(MPI Portal) – Ngày 25/10/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo về lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển: chia sẻ kinh nghiệm và định hướng cho tương lai dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Arthur Erken.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia đến từ các trường đại học trong nước, các chuyên gia đến từ Philippin và Thái Lan và các tổ chức liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, dân số và phát triển có quan hệ chặt chẽ. Việc lồng ghép các biến dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp các chính sách của chính phủ có hiệu quả hơn, nhất là các chính sách thuộc lĩnh vực xã hội. Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa dân số và phát triển kinh tế - xã hội, coi việc lồng ghép dân số và phát triển là một bộ phận hữu cơ quan trọng của chiến lược phát triển, là yếu tố hàng đầu liên quan đến chất lượng cuộc sống cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Tuy nhiên, việc lồng ghép biến dân số của các bộ, ngành, địa phương vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự tốt và chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Pháp luật hiện hành chưa đề cập đầy đủ đến việc lồng ghép dân số trong phát triển, Pháp lệnh Dân số mới đề cập đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức.
Lồng ghép biến dân số trong lập kế hoạch phát triển với mục đích khai thác lợi thế của dân số đối với phát triển hoặc đảm bảo cho sự phát triển thích ứng với dân số hoặc nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân số trong hiện tại và cho cả thế hệ tương lai trong khuôn khổ của sự phát triển bền vững.
|
Ông Arthur ErkenTrưởng đại diện UNFPA phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc ông Arthur Erken cho biết, các biến dân số như tỉ lệ sinh, tỉ lệ chết ở mẹ, tỉ lệ di cư cho thấy sự phát triển của quốc gia, kết quả ở các cuộc tổng điều tra dân số cho thấy Việt Nam đang có sự thay đổi nhân khẩu đáng kể, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng. Việc lập kế hoạch lồng ghép dân số vào phát triển cần được các nhà lập kế hoạch nghiên cứu kỹ càng hơn.
Ông cho rằng, Việt Nam đã bước vào các nước có thu nhập trung bình với mức tăng trưởng ấn tượng. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết lồng ghép biến dân số vào phát triển kinh tế - xã hội trong Pháp lệnh dân số, Chiến lược phát triển phát triển dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được chính phủ giao việc lồng ghép biến dân số vào phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cam kết này cần được thể chế hóa và cam kết ở mức địa phương nơi mà các chiến lược này đang được triển khai.
Bên cạnh đó, các nhà lập kế hoạch ở các cấp cần được cập nhật kiến thức, kỹ năng trong việc sử dụng số liệu dân số cho việc lập kế hoạch.
Tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Đinh Thái Hà, Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa, Bộ Y tế đề xuất,cần tăng cường cơ sở pháp lý và tính pháp quy về phạm vi, nội dung và quy trình lồng ghép dân số trong hệ thống các ngành, lĩnh vực và các cấp. Nâng cao kiến thức, kỹ năng của các bộ lãnh đạo, cán bộ thực hành việc lồng ghép dân số ở các ngành, các lĩnh vực và các cấp. Đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, số liệu dân số phục vụ lồng ghép ở các ngành, các cấp
Bên cạnh đó, phân chia thông tin phục vụ lồng ghép dân số gồm thông tin, số liệu định lượng về dân số và phát triển là các chỉ tiêu thống kê quốc gia do các bộ, ngành thu thập và được Tổng cục Thống kê công bố và cung cấp; Thông tin số liệu định tính về các mối quan hệ nguyên nhân - kết quả - hậu quả giữa các biến dân số và phát triển do cơ quan quản lý nhà nước về dân số hướng dẫn, cung cấp; Thông tin, số liệu định tính về tâm lý, nhu cầu sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ về vật chất và tinh thần theo các nhóm dân số do các cơ quan, đơn vị thực hiện lồng ghép tự thu thập, sử dụng.
Nhận thấy mối tương quan mật thiết của các yếu tố dân số và phát triển, ông Lolito R.Tacardon Ủy ban Dân số Philippin cho biết, các cơ quan chính phủ liên quan ở Philippin, đặc biệt là Ủy ban Dân số và Cơ quan Phát triển và Kinh tế quốc gia với sự hỗ trợ của UNFPA đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực, vận động và hỗ trợ xây dựng để thể chế hóa từ năm 1995 để tích hợp các yếu tố dân số và công tác tập kế hoạch phát triển địa phương và khu vực. Các sáng kiến này nhằm tác động tới các quy trình lập kế hoạch phát triển ở địa phương và các kết quả đầu ra để đảm bảo việc xem xét các biến cố nhân khẩu học vào từng bước của quá trình lập kế hoạch. Việc này nhằm lồng ghép mối tương quan giữa dân số và phát triển trong việc phân tích tình hình, xác định các can thiệp, trong việc phân bổ nguồn lực, giám sát và đánh giá. Các can thiệp lồng ghép dân số và phát triển đã được thực hiện một cách cơ bản ở nhiều cơ quan khác nhau do có sự khác nhau về chính sách và trọng tâm dân số.
Tuy nhiên, các biến cố dân số vẫn là các yếu tố quan trọng trong các khung lập kế hoạch phát triển địa phương cũng như quốc gia và được thực hiện ở cả cấp trung ương và địa phương. Chính sách phân quyền ở Philippin cuối cùng đã mang lại cơ hội để lồng ghép các khía cạnh dân số và phát triển trong việc lập kế hoạch phát triển địa phương cũng như trong việc xây dựng chính sách.
|
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Để thúc đẩy việc lồng ghép dân số và phát triển trong công tác lập kế hoạch phát triển, các sáng kiến khác nhau đã xây dựng và sử dụng các công cụ phân tích và khái niệm khác nhau để minh họa mối tương quan và các mối liên hệ của dân số và phát triển. Những hướng dẫn lập kế hoạch cũng được xây dựng đặc biệt dành cho các nhà lập kế hoạch địa phương để duy trì các nỗ lực nhằm tích hợp các khía cạnh dân số trong việc lập kế hoạch phát triển địa phương.
Một phần quan trọng khác của các sáng kiến lồng ghép dân số và phát triển ở Philippin là việc củng cố kiến thức và nền tảng nghiên cứu về mối liên hệ giữa dân số và phát triển để hỗ trợ thực hiện công tác lập kế hoạch.
Trong các phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều thống nhất hệ thống bộ máy tổ chức đều đầy đủ ở vị trí lập kế hoạch nhưng hiện các cán bộ lập kế hoạch mang tính chất tổng hợp kế hoạch là chính, chất lượng lồng ghép dân số phụ thuộc vào các bộ, ngành/bộ phận chuyên môn. Đội ngũ cán bộ đủ ở các vị trí nhưng còn mỏng, nhận thức cao về lồng ghép nhưng chưa có năng lực sử dụng thông tin dân số, nhất là ở khâu xây dựng chỉ tiêu, phân bổ ngân sách còn khá thiếu.
Bên cạnh đó, mức độ sử dụng biến dân số trong lập kế hoạch còn khá hạn chế - chủ yếu tổng hợp dân số, chưa chú ý cơ cấu dân số theo các nhóm khác nhau, hay thông tin về việc nhập cư và xuất cư. Tần xuất sử dụng mới tập trung nhiều giai đoạn hàng năm, chưa sử dụng nhiều cho kế hoạch 5 năm. Nguồn dữ liệu, số liệu về nguồn thông tin dân số cần được nâng cao chất lượng để đảm bảo kịp thời, chính xác, cập nhật/.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư