Năm 2007, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, tỉnh đã đạt được những kết quả khá, đáng khích lệ về phát triển kinh tế xã hội. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ngày 07/12/2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4329/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2008.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 2008 theo Quyết định trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong phạm vi công tác, tổ chức triển khai, thực hiện toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua, trong đó tập trung làm tốt các các nhiệm vụ trọng tâm sau:
I. Thực hiện tốt các biện pháp để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế với các nhiệm vụ sau:
1. Phát triển nông nghiệp theo hướng tạo giá trị hàng hóa cao, cụ thể:
a. Về cơ chế, chính sách:
- Tiếp tục thực hiện hỗ trợ giá giống lúa lai và lúa chất lượng cao (hỗ trợ 30%). Giao Sở NN&PTNT tổng kết và đề xuất phương án có hiệu quả hơn về chính sách và phương thức thực hiện, báo cáo UBND tỉnh trước tháng 5/2007.
- Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, thủy sản theo các đề án đã được duyệt. Sở NN&PTNT phối hợp cùng sở KH&ĐT, Tài chính xem xét điều chỉnh quy định về quy mô chăn nuôi từ 5ha trở lên xuống từ 3 ha trở lên để phù hợp với thực tế của tỉnh và mở rộng đối tượng được hỗ trợ, khuyến khích tích tụ ruộng đất.
- Ban chỉ đạo đề án miễn, giảm thủy lợi phí căn cứ Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 v.v Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và trình UBND tỉnh phương án để thực hiện trong toàn tỉnh.
- Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan nghiên cứu sâu sắc hơn để rút kinh nghiệm sau tổng kết việc thực hiện Nghị quyết TW 5 về xây dựng mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đảm bảo hiệu quả hơn. Xem xét, đánh giá mô hình khuyến nông thí điểm tại huyện Thanh Hà và đề xuất phương án phù hợp. Báo cáo UBND tỉnh trong quý I năm 2008.
b. Về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
- Tổ chức thực hiện sâu sát, quyết liệt hơn trong việc triển khai sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao, sản xuất vụ đông, phục hồi chăn nuôi…
- Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và bảo vệ cây trồng.
- Cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai, nhất là phòng chống bão, lũ, úng; tránh tình trạng chủ quan, lơ là; triển khai nghiêm túc kế hoạch phòng chống thiên tai đã đề ra…
- Triển khai cụ thể hóa Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cho năm 2008 và 3 đề án về phát triển sản xuất nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới.
2. Phát triển công nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển, cụ thể:
a. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đảm bảo duy trì và phát triển sản xuất:
- Đáp ứng đầy đủ các dịch vụ về điện, nước, viễn thông…
- Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc liên quan đến chính sách tài chính (thuê đất, thuê tài sản, thuế…).
- Hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động (nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài).
- Sớm giải quyết đường vào cho các doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp thành phố Hải Dương.
- Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính.
- Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban quản lý các KCN trong quý I năm 2008 tổ chức một số cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp.
b. Phát triển mạnh mẽ hơn tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Sử dụng hiệu quả các chương trình khuyến công, dạy nghề cho nông dân…
c. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trên cơ sở đúng chính sách, pháp luật:
- Coi trọng xây dựng và thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp, các KCN. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Thực hiện cấp giấy phép cho các dự án đầu tư đều phải trong quy hoạch.
- Làm tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng.
- Coi trọng các tiêu chí chọn dự án đầu tư (công nghệ cao, công nghệ sạch, mức đầu tư lớn và có số thu nội địa cao…).
- Kiên quyết xử lý các dự án thuê đất có dấu hiệu vi phạm. Giao sở KH&ĐT, Tài nguyên-môi trường rà soát một số dự án theo kiến nghị của Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy, đề xuất hướng xử lý trong tháng 01/2008. Ban quản lý các KCN tỉnh kiểm tra kết quả thuê đất, xây dựng hạ tầng, xử lý chất thải trong các KCN; chủ trì, phối hợp với các sở KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên môi trường…kiểm tra kết quả sử dụng đất xây dựng khu chung cư các KCN, đề xuất chính sách đối với đất xây dựng chung cư KCN, báo cáo UBND tỉnh trong quý I/2008.
- Sau khi UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự chấp thuận dự án đầu tư trong nước, Sở KH&ĐT phối hợp với các ngành liên quan sớm xem xét lập bộ phận một cửa liên thông giải quyết các khâu công việc có thể làm được trong quy trình giải quyết các việc liên quan đến nhà đầu tư.
d. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của Nhà nước.
- Tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản hiện nay là do: Bố trí công trình nhiều, ghi vốn thấp xa so với dự toán; Phát sinh vì chính sách tăng lương nên giá nhân công tăng; Giá vật tư tăng cao; Công tác tư vấn yếu kém gây phát sinh lúc thi công; Chi phí giải phóng mặt bằng không có hoặc phát sinh so với dự toán; Chủ đầu tư và tư vấn cắt giảm các công trình phụ trợ để giảm dự toán dẫn đến hoàn thành khối lượng sai.
- Để khắc phục tình trạng yếu kém nêu trên cần phải:
+ Thực hiện nghiêm Quyết định số 4219/QĐ-UBND ngày 29/11/2007 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý trong lĩnh vực: quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Gắn phân cấp mạnh với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
+ Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ và các ngành liên quan xem xét xây dựng cơ chế trách nhiệm vật chất khi để phát sinh kinh phí ngoài dự toán của chủ dự án, nhà thầu, tư vấn, người thẩm định…
+ Thanh toán vốn theo nguyên tắc: có quyết toán, cũ trước, mới sau, có thanh toán một phần khối lượng hoàn thành cho các công trình lớn, công trình trọng điểm.
+ Chủ động xây dựng các dự án đầu tư để tranh thủ vốn của TW qua các chương trình mục tiêu, vốn ODA, vốn viện trợ phi chính phủ, vốn TW rút từ các công trình không sử dụng hết…
3. Phát triển các loại hình dịch vụ: Tiếp tục triển khai chương trình phát triển chợ. Triển khai có hiệu quả các đề án phát triển dịch vụ đã được ban hành.
4. Thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách:
a, Đẩy mạnh công tác thu ngân sách: cần thực hiện các biện pháp:
- Quản lý tốt các đối tượng nộp thuế như các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể…
- Xác định đúng, đủ số thuế (loại thuế, mức thuế), tránh để sót đối tượng nộp thuế, triển khai tốt việc thu thuế nhà đất.
- Tập trung tăng thu để phấn đấu vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, ngành thuế là chủ lực, cần có sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vận động của các đoàn thể.
- Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra: Làm công việc này cần có chương trình cụ thể để không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; Thực hiện truy thu, xử phạt vi phạm để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Tăng cường nguồn thu từ đất:
+ Sở Tài chính cần sớm xác định giá thuê đất cho một số doanh nghiệp hiện nay còn tính theo giá tạm tính.
+ Sở Tài chính phối hợp với Ban đổi mới - phát triển doanh nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước hiện nay do các tổ chức, cá nhân sử dụng không hiệu quả để làm các thủ tục đấu giá theo quy định.
+ Các huyện, thành phố đẩy mạnh hơn công tác quy hoạch, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đấu giá. (UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện phân cấp trong việc đấu giá đất)
b, Thực hiện chi ngân sách theo kế hoạch được duyệt đảm bảo đúng quy định trên cơ sở tiết kiệm, chống lãng phí. Việc thực hiện giao cho cấp huyện phân bổ kinh phí giáo dục từ cấp trung học cơ sở trở xuống cần coi trọng các nguyên tắc phân bổ và đảm bảo chủ động kinh phí cho các trường.
II. Tạo bước đột phá về cải cách hành chính:
Để tạo đột phá trong cải cách hành chính, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Tập trung xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản pháp quy:
- Trong Quý I/2008 phải rà soát hết các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để chấm dứt thời hiệu những văn bản không còn hiệu lực, giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các ngành liên quan rà soát các văn bản trên các lĩnh vực đã được xây dựng và đề xuất biện pháp xử lý.
- Trên cơ sở chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, tập trung soạn thảo và ban hành kịp thời các quy định, quy chế, quyết định đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhất là về các lĩnh vực:
+ Chống tham nhũng, lãng phí;
+ Trách nhiệm cụ thể cá nhân người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
+ Trách nhiệm cụ thể giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và công dân.
+ Cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ môi trường…
2. Nâng cao trình độ chuyên môn và mức độ thành thạo công việc của cán bộ, công chức: Nhằm đảm bảo cho cán bộ, công chức có kiến thức, có thực tế, cập nhật được thông tin, nắm vững và thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, nguyên tác, quy định giải quyết công việc và nắm được nội dung công việc được giao; vì vậy cần chú ý những vấn đề sau:
- Khuyến khích việc tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu của cán bộ, công chức.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hoặc gửi đi tập huấn, bồi dưỡng nếu có điều kiện.
- Tiếp tục thực hiện đề án áp dụng hệ thống TCVN ISO-9001-2000 tại các cơ quan hành chính nhà nước theo đề án đã được duyệt.
- Thực hiện luân chuyên một số cán bộ có chức danh thuộc diện phải luân chuyên theo quy định của Chính phủ.
3. Giải quyết tốt các công việc liên quan đến tổ chức và công dân:
- Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tháng 1/2008 thực hiện rà soát, điều chỉnh lại mô hình một cửa của đơn vị mình theo hướng:
+ Đơn giản, giảm bớt những thủ tục gì có thể bỏ được, công khai các thủ tục.
+ Rút ngắn tiếp thời hạn quy định giải quyết công việc xuống từ 20%-50%.
+ Nâng cao chất lượng giải quyết công việc ở mỗi khâu như: Nhận hồ sơ có biên nhận, xác nhận. Đảm bảo về thủ tục, tránh việc để tổ chức, công dân phải đi lại nhiều lần (trừ những vấn đề thuộc chuyên môn đã yêu cầu nhưng chưa đáp ứng được).
- Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với sở KH&ĐT, Tài chính, TNMT, Ban quản lý các KCN tỉnh xem xét tiếp tục nghiên cứu mở rộng mô hình một cửa liên thông chấp thuận đầu tư.
4. Xây dựng, cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm mỗi chức danh cán bộ, công chức, viên chức khi để xảy ra công việc trì trệ, kém hiệu quả thì xử lý kịp thời. Công việc này phải thực hiện trong quý II/2008, cụ thể:
- Đối với loại văn bản quy phạm pháp luật: Giao sở Nội vụ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng, đề xuất.
- Đối với các quy định của cơ quan: Từng cơ quan tự xây dựng các quy định cụ thể để thực hiện.
III. Giải quyết tốt hơn một số vấn đề xã hội bức xúc.
1. Về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản của TW về: Kê khai tài sản, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng…
- Ban hành các quy định của tỉnh về các nội dung:
+ Thực hiện phòng chống tham nhũng (Thanh tra tỉnh tham mua);
+ Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ( Sở Tài chính tham mưu);
+ Quy định về sử dụng tài sản công ( Sở Tài chính tham mưu);
- Xử lý nghiêm các vi phạm khi được phát hiện.
2. Đảm bảo vệ sinh môi trường:
- Xem xét nghiêm ngặt hơn yếu tố đảm bảo môi trường khi chấp thuận các dự án xin thuê đất. Tiếp tục duy trì cấm đốt gạch thủ công.
- Kiểm tra, xử lý nghiêm (đến mức đình chỉ sản xuất) những cơ sở cố tình gây ô nhiễm môi trường.
- Có biện pháp giám sát thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường ở những cơ sở sản xuất chưa kiểm soát được 24/24 giờ.
3. Chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm cho nhân dân vùng chuyển đổi đất sang làm giao thông, đô thị, công nghiệp:
Bên cạnh việc tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cần phải đặc biệt chú ý tới việc:
- Dành đất và chuẩn bị tốt hạ tầng cho tái định cư.
- Những nơi giao đất với diện tích lớn (KCN…) phải dành đất cho dịch vụ ở mức phù hợp.
- Chuẩn bị tốt các đề án chuyển nghề, dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng trong độ tuổi lao động, những hộ bị thu hồi đất được nhà đầu tư cam kết tuyển dụng lao động.
- Có phương án giao đất phù hợp với lộ trình thực hiện dự án.
4. Kiềm chế tai nạn giao thông:
Cần tập trung:
- Giải quyết các điểm đen về an toàn giao thông, giải tỏa việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
- Lực lượng công an và thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý kiên quyết các vi phạm về an toàn giao thông.
- Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và gia đình tiếp tục tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông.
5. Giải quyết tốt việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Tập trung giải quyết cơ bản các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.
- Tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, chính xác ngay từ khâu đầu, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp.
Nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 2008 đã được giao, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đồng chí: thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai và thực hiện các biện pháp có hiệu quả trên các lĩnh vực đã nêu trên để hành thành kế hoạch ngay từ những thời gian đầu, quý đầu nhằm thực hiện tốt kế hoạch cả năm 2008./.