Năm 2008, cũng giống như các địa phương khác trong nước, trên địa bàn thành phố có nhiều tác động bất lợi ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Do vậy, tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá thực tế năm 2008 ước đạt 289.550 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2007, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Sự chuyển dịch cơ cấu của các thành phần kinh tế rõ nét nhất với tốc độ tăng của kinh tế ngoài nhà nước là 13,8% (cao nhất trong 3 khu vực) đã đưa cơ cấu của khu vực này từ 50,8% trong năm 2007 lên 51,4% trong năm 2008 vì vậy GDP của khu vực kinh tế trong nước cũng tăng từ 77,6% lên 80,1%. Trong 10,7% tăng trưởng chung của năm: khu vực dịch vụ đóng góp 6,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,10%; và khu vực nông, lâm, thủy sản 0,02%.
Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt 410.273 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2007, là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, riêng so với năm 2007 giảm tới 2 điểm phần trăm (năm 2007 tăng 14,1%). Khu vực nhà nước có mức tăng thấp nhất (+4,4%) nhưng cao hơn năm 2007 (công nghiệp nhà nước năm 2007 giảm 9,2% do có nhiều doanh nghiệp lớn chuyển sang cổ phần); mức tăng khu vực ngoài nhà nước là 10,7% (năm 2007 tăng 29,6%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,9% (năm 2007 tăng 19,4%). Có 24/27 ngành sản xuất tăng, trong đó 11 ngành tăng cao hơn mức bình quân chung.
Giá trị sản xuất xây dựng cả năm ước đạt 62.273 tỷ đồng, tăng 21,3% so năm 2007 (mức tăng theo giá thực tế, chưa loại trừ yếu tố giá), thấp hơn nhiều so với mức tăng 38,6% của năm 2007. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 12.259 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 19,7% tăng 32,1% là thành phần tăng cao nhất; kinh tế ngoài nhà nước đạt 44.928 tỷ đồng, chiếm 72,1% và tăng 19,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.089 tỷ đồng, chiếm 8,2% tăng 12,8%.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2008 theo giá thực tế là 7.365,2 tỷ đồng, theo giá so sánh là 3.118,6 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm trước (năm 2007 tăng 5,0%). Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2008 đạt 5.642,5 tỷ đồng theo giá thựh tế, tăng 7,9% so với năm 2007, trong đó mức đóng góp của ngành trồng trọt 2,1%, ngành chăn nuôi 5,0% và dịch vụ nông nghiệp 0,8%. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 47.056 ha, giảm 5,4% so với năm trước. Đến thời điểm 1/10/2008, trên địa bàn thành phố có 3.970 con trâu (bằng 82,6% năm 2007); 105.985 con bò (bằng 106,6%) và 286.499 con lợn (bằng 77,9%).
Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá thực tế đạt 71,3 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm trước, giá trị hoạt động trồng, nuôi rừng năm nay chỉ bằng 31,8% năm trước. Giá trị sản xuất thủy sản 1.651,4 tỷ đồng, giảm 8,6% so với năm trước, trong đó giá trị nuôi trồng chiếm 82,6%, giảm 7,9%, giá trị khai thác chiếm 13,3%, giảm 11,8%. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2008 đạt 9340 ha, giảm 5,2% so với năm 2007. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 42.218 tấn, giảm 23,6% so với năm trước, trong đó, sản lượng nuôi trồng 27.814 tấn thủy hải sản các loại.
Tổng vốn đầu tư trên địa bàn năm 2008 ước thực hiện 115.246 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 21,2%; vượt 18,2% kế hoạch năm và bằng 39,8% GDP. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 12 tháng ước thực hiện 91.012 tỷ đồng, so với kế hoạch năm đạt 121,1%; so với năm trước tăng 22,3%.
Tính đến ngày 15/12/2008, có 505 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký 8.252,2 triệu USD, vốn bình quân mỗi dự án đạt 16,3 triệu USD. So với cùng kỳ số dự án được cấp phép tăng 9,8% (+ 45 dự án), vốn đầu tư tăng gấp 3,6 lần. Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm 71% trong tổng số dự án. Số dự án điều chỉnh vốn là 144 với tổng vốn được điều chỉnh tăng thêm 260,7 triệu USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (gồm cấp phép mới và điều chỉnh tăng vốn) trong năm đạt 8.513 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 3 lần. Số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn 3.141 dự án với tổng vốn đầu tư 25.680 triệu USD (cùng thời điểm năm 2007 có 2.610 dự án, tổng vốn đầu tư 16.554,1 triệu USD).
Từ đầu năm đến ngày 18/12 đã có 18.860 doanh nghiệp ngoài nhà nước mới được cấp phép thành lập trên địa bàn với tổng vốn đăng ký 122.097 tỷ đồng. Trong đó: 1.383 doanh nghiệp tư nhân với số vốn đăng ký 1023 tỷ đồng; 3.208 công ty cổ phần, tổng vốn đăng ký 75.019 tỷ đồng và 14.449 công ty TNHH với tổng vốn đăng ký 46.055 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2007, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 7,7%, số vốn giảm 20,4%.
Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ cả năm đạt 232.548 tỷ đồng, tăng 38,5% so với năm 2007. Loại trừ yếu tố biến động giá tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2007 tăng 13,3% thấp hơn mức tăng 16,4% của năm 2007. Tổng doanh thu về du lịch (bao gồm khách sạn và du lịch lữ hành) đạt 15.965 tỷ đồng, tăng 46,7% so với năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 22,24%, trong đó nhóm hàng “ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 36,1%, duy nhất nhóm “dịch vụ bưu chính, viễn thông” giảm đến 12,6%. Chỉ số giá bình quân của mặt hàng vàng tăng 32,4%, trong khi giá USD tăng thấp hơn với mức 3,09%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2008 (không tính dầu thô) đạt 30.206,5 triệu USD, tăng 5.354,2 triệu USD so với năm trước (tăng 21,5%). Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước thực hiện 22.334,4 triệu USD, tăng 21,9%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 18.326,1 triệu USD tăng 22,2 %.
Doanh thu vận tải cả năm ước đạt 21.639,9%, tăng 35% so với năm 2007. Trong dó doanh thu vận tải hàng hoá chiếm 70,5%, tăng 33,2%; doanh thu vận tải hành khách chiếm 29,5%, tăng 39,3%. Hiện trên địa bàn thành phố đã có 1.175 ngàn máy thuê bao cố định, tăng 1% so với năm 2007. Doanh thu cả năm của trung ương trên địa bàn đạt 3.745 tỷ đồng, địa phương là 2189,6 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước thực hiện 122.530 tỷ, đạt 123,9% dự toán, tăng 33,1%. Tổng chi ngân sách địa phương cả năm ước thực hiện 35.132,7 tỷ, đạt 188,9% dự toán, tăng 37%. Tổng vốn huy động của các ngân hàng đến cuối năm ước đạt 561.500 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 490 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2007.
Dân số trung bình của thành phố năm 2008 là 6.840 nghìn người, tăng 2,8% so với năm 2007. Mức tăng cơ học trong năm chỉ còn 1,96%, tỷ lệ tăng tự nhiên dân số đạt 1,05%, giảm 0,008% so với năm 2007.
Toàn thành phố có 638 trường mẫu giáo và mầm non, 7.018 phòng học, 7.012 lớp học, 12.184 giáo viên và 232.531 trẻ đi mẫu giáo. Hiện thành phố có 843 trường phố thông, với 23.642 lớp học, số phòng học là 24.419, 37.526 giáo viên và 944.367 học sinh.
11 tháng đầu năm trên địa bàn có 13.935 ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết, tăng 34,8%; bệnh chân tay miệng là 3.334 ca, tăng 4%. Số người phát hiện nhiễm lao trong năm là 51.484 người, giảm 5,5%. Số ca nhiễm HIV cộng dồn tới cuối năm là 37.539 ca, trong đó đã chuyển sang AIDS 21.223 ca và tử vong 7.970 người. 11 tháng, tại thành phố đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 17,7% so với cùng kỳ, với số người bị ngộ độc là 921 người.
Tổng số lượt khám chữa bệnh của các cơ sở y tế (chưa tính khu vực tư nhân) trong năm ước tính 26.628 ngàn lượt, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Số bệnh nhân điều trị nội trú 993 ngàn lượt, tăng 4,2%. Số lượt khám chữa bệnh miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi của năm 2008 ước là 3.958 nghìn lượt, trong đó khám ngoại trú là 1.122 nghìn lượt.
Trong năm, công an thành phố đã phát hiện, xử lý 494 vụ vi phạm kinh tế, 6.974 vụ phạm pháp hình sự, 1.492 vụ liên quan tới ma tuý, 1.388 vụ cờ bạc. Trong năm xảy ra 1136 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 30 vụ đường thủy và 7 vụ đường sắt, xử lý 1.973,8 nghìn trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, xử phạt hành chính trên 178 tỷ đồng.
Ước đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 0,34% và đã hoàn thành cơ bản mục tiêu không có hộ nghèo có mức thu nhập 6 triệu đồng/năm.
Trong năm 2008, các đơn vị giới thiệu việc làm đã giải quyết việc làm cho 277,7 nghìn lao động, đạt 102,9% so với kế hoạch. Trong đó việc làm ổn định là 205 nghìn gười, đạt tỷ lệ 73,9%; số việc làm mới tạo ra là 120,4 nghìn, đạt 100,3% kế hoạch. Tỷ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn thành phố là 5,4% (năm 2007 là 5,5%)./.
Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh