Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/12/2008-09:49:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ năm 2008
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN NĂM 2008
Năm 2008, sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã thu được những thành tựu đáng kể.
1. Nông nghiệp
Về diện tích gieo trồng, tổng diện tích gieo trồng cây hàngnăm ước đạt 123.868,6 ha, bằng 97,7% kế hoạch năm và giảm 2,58% (-3.277,8 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vụ đông xuân đạt 82.085,0 ha, so với cùng kỳ, giảm 1,59% (-1.330,3 ha); vụ mùa đạt 41.780,8 ha giảm 4,46% (-1.950,3 ha) so với cùng kỳ năm trước;
Nhóm cây lương thực có hạt: Tổng diện tích gieo trồng năm 2008 đạt 90.977,3 ha đạt 98,35% kế hoạch năm và giảm 2,65% (-2.481,3 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích lúa vụ chiêm xuân gieo cấy đạt 35.073,1 ha so với cùng kỳ năm trước giảm 5,15% (- 1.905,3 ha), diện tích lúa vụ mùa gieo cấy đạt 32.795,6 ha giảm 5,89% (-2.053,8 ha) so với vụ mùa năm 2007.
Diện tích gieo cấy cây lúa giảm là do thời tiết rét đậm, rét hại, hạn kéo dài đã làm cho một số diện tích lúa đã cấy bị chết không cấy lại được, một số chân ruộng vàn cao bị hạn không cấy được lúa phải chuyển sang trồng các loại cây rau, màu khác (vụ chiêm); nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ gây ngập úng diện tích lúa đã cấy, nhiều chân ruộng cây lúa bị chết không khắc phục được (vụ mùa). Mặt khác, do quá trình đô thị hoá, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường giao thông... cũng đã làm giảm quỹ đất thường xuyên sử dụng cho sản xuất gieo trồng.
Diện tích gieo trồng cây công nghiệp lâu năm, chè trồng mới toàn tỉnh ước đạt 681,9 ha, đạt 136,4% kế hoạch năm và bằng 56,6% năm 2007; nguyên nhân chè trồng mới năm nay giảm so với năm trước là do thời tiết khô hạn, rét đậm, rét hại vào đúng thời vụ trồng chè do đó bà con nông dân đã chủ động không trồng mới chè vụ xuân đại trà như các năm trước.
Về năng suất cây trồng, sơ bộ năng suất lúa toàn tỉnh năm 2008 đạt 48,89 tạ/ha bằng 100,8% kế hoạch năm và tăng 8,31% (+ 3,8 tạ/ha) so năm 2007. Vụ chiêm xuân thời tiết diễn biến rất phức tạp ở đầu vụ nhưng đến giữa và cuối vụ thời tiết thuận lợi, cây lúa phát triển đều do đó năng suất đạt khá 51,41 tạ/ha tăng 20,37% (+ 8,7 tạ/ha) so cùng kỳ năm 2007; bước sang vụ mùa thời tiết đầu vụ diễn biến thuận lợi hơn, nhưng đến giữa vụ lại thường xuyên xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sâu bệnh hại lúa trên diện rộng nên sơ bộ đánh giá năng suất lúa vụ mùa đạt 46,19 tạ/ha giảm 3,21% (- 1,5 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước.
Năng suất cây công nghiệp lâu năm, cây chè ước đạt 74,18 tạ/ha tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100,9% so với kế hoạch năm do sản phẩm chè búp năm nay thị trường tiêu thụ tiếp tục được duy trì mở rộng, giá chè búp tuy có xu hướng giảm nhưng sản phẩm chè búp tươi dễ tiêu thụ, bà con nông dân phấn khởi tích cực đầu tư chăm sóc, đốn tỉa và thu hoạch sản phẩm chè theo đúng quy trình kỹ thuật; cây sơn năng suất tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về sản lượng cây trồng, nhóm cây lương thực có hạt sơ bộ đạt 421,3 ngàn tấn,đạt 98,61% kế hoạch năm, tăng 3,61% (+14,7 ngàn tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng lúa sơ bộ đạt 331,8 ngàn tấn, đạt 96,3% kế hoạch năm, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,34% (+7,6 ngàn tấn). Sản lượng ngô cả năm 2008 sơ bộ đạt 89,4 ngàn tấn, đạt 108,0% kế hoạch năm và tăng 8,79% (+ 7,2 ngàn tấn) so với cả năm 2007. Sản lượng chè búp tươi đạt 98,14 ngàn tấn tăng 11,2% so với năm 2007.
Về chăn nuôi, theo kết quả điều tra chăn nuôi 1/10/2008, toàn tỉnh có tổng đàn trâu 89.249 con, đạt 91,1% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước giảm 6,22% (-5.919 con); tổng đàn bò 142.753 con, đạt 85% kế hoạch, giảm 12,63% (-20.635 con) so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn 593.026 con, đạt 102,2% kế hoạch, tăng 7,37% (+ 40.715 con) so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn gia cầm 8.421,9 ngàn con, đạt 102,1% kế hoạch, tăng 4,38% (+353,6 ngàn con) so với cùng kỳ năm 2007. Nguyên nhân làm cho tổng đàn gia súc năm 2008 giảm chủ yếu là do đầu năm trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm cho một số con trâu, bò, lợn,... bị chết rét; mặt khác do giá cả sản phẩm thịt hơi xuất chuồng giảm, giá vật tư thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu tư cho chăn nuôi kém hiệu quả nên người dân đã xuất bán gia súc ra thị trường với số lượng nhiều mà lại ít tái đầu tư bù đắp cho sản xuất chăn nuôi nên số lượng đầu con bị giảm nhiều so với năm trước.
2. Lâm nghiệp
Tổng diện tích rừng trồng mới năm 2008 ước đạt 6.071,5 ha đạt 101,2% kế hoạch cả năm. Trong đó, diện tích rừng sản xuất trồng mới tập trung đạt 5.484,9 ha, tăng 3,5% (+188 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năm 2008 toàn tỉnh chỉ đạo tập trung trồng rừng sản xuất nhằm mục đích làm kinh tế rừng, trồng kín những diện tích đã cho thu hoạch, khai thác, tiếp tục phủ xanh đất trống, tránh sói mòn đồi rừng, mặt khác tích cực khai thác những quỹ đất có khả năng phát triển trồng rừng, làm kinh tế lâm nghiệp.
Sản lượng gỗ khai thác toàn tỉnh năm 2008 ước đạt 179,7 ngàn m3, giảm 1,27% so với năm trước, trong đó gỗ giấy khai thác đạt 158,6 ngàn m3 chiếm 88,3% tổng số gỗ các loại khai thác; sản lượng củi khai thác ước đạt 810,7 ngàn ste, giảm 3,28% so với năm 2007; tre, vầu, luồng khai thác đạt 3256,6 ngàn cây giảm 11,3% so với năm trước; nguyên liệu giấy khai thác đạt 7,3 ngàn tấn; các sản phẩm khác khai thác từ rừng có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2007.
3. Thuỷ sản
Tình hình sản xuất nuôi trồng thuỷ sản đang được tích cực khắc phục thiệt hại và ổn định trở lại, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 8.587,5 ha, đạt 98,1% kế hoạch năm và bằng 94,61% so với năm 2007. Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 15,2 ngàn tấn, so với cùng kỳ năm trước giảm 8,19% (-1357,6 tấn); trong đó: sản lượng cá nuôi trồng đạt 13,6 ngàn tấn, giảm 8,18% (-1209,2 tấn) so với năm 2007. Nhiều trang trại, hộ gia đình đã trú trọng vào sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, từng bước đưa một số giống cá cho sản lượng thu hoạch nhanh vào nuôi trồng.
II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP NĂM 2008
Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định) năm 2008 ước thực hiện 9.182,7 tỷ đồng tăng 12,3% so với năm trước và đạt 97,3% kế hoạch năm, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước TW tăng 2,7%; khu vực kinh tế Nhà nước địa phương tăng 1,3%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 21,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,9%.
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sản xuất công nghiệp tỉnh Phú Thọ năm 2008 gặp nhiều khó khăn, nhất là những tháng cuối năm, đây là nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế của tỉnh không đạt kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định) năm 2008 ước thực hiện 9.182,7 tỷ đồng tăng 12,3% so với năm trước và đạt 97,3% kế hoạch năm, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước TW tăng 2,7%; khu vực kinh tế Nhà nước địa phương tăng 1,3%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 21,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,9%. Cụ thể:
Khu vực kinh tế Nhà nước TW, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định) ước thực hiện 2.951 tỷ đồng, chiếm 32,1% tổng chung, tăng 2,7% so với năm trước và đạt 95,5% kế hoạch năm. Nguyên nhân sản xuất khu vực này có tốc độ tăng sụt giảm mạnh trong những tháng cuối năm và có mức tăng thấp nhất của các thành phần kinh tế trong khu vực là do một số doanh nhiệp lớn trong ngành sản xuất giấy, sản xuất phân bón gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng tồn kho ở mức cao do đó sản xuất phải chững lại các máy móc hoạt động không hết công suất thiết kế. Mặt khác do giá bán vẫn ở mức cao, người sản xuất đầu tư ít và có nhiều sản phẩm cùng loại cạnh tranh trên thị trường do đó lượng tồn kho ở mức rất cao. Không chỉ riêng các ngành sản xuất giấy, sản xuất phân bón (đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh) bị giảm sút, bên cạnh đó các đơn vị trong ngành sản xuất hoá chất, ngành Dệt và sản xuất đồ uống cũng bị giảm theo, do đó nhiều đơn vị đã phải thực hiện giảm sản lượng sản xuất nên đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Khu vực kinh tế nhà nước địa phương,ước thực hiện 268 tỷ đồng tăng 1,3% so với năm trước. Trong năm, các doanh nghiệp trong khu vực sản xuất ổn định tăng trưởng thấp so với cùng kỳ.
Các đơn vị trong khu vực tuy gặp nhiều khó khăn do sản phẩm sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, do phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại hoặc việc mở rộng thị trường tiêu thị thì việc đầu tư tốn kém, nhưng các đơn vị trong ngành sản xuất đồ uốngđã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, do vậy giữ được mức ổn định; doanh nghiệp trong ngành sản xuất và phân phối nướcđã đầu tư mở rộng mạng lưới tiêu thụ sang các địa bàn lân cận để tăng cường cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân nên sản xuất có tăng nhưng cũng còn ở mức thấp.
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước, ước thực hiện 3.318 tỷ đồng tăng 21,4% so với năm trước và đạt 99,3% kế hoạch năm. Năm 2008, các doanh nghiệp sản xuất ổn định và có mức tăng trưởng khá trong khu vực chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá. Trong khu Công nghiệp, riêng doanh nghiệp sản xuất xi măng có tốc độ tăng khá, còn các đơn vị khác sản xuất ổn định và gặp khó khăn về vốn, chưa mở rộng được sản xuất.
Khu vực cá thể giá trị sản xuất ước thực hiện 608 tỷ đồng tăng 9,1% so với năm 2007. Nhìn chung sản xuất của các cơ sở cá thể vẫn mang tính chất tự phát kể cả các làng nghề đã được cấp giấy chứng nhận, chưa có tổ chức đầu ra cho sản phẩm do đó sản xuất tăng trưởng chậm.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, ước thực hiện 2.645,4 tỷ đồng tăng 14,9% so năm trước, đây là khu vực có kết quả sản xuất ổn định và mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của tỉnh.
Trong năm, một số đơn vị trong ngành thực phẩm (mỳ), Chè, Dệt, đặc biệt là ngành may mặc do đầu tư mở rộng sản xuất nên sản lượng tăng khá. Tuy nhiên một số đơn vị do vi phạm về xử lý chất thải môi trường, phải đóng cửa để xử lý nên sản phẩm sản xuất giảm.
Sản xuất sản phẩm chủ yếu
Có 8/16 loại sản phẩm chủ yếu tăng so với năm 2007, tăng khá như: Sản phẩm chè chế biến tăng 10,8%; Rượu các loại 27,7%; Vải thành phẩm tăng 10,2%; Quần áo may sẵn tăng 88,7%; giấy bìa tăng 7,6%; Xút tăng 6,5%; Gạch lát tăng 7,7%.
Một số sản phẩm giảm như: Bia các loại giảm 17,9%; Bột ngọt giảm 7,2%; Phân Supe lân giảm 29,4%; Phân NPK giảm 7%; Xi măng giảm 6,4%.
III. TÌNH HÌNH LƯU CHUYỂN HÀNG HOÁ – DỊCH VỤ, KINH DOANH DU LỊCH - KHÁCH SẠN
Năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2008 ước đạt 6.991 tỷ đồng, tăng 29,4% so năm trước. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động.
1. Lưu chuyển hàng hoá - Dịch vụ
Thị trường hàng hoá nhìn chung ổn định, tuy giá cả nhiều mặt hàng đã giảm nhưng nhu cầu tiêu dùng của dâu cư có xu hướng tăng chậm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2008 ước đạt 6.991 tỷ đồng, tăng 29,4% so năm trước (chưa tính yếu tốt trượt giá), trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 1.083 tỷ đồng, kinh tế Cá thể đạt 5.265 tỷ đồng, kinh tế Tư nhân đạt 633 tỷ đồng; kinh tế Tập thể đạt 9,4 tỷ đồng, giữ mức kinh doanh ổn định. Chia theo ngành hoạt động, thương nghiệp đạt 6.380,8 tỷ đồng, chiếm 91,2% tổng mức; khách sạn – nhà hàng đạt 472 tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng mức và dịch vụ đạt 138,1 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng mức.
2. Kinh doanh của các đơn vị du lịch – khách sạn
Trong năm, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động; Lễ, Hội Đền Hùng, các hoạt động văn hóa - thể thao được tổ chức ở nhiều địa phương trong tỉnh. Cùng với các hoạt động du lịch, văn hoá, tỉnh Phú Thọ đã đăng cai và tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII, do vậy lượng khách đến ăn nghỉ trên địa bàn tăng khá làm cho kết quả kinh doanh của các đơn vị hoạt động du lịch - khách sạn đảm bảo.
Dự ước năm 2008 doanh thu đạt 31,3 tỷ đồng, lượt khách đạt 179.076 lượt khách, ngày khách đạt 199.521 ngày khách, doanh thu nhà hàng đạt 19,7 tỷ đồng.
IV. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG - GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
Bình quân 12 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 22,03%.
Tháng 12 chỉ số giá tiêudùng tiếp tục giảm 0,33% so với tháng trước. Bình quân 12 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 22,03%. Nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 giảm so tháng trước là do giá của một số mặt hàng đã đứng ở mức cao; nhu cầu tiêu dùng giảm, lượng tồn kho của một số mặt hàng nhiều; giá một số mặt hàng trên thế giới giảm, đặc biệt giá dầu thô giảm mạnh đã tác động đến giá tiêu dùng trong nước; mặt khác do 8 nhóm giải pháp của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng. Cụ thể ở một số nhóm hàng:
Lương thực, so với tháng trước chỉ số nhóm giảm 0,75%, trong đó nhóm thóc gạo giảm 0,84% - chủ yếu giảm mặt hàng gạo tẻ thường.
Thực phẩm, chỉ số tăng so tháng trước 1,10%, tăng chủ yếu ở một số nhóm hàng như: Thịt gia súc tươi sống + 0,45%; trứng +1,83%;… Nguyên nhân do thiệt hại từ mưa lũ tháng trước nay mới bắt đầu đang được khôi phục lại. Tuy nhiên một số nhóm hàng chỉ số giảm so tháng trước như: thịt gia cầm giảm 1,09%; thuỷ sản tươi sống - 1,27%.
Nhóm hàng phi lương thực - thực phẩm, chỉ số giá giảm 1,61%, ngoài 2 nhóm hàng có chỉ số giảm mạnh so tháng trước là nhà ở, chất đốt vật liệu xây dựng và nhóm giao thông, còn lại các nhóm hàng khác giá ổn định và tăng nhẹ.
Giá vàng, Chỉ số tăng 1,11% so tháng trước, giá bán bình quân trong tháng 1.664.625 đ/chỉ. Giá vàng 99,99% bán ra tại cửa hàng tư nhân thành phố Việt Trì ngày 17/12/2008 dao động ở mức từ 1.725.000- 1.730.000 đ/chỉ.
Giá Đô la Mỹ, So với tháng trước chỉ số tăng 1,11%. Giá bán bình quân trong tháng 17.283 đ/USD. Giá Đô la Mỹ bán tại cửa hàng tư nhân Việt Trì ngày 17/12/2008 ở mức từ 17.240- 17.250 đ/USD.
V. HOẠT ĐỘNG XUẤT, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ NĂM 2008
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu năm qua của hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất tiêu dùng đều tăng so năm trước, chủ yếu do giá nhập khẩu tăng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2008 ước đạt 267.885,7 ngàn USD, tăng 21,4% so với năm trước, đạt 127,6% hoạch năm, trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 318,4 ngàn USD; kinh tế Tập thể ước đạt 304,6 ngàn USD; kinh tế Tư nhân ước đạt 47.434 ngàn USD; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 219.828,7 ngàn USD. So năm trước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,1%, kinh tế tư nhân giảm 6,9%.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ yếu năm 2008 đều tăng so năm trước như: Chè 5.635 tấn, tăng 8,8%; sản phẩm bằng plastic 45,1 triệu USD, tăng 15,1%; hàng dệt may 183,1 triệu USD, tăng 81,7%; sản phẩm bằng gỗ 426 ngàn USD, tăng 33,8%;... Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hoá trong thời gian tới, do đó cần đẩy mạnh khai thác, mở rộng thị trường nhằm kích thích sản xuất phát triển, đặc biệt chú trọng đến một số thị trường chưa đạt kim ngạch lớn nhưng có tốc độ tăng cao; đồng thời nâng cao chất lượng hàng hoá để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2008 ước đạt 274.554,6 ngàn USD, so với cùng kỳ tăng 1,4% và đạt 115,4% so với kế hoạch năm, Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 16.675,2 ngàn USD, kinh tế Tập thể đạt 141,6 ngàn USD, giảm 9,2%; kinh tế Tư nhân đạt 65.327,6 ngàn USD, giảm 12,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 192.410,2 ngàn USD, tăng 32,8% so với năm 2007.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu năm qua của hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất tiêu dùng đều tăng so năm trước, chủ yếu do giá nhập khẩu tăng. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng cao so năm trước như: Hoá chất 28 triệu USD, tăng 160,4%; tơ, sợi dệt 10,9 ngàn tấn, tăng 201,5%; vải may mặc 64,7 triệu USD, tăng 58,7%...
VI. HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI NĂM 2008
Năm 2008, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành vận tải, kho bãi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu biến động phức tạp.
Mặt khác thời tiết mưa lũ ảnh hưởng, song hiện nay các đơn vị tập trung sản xuất kinh doanh để gấp rut hoàn thành kế hoạch năm 2008 và chuẩn bị kế hoạch cho năm 2009.
Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp năm 2008 ước đạt 861,337 triệu đồng tăng 14,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường bộ ước đạt 613,879 triệu đồng tăng 18% so cùng kỳ; vận tải đường sông ước đạt 247,458 triệu đồng tăng 6,7% so cùng kỳ.
Sản lượng vận tải hàng hoá ước thực hiện 14,9 triệu tấn, bằng 670,3 triệu tấn.km. Trong đó, vận tải đường bộ đạt 10,7 triệu tấn vận chuyển và 241,8 triệu tấn.km luân chuyển; Vận tải đường sông ước đạt 4,2 triệu tấn bằng 428,5 triệu tấn.km.
Sản lượng vận tải hành khách ước đạt 4,2 triệu HK bằng 306,7 triệu HK.km luân chuyển.
VII. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG XÂY LẮP NĂM 2008
Năm 2008, Khối lượng thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 5.414.816 triệu đồng.
1. Vốn đầu tư phát triển
Khối lượng thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 5.414.816 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước 1.642.439 triệu đồng, nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước 1.727.320 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 767.202 triệu đồng, vốn Bộ, ngành 609.545 triệu đồng.
Một số công trình nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý có giá trị khối lượng thực hiện đầu tư lớn như: Công trình cải tạo nâng cấp đường vùng chậm lũ đoạn từ thị trấn Thanh Sơn đi Bến Ngọc (huyện Thanh Sơn) hơn 65 tỷ đồng; công trình cụm kè ngã 3 sông Việt Trì 29 tỷ đồng; Tu bổ nâng cấp đê Tả, Hữu sông Bứa kết hợp đường giao thông 15 tỷ đồng; các công trình thuộc khu Di tích lịch sử Đền Hùng 51 tỷ đồng; công trình xây dựng trường Đại học Hùng Vương 40 tỷ đồng; công trình lưới điện hạ áp 54 xã 65 tỷ đồng; công trình cầu Hạ Hoà 60 tỷ đồng;…
Các công trình nguồn vốn Trung ương, Bộ ngành quản lý: Dự án cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Đền Hùng - Đoan Hùng thuộc đi qua địa phận tỉnh Phú Thọ 110 tỷ đồng; đầu tư XDCB và mua sắm mới TSCĐ của tập đoàn BC-VT (địa bàn Phú Thọ) 51 tỷ đồng; công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đầu tư cải tạo máy móc hấp thụ axít và lò đốt dầu sang đốt than 40 tỷ đồng; công trình xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao huyện Thanh Ba (đang xây dựng nhà xưởng và dây chuyền sản xuất) 180 tỷ đồng…
Một số công trình thuộc nguồn vốn ngoài nhà nước cũng có khối lượng vốn thực hiện đạt khá như: Dự án mở rộng nhà máy xi măng Hữu Nghị giai đoạn II (KCN Thuỵ Vân) 155 tỷ đồng; công trình xây dựng nhà máy bia rượu Hồng Hà - Hà Nội 16 tỷ đồng; dự án mở rộng xưởng của công ty Cổ phần Việt Vương 6 tỷ đồng;...
2. Hoạt động xây lắp
Toàn tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp xây lắp đang hoạt động, tổng giá trị xây lắp cả năm ước đạt 2.165,3 tỷ đồng tăng 8,3% so với năm 2007 (chưa tính đến yếu tố trượt giá).
Doanh nghiệp Nhà nước,ước thực hiện 506,9 tỷ đồng tăng 13,51% so với năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do yếu tốt trượt giá. Tuy gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu tăng cao, việc tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng khó khăn trong thời gian dài nhưng các đơn vị đã cố gắng tập trung mọi nguồn lực thi công nhằm đảm bảo công trình đúng tiến độ, tạo được việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước,ước thực hiện 1.218,3 tỷ đồng, tăng 5,7% so với so với năm 2007 và chiếm 56,2 % tổng số. Các doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn trong khu vực này chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá đã ổn định và đẩy mạnh hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với phương thức giảm chi phí quản lý, sửa dụng tiết kiệm hợp lý tài sản hiện có, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, năng động, thường thi công xây dựng các công trình có thời gian ngắn và có giá trị nhỏ, vốn quay vòng nhanh mang lại hiệu quả. Nhìn chung đây là khối doanh nghiệp hoạt đông năng động ngày càng có vai trò quan trọng trong lĩnh vực xây lắp, tạo điều kiện việc làm cho người lao động, góp phần đáng kể vào kết quả chung của ngành xây dựng.
Các loại hình khác,ước thực hiện 440 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2007, chiếm 20,3% tổng số. Với số lượng lớn và ngày càng tăng của cơ sở xây lắp cá thể nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân góp phần vào sự tăng trưởng chung và tạo việc làm, ổn định thu nhập cho nhiều người lao động trong tỉnh.
VIII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI NĂM 2008
Năm 2008, hoạt động giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá thể thao của tỉnh ta đã thu được những thành tựu đáng kể.
1. Giáo dục – Đào tạo.
Giáo dục mầm non, năm học 2008- 2009 toàn tỉnh có 303 truờng mẫu giáo - mầm non, tăng 2 trường so với năm học trước, trong đó có 27 trường mầm non công lập, 244 trường mầm non bán công, 03 trường mầm non dân lập, 09 trường mầm non tư thục và 20 trường mẫu giáo bán công với 507 nhóm trẻ, 2.039 lớp mẫu giáo. Số trẻ em đi nhà trẻ 5.774 em, trong đó số học sinh nữ là 2.688 em; số học sinh mẫu giáo là 49.368 em, số học sinh nữ là 20.698 em; trong tổng số em đi nhà trẻ, mẫu giáo có 235 em học sinh học hòa nhập. Năm học này ngành Giáo dục- Đào tạo tích cực đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giáo dục mầm non, đồng thời mở rộng diện thực hiện chương trình thí điểm giáo dục mầm non, cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ và tích cực vận động cha, mẹ các cháu tiếp thu kiến thức nuôi dưỡng nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ.
Giáo dục phổ thông, toàn tỉnh hiện có 300 trư­­ờng tiểu học tăng 4 trường so với năm học trước với 4.225 lớp và 90.302 học sinh, trong đó có 299 trường công lập và 01 trường dân lập. Trong đó số học sinh tuyển vào lớp 1 là 17.898 em, hệ công lập có 17.681 em. Các loại hình lớp hoà nhập, lớp linh hoạt, lớp ghép, lớp bán trú, lớp học 2 buổi/ ngày dạy cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, vẫn được duy trì và chú trọng về chất lư­ợng. Một số trường đã tổ chức học bán trú cho học sinh được đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ. Các trường thuộc khu vực miền núi được quan tâm đặc biệt về phương pháp dạy học phù hợp với từng vùng, đã quan tâm dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nhiều trường đã thực hiện dạy môn tự chọn ngoại ngữ, tin học.
Trung học (THCS và THPT), có 250 tr­ường trung học cơ sở, gồm 249 tr­ường công lập và 1 trư­ờng dân lập, với 2.730 lớp và 84.415 học sinh, trong đó số học sinh được tuyển mới vào lớp 6 là 19.100 em, hệ trung học cơ sở có 706 học sinh học lớp hòa nhập, với 5.836 giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Toàn tỉnh có 54 tr­ường trung học phổ thông tăng 1 trường so với năm học 2007- 2008, với 1.020 lớp và 46.900 học sinh, trong đó có 34 trư­ờng công lập, 10 trường bán công, 6 trường dân lập và 4 trường tư thục. Số học sinh tuyển mới vào lớp 10 cả công lập và ngoài công lập là 17.099 học sinh. Với 2.509 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Các trư­ờng chuyên biệt như­ trư­ờng chuyên Hùng Vương và các tr­ường phổ thông Dân tộc nội trú ở các huyện, thành, thị và tỉnh vẫn thực hiện tuyển sinh theo đúng qui chế của Bộ Giáo dục Đào tạo.
2. Y tế
Công tác tiêm chủng mở rộng, đối với 6 bệnh truyền nhiễm ở trẻ em dưới 1 tuổi đã được cung ứng đầy đủ vacxin và các phương tiện phục vụ tiêm chủng mở rộng đầy đủ và đúng lịch qui định. Trong 11 tháng năm 2008, số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 22.369 cháu đạt tỷ lệ 95% kế hoạch.
Công tác phòng chống sốt rét, được tăng cường giám sát thường xuyên. Trong năm 2008, số người được điều trị sốt rét 5.508 người, trong đó số lượt người được điều trị chữa bệnh 1.484 người, cấp thuốc dự phòng và điều trị nguy cơ 4.020 người; không có dịch bệnh xảy ra, không có người chết do sốt rét.
Công tác phòng dịchluôn chủ động sẵn sàng phòng chống dịch, không để những vụ dịch lớn xẩy ra, hạn chế tới mức thấp nhất những trường hợp tử vong do dịch, đặc biệt chú trọng đến các xã, phường bị ngập úng do bão lũ. Trong kỳ, toàn tỉnh có 8.916 người mắc bệnh tiêu chảy; 212 người mắc viêm gan viruts; 1.457 người mắc bệnh thủy đậu; 253 người mắc bệnh quai bị; 1.453 người mắc hội chứng lỵ; 37.964 người mắc hội chứng cúm (không có trường hợp nào tử vong).
Công tác phòng chống HIV/AIDS,luôn duy trì màng lưới tư vấn viên, triển khai thường xuyên hoạt động tư vấn và xét nghiệm tự nguyện tại các cơ sở y tế. Tính đến ngày 29/11/2008 toàn tỉnh có 2.027 người nhiễm HIV phát hiện trong kỳ 641 người; số người mắc AIDS là 546 người, phát hiện trong kỳ 186 người; tổng số người chết do AIDS là 316 người, chết trong kỳ 73 người.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục đẩy mạnh, thường xuyên tổ chức, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là các hành vi làm hàng giả, hàng nhái, sử dụng các nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu. Trong kỳ, không phát hiện thấy cở sở sản xuất kinh doanh nào có sản phẩm nhiễm Melamin, hầu hết các sản phẩm được kiểm tra đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em, được duy trì và thường xuyên, đặc biệt ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh công tác tác quản lý, chăm sóc phụ nữ 15 - 49 tuổi, công tác chăm sóc phụ nữ trước, trong và sau khi sinh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện bốn biện pháp tránh thai hiện đại.
Công tác khám chữa bệnh, tiếp tục được các đơn vị chủ động thực hiện, đặc biệt chủ động triển khai phòng chống cúm gia cầm H5N1, phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý chống lây nhiễm có hiệu quả tại các cơ sở điều trị. Tăng cường quản lý thuốc chữa bệnh tại các cơ sở điều trị và trên thị trường, đảm bảo cung cấp thuốc đầy đủ và bình ổn giá thuốc. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng danh mục thuốc, xác định nhu cầu sử dụng, tổ chức kiểm tra qui chế chuyên môn tại bệnh viện tỉnh và các cơ sở y tế khác.
3. Văn hoá thể thao
Hoạt động văn hoá nghệ thuật, ngày càng phát triển. Các nhiệm vụ công tác văn hoá thông tin được triển khai đạt kết quả. Công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và chào mừng các ngày lễ lớn được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức.
Hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trên toàn tỉnh gắn với các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc; năm 2008 đã tổ chức 14.682 buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ ở cơ sở phục vụ 6.004.800 lượt người xem; 16 hội diễn liên hoan văn nghệ cấp tỉnh thu hút sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân tham gia xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở.
Hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã tổ chức 248 buổi biểu diễn phục vụ đồng bào trong tỉnh. Trung tâm Phát hành Phim và chiếu bóng đã tổ chức 1.818 buổi chiếu phục vụ 499.337 lượt người xem. Hệ thống Thư viện từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo độc giả và các tổ chức tham gia; tài trợ, tổ chức tốt các Hội thi cho thiếu nhi,...
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá "tiếp tục được phát triển sâu rộng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Hiện nay toàn tỉnh có 236.890/314.558 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, có 177/275 xã, phường, thị trấn có hội trường kiêm nhà văn hóa, tính đến nay đã có 223 cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa cấp tỉnh; 180 cơ quan, đơn vị được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng công nhận "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đời sống văn hóa tốt".
Hoạt động thể dục thể thao,được quan tâm thường xuyên, tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ hoạt động thể dục thể thao, chú trọng phong trào thể dục thể thao trong dịp lễ, tết, tổ chức tốt các hoạt động thể dục, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn. Công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức các giải thể thao có nhiều tiến bộ về phương pháp chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Phối hợp giữa các ngành tổ chức tốt các giải định kỳ, hội thao truyền thống.
Phong trào tập luyện thể dục thể thao rèn luyện thân thể tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Đến nay toàn tỉnh có 525 câu lạc bộ thể thao một môn và nhiều môn thể thao ở các đối tượng, lứa tuổi tại nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Phong trào thể dục, thể thao trong trư­ờng học phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chẩn bị và cử lực lượng tham gia thi đấu Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII năm 2008 được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Phong trào thể dục, thể thao trong lực l­ượng vũ trang phát triển mạnh. Phong trào tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe trong cán bộ viên chức, lao động phát triển. Phong trào TDTT trong nông thôn được đẩy mạnh, các giải thể thao được tổ chức tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong năm, ngành TDTT đã phối hợp tổ chức thành công 25 giải thể thao các môn: bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bóng đá, quần vợt…thu hút 1.880 vận động viên tham gia. Tổ chức được 912 giải cấp huyện, 1.100 giải thi đấu và giao lưu cấp cơ sở thu hút 3 vạn lượt người tham gia. Đăng cai tổ chức thành công 3 giải khu vực và toàn Quốc,...
Về thể thao thành tích cao, các đội tuyển trẻ duy trì tập trung thường xuyên (68 VĐV) của 6 môn: bắn cung, vật dân tộc, vật tự do, điền kinh, Wushu đội bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam. Trong năm, đã tổ chức nhiều đợt tập huấn và tham gia thi đấu 19 giải thể thao khu vực và toàn quốc, đạt 79 huy chương các loại, trong đó có 18 HCV, 22 HCB, 39HCĐ.
Tham gia hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, đoàn VĐV Phú Thọ tham gia thi đấu 17 môn thể thao với 443 VĐV, đạt 219 huy chương các loại trong đó 87 HCV, 56 HCB, 76 HCĐ, đạt 4.700 điểm xếp thứ 3/63 đoàn VĐV các tỉnh, thành trong cả nước tham gia.
4. Đời sống dân cư
Năm 2008, đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với lạm phát tăng cao đã gây thiệt hại lớn đến phát triển sản xuất, tác động xấu đến công ăn việc làm, giảm thu nhập thực của người lao động, khó khăn trong chi tiêu đời sống, đặc biệt là những người có thu nhập thấp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giải quyết các vấn đề xã hội trên do vậy nhìn chung đời sống của nhân dân vẫn được đảm bảo.
Đối với khu vực nông thôn, hội nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý 36.710 triệu đồng, luân chuyển cho 9.500 hộ nghèo vay, ngoài ra nhận uỷ thác 127 tỷ đồng cho 1.300 hộ nghèo vay để phát triển sản xuất. Thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm, năm 2008 toàn tỉnh đã cho vay vốn 14 tỷ đồng, trực tiếp tạo việc làm cho khoảng 1.600 lao động, nâng tổng số người được giải quyết việc làm lên 18.200 lao động, trong đó tạo việc làm mới 11.200 người, xuất khẩu trên 3.000 lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Đối với cán bộ công nhân viên chức, tổng số công nhân viên chức, lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh hiện có trên 114 ngàn người; lao động nữ chiếm 52,4%; trong đó lao động khối nhà nước trên 48 ngàn người, khu vực ngoài quốc doanh trên 66 ngàn người. Thu nhập của công nhân viên chức lao động khu vực Nhà nước do địa phương quản lý thu nhập bình quân 1.650,3 ngàn đồng/ người/tháng; khu vực Nhà nước Trung ương 2.455 ngàn đồng/người/tháng; Thu nhập bình quân khối doanh nghiệp ngoài nhà nước 1.180 ngàn đồng/người/ tháng; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.550 ngàn đồng/người/tháng. Một số đơn vị có mức thu nhập cao, đồng thời một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, không tạo đủ việc làm cho người lao động, trả lương thấp, tăng ca, làm thêm giờ làm cho đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

    Tổng số lượt xem: 1698
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)