409 tấn giảm 7,7%. Các địa phương có sản lượng lương thực giảm so năm trước là huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh, Tx Cam Ranh và Tp Nha Trang.
Chăn nuôi gia súc gia cầm ở các huyện đồng bằng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm lây lan ở một số tỉnh bạn và dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc, dịch hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo thường gọi là dịch heo tai xanh (DHTX) xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Tháng 02/2007 dịch LMLM gia súc xuất hiện ở 19 xã thuộc 3 huyện Ninh Hòa, Khánh Vĩnh và Tx Cam Ranh, đến cuối tháng 3/2007 đã được khống chế và từ đó đến nay không xảy ra ổ dịch mới; từ giữa tháng 9/2007, DHTX xuất hiện lần đầu ở phường Phước Hải Tp Nha Trang và lan ra 31 xã thuộc huyện Cam Lâm, Ninh Hòa, Diên Khánh, Tp Nha Trang, Chi cục thú y đã tổ chức tiêu độc chuồng trại, các ổ dịch, lập các chốt kiểm dịch động vật cố định và lưu động để kiểm tra xử lý các trường hợp mua bán vận chuyển lợn trái phép. Đã tiêu hủy 3.492 con lợn với trọng lượng trên 178 tấn. Đến đầu tháng 12/2007 dịch được khống chế. Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch LMLM được tiến hành thường xuyên.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2007 ước được 49,9 tỷ đồng (giá so sánh 1994) không đạt KH, giảm 2,7% so năm trước. Các Lâm trường và Ban quản lý rừng khai thác 22.814 m3 gỗ tròn bằng 163% KH do khai thác tận thu ở vùng thủy điện Sông Giang, trồng rừng mới được 694 ha chỉ bằng 44,8% KH do thực hiện việc rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, quỹ đất được quy hoạch cho trồng rừng phòng hộ đã bị thay đổi, việc trồng rừng sản xuất triển khai chậm, các Ban quản lý trồng rừng cấp huyện, xã chưa được thành lập; công tác phòng chống cháy rừng được tăng cường nên có xảy ra 3 vụ cháy rừng nhưng thiệt hại không đáng kể. Với kết quả trồng rừng năm 2007, tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%.
Giá trị sản xuất thủy sản năm 2007 ước được 1.259 tỷ đồng (giá so sánh 1994) tăng 1,4% so năm 2006. Những tháng đầu năm sản lượng khai thác đạt khá, từ tháng 10 trở đi xảy ra nhiều đợt mưa bão đã làm giảm số lượt ra khơi của ngư dân, ước sản lượng khai thác cả năm được 66.872 tấn bằng 101,6% KH tăng 2,5% so năm trước; khai thác yến sào 2.310 kg tăng 0,9%. Về nuôi trồng thủy sản, nuôi cá mú cá chẽm, vẹm xanh, rong sụn phát triển tốt, thu hoạch tôm thịt được 5.476 tấn tăng 6,4% so năm trước, 848 kg ngọc trai giảm 46,3%, 313 tấn cá bớp giảm 5,9%; sản xuất tôm giống được 2.090 triệu con tăng 1,2%; nuôi tôm hùm lồng toàn tỉnh có gần 30 ngàn lồng chỉ thu hoạch được 595 tấn giảm 51,4% thiệt hại hơn 200 tỷ đồng do tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt, thiệt hại nhiều nhất ở Tx Cam Ranh. Các cơ quan quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học đã tổ chức điều tra nghiên cứu nguyên nhân dịch bệnh, bước đầu đã xác định vi khuẩn họ Rickétsia gây ra bệnh tôm hùm. Công tác nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ứng dụng điều trị tôm hùm tại lồng đang được tiến hành sâu hơn nhằm xác định rõ loại vi khuẩn gây bệnh và phác đồ điều trị. Thực trạng dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản năm 2007 cho thấy để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững cần thiết có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”, trong đó cần coi trọng công tác quy hoạch kiểm tra tuyên truyền thực hiện phòng chống ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng.
4. Thương mại, Du lịch và Giá cả
Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ thị trường toàn tỉnh năm 2007 ước được 26.613,7 tỷ đồng tăng 17,3% so năm trước, trong đó bán lẻ được 15.095,2 tỷ đồng tăng 24,1%; mặt hàng chủ yếu bán ra của các DNNN gồm: 207,8 ngàn tấn xăng dầu, 638,4 triệu bao thuốc lá điếu, 17 ngàn tấn phân bón, 1.150 ngàn hộp sữa... Các DN có doanh thu tăng khá so năm trước: Cty TNHH 1 thành viên Khatoco 3.390 tỷ đồng tăng 6,2%, Cty xăng dầu Phú Khánh 1.730 tỷ đồng tăng 18,4%, Cty cổ phần sách thiết bị trường học 24,6 tỷ đồng tăng 21%. Hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi và lực lượng vũ trang ở hải đảo còn được nhà nước hỗ trợ hàng tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán. Lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát, thực hiện 5.584 lượt kiểm tra, phát hiện 844 vụ vi phạm trong đó có 109 vụ vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, 31 vụ liên quan đến hàng giả, 329 vụ vi phạm về đăng ký kinh doanh và 375 vụ vi phạm về hóa đơn chứng từ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua xử lý đã thu nộp ngân sách 1.104 triệu đồng.
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2007 mở rộng thêm nhiều DN tham gia xuất khẩu đến với nhiều quốc gia vùng lãnh thổ nhưng so với năm trước kim ngạch xuất khẩu tăng chậm, kim ngạch nhập khẩu giảm. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2007 ước được 490 triệu USD bằng 79% KH, trong đó xuất khẩu hàng hóa 380 triệu USD tăng 0,1% so năm trước, xuất khẩu dịch vụ 110 triệu USD tăng 1,7%. Các DN nhà nước trung ương xuất được 11 triệu USD, DN nhà nước địa phương 25 triệu USD, DN tư nhân 235 triệu USD và DN có vốn đầu tư nước ngoài 211 triệu USD. Toàn tỉnh có 120 DN tham gia hoạt động xuất khẩu tăng 38 DN so năm trước, các mặt hàng chủ yếu được xuất đi 71 nước với các mặt hàng chủ yếu: 55.100 tấn thủy sản đông lạnh, 3.570 tấn hạt điều, 3.470 tấn cà phê, 575 ngàn tấn cát.... Xuất khẩu tăng chậm do sản xuất công nghiệp các sản phẩm thủy sản đông lạnh, sửa chữa tàu biển tăng chậm, Cty cà phê giải thể khiến mặt hàng xuất cà phê giảm mạnh. Nhập khẩu được 225 triệu USD giảm 5,2% so năm trước với các mặt hàng nhập chủ yếu: nguyên phụ liệu sản xuất thuốc lá, thức ăn nuôi tôm, phụ liệu may, thiết bị phụ tùng, hóa chất... và hơn 24 ngàn tấn thủy sản chưa qua chế biến. Nhập khẩu giảm sút chủ yếu do việc nhập phân bón và nguyên phụ liệu sản xuất thuốc lá giảm.
Các sự kiện văn hóa du lịch như khánh thành đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất thế giới, chương trình Festival biển 2007, liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc giải Sao Mai 2007, chương trình Phụ nữ thế kỷ XXI, đặc biệt là cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu trái đất 2007 được tổ chức tại Tp Nha Trang đã đưa hoạt động kinh doanh du lịch toàn tỉnh năm 2007 sôi động hơn các năm trước, thương hiệu du lịch Nha Trang- Khánh Hòa tiếp tục được quảng bá sâu rộng đến du khách trong và ngoài nước. So năm trước, số khách sạn 361 tăng 80 khách sạn, số phòng khách sạn 7.270 tăng 951 phòng, nhiều DN có doanh thu tăng khá như Cty du lịch và thương mại Vinpearl Land được 155,2 tỷ đồng tăng 40,9%, Cty du lịch Khánh Hòa 82,4 tỷ đồng tăng 8,2%, Cty liên doanh Yasaka Sàigòn- Nha Trang 65,6 tỷ đồng tăng 39,5%, Cty TNHH Nha Trang Lodge 45,9 tỷ đồng tăng 36,9%, Cty cổ phần du lịch thương mại Nha Trang 25,7 tỷ đồng tăng 32,2%, Cty du lịch Long Phú 16,9 tỷ đồng tăng 52,9%. Ước năm 2007 toàn tỉnh thu hút được 5.223 ngàn lượt khách tham quan tăng 36,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó có 1.360 ngàn lượt khách đến các cơ sở lưu trú với 2.847,8 ngàn ngày khách tăng từ 25,9% đến 29,4%; doanh thu du lịch ước được 1.020 tỷ đồng tăng 22,4%.
Những tháng cuối năm mưa bão kéo dài ở các tỉnh miền trung gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, giảm sản lượng lương thực thực phẩm cung cấp cho thị trường; trong tỉnh DHTX phát sinh và lây lan ra 4 huyện Tp làm giảm lượng thịt bán ra; tình hình giá vàng, giá dầu trên thị trường thế giới đạt mức kỷ lục kéo giá vàng, giá xăng dầu, giá gas trong nước lên cao... đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2007 tăng 10,03% so tháng 12/2006. Đây là mức tăng cao so với các năm trước (năm 2004 tăng 8,21%, năm 2005 tăng 8,9%, năm 2006 tăng 8,09%), tốc độ tăng giá bình quân năm 2007 là 0,8%/tháng. Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao so tháng 12/2006: lương thực tăng 11,51%, thực phẩm tăng 13,40%, nhà ở điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 17,60%, phương tiện đi lại và bưu điện tăng 9,34%, đồ uống và thuốc lá tăng 6,93%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,80%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,88%, giáo dục tăng 4,14%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,62%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,34%, nhóm hàng văn hóa giải trí và du lịch có chỉ số giá tăng nhẹ 0,44%; chỉ số giá vàng tăng cao 27,57%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,07%. Từ nay đến tết Nguyên đán do nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân tăng lên trong dịp lễ tết, giá vàng đang giữ mức cao, giá xăng được điều chỉnh tăng lên nên giá cả nhiều mặt hàng và giá nhiều loại dịch vụ đang bị kích thích tăng lên.
5. Tài chính, Ngân hàng
Thu ngân sách năm 2007 ước được 4.000 tỷ đồng bằng 95,5% KH, trong đó thu ngoài quốc doanh bằng 111,7%, thu phí và lệ phí bằng 208%, thu xuất nhập khẩu hải quan bằng 105,1%, thu hoạt động xổ số kiến thiết bằng 100%... nhưng nhiều khoản thu như: thu từ DN trung ương, DN địa phương, DN có vốn đầu tư nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân, thu tiền sử dụng đất, thu phí xăng dầu đạt thấp từ 66,7% đến 93,7% dẫn đến thu nội địa 3.080 tỷ đồng bằng 92,9% KH. So năm trước, hầu hết các khoản thu đều tăng khá, nhất là thu XNK hải quan, riêng thu từ các DN nhà nước trung ương giảm 14%, DN nhà nước địa phương giảm 2% do các DN chuyển sang hoạt động công ty ngoài nhà nước hoặc giảm mức sản xuất. Phân tích các khoản thu từ các DN và cơ sở sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế nhà nước, ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ năm 2004 đến nay có tình hình tăng chậm lại. Năm 2002 thu 1.207,7 tỷ đồng tăng 46,4% so năm trước, năm 2003 thu 1.736,8 tỷ đồng tăng 43,8% so năm trước, năm 2004 thu 1.872,9 tỷ đồng tăng 7,8% so năm trước, năm 2006 thu 2.034,7 tỷ đồng tăng 8,6% so năm trước, năm 2007 thu 2.132 tỷ đồng tăng 4,8%. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên: Trong thu ngân sách nội địa, thuế tiêu thụ đặc biệt bia và thuốc lá chiếm tỷ trọng lớn (năm 2007 chiếm trên 38%), khi tăng được sản lượng thuốc lá thu ngân sách tăng nhanh, khi khống chế sản lượng thuốc lá thu ngân sách bị ảnh hưởng ngay; các DNNN đang trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa bán khoán cho thuê... nên có nơi có lúc phải giảm mức sản xuất, được giảm thuế và một phần thuế chuyển sang phần thu thuế công thương nghiệp tư nhân; từ năm 2001 đến nay không có DN có vốn đầu tư nước ngoài có tầm cỡ đi vào hoạt động nên thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ duy trì ở mức 140 - 145 tỷ đồng/năm. Trong tình hình chung đó, thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh 5 năm liền có mức tăng trưởng từ 25-36% và năm 2007 đạt mức cao 440 tỷ đồng. Nếu loại trừ thuế tiêu thụ đặc biệt, thì thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đã cao hơn thu từ DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo kết quả tổng điều tra cơ sở HSCN trên địa bàn tỉnh đến 01/7/2007 có 2.800 DN và 55.163 cơ sở SXKD công thương nghiệp ngoài quốc doanh với khoảng 148 ngàn lao động, chỉ có 33,6% cơ sở cá thể đóng thuế và 30,6% cơ sở cá thể có đăng ký kinh doanh. Rõ ràng là công tác thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh nếu được coi trọng hơn, quan tâm quản lý chặt chẽ hơn và phân cấp cho huyện nhiều hơn còn có khả năng đạt kết quả cao hơn. Theo báo cáo thống kê năm 2007, Cty du lịch Khánh Hòa vượt mức KH thu ngân sách 12,5% nhưng mức thu ngân sách từ Cty này chỉ bằng 1/2 mức thu ngân sách từ khách sạn Nha Trang Lodge và khách sạn Yasaka Sài gòn Nha Trang, phản ảnh việc sử dụng đất trên đường Trần Phú vào kinh doanh khách sạn đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ có kinh doanh khách sạn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài mới đạt hiệu quả cao nhất.
Chi ngân sách năm 2007 ước được 2.443 tỷ đồng bằng 101,1% KH tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó chi thường xuyên 1.167 tỷ đồng tăng 16,4%, chi đầu tư phát triển 1.120 tỷ đồng tăng 71,7%.
So cùng kỳ năm trước, thu tiền mặt qua ngân hàng năm 2007 ước được 38.450 tỷ đồng tăng 14,5%, chi tiền mặt 39.600 tỷ đồng tăng 14,8%. Dư nợ cho vay đến 31/12/2007 là 9.500 tỷ đồng tăng 37,6% so cùng kỳ năm trước trong đó dư nợ của các Chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước 7.220 tỷ đồng, NHTM cổ phần 2.280 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng thương mại. Thực hiện Chỉ thị 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, các NHTM phối hợp với các cơ quan, tổ chức, DN mở rộng việc cung ứng, hướng dẫn sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản và nhiều hình thức khuyến mại phát hành thẻ ATM miễn phí; toàn tỉnh hiện có 88 máy ATM với 157 ngàn thẻ được phát hành gấp 2 lần so với đầu năm.
6. Vận tải và Bưu chính Viễn thông
Các ngành vận tải kho bãi và bưu chính viễn thông đang trên đà phát triển nhanh và có nhiều cơ hội bức phá trong những năm tới. Vận tải đường bộ đường biển có doanh thu vận tải bốc xếp, luân chuyển hành khách, khối lượng hàng hóa bốc xếp qua cảng biển năm 2007 tăng từ 2,3% đến 39,2% so năm trước, luân chuyển hàng hóa giảm 26,8%; vận chuyển hành khách đường sắt được 513,2 ngàn lượt người, luân chuyển 241,6 triệu lượt người km, doanh thu 77 tỷ đồng tăng từ 4,1% đến 22,6%. Vận tải đường hàng không, từ tháng 9/2007 hãng hàng không Pacific Airlines khai trương thêm đường bay Nha Trang - Tp Hồ Chí Minh - Nha Trang góp phần đưa số lượt người lên xuống sân bay lên 464,9 ngàn người tăng 12,8% với 5.530 lần hạ cất cánh tăng 10,1%, doanh thu 56 tỷ đồng tăng 60% so năm trước. Từ tháng 11/2007, Cụm hàng không miền trung khởi công xây dựng dự án Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (gói thầu số 3) và Cảng Ba Ngòi được UBND tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao cho Tổng cty hàng hải Việt Nam quản lý.
Các đơn vị vận tải đầu tư 42 xe khách/ 725 ghế, 10 xe tải/60 tấn với tổng vốn đầu tư 18,8 tỷ đồng; các đơn vị giao thông làm mới được 5,6 km đường, 1 cầu, 5 cống và nâng cấp sửa chữa 46,8 km đường với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng. Từ ngày 20/12/2006 đến ngày 14/12/2007 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 190 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 212 người, bị thương 83 người; nhiều nhất là huyện Ninh Hòa (54 vụ, chết 56 người, bị thương 13 người) nguyên nhân chính do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm tốc độ hoặc tránh vượt sai quy định hoặc không có giấy phép lái xe. Tai nạn đường sắt xảy ra 12 vụ, làm chết 13 người do người đi đường vi phạm khổ giới hạn. So với năm trước tai nạn giao thông đã tăng thêm 67 vụ với 83 người chết. Từ 15/12/2007 nhân dân toàn tỉnh đã nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Người dân đang quan tâm đến việc kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm và thực hiện nghiêm túc việc cấm lưu hành các loại xe công nông từ 01/01/2008.
Tổng doanh thu bưu điện năm 2007 ước được 536,5 tỷ đồng tăng 75,3% so năm trước, trong đó doanh thu bưu chính viễn thông 503,5 tỷ đồng tăng 82,4%, số bưu phẩm chuyển phát, bưu kiện đi có cước, báo chí phát hành, số tiền chuyển qua thư và điện chuyển tiền cũng tăng từ 6% đến 13,6%; trên địa bàn tỉnh hiện có 16.800 thuê bao internet. Trong năm 2007, toàn tỉnh lắp đặt mới 339.590 máy điện thoại đưa tổng số máy được lắp đặt đến nay lên 750.000 máy.
7. Văn hoá - Xã hội
Quy mô giáo dục tiếp tục phát triển hướng tới các địa bàn khó khăn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để rút ngắn khoảng cách về phát triển giáo dục so với đồng bằng; hoàn thành chuẩn phổ cập THCS; chất lượng giáo dục từng bước được củng cố và có tiến bộ từng mặt qua cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD & ĐT. Công tác quản lý giáo dục đã có những đổi mới tích cực theo hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả khách quan trung thực, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.
Kết thúc năm học 2006-2007, bậc mẫu giáo toàn tỉnh có 32.563 học sinh, bậc tiểu học có 103.029 học sinh (số học sinh lớp 5 được công nhận hoàn thành bậc tiểu học đạt tỷ lệ 97,8%), bậc trung học cơ sở có 91.583 học sinh (số học sinh được công nhận tốt nghiệp đạt tỷ lệ 94,74%) đều giảm từ 0,8% đến 3,97% so năm học trước. Học sinh tốt nghiệp THCS được học lên lớp 10 phổ thông, bổ túc văn hóa bằng 71,11% so với tốt nghiệp và 85,93% so với số đăng ký dự thi lớp 10; Bộ GD&ĐT đã kiểm tra và công nhận tỉnh Khánh Hòa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS tại thời điểm tháng 12/2006. Bậc THPT có 37.256 học sinh tăng 2,16% so năm học trước, tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT qua 2 lần thi là 90,97%; bổ túc THPT có 1.418 học sinh tốt nghiệp đạt tỷ lệ 50,95%. Thực hiện chủ trương chống “ngồi nhầm lớp” của Bộ GD & ĐT, các trường đều đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh do đó tỷ lệ học sinh lưu ban cao hơn năm trước: tiểu học là 6,96%, THCS là 3,81%, THPT là 1,58%; tỷ lệ bỏ học ở các cấp cũng còn khá cao: tiểu học 1,19%, THCS 7,58%, THPT 8,69%, số học sinh bỏ học chủ yếu là học sinh yếu kém.
Năm học 2007-2008, toàn tỉnh 33.162 học sinh mẫu giáo; 100.003 học sinh tiểu học; 86.179 học sinh THCS, trong đó học sinh tuyển mới vào lớp 6 là 21.132 em đạt 98,6% so với số học sinh được công nhận hoàn thành tiểu học; 38.956 học sinh THPT, trong đó tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào lớp 10 THPT của tỉnh là 70% (công lập là 41%, ngoài công lập 29%), nếu tính cả hệ GDTX (thu hút được 2.400 học sinh vào lớp 10) thì số học sinh được tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp THCS là 16.584 em đạt tỷ lệ 82% so với số tốt nghiệp THCS. Đến cuối năm 2007, toàn tỉnh huy động được 291 học viên xóa mù chữ bằng 111,9% KH, 582 học viên phổ cập giáo dục tiểu học bằng 68,5%, 445 học viên bổ túc tiểu học bằng 76,7%, 2.416 học viên phổ cập GDTHCS bằng 86,3% và 5.239 học viên phổ cập bậc trung học bằng 54,3%. Đã tuyển mới 450 giáo viên gồm 75 giáo viên mầm non, 315 giáo viên tiểu học, 178 giáo viên THCS, 166 giáo viên THPT và 4 giáo viên dạy nghề. Tỷ lệ giáo viên/lớp vào thời điểm đầu năm học 2007-2008 như sau: mẫu giáo 2 gv/lớp, tiểu học là 1,41gv/lớp, THCS là 1,82 gv/lớp, THPT (công lập) là 2,17 gv/lớp. Số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở bậc mầm non là 89,8%, tiểu học 99,8%, THCS 99,9% và THPT 98%. Bước vào năm học mới, toàn tỉnh có thêm 9 trường đạt chuẩn quốc gia (3 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 3 trường THCS, 1 trường THPT) nâng tổng số trường đạt chuẩn đến nay lên 63 trường (12 trường mầm non, 33 trường tiểu học, 14 trường THCS, 4 trường THPT); nhưng việc thực hiện XDCB một số công trình không kịp phục vụ năm học, việc cung cấp thiết bị dạy học vẫn còn chậm, chưa ban hành được quy định dạy thêm học thêm theo quyết định số 03/QĐ-BGDĐT của Bộ giáo dục và đào tạo.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng và 1 trường trung học chuyên nghiệp. Năm học 2007-2008 theo kế hoạch các trường tuyển mới hệ dài hạn 4.000 sinh viên đại học, 3.000 sinh viên cao đẳng, 2.340 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 1.115 học sinh công nhân kỹ thuật. So với số tuyển sinh năm trước, bậc đại học tăng 19%, cao đẳng tăng 7,95%, trung cấp chuyên nghiệp giảm 28% và công nhân kỹ thuật tăng 21,86%. Trường trung học kinh tế Khánh Hòa mở thêm ngành xây dựng, Trường cao đẳng văn hóa - du lịch Nha Trang thêm ngành Thư ký văn phòng nâng tổng số ngành đào tạo lên 11 ngành hệ chính quy.
So năm trước, năm 2007 ngành y tế đã khám chữa bệnh cho 3.775 ngàn lượt người tăng 2,6%, điều trị nội trú cho 134.500 lượt bệnh nhân tăng 16%, phẫu thuật 16.200 ca tăng 7,5%; các dịch đã có biểu hiện giảm như: bệnh tiêu chảy 15.500 ca mắc giảm 4,3%, 1.150 ca ngộ độc thực phẩm chỉ có biểu hiện tiêu chảy nhẹ giảm 6%. Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm gây dịch không xảy ra như: hạch, tả, viêm phổi do virut cúm A (H5N1), viêm màng não do não mô cầu, vẫn có một số bệnh có nguy cơ tăng cao hoặc xảy ra trên diện rộng thành dịch như: sốt xuất huyết 3.290 ca mắc gấp 3,1 lần, tập trung lưu hành tại huyện Ninh Hòa 1.540 ca gấp 6,3 lần so năm trước, Tp Nha Trang 1.137 ca gấp 2 lần, Tx Cam Ranh 216 ca gấp 4,1 lần; viêm gan virut (A83 - A89) ghi nhận 35 ca không có tử vong tăng 16,7%. Có 8.400 ca điều trị sốt rét giảm 24,9%, trong đó 2.900 ca sốt rét ác tính giảm 13,1%, không có trường hợp tử vong do sốt rét ác tính; khám phong cho 120 ngàn lượt người giảm 30,5%, nhưng chỉ phát hiện mới 16 người giảm 6%; khám phát hiện lao cho 57.912 lượt người tăng 13%, số ca phát hiện lao mới 1.368 ca tăng 4%; quản lý 1.186 người mắc tâm thần trong đó phát hiện mới 320 người. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em luôn được chú trọng, thực hiện tốt các chương trình chăm sóc sức khoẻ trẻ em như uống Vitamin A đợt I cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, triển khai chương trình ARI & CDD tại các xã, công tác nha học đường tại các trường trên địa bàn toàn tỉnh. Có 20.250 trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ liều bằng 97% KH, 16.000 trẻ em dưới 1 tuổi tiêm viêm gan B chỉ đạt 76,9% do ảnh hưởng sau vụ tai biến tiêm vắc xin ở Tp HCM, 20.560 phụ nữ có thai tiêm UV2+, 9.600 phụ nữ 15 - 35 tuổi tiêm UV3+. Triển khai thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng tại 100% xã phường trong tỉnh, đến cuối năm 2007 tỷ lệ SDD của trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,3% giảm 0,87% so năm trước. Tính đến cuối năm 2007, toàn tỉnh có 2.088 người nhiễm HIV, trong đó có 966 người chuyển sang AIDS và 747 ca chết do AIDS; ngành đã đẩy mạnh giám sát, tổ chức tuyên truyền giáo dục phòng chống AIDS, triển khai các dự án phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tiếp tục chỉ đạo, giám sát kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh SARS, dịch cúm A (H5N1), kiểm soát và phòng chống các dịch: sốt xuất huyết, hội chứng tay - chân - miệng, viêm màng não do não mô cầu nhằm khống chế không để dịch lan rộng, ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát; phổ biến các kiến thức phổ thông về an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 137 xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 109 xã có nhân viên y tế thôn bản hoạt động, 132 xã có trang thiết bị y tế cơ bản do các tổ chức tài trợ, 44 xã đạt chuẩn quốc gia y tế xã, 73/137 xã phường thị trấn có bác sĩ, tỷ lệ trạm y tế xã phường có bác sĩ chỉ đạt 53,3% giảm so năm 2006. Về số lượng giường bệnh toàn tỉnh có 2.320 giường, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân xếp thứ 39/64 tỉnh Tp cả nước. Đã tổ chức đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra 7.830 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và y dược tư nhân, xử phạt hành chính 120 cơ sở với số tiền 89,5 triệu đồng.
Từ đầu năm, Sở văn hoá thông tin đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị: kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 32 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tuyên truyền bầu cử đại biểu quốc hội khóa XII, lễ hội: Am Chúa, tháp Bà, Hội thông tin lưu động toàn tỉnh... đặc biệt tổ chức thành công chương trình Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2007, phối hợp với UBND huyện Vạn Ninh tổ chức tốt Lễ kỷ niệm 62 năm ngày đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Vạn Ninh, tổ chức cuộc thi hoa hậu thế giới người Việt và cuộc thi hoa hậu trái đất 2007. Đã thực hiện được 14.050 băng rôn, khẩu hiệu, 7.023m2 panô, 14.320 cờ các loại, 900 lượt tuyên truyền. Trung tâm điện ảnh đã tổ chức 2.084 buổi chiếu phim thu hút 370 ngàn lượt người xem; trong đó 6 đội chiếu phim lưu động phục vụ 1.584 buổi chiếu các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với 320 ngàn lượt người xem. Trung tâm quản lý di tích và danh thắng tổ chức các hoạt động phục vụ thu hút 460 ngàn lượt khách đến tham quan. Các đoàn nghệ thuật đã tổ chức 240 buổi biểu diễn thu hút 370 ngàn lượt người đến xem, trong đó biểu diễn phục vụ chính trị 67 buổi. Bổ sung 24,5 ngàn bản sách mới nâng tổng số sách hiện có ở các thư viện lên 407 ngàn bản, tổ luân chuyển sách báo xuống các trạm sách cơ sở là 8.787 bản bằng 97,63% KH. Tổ chức Hội nghị biểu dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Khánh Hòa lần thứ I năm 2007. Thực hiện tập Kỷ yếu 137 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2001-2006, soạn thảo Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Khánh Hòa. Đang triển khai thực hiện các công trình, dự án như: trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Đình Phú Cang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, di tích lịch sử Văn Miếu - Diên Khánh, di tích lịch sử Am Chúa; chỉnh trang Tháp bà Ponagar; cải tạo, sửa chữa rạp chiếu phim Nha Trang; tiến hành công tác giải tỏa mặt bằng Trung tâm thông tin triển lãm; trình UBND tỉnh xin ý kiến việc thực hiện theo hướng chỉ định thầu đối với công trình xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh tại Tx Cam Ranh; phối hợp với các ngành liên quan tiến hành việc khảo sát chọn địa điểm để xây dựng các tụ điểm ca nhạc trên công viên bờ biển; quy hoạch quỹ đất để xây dựng Trung tâm biểu diễn- triển lãm- hội chợ tại Tp Nha Trang nhưng đáng chú ý là việc xây dựng Bảo tàng Khánh Hòa rất chậm, đang ở khâu thẩm định dự án đầu tư, không theo kịp yêu cầu phát triển du lịch và giao lưu văn hóa lịch sử đang diễn ra rất sôi động. Thanh tra Sở phối hợp với đội kiểm tra liên ngành văn hóa thông tin tổ chức 57 lượt kiểm tra tại 127 cơ sở hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh, xử phạt 66 trường hợp với tổng số tiền 130 triệu đồng.
Công tác thể dục thể thao (TDTT) quần chúng diễn ra khá sôi nổi: các Trung tâm VHTT đã duy trì sinh hoạt các CLB, tụ điểm tập TDTT thường xuyên, thành lập mới 22 CLB nâng tổng số CLB trong toàn tỉnh lên 629 CLB. Tính đến cuối năm 2007, toàn tỉnh có 244.197 người luyện tập TDTT thường xuyên tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước, chiếm 21,7% so dân số toàn tỉnh; 53.994 gia đình thể thao tăng 2,9%, chiếm 25,2% số hộ toàn tỉnh; 100% số trường thực hiện TDTT nội khóa có nề nếp; 10 tổ chức xã hội cấp tỉnh trong đó có 5 liên đoàn: cầu lông, quần vợt, điền kinh, võ thuật, bóng bàn và 5 hội: võ cổ truyền, vovinam, taekwondo, karatedo, hội bảo trợ bóng đá. Các tổ chức Liên đoàn, Hội thể thao từng bước thể hiện được vai trò của mình góp phần cùng ngành TDTT thực hiện công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình sân bãi tập luyện, trang thiết bị dụng cụ được đầu tư xây dựng mua sắm.
Trong năm, ngành TDTT đã tổ chức được 25 giải tỉnh, 196 giải huyện Tx Tp và 426 giải xã phường thị trấn với các môn thi đấu như: bóng đá U11, cờ vua, cờ tướng, quần vợt, cầu lông, việt dã…, đã tuyển chọn được 103 VĐV tham gia giải toàn quốc trong đó có 30 VĐV được chọn bổ sung đội tuyển tỉnh. Phối hợp với các ngành, đoàn thể và DN trong tỉnh tổ chức các hội thao với 16 giải phối hợp. Đăng cai tổ chức 15 giải toàn quốc tại Khánh Hòa: bóng chuyền bãi biển, vòng bảng bóng chuyền A1, vòng bán kết bóng chuyền A1 các tỉnh phía Nam, giải quần vợt vô địch đồng đội nam, nữ, giải bóng đá cúp quốc gia, giải vô địch điền kinh các lứa tuổi, giải Vovinam trẻ các lứa tuổi, giải Sport aerobic trẻ, giải bóng rổ nam - nữ trẻ, vovinam trẻ, giải bóng rổ học sinh, sinh viên châu Á, giải vô địch taekwondo... Tham gia 6 giải cụm thi đua khu vực miền Trung: giải quần vợt tại Quảng Ngãi, giải cầu lông tại Bình Định, giải taekwondo tại Quảng Nam, giải bóng chuyền bãi biển Ninh Thuận, giải Việt dã Báo Phú Yên lần thứ 15 và hội thao Cụm thi đua khu vực, đã đạt được 14 huy chương (4 vàng, 4 bạc, 6 đồng). Tổ chức 4 lớp tập huấn: quần vợt toàn quốc gồm 8 tỉnh, billiards snooker châu Á, taekwondo và 1 lớp huấn luyện viên bóng đá. Về thể thao thành tích cao, đoàn VĐV Khánh Hòa tham gia thi đấu 62 giải thành tích cao (có 17 giải phong trào do Bộ văn hóa- thể thao- du lịch tổ chức, 5 giải quốc tế, 2 giải mục tiêu quốc gia và 38 giải thi đấu toàn quốc), đã đạt được 244 huy chương (65 vàng, 71 bạc, 108 đồng) 35 kiện tướng, 47 VĐV cấp 1, trong đó 8 huy chương quốc tế (2 vàng, 4 bạc, 2 đồng) 1 kiện tướng; 52 huy chương phong trào (11 vàng, 18 bạc, 23 đồng) 2 VĐV cấp I. Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh hiện có 3 sân vận động, 9 nhà tập thể thao, 1 trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao, 1 nhà thi đấu thể thao, 1 nhà tập võ thuật, 1 nhà tập bóng bàn, 1 sân điền kinh phủ nhựa tổng hợp, 1 nhà tập cầu lông, 30 sân quần vợt, 54 sân cầu lông...
Năm 2007, ngành Lao động - TBXH đã tạo việc làm mới cho 26.319 lao động bằng 107% KH tăng 2,9% so năm trước; Trung tâm giới thiệu việc làm và các đơn vị dạy nghề đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.360 lượt người, tạo nguồn giới thiệu 360 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Tổ chức dạy nghề cho 23.560 học viên gồm 750 học viên hệ cao đẳng, 1.745 trung cấp nghề, 21.265 sơ cấp, học nghề và dạy nghề thường xuyên; dạy nghề cho 872 lao động thuộc đối tượng chính sách, 2.871 lao động nông thôn, 680 người dân tộc miền núi và 198 người tàn tật với tổng kinh phí hỗ trợ 2.328,2 triệu đồng; tiếp tục trình UBND tỉnh thẩm định đề án quy hoạch xã hội hóa dạy nghề tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2007-2015 và định hướng 2020. Phối hợp với Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội cho 180 hộ vay 15.381 triệu đồng từ Quỹ quốc gia việc làm giải quyết 1.481 lao động có việc làm mới. Tiếp nhận 9.158 hồ sơ giải quyết chính sách chế độ cho người có công, tiếp nhận và lập thủ tục chuyển 128 bằng Tổ quốc ghi công về các địa phương cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ; trình UBND tỉnh tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) đợt 10 và phê duyệt kinh phí 16 triệu đồng tặng cho 8 BMVNAH; nhân kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7), thăm tặng quà cho 12.013 đối tượng chính sách với kinh phí 1.802 triệu đồng. Từ nguồn quỹ Đền ơn đáp nghĩa, toàn tỉnh đã xây dựng mới 46 nhà tình nghĩa, sửa chữa 104 nhà với tổng kinh phí 1.877,3 triệu đồng; Trung tâm phục hồi sức khỏe người có công tiếp nhận 3.667 lượt người về điều dưỡng; quyết định công nhận 137/137 xã phường thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, phong trào đền ơn đáp nghĩa năm 2007. Hoàn thành công tác tổ chức điều chỉnh, cập nhật thông tin, lập sổ quản lý hộ nghèo của 137 xã phường thị trấn; cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh miễn phí cho 196.142 đối tượng người nghèo, người mới thoát nghèo năm 2007 và 7.332 đối tượng là đồng bào dân tộc các huyện Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn; cấp thẻ BHYT cho 7.201 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Hướng dẫn các huyện Tx Tp cứu trợ đột xuất cho các gia đình của 13 người bị chết do nước cuốn trôi, 43 nhà bị sập, 6 tàu thuyền bị hư hỏng và 5.269 hộ di dời tránh bão lũ trong đợt mưa lũ từ ngày 20/10 đến 25/11/2007 với định mức 3 triệu đồng/người chết, 5 triệu đồng/hộ có nhà sập, 15 kg gạo/ người/tháng (từ 1 đến 3 tháng cho 193 nhân khẩu)...
Đài phát thanh truyền hình (PTTH) Khánh Hòa tiếp tục đầu tư mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng sóng PTTH nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin, phản ảnh kịp thời các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội trong năm 2007: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng, 117 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình Festival biển 2007, phổ biến các luật mới ban hành… Đã phát sóng 1.095 chương trình phát thanh trên sóng AM+FM. Sản xuất và phát sóng 4.348 chương trình thời sự, chuyên mục chuyên đề, 932 phóng sự, phim tài liệu, 4.222 lượt chương trình thể loại khác; thực hiện 61 chương trình truyền hình trực tiếp các sự kiện trọng đại, các ngày lễ hội văn hóa đất nước và địa phương; khai thác được 1.872 chương trình phim truyện, sân khấu và 300 chương trình qua vệ tinh gồm nhiều thể loại. Thời lượng phát thanh (AM+FM) là 14 giờ 30 phút/ngày, thời lượng đài truyền hình Khánh Hòa (KTV) 18 giờ/ngày, tiếp phát 3 kênh đài THVN (VTV1,VTV2, VTV3) 60 giờ/ngày. Truyền dẫn phát sóng được 5.292,5 giờ phát thanh, 6.570 giờ KTV, tiếp phát 21.900 giờ 3 kênh đài THVN. Các Đài TT-TH huyện Tx Tp thực hiện 52 “trang phát thanh địa phương” và 12 “trang truyền hình địa phương”. Chuyển cáp quang 367 tin bài phát sóng trên Đài THVN, 1.049 tin bài phát thanh trên Đài TNVN. Tổ chức Liên hoan chương trình phát thanh và trang truyền hình địa phương khối Đài TT-TH cấp huyện; phối hợp Đài TT-TH huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Tx Cam Ranh tổ chức 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đài huyện và Đài truyền thanh cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 7 Đài TT-TH cấp huyện, 1 Đài truyền thanh Nha Trang, 138 Đài cơ sở và 22 trạm tiếp phát hình.
UB dân số gia đình và trẻ em tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các mục tiêu của Chiến lược truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi giai đoạn 2006-2010. Có 100/137 xã phường thị trấn được tổ chức Chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các vùng khó khăn; tổ chức được 368 lượt mitting cổ động, 109 lượt chiếu phim và sinh hoạt văn nghệ, 807 buổi nói chuyện chuyên đề, 2.612 lượt phát thanh truyền hình, cấp 49.240 tờ rơi và tài liệu truyền thông, sửa chữa làm mới 560 panô. Hoàn thành việc chuyển đổi sổ quản lý dân số gia đình trẻ em và cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Tiếp tục triển khai Dự án lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững, giám sát chỉ đạo duy trì hoạt động của các nhóm tín dụng- tiết kiệm tại 21 xã thuộc huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Tx Cam Ranh. Phối hợp với UB mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở tư pháp, Sở văn hóa thông tin và UB dân số gia đình trẻ em các huyện Tx Tp triển khai công tác gia đình và bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn, tổ trên địa bàn tỉnh. Chương trình mổ tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, có 372 em được đoàn bác sĩ Tp HCM khám bệnh, 33 trẻ em bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật tim tại Tp HCM. Toàn tỉnh hiện có khoảng 99% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí.
Sở khoa học công nghệ (KHCN) tổ chức Hội đồng tư vấn xét duyệt 12/14 đề tài, nhiệm vụ khoa học thực hiện theo hình thức giao trực tiếp; tổ chức Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện của 13 đề tài, dự án đã hết thời gian thực hiện. Tư vấn, tra cứu, hướng dẫn 100 DN lập thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích; có 60 đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, 2 đơn đăng ký cấp văn bằng giải pháp hữu ích; có 40 nhãn hiệu hàng hóa được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 2 hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được phê duyệt. Phục vụ tra cứu thông tin tại chỗ cho khoảng 400 lượt đọc giả, 52 lượt thông tin chọn lọc hàng tuần cho 27 thành viên Hội đồng KHCN; xuất bản 1.080 bản tin chọn lọc Kinh tế- KHCN- môi trường và 6 số tạp chí với khoảng 550 bản/số; cộng tác 40 tin bài với các báo, đài trong và ngoài tỉnh. Tổ chức kiểm tra 1 đợt hàng đóng gói sẵn; kiểm định 12.605 phương tiện đo có 8.810 phương tiện đạt tiêu chuẩn sử dụng, thử nghiệm 678 mẫu hàng hóa. /.

Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa

    Tổng số lượt xem: 1755
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)