Theo đánh giá tại cuộc giao ban tháng 5 của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2008 vẫn theo hướng tích cực dù phải đương đầu với nhiều khó khăn như giá nhiều loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu bị đẩy cao, diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh.
Đối mặt với những khó khăn
Chỉ số tiêu dùng tháng 5, theo Tổng cục Thống kê đã tăng tới 3,91%. Tính chung 5 tháng 2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng 15,96%, trong khi cùng kỳ năm 2007, con số này chỉ là 4,32%.
Có thể nói yếu tố tăng giá đã tác động mạnh tới toàn bộ nền kinh tế. Đối với sản xuất công nghiệp, tính chung 5 tháng qua, sản xuất công nghiệp vẫn có xu hướng tiến bộ, giữ được chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng trưởng là 16,4%. Tuy nhiên, giá cả nguyên liệu nhập khẩu tăng là nguyên nhân khiến một số sản phẩm tăng trưởng thấp như: điện sản xuất chỉ tăng 15,7%; sơn hóa học các loại tăng 13,7%; nước máy thương phẩm tăng 13,5%.
Một số địa phương có giá trị sản lượng công nghiệp lớn, nhưng có tốc độ tăng trưởng thấp trong 5 tháng đầu năm là Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong sản xuất nông nghiệp, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng khiến người nông dân rơi vào cảnh lao đao. Giá cả càng tăng mạnh hơn do thiếu hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp chủ đạo nên tư thương lợi dụng đầu cơ, ép giá.
Đời sống người nông dân càng gặp nhiều khó khăn hơn khi mà tình hình thiên tai, dịch bệnh cũng diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến ngày 20/5, cả nước có 3 tỉnh là Cần Thơ, Trà Vinh, Long An có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Bệnh dịch tai xanh từng bước đã được kiểm soát nhưng vẫn còn 9 tỉnh là Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định và Ninh Bình có dịch chưa qua 21 ngày.
Mức nhập siêu 5 tháng đầu năm là 14,4 tỷ USD, chiếm 61,6% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô là 2,5 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch nhập siêu; nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước là 11,9 tỷ USD, chiếm 82,4%. Bên cạnh yếu tố về tăng số lượng hàng nhập khẩu, thì sự tăng giá của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong thời gian gần đây cũng góp phần không nhỏ gây nên tình trạng nhập siêu.
Vẫn có những “điểm sáng”
Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 23,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đã có 8 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm dầu thô, than đá, hàng dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản, gạo và cà phê.
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục tăng cao. Trong tháng 5, cả nước có 130 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 7,5 tỉ USD. Ngoài ra, trong thời gian này còn có 132 lượt dự án tăng thêm vốn đầu tư với hơn 600 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm tới nay đã lên tới 14,7 tỉ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Do chịu ảnh hưởng của giá cả nguyên liệu trên thế giới tăng đã khiến chi phí sản xuất cũng như giá thành các dịch vụ tăng lên, nhưng hoạt động thương mại cũng diễn ra khá sôi động trên hầu khắp các địa bàn trong cả nước. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 5 tháng đầu năm đạt 370.000 tỷ đồng, tăng tới 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khu vực dịch vụ, sôi động nhất là hoạt động du lịch. Công suất sử dụng phòng đạt mức trên 80%, nhiều khách sạn 4 -5 sao tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang... đạt 100%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách cũng phát triển khá, vận chuyển được 181 triệu tấn hàng hóa, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách đạt 758 triệu lượt, tăng 10,4%./.