Báo cáo số 128/BC- UBND ngày 30/12/2005 của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 – 2010.
Phần thứ nhất
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005
Triển khai thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản như: tình hình chính trị - xã hội đất nước tiếp tục ổn định; kinh tế cả nước đang trên đà phát triển; chính sách, pháp luật thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang từng bước được xác lập; sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ về nhiều mặt của Trung ương, nhất là về vốn đầu tư... Bên cạnh đó, cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là: giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao; thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản biến động không thuận lợi cho sản xuất trong nước; ảnh hưởng của dịch bệnh SARS, cúm gia cầm, cúm A trên người...; thiên tai, lũ lụt lớn 3 năm liền (2000-2002) gây tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận nhân dân; nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đang trên đà suy giảm, từ 7,18% năm 1996 xuống 5,04% năm 2000, thấp nhất so với 15 năm trước... đã gây nhiều khó khăn cho quá trình phát triển đi lên của Tỉnh. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, quyết tâm cao của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể như sau:
I. Những kết quả đạt được.
1. Kinh tế của Tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực, nhịp độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2001, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) đạt 6,99%, chặn được đà suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế và mở ra giai đoạn phát triển liên tục trong những năm về sau: năm 2002 tăng 9,04%, năm 2003 tăng 9,27%, năm 2004 tăng 10,98%, năm 2005 tăng 13,48%, bình quân 5 năm 2001-2005 tăng 9,93%/năm, vượt mục tiêu 1,43% (mục tiêu đề ra là tăng 8,5%/năm) và cao hơn tốc độ tăng bình quân 5 năm trước 3,07% (bình quân 5 năm 1996-2000 tăng 6,86%/năm).
Đến năm 2005, tổng giá trị GDP tính theo giá so sánh 1994 ước đạt 7.418 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2000 (mục tiêu gấp 1,5 lần); GDP bình quân đầu người đạt 4,49 triệu đồng, tương đương 406 USD.
2. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng.
Cơ cấu kinh tế của Tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - dịch vụ và giảm dần tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 10,82% năm 2000 lên 15,23% năm 2005, tương tự khu vực thương mại - dịch vụ tăng từ 24,53% lên 26,99%, khu vực nông - lâm - thủy sản giảm từ 64,65% xuống còn 57,78%, so với kế hoạch đến năm 2005, khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 51%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 17% và khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32% trong tổng GDP toàn Tỉnh (theo giá cố định 1994).
Từng ngành sản xuất cũng có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, diện tích cây trồng theo hướng ổn định diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày và vườn cây ăn trái; chăn nuôi, thủy sản chuyển hướng sang các loại con cho năng suất, giá trị kinh tế cao, như: bò thịt, heo thịt hướng nạc, cá tra, cá ba sa, cá lóc, điêu hồng, ba ba, cá sấu... Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giảm từ 84,46% năm 2000 xuống còn 83,78% năm 2005, ngành thủy sản tăng từ 10,56% lên 12,80% trong tổng giá trị sản xuất toàn khu vực nông - lâm - thủy sản. Kinh tế nông thôn từng bước chuyển từ thuần nông sang sản xuất đa dạng các ngành nghề, như: đan đát, dệt chiếu, làm bột, thắt võng, khâu bóng, đan lục bình... Sản xuất công nghiệp đang dần chuyển hướng vào chiều sâu, với các loại sản phẩm giá trị kinh tế cao, như: chế biến thủy sản, bánh phồng tôm, sản phẩm ăn liền, thuốc tân dược... Một số dịch vụ cao cấp như: tài chính, tín dụng, bảo hiểm, viễn thông, khoa học công nghệ, vận tải, giáo dục, y tế... đang trên đà phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân.
Trong quá trình phát triển, đã và đang hình thành một số vùng kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển, như: thị xã Cao Lãnh, thị xã Sa Ðéc, vùng kinh tế biên giới với thị trấn Hồng Ngự làm trung tâm, vùng kinh tế ven sông Hậu và Quốc lộ 54, vùng kinh tế ven Quốc lộ 80, vùng kinh tế ven Tỉnh lộ 852...
Cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch đáng kể. Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 5,7% năm 2000 lên 9% năm 2004, tương tự lao động khu vực thương mại và dịch vụ tăng từ 10% lên 11,5%, lao động khu vực nông-lâm-thủy sản giảm từ 84,3% xuống còn 79,5% trong tổng số lao động tham gia làm việc trong các ngành kinh tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 6,7% năm 2000 lên 20,7% vào năm 2005.
Cơ cấu thành phần kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng thu hẹp số lượng doanh nghiệp nhà nước, tăng dần số lượng doanh nghiệp dân doanh, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Ðã hoàn thành sớm một năm kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước Tỉnh đến năm 2005, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau khi sắp xếp ngày một nâng cao. Khu vực kinh tế dân doanh (kể cả kinh tế tập thể) phát triển đa dạng về quy mô, hình thức, là khu vực phát triển năng động, hiệu quả. Ðáng chú ý là khu vực này ngày càng có nhiều nhà đầu tư ngoài Tỉnh đến đầu tư sản xuất, kinh doanh.
3. Sản xuất nông nghiệp vượt qua nhiều khó khăn duy trì nhịp độ tăng trưởng khá trong nhiều năm.
Giá trị sản xuất toàn ngành nông - lâm - thủy sản tính theo giá so sánh 1994 tăng bình quân 5 năm 9,38%/năm, trong đó ngành nông nghiệp tăng 9,05%/năm; ngành lâm nghiệp tăng 4,7%/năm; ngành thủy sản tăng 13,13%/năm. Giá trị tăng thêm (GDP) ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 5 năm 7,49%/năm.
Ngành nông - lâm - thủy sản phát triển theo hướng khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cho sản xuất, với nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, như: sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi tôm, cá trên ruộng lúa, nuôi cá tra trên đất bãi bồi, nuôi bò thịt, xây dựng vườn cây ăn trái kiểu mẫu, trồng hoa kiểng... Số lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu ngày càng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế Tỉnh phát triển và đóng góp đáng kể vào công tác đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.
Ngành trồng trọt đang từng bước chuyển hướng đi vào chiều sâu với việc thâm canh, tăng vụ, đẩy nhanh ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng nông sản hàng hóa. Sản lượng lúa tăng liên tục từ 1,9 triệu tấn năm 2001 lên gần 2,6 triệu năm 2005, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, vượt chỉ tiêu đề ra là ổn định ở mức 2,0 triệu tấn/năm. Diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và diện tích vườn cây ăn trái liên tục được mở rộng, với các loại cây trồng phù hợp nhu cầu của thị trường; đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngành chăn nuôi gia súc phát triển mạnh. Đến nay, tổng đàn heo có khoảng 320.000 con, gấp 1,74 lần; đàn bò có trên 28.000 con, gấp 9,3 lần so với năm 2000. Riêng đàn gia cầm giảm do ảnh hưởng dịch cúm, hiện tổng đàn có trên 3 triệu con.
Ngành thủy sản có bước phát triển vượt bậc do phát huy tốt lợi thế vùng đất bãi bồi ven sông; bước đầu hình thành vùng nguyên liệu tập trung, có chất lượng, đáp ứng cho công nghiệp chế biến và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu thủy sản của Tỉnh. Năm 2005, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 138.920 tấn; trong đó, nuôi trồng 118.920 tấn, gấp 3,4 lần so với năm 2000.
Ngành lâm nghiệp tiếp tục được đầu tư theo các chương trình, dự án với mục tiêu bảo tồn sinh thái vùng Ðồng Tháp Mười, chắn sóng, che phủ, phục vụ quốc phòng, từng bước khép kín diện tích rừng, nâng cao hiệu quả quỹ đất lâm nghiệp của địa phương. Ðến nay, tổng diện tích rừng khoảng 11.500 ha, trong đó, rừng tràm 11.350 ha, phân bổ chủ yếu ở huyện Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh; rừng bạch đàn 150 ha, ở huyện Tân Hồng.
Kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, cùng với việc phát triển thêm nhiều ngành nghề mới phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng quan hệ sản xuất ở nông thôn được chú trọng, đã tạo điều kiện chuyển đổi các hợp tác xã kiểu cũ và thành lập nhiều hợp tác xã mới, bước đầu hoạt động có hiệu quả; kinh tế trang trại từng bước được hình thành và phát triển. Cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sạch, trường học, trạm y tế, chợ ... được quan tâm đầu tư, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại. Đến năm 2005, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn là 81,5%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 43% (nếu tính hộ dân tự lắng lọc đạt 60%).
4. Sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng cao.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tính theo giá so sánh 1994 tăng bình quân 5 năm 21%/năm. Giá trị tăng thêm (GDP) ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 5 năm 17,71%/năm.
Trong những năm qua ngành công nghiệp Tỉnh có bước chuyển biến tích cực, năng lực sản xuất của nhiều ngành, nhiều sản phẩm tăng lên đáng kể, một số sản phẩm đã cạnh tranh được trên thị trường trong nước và nước ngoài, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Nhiều ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp được khôi phục, phát triển, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại, góp phần tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo năng lực mới cho toàn ngành. Khu vực doanh nghiệp nhà nước tuy giảm về số cơ sở, nhưng tăng về tỷ trọng giá trị sản xuất so với toàn ngành, từ 27,62% năm 2000 lên trên 34% năm 2005. Khu vực doanh nghiệp dân doanh, với sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nên tiếp tục có bước phát triển mạnh, đa dạng và năng động. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã hình thành 3 khu công nghiệp tập trung và 16 cụm công nghiệp huyện, thị thu hút được nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn ngành.
Ngành xây dựng tiếp tục có sự chuyển biến, trong đó đã tiến hành triển khai sắp xếp lại các ban quản lý dự án xây dựng theo hướng giảm đầu mối, nâng cao năng lực về trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, cùng với sự ra đời của nhiều doanh nghiệp xây dựng dân doanh, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn. Công tác kiến trúc, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, cụm tuyến dân cư, xây dựng nhà ở được tăng cường; công nghiệp khai thác cát sông, sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu xây dựng ngày càng tăng của nền kinh tế Tỉnh.
5. Các ngành dịch vụ phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân.
Giá trị tăng thêm toàn ngành thương mại - dịch vụ bình quân 5 năm tăng 12,05%/năm.
Ngành thương mại hoạt động sôi động, khối lượng hàng hóa lưu thông ngày càng tăng, cơ cấu mặt hàng phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu cơ bản về sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn bình quân 5 năm tăng 15,8%/năm.
Hình thức kinh doanh phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế dân doanh ngày càng giữ vị trí quan trọng ở tất cả các khâu từ lưu thông đến phân phối hàng hóa, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Mạng lưới kinh doanh tiếp tục được mở rộng ở cả khu vực thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới với sự hình thành và ra đời của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ nông thôn.
Công tác quản lý nhà nước về thị trường được chú trọng, góp phần vào việc bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người sản xuất và tiêu dùng.
Hoạt động xuất, nhập khẩu tăng nhanh. Tính chung 5 năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 573 triệu USD, bình quân tăng 14,97%/năm (kế hoạch tăng 19,4%/năm), trong đó xuất khẩu thủy sản 5 năm đạt 159 triệu USD, bình quân tăng 33,83%/năm. Nhập khẩu hàng hóa 5 năm đạt 621 triệu USD, bình quân tăng 21,7%/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản, bánh phồng tôm, quần áo may sẵn; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón, xăng dầu, nguyên liệu tân dược.
Ngành du lịch có chuyển biến tích cực. Lượng khách du lịch đến Tỉnh tăng từ 68.810 lượt người năm 2000 lên 135.000 lượt người năm 2005 (nếu tính cả khách du lịch hành hương thì năm 2005 đạt khoảng 615.000 lượt người); tổng doanh thu du lịch và khách sạn nhà hàng bình quân 5 năm tăng 18,28%/năm. Thị trường du lịch bước đầu được mở rộng; sản phẩm du lịch phát triển theo hướng đa dạng; kết cấu hạ tầng du lịch có bước cải thiện đáng kể.
Dịch vụ vận tải tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Phương tiện và cơ sở vật chất ngành vận tải từng bước được tăng cường, bước đầu hình thành dịch vụ vận chuyển hành khách bằng taxi, đang triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt. Khối lượng luân chuyển hàng hóa bình quân 5 năm tăng 10,6%/năm; luân chuyển hành khách tăng 6,6%/năm. Đến năm 2005, tổng chiều dài các loại đường được đầu tư cán đá, láng nhựa gấp 3,25 lần, trong đó đường nông thôn đảm bảo đi lại trong hai mùa gấp 1,26 lần so với năm 2000.
Dịch vụ bưu chính-viễn thông phát triển nhanh, mạng lưới viễn thông từng bước được hiện đại hóa. Đến năm 2005, số máy điện thoại đạt 9,6 máy/100 dân (năm 2000 là 1,98 máy/100 dân); có 5.036 thuê bao internet, gấp 20 lần so với năm 2000; 100% điểm bưu cục có phục vụ internet công cộng; thực hiện nối mạng internet đến 100% trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và 23 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới bưu chính phát triển, góp phần giảm bán kính phục vụ xuống còn 1,67 km.
Dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp luật, dịch vụ kỹ thuật, y tế, giáo dục, đào tạo, xuất khẩu lao động... đều có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
6. Thu ngân sách tăng khá, góp phần đáp ứng nhu cầu chi, nhất là chi cho đầu tư phát triển.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được tăng dần qua các năm, mức thu hàng năm đều vượt chỉ tiêu dự toán. Số thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 513 tỷ đồng năm 2000 lên 1.130 tỷ đồng năm 2005, bình quân 5 năm tăng 17%/năm (trong đó, thu nội địa tăng trên 15%/năm), chiếm tỷ trọng 9-10% GDP toàn Tỉnh.
Nhờ tăng thu nên các khoản chi ngân sách có cải thiện, nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi cải cách tiền lương, chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, xóa đói giảm nghèo và các khoản chi đột xuất, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai... Tổng chi ngân sách địa phương bình quân 5 năm tăng 14,04%/năm. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến theo hướng tăng dần mức chi cho đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách hằng năm, bình quân 5 năm tăng 11,92%/năm. Công tác quản lý chi tiêu ngân sách đảm bảo tiết kiệm, đúng chế độ, chính sách quy định của Nhà nước.
7. Đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2001-2005 đạt khoảng 10.830 tỷ đồng, tăng bình quân 24,16%/năm, bằng 29,25% so với GDP, cao hơn thời kỳ 1996-2000 là 9,8%. Cơ cấu đầu tư có sự dịch chuyển theo hướng tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 2005, tính riêng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề chiếm 20,28%; y tế, xã hội chiếm 6,62% tổng chi ngân sách địa phương.
Do chú ý tập trung nguồn lực đầu tư cùng với các công trình Trung ương triển khai trên địa bàn, nên kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của Tỉnh có bước phát triển đáng kể, góp phần làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới. Đã bước đầu hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, nối liền các trục giao thông chính đến các trung tâm Tỉnh, huyện, thị xã và trung tâm xã, biên giới; mạng lưới bưu chính-viễn thông, điện năng, phát thanh truyền hình phủ kín 100% xã; hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu du lịch, hệ thống kênh mương, bờ bao, trạm bơm, mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khu kinh tế cửa khẩu được tăng cường đầu tư; hệ thống trường lớp học, cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hướng kiên cố hóa, đảm bảo hoạt động bình thường trong mùa lũ; kết cấu hạ tầng nội ô thị xã, thị trấn từng bước được nâng cấp, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại...
Mạng lưới đô thị trên địa bàn được xây dựng theo định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn của Tỉnh đến năm 2020. Đã tập trung đầu tư, đề nghị và được Bộ Xây dựng quyết định công nhận đô thị loại III đối với thị xã Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc, loại IV đối với thị trấn Hồng Ngự. Tỷ lệ đô thị hóa (dân số đô thị) của Tỉnh tăng dần qua các năm, từ 13,07% năm 1995, lên 14,48% năm 2000 và 15% năm 2004.
Cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng, mạng lưới đô thị, Tỉnh đã triển khai san lấp, tôn nền 205 cụm, tuyến dân cư, với diện tích 1.042 ha, có khả năng bố trí chỗ ở cho 45.000 hộ, đồng thời với việc xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, cấp thoát nước... Ðến nay, đã cơ bản hoàn thành phần san lấp nền, nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu trong các cụm, tuyến được đưa vào sử dụng, đã có trên 22.000 hộ dân di dời vào ở.
8. Về giáo dục và đào tạo.
Giáo dục, đào tạo tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về quy mô, ngành nghề, đến tận vùng sâu, biên giới, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non từng bước được nâng lên. Kết quả xóa mù chữ được củng cố, đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đang đề nghị Trung ương công nhận. Triển khai phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt kết quả tích cực, đến nay có 100% thị xã, thị trấn và 47,7% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (kế hoạch đề ra là 100% và 40%) - tương đương với 102/142 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đạt tỷ lệ 71,8%.
Quy mô các cấp học, bậc học tiếp tục phát triển. Năm học 2004-2005, số học sinh mẫu giáo gấp 1,31 lần; số học sinh trung học cơ sở gấp 1,39 lần; số học sinh trung học phổ thông gấp 1,5 lần; riêng số học sinh tiểu học giảm 22,7% so với năm học 2000-2001.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục được chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy, cùng với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học, đã góp phần nâng cao một bước chất lượng giáo dục. Số học sinh tốt nghiệp các cấp học phổ thông hằng năm đạt ở mức khá (bình quân trên 67%). Tỷ lệ lưu ban, bỏ học giảm dần. Tỷ lệ hoàn thành cấp học tăng, năm học 2004-2005, cấp tiểu học đạt 88,35%, cấp trung học cơ sở đạt 65,26%, cấp trung học phổ thông đạt 73,71% (theo thứ tự trên, năm 2000-2001 là 59,11%, 46,64% và 65,84%). Nhiều học sinh của Tỉnh đã tham dự và đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi năng khiếu và thi đấu thể thao ở các cấp.
Giáo dục chuyên nghiệp, đào tạo và dạy nghề có chuyển biến. Đã hoàn thành việc nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp lên trường đại học, đang tiếp tục đầu tư mở rộng theo hướng nâng lên đại học đa ngành. Mạng lưới các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, giới thiệu việc làm phát triển rộng khắp với nhiều chuyên ngành đào tạo, dạy nghề khác nhau, đáp ứng cơ bản nhu cầu của xã hội. Năm học 2004-2005, số học sinh trung học chuyên nghiệp gấp 1,52 lần; số sinh viên đại học, cao đẳng có 6.150, gấp 3,78 lần so với năm học 2000-2001 (nếu tính cả số học sinh của Tỉnh đi học cao đẳng, đại học ngoài Tỉnh có khoảng 18.000 sinh viên, đạt tỷ lệ bình quân 110 sinh viên/10.000 dân). Số lao động được dạy nghề ngắn hạn hằng năm trên dưới 10.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 6,7% năm 2000 lên 20,7% năm 2005.
Cơ sở vật chất trường, lớp học được tăng cường đầu tư theo hướng từng bước xoá phòng học tạm bợ, ba ca, xây dựng trường kiên cố vượt lũ, gắn với việc đầu tư xây dựng các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện... Đến năm 2005, toàn Tỉnh có 135 trường mầm non, 308 trường tiểu học, 126 trường trung học cơ sở và 36 trường trung học phổ thông; trong đó có 07 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 05 trường trung học cơ sở và 01 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Công tác xã hội hoá giáo dục đạt kết quả bước đầu. Hằng năm huy động chi hỗ trợ hoạt động giáo dục khoảng 15 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học khoảng 20 tỷ đồng. Đáng chú ý là đã huy động được các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển thêm nhiều lớp mẫu giáo bán trú nông thôn kết hợp với việc tổ chức giữ trẻ trong mùa lũ.
9. Về khoa học - công nghệ, tài nguyên và môi trường.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, đã triển khai nghiên cứu nhiều đề tài thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y học, điều tra cơ bản, công nghệ thông tin..., một số kết quả nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn, mang lại kết quả thiết thực. Hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất ngày càng được quan tâm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ tài nguyên môi trường... Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã tiến hành đổi mới công nghệ, thiết bị, triển khai áp dụng các quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP...
Hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học vùng ngập nước vùng Đồng Tháp Mười được các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân quan tâm thực hiện, đặc biệt thông qua các phong trào xanh sạch đẹp, tuần lễ nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, ngày môi trường thế giới..., đã góp phần nâng cao một bước ý thức về bảo vệ môi trường của người dân.
10. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình tiếp tục được đẩy mạnh, nên đạt nhiều kết quả tích cực. Ðến năm 2005, tỷ lệ sinh đạt 1,72%, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 76,6%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,19% (mục tiêu là dưới 1,2%), dân số trung bình có khoảng 1,653 triệu người (mục tiêu là 1,68 triệu người).
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Các chỉ tiêu về sức khỏe, bệnh tật từng bước được cải thiện, dịch bệnh được khống chế kịp thời. Hằng năm có trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ, trên 95% trẻ em được uống vitamin A, các bệnh trong diện tiêm chủng ngày càng giảm, đã thanh toán bệnh bại liệt trẻ em và loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được nâng lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống còn 24,6% (mục tiêu là dưới 25%), các trường hợp tai biến sản khoa được hạn chế đến mức thấp.
Mạng lưới cơ sở y tế tiếp tục được tăng cường đầu tư. Trong đó, Bệnh viện đa khoa Ðồng Tháp được xây dựng và trang bị khá hoàn chỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự, Tháp Mười, Bệnh viện Y học cổ truyền được đầu tư nâng cấp, mở rộng; hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị đều được xây dựng và bổ sung trang thiết bị thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Y tế cơ sở tiếp tục được nâng cấp, kiện toàn, đến nay 100% trạm y tế đã có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi phục vụ; hơn 95% trạm y tế là nhà cấp 4 và được trang bị tương đối đầy đủ; 100% trạm y tế xã đều có quầy thuốc phục vụ nhân dân; 100% khóm ấp có nhân viên sức khỏe cộng đồng.
Xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả bước đầu. Y tế tư nhân được khuyến khích phát triển.
11. Về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bằng cách thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển, phong trào tương trợ nhau vượt khó với chương trình quốc gia giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo; tổ chức dạy nghề, truyền nghề, cấy nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất... Hằng năm có trên 200 dự án hỗ trợ việc làm được giải ngân, tổng số tiền luân chuyển cho vay trên 87 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, đã giải quyết việc làm cho trên 190.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết khoảng 38.000 lao động, trong đó có trên 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Tỉnh. Đến năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,22% (chuẩn cũ - mục tiêu giảm còn 6-7%), tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 2,85% (mục tiêu giảm còn 3-3,5%), thời gian sử dụng lao động ở nông thôn nâng lên 81,5%.
12. Về văn hóa thông tin, thể dục thể thao.
Hoạt động văn hóa thông tin tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, một số loại hình văn hoá dân gian được khôi phục, góp phần cổ vũ, thu hút sự tham gia ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" từng bước đi vào chiều sâu, số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa ngày càng nhiều. Mạng lưới phát thanh, truyền hình phát triển, nội dung, chất lượng bài viết ngày càng tiến bộ, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Những kết quả trên đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, nếp sống văn minh, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống các loại tệ nạn xã hội.
Hoạt động bảo tồn, bảo tàng được quan tâm. Ðã đầu tư nâng cấp, xây dựng một số công trình văn hóa và thiết chế văn hóa như: nhà bảo tàng tổng hợp tỉnh, tượng đài chiến thắng Gò Quản Cung - Giồng Thị Ðam, phục chế di tích Xẻo Quýt, trùng tu di tích Nguyễn Sinh Sắc...
Các hoạt động thể dục, thể thao tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, thu hút ngày càng nhiều người tham gia; tỷ lệ người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên so tổng dân số tăng từ 12% năm 2000 lên 18,75% năm 2005; tỷ lệgia đình thể thao so tổng số hộ tăng nhanh. Hàng năm đã tổ chức nhiều hoạt động thi đấu các giải thể thao truyền thống, các giải thể thao liên ngành tạo được khí thế phấn khởi, vui tươi trong nhân dân.
Thể thao thành tích cao có tiến bộ, đoạt nhiều huy chương ở các giải thi đấu thể thao cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế, cung cấp nhiều vận động viên, huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia.
13. Về công tác xã hội, chăm sóc người có công.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, đã vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 20 tỷ đồng, xây dựng và bàn giao 2.995 căn nhà tình nghĩa (mục tiêu 5 năm xây dựng 2.000 căn); cấp hàng ngàn nhà tình thương cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, đảm bảo nuôi dưỡng đến cuối đời các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Các hoạt động xã hội từ thiện, trợ giúp nhân dân vùng bị thiên tai, bão lụt, giúp đỡ người già không nơi nương tựa, nạn nhân chất động da cam, trẻ em sống lang thang, trẻ em nghèo... được thực hiện sâu rộng, thu hút mọi cá nhân, tổ chức tham gia.
14. Về công tác cải cách hành chính.
Công tác cải cách hành chính được triển khai trên cả bốn nội dung: cải cách thể chế; tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công.
Về cải cách thể chế, đã hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tỉnh. Công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật dần đi vào nền nếp. Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được triển khai thực hiện tích cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Về cải cách tổ chức bộ máy, đã cơ bản hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn; bước đầu kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, qua đó đã cơ bản xác lập được nguyên tắc phối hợp giữa các bộ phận trong nội bộ cơ quan, đơn vị, giữa các đơn vị với nhau, nên việc xử lý công việc, giải quyết thủ tục hành chính tương đối đồng bộ, thời gian giải quyết được rút ngắn hơn trước; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng lên.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng, đảm bảo bám sát quy hoạch, kế hoạch đã đề ra.
Cải cách tài chính công đạt kết quả đáng ghi nhận, đã thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đến 100% đơn vị cấp Tỉnh và huyện, thị; giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp cấp Tỉnh đạt 68% (54/79 đơn vị) và cấp huyện đạt 32% (12/38 đơn vị).
Dân chủ tiếp tục được phát huy, chất lượng các kỳ họp và hoạt động của Uỷ ban nhân dân từng bước được nâng lên, vai trò trách nhiệm của các ngành, các địa phương có nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tham gia tích cực vào quá trình điều hành, quản lý xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra.
15. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội ổn định, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển.
Đã thực hiện tốt công tác xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân. Công tác giáo dục quốc phòng, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, cán bộ quân sự xã, phường được chú trọng. Công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại với tỉnh Prây-veng (Campuchia) tiếp tục được củng cố, phát triển.
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, mạng lưới Tổ tự quản ở khóm, ấp có bước phát triển cùng với lực lượng dân quân tự vệ đã làm tốt vai trò bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, khu vực biên giới, góp phần phòng chống có hiệu quả với các hoạt động xâm nhập, phá hoại của các phần tử xấu.
Công tác phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông đạt kết quả tích cực.
II. Những mặt còn hạn chế, yếu kém.
1. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa đạt yêu cầu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.
Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn là yếu tố vốn và lao động, yếu tố về tiến bộ khoa học, công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản còn cao so với bình quân chung của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Điển hình trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giảm từ 84,46% năm 2000 xuống 83,87% năm 2005; tỷ trọng ngành dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 10,83% năm 2000 xuống 7,72% năm 2005.
2. Phát triển từng ngành, lĩnh vực cũng có mặt hạn chế nhất định.
Nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Các phương thức canh tác tiên tiến, nhiều mô hình sản xuất tốt chậm được áp dụng trên diện rộng. Năng suất một số loại cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp, không đảm bảo về độ đồng đều của sản phẩm nên khó tiêu thụ. Kinh tế nông thôn phát triển chậm, tỷ lệ thời gian nông nhàn còn cao (khoảng 20%), kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu kém. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải ở các chợ nông thôn, khu dân cư tập trung vẫn còn nan giải.
Sản xuất công nghiệp phát triển chậm đi vào chiều sâu, mức độ đổi mới công nghệ, thiết bị thấp. Sản phẩm một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cạnh tranh còn yếu, chưa đáp ứng tốt cho yêu cầu xuất khẩu.
Dịch vụ phát triển chưa đa dạng, ngoại trừ ngành thương mại phát triển mạnh, các ngành dịch vụ còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ, ở dạng tiềm năng là chính. Kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển mạnh, kinh tế tập thể cần phải tiếp tục củng cố thêm, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển chưa nhiều, kinh tế hộ trong nông nghiệp, kinh tế cá thể còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các loại hình doanh nghiệp, cần phải tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để chuyển lên loại hình kinh tế trang trại và doanh nghiệp. Như vậy mới có khả năng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.
Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập; công tác quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai còn thiếu sót, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ.
3. Lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc.
Trình độ và chất lượng lao động chưa cao, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, tình trạng lao động không có hoặc thiếu việc làm, nhất là thanh niên đến tuổi lao động đang là vấn đề đáng quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa vững chắc, số hộ tái nghèo còn cao; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, biên giới còn nhiều khó khăn.
Tình hình giáo dục tiếp tục phải chấn chỉnh, chất lượng giáo dục nhìn chung có tiến bộ, nhưng có mặt còn bất cập, nhất là cấp tiểu học; công tác phổ cập còn nhiều khó khăn, việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhiều nơi chưa bảo đảm cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Cơ sở vật chất ngành y tế chưa đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở còn thiếu, số lượng giường bệnh thấp, thường gây quá tải; vấn đề nhà ở, sinh hoạt, đi lại, điều kiện chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, học tập của nhân dân vùng sâu, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra, quản lý hành nghề y dược tư nhân, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường chưa chặt chẽ.
Lĩnh vực văn hoá còn nhiều điều đáng lo ngại, những hủ tục, mê tín dị đoan có chiều hướng tăng; tệ nạn xã hội có giảm, nhưng chưa vững chắc; lây nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ lan rộng.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về nhiệm vụ an ninh, quốc phòng còn hạn chế. Tội phạm hình sự, tình trạng thanh thiếu niên càn quấy có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông còn cao.
Hoạt động của một số ngành, địa phương còn sa vào sự vụ, lề lối làm việc đôi lúc chưa thực sự khoa học; việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên có việc chưa nghiêm. Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân chưa được khắc phục triệt để.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, yếu kém trên là do:
Về mặt khách quan: nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế của Tỉnh còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ; mặt bằng dân trí thấp, nguồn nhân lực yếu; giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch cúm gia cầm...
Về mặt chủ quan: năng lực chỉ đạo, điều hành của một số cơ quan, đơn vị có mặt chưa đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới. Có nhiều chủ trương đúng đắn song việc điều hành triển khai thực hiện chậm. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có nơi, có lúc chưa thực sự nhịp nhàng.
Phần thứ hai
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010
I. Một số tình hình có khả năng tác động đến việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Dự báo tình hình thế giới và trong nước 5 năm tới tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, gây bất lợi đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại sẽ được đẩy nhanh; đầu tư, lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn ngày càng được mở rộng; tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cao hơn trước. Tuy nhiên, tình hình chính trị và kinh tế thế giới chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, âm mưu “diễn biến hòa bình”, vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo vẫn được một số nước sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; bảo hộ mậu dịch, rào cản thương mại, sức ép của nước lớn... sẽ làm cho thị trường xuất khẩu hành hóa, dịch vụ gặp nhiều khó khăn.
Đối với nước ta, với những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua càng làm cho thế và lực của quốc gia nâng lên, vị thế nước ta trên trường thế giới tiếp tục được cải thiện; các cơ chế, chính sách theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cả nước nói chung và Tỉnh ta nói riêng cũng đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là quy mô và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả; khả năng huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá ta.
Tình hình trên, đòi hỏi Tỉnh ta cần phải tập trung phấn đấu quyết liệt hơn nữa nhằm tranh thủ tốt các cơ hội, vượt qua những khó khăn, thách thức tiếp tục giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong 5 năm tiếp theo.
II. Mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu.
1. Mục tiêu tổng quát.
Tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, cải thiện đáng kể vị trí của Tỉnh so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt 768 USD. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Xây dựng, tạo lập đồng bộ các yếu tố văn hoá - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân dân. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Không ngừng củng cố, mở rộng quan hệ đối ngoại với tỉnh Prây-veng (Campuchia) trên tinh thần hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Tạo nền tảng cho việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tiếp theo (2011 - 2020).
2. Nhiệm vụ chủ yếu.
Một là, khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng nhanh năng lực và quy mô nền kinh tế của Tỉnh, phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hằng năm cao hơn 5 năm truớc.
Hai là, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là mạng lưới giao thông, bến bãi, khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu, mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, hệ thống trường học, trạm, trại, bệnh viện, trung tâm y tế,... góp phần phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của Tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng doanh nhân, công nhân kỹ thuật lành nghề,... nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bốn là, thực hiện tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết cho người lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tăng thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông thôn; giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Phát triển mạng lưới an sinh xã hội.
Năm là, phát triển đồng bộ sự nghiệp y tế, thể dục thể thao, văn hóa thông tin; cải thiện đáng kể các chỉ tiêu sức khỏe cho người dân. Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, nhất là tai nạn giao thông, lây nhiễm HIV/AIDS...
Sáu là, đảm bảo giữ vững mục tiêu ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ đối ngoại với các đối tác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với lợi ích quốc gia, chú trọng tăng cường thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị với tỉnh Prây-veng (Campuchia).
3. Các chỉ tiêu chủ yếu.
Phấn đấu đến năm 2010, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
- Tổng sản phẩm tạo ra trên địa bàn (GDP) tính theo giá so sánh năm 1994 gấp 3,16 lần so với năm 2000. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006-2010 đạt 14,5%/năm, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 6,65%/năm, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 30%/năm, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 17,5%/năm. Giá trị GDP tính theo giá so sánh năm 1994 đạt 14.600 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 768 USD.
- Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP: nông - lâm - thủy sản chiếm 40,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,8%, thương mại - dịch vụ chiếm 30,7% (tính theo giá thực tế, cơ cấu theo thứ tự trên là: 39,3% - 29,6% - 31,1%).
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD (bình quân tăng 17,95%/năm); trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 180 triệu USD (bình quân tăng 26,18%/năm).
- Sản lượng lúa sản xuất hằng năm ổn định ở mức trên 2 triệu tấn.
- Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 280 ngàn tấn.
- Huy động ngân sách hằng năm đạt 12-13% GDP.
- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 44,4% GDP.
- Số sinh viên đại học, cao đẳng/1 vạn dân đạt 170 người. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2007. Hằng năm, huy động 90% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi và 50% học sinh trung học phổ thông trong độ tuổi đến lớp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 26,6%.
- Giải quyết việc làm hằng năm cho 40.000 người, trong đó xuất khẩu lao động 2.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%, bình quân giảm từ 1,5 - 2%/năm. Tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 2,5%.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,05%. Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia trên 75%; số giường bệnh so với một vạn dân đạt 19,4 giường; số bác sĩ, dược sĩ/1 vạn dân đạt 5,5 người; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn dưới 20%.
- Có 85% hộ gia đình; 85% khóm, ấp; 30% xã, phường, thị trấn và 85% công sở đạt tiêu chuẩn văn hóa.
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước sạch đạt 85%.
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 95%; cơ cấu tiêu thụ điện năng đạt: điện phục vụ sản xuất, dịch vụ chiếm 63,6%, điện sinh hoạt chiếm 33,57%, điện phục vụ các hoạt động khác chiếm 2,83%.
- Số máy điện thoại/100 dân đạt 27 máy.
- Hoàn thành xây dựng 2.250 căn, sửa chữa 600 căn nhà tình nghĩa.
- Tỷ lệ dân sống ở đô thị đạt 28,3%. Nâng thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười) và thị trấn Lấp Vò (huyện Lấp Vò) lên đô thị loại IV.
III. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
1. Phát triển nông nghiệp, nông thôn.
a. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế, có thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến và phục vụ xuất khẩu. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - thuỷ sản bình quân 5 năm tăng 6,65%/năm.
Ổn định diện tích trồng lúa ở mức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vừa đảm bảo giữ sản lượng lúa hằng năm ở mức trên 2 triệu tấn. Nâng cao chất lượng lúa hàng hóa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo của Tỉnh. Phát triển đa dạng các loại rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, chú trọng phát triển diện tích rau an toàn. Tiếp tục mở rộng diện tích vườn cây ăn trái, coi trọng đến năng suất, chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm trái cây.
Phát triển mạnh ngành nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản trên đất bãi bồi và diện tích nuôi tôm trên ruộng lúa.
Phát triển các lĩnh vực cụ thể.
Lĩnh vực trồng trọt: tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đến năm 2010 đạt 469.755 ha, hệ số sử dụng đất 2,3-2,5 lần. Duy trì diện tích gieo trồng lúa ở mức trên dưới 400 ngàn ha/năm, theo xu hướng giảm dần so với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, từ 90,6% năm 2005 xuống còn 85% năm 2010, theo công thức chuyên canh lúa (chủ yếu 2 vụ lúa Ðông Xuân và Hè Thu), luân canh hoa màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản (2-3 vụ/năm); chuyển đổi, thay thế các giống lúa mới, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tiếp tục triển khai Dự án sản xuất 120 ngàn ha lúa chất lượng cao đã đề ra.
Dự kiến đến năm 2010, tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 400 ngàn ha; trong đó, vụ Ðông Xuân 190 ngàn ha, vụ Hè Thu 160 ngàn ha, vụ Thu Ðông 50 ngàn ha; năng suất bình quân 55,5tạ/ha, sản lượng trên 2 triệu tấn, trong đó lúa hàng hóa 1,2 triệu tấn (lúa Thu Ðông nằm trong cơ cấu 2 lúa - 1 màu hoặc 2 màu - 1 lúa).
Tăng dần diện tích gieo trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày theo công thức luân canh với lúa, xen canh và chuyên canh, phân bố trên địa bàn dọc theo sông Tiền, sông Hậu, vùng cù lao, địa bàn đất giồng. Phát triển chủ yếu các loại cây dựa trên lợi thế về thời tiết, thổ nhưỡng ở từng vùng và có thị trường tiêu thụ như: bắp, đậu, sen, ấu, rau dưa các loại... Đến năm 2010, diện tích gieo trồng đạt 69.755 ha, chiếm 15% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn toàn Tỉnh.
Cây hoa màu: tập trung phát triển cây bắp, sen, ấu, rau đậu các loại; hình thành vùng chuyên canh rau an toàn ở khu vực ngoại ô hai thị xã và một số vùng có điều kiện. Diện tích gieo trồng năm 2010 đạt 38.000 ha, trong đó: bắp 21.000 ha, rau các loại 15.500 ha...
Cây công nghiệp ngắn ngày: tập trung phát triển cây đậu nành, đậu xanh, mè, mía, lác, đậu phọng... Từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Diện tích gieo trồng năm 2010 đạt 27.980 ha, trong đó: đậu nành 25.000 ha, mè 1.700 ha, lác 500 ha, đậu phọng 300 ha, mía 250 ha...
Cây ăn trái: tập trung phát triển chủ yếu các loại cây có lợi thế, có thị trường tiêu thụ (kể cả thị trường xuất khẩu) theo hướng chuyên canh tập trung, quy mô lớn, đảm bảo về năng suất, chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm. Diện tích vườn cây ăn trái được phân bố trên địa bàn dọc sông Tiền, sông Hậu, vùng cù lao, tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam sông Tiền, thị xã Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh; cây trồng chính là xoài, cam, bưởi, quýt hồng. Ðến năm 2010 diện tích đạt 30.000 ha, sản lượng 125.340 tấn.
Cây hoa kiểng: phát triển mạnh nghề trồng hoa kiểng, gắn với tham quan du lịch, tập trung ở thị xã Sa Ðéc, thị xã Cao Lãnh; phấn đấu đến năm 2010 đạt diện tích 200 ha.
Ðồng cỏ chăn nuôi: phát triển đồng cỏ chăn nuôi ở từng khu vực theo nhu cầu phát triển đàn bò của Tỉnh. Ðến năm 2010 diện tích đồng cỏ đạt khoảng 1.375 ha, sản lượng 345.500 tấn.
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc thú y, gắn với các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh về số lượng và chất lượng ngành chăn nuôi của Tỉnh. Khuyến khích phát triển mạnh đàn bò, đàn heo theo hướng nạc hóa để tăng giá trị, sản lượng thịt, đồng thời phát triển đàn bò sữa ở một số huyện, thị có điều kiện. Từng bước khôi phục và phát triển đàn gia cầm trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đảm bảo không để dịch tái phát. Đến năm 2010, tổng đàn bò đạt 60.000 con (trong đó, bò sữa 3.000 con), đàn trâu 3.000 con, đàn heo 450.000 con, đàn gia cầm 7 triệu con; sản phẩm chăn nuôi 62.000 tấn (trong đó, heo hơi 43.740 tấn).
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước và dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng đất bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu, tận dụng mặt nước trong mùa lũ để tăng diện tích nuôi tôm, cá... phù hợp với quy hoạch đã đề ra. Ðến năm 2010, diện tích nuôi trồng đạt 16.950 ha, lồng bè 3.000 cái; sản lượng thủy sản 300 ngàn tấn; trong đó, nuôi trồng 280 ngàn tấn.
Tăng diện tích rừng trồng tập trung, diện tích trồng cây phân tán, cây phòng hộ lũ lụt, góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi sinh vùng Ðồng Tháp Mười, tăng dần độ che phủ rừng. Xây dựng định hình rừng đặc dụng Vườn quốc gia Tràm Chim, rừng khu di tích Gò Tháp, Xẻo Quýt; phát triển rừng phòng hộ cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ bờ bao, lộ giao thông, cụm tuyến dân cư, phục vụ quốc phòng...
Diện tích rừng tập trung chủ yếu là cây tràm, đến năm 2010 đạt 12.250 ha, độ che phủ rừng 3,8%; cây phân tán trồng mới hàng năm từ 4-5 triệu cây, đạt khoảng 100 triệu cây vào năm 2010. Tuỳ theo điều kiện của từng địa bàn sẽ trồng các loại cây thích nghi như: tràm, bạch đàn, gáo, tre...
Về phát triển kinh tế nông thôn: nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn; nâng cao năng lực, phát huy vai trò của cán bộ khuyến nông, khuyến ngư nhằm chuyển tải những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường đến nông dân để họ áp dụng vào sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, trang trại, các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại ngay tại khu vực nông thôn, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, giảm hộ nghèo, nâng thời gian sử dụng lao động nông thôn.
b. Giải pháp thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao; nâng hệ số sử dụng đất trên cơ sở luân canh sao cho vừa đảm bảo tăng được diện tích lúa vụ ba, vừa đảm bảo độ màu mỡ của đất. Nâng tỷ lệ cơ giới hóa trên đồng ruộng.
Tạo điều kiện phát triển đa dạng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất như: cung ứng vật tư, phân bón, tín dụng, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Thực hiện chấn chỉnh lại vùng nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo kiểm soát được sản lượng, phân kỳ hợp lý mùa vụ thu hoạch để chủ động trong công tác tiêu thụ, tránh tình trạng lúc thừa, lúc thiếu sản phẩm cung cấp cho các nhà máy chế biến. Tổ chức lại vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh. Tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng, cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, chữa bệnh, tìm thị trường đầu ra; khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi, cơ sở sản xuất, cung ứng giống tốt, sạch bệnh...
Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, thủy sản, trường, trạm, chợ... Phát triển hệ thống giao thông phải phục vụ đắc lực cho vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phát triển mạnh ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn thông qua các hoạt động dạy nghề, truyền nghề, cấy nghề mới; hỗ trợ vốn tín dụng; giúp tổ chức sản xuất và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nghiên cứu nhân rộng các mô hình nông thôn mới phù hợp với từng địa phương.
2. Phát triển công nghiệp, xây dựng.
a. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.
Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: chế biến lương thực - thực phẩm, bánh phồng tôm, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, cơ khí phục vụ nông nghiệp, dược phẩm, may mặc, sản phẩm nhựa, chất dẻo... Nâng cao năng lực ngành xây dựng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân tăng 30%/năm.
Phát triển một số ngành cụ thể.
Ngành chế biến lương thực: nâng cao năng lực xay xát, lau bóng gạo, mở rộng hệ thống kho tàng. Phấn đấu đến năm 2010, năng lực xay xát lúa đạt 4.165 tấn/ca, lau bóng gạo 4.200 tấn/ca, kho chứa lương thực 370.950 tấn, sản lượng lương thực chế biến 1,8-1,9 triệu tấn/năm.
Ngành chế biến thực phẩm: tiếp tục mở rộng năng lực chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện để các đơn vị mở rộng các cơ sở hiện có như: Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang nâng công suất lên 8.000 tấn/năm; Công ty thực phẩm Bích Chi 1.450 tấn/năm; các doanh nghiệp chế biến thủy sản 80 ngàn tấn sản phẩm/năm (cá tra, cá ba sa) và 1.500 tấn sản phẩm tôm, nghêu các loại/năm; sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, thủy sản 500 ngàn tấn/năm; phát triển nghề sản xuất bột đạt sản lượng 50 ngàn tấn/năm. Khuyến khích đầu tư mới một số cơ sở sản xuất như: chế biến nấm rơm, bảo quản trái cây, rau quả các loại...
Ngành may: tiếp tục hướng đầu tư mở rộng sản xuất. Ðến năm 2010 đạt công suất 20 triệu sản phẩm, phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu.
Ngành da giầy: kêu gọi đầu tư dự án may giầy xuất khẩu công suất 5 triệu sản phẩm/năm.
Ngành sản xuất sản phẩm nhựa, chất dẻo: khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở hiện có, phấn đấu đạt công suất 2.500 tấn/năm cho tất cả các loại sản phẩm.
Ngành bao bì: đầu tư mở rộng nhà máy hiện có và kêu gọi đầu tư mới nhà máy dệt bao PP nhằm đáp ứng nhu cầu bao gói sản phẩm của các doanh nghiệp.
Ngành sản xuất gạch ngói: phát triển ổn định theo quy hoạch, cải tiến lò nung theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu đầu tư tại mỏ sét khu vực xã Phú Hiệp-Tam Nông và xã An Phước-Tân Hồng thành cụm sản xuất gạch ngói, loại lò nung tuy-nen, công suất 20 triệu viên/năm và sản xuất gạch mộc cho các địa phương khác. Ðến năm 2010 sản lượng gạch ngói toàn Tỉnh đạt 400 triệu viên/năm.
Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: bám sát theo quy hoạch sản xuất vật liệu của Bộ Xây dựng để khuyến khích và kêu gọi đầu tư một số cơ sở tại khu công nghiệp Trần Quốc Toản như: cơ sở sản xuất bê-tông đúc sẵn, công suất 10 ngàn m3/năm (sản phẩm: trụ điện ly tâm, trụ tiết diện vuông, các sản phẩm dầm, cọc bê-tông dùng cho cầu, đường nông thôn, ống cống); cơ sở sản xuất khung nhà bê-tông dự ứng lực, công suất 200 ngàn m2/năm; nhà máy sản xuất xi-măng, công suất 200 ngàn tấn/năm. Ðầu tư tại khu công nghiệp Sa Ðéc cơ sở sản xuất tấm tường bê-tông nhẹ, công suất 150 ngàn m2/năm.
Ngành khai thác cát sông: tổ chức khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cát sông, đảm bảo môi trường sinh thái, sản lượng cát khai thác ổn định ở mức 9-10 triệu m3/năm.
Ngành dược: tiếp tục đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa công nghệ tạo ra sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài; giữ mức tăng trưởng bình quân 15%/năm trong 5 năm tới.
Ngành phân bón: triển khai thực hiện dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh và dự án sản xuất phân hóa học.
Ngành in: trang bị hiện đại nhà máy in phục vụ in ấn bao bì các sản phẩm công nghiệp, sách báo, văn hóa phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; phấn đấu đạt 3.400 triệu trang in/năm.
Ngành cơ khí: khuyến khích phát triển dịch vụ cơ khí sửa chữa đến tận vùng sâu gắn với nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành dần một số trạm sửa chữa trung, đại tu ở các địa bàn trung tâm. Phát triển cơ khí xây dựng, giao thông phục vụ các công trình, nhà ở, cầu nông thôn, khung kho... Tạo điều kiện để nâng cấp, mở rộng, đầu tư chiều sâu xí nghiệp cơ khí đường sông đủ sức sửa chữa trung, đại tu tàu, phà, phương tiện thủy các loại.
Bố trí công nghiệp trên địa bàn: tiếp tục đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp tập trung: Sa Ðéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu và các cụm công nghiệp huyện, thị theo quy hoạch, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Phấn đấu đến năm 2010, hoàn thành việc lấp đầy các khu công nghiệp và mỗi huyện, thị lấp đầy ít nhất một cụm công nghiệp. Hoàn thành các thủ tục để triển khai khu công nghiệp Phong Hòa.
b. Giải pháp thực hiện.
Tăng cường đầu tư xây dựng các khu công nghiệp và hỗ trợ đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp huyện, thị, phấn đấu hoàn thành trong hai năm đầu của kế hoạch; chuẩn bị tốt các dự án phục vụ kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, vốn tín dụng... để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp.
Tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ; phát triển thêm nhiều loại sản phẩm mới bằng cách tăng cường thu hút các doanh nghiệp từ nơi khác đến, trong đó chú trọng thu hút các doanh nghiệp từ Thành phồ Hồ Chí Minh và đầu tư nước ngoài.
Áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, công nghệ và quản lý để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO, GMP, HACCP...); hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.
Tạo điều kiện cho các đơn vị tăng cường lực lượng, trình độ kỹ thuật đội ngũ công nhân xây dựng, khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị thi công, xây dựng, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm tăng thêm năng lực phục vụ kịp thời nhu cầu xây dựng của địa phương trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Có biện pháp nâng cao chất lượng các khâu trong quá trình xây dựng.
3. Phát triển thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.
a. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, dịch vụ, với sự tham gia của nhiều loại hình dịch vụ mới, góp phần tạo thêm việc làm, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân tăng 17,5%/năm.
Phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể.
Thương mại: phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh thương mại, chú trọng các loại hình kinh doanh phù hợp với xu thế hiện nay như: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ chuyên doanh... Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới chợ nông thôn, chợ biên giới. Dự kiến trong 5 năm tới xây dựng mới 27 chợ, nâng cấp 26 chợ, mở rộng 21 chợ và di dời 14 chợ. Xây dựng đưa vào hoạt động 3 trung tâm thương mại: Cao Lãnh, Sa Ðéc, Hồng Ngự. Xây dựng siêu thị ở huyện Tháp Mười và Thanh Bình. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu kinh tế cửa khẩu của Tỉnh, các chợ chuyên doanh trái cây, thủy sản, gia súc... Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 22%/năm.
Du lịch: đầu tư xây dựng để hình thành dần 3 cụm du lịch trọng điểm như: thị xã Cao Lãnh và vùng phụ cận (các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh); thị xã Sa Ðéc và vùng phụ cận (các huyện Nam sông Tiền); cụm du lịch cửa khẩu (gồm huyện: Hồng Ngự, Tân Hồng). Tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu ở các khu du lịch như: Xẻo Quýt, khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu di tích lịch sử văn hóa Gò Tháp, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Phấn đấu đến năm 2010, doanh thu dịch vụ du lịch-ăn uống khách sạn đạt 75 tỷ đồng, bình quân 5 năm 2006-2010 tăng 20%/năm; tổng lượt khách du lịch đạt trên 200.000 lượt/năm.
Tài chính, ngân hàng: tăng cường đầu tư phát triển, mở rộng mạng lưới dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của khách hàng; đa dạng các hình thức huy động vốn; khuyến khích phát triển các loại hình bảo hiểm; kiều hối, thanh toán, chuyển tiền không dùng tiền mặt... Nuôi dưỡng nguồn thu và tăng thu hợp lý, phấn đấu đến năm 2010 tổng thu ngân sách trên địa bàn bằng 12-13%/GDP. Thực hiện chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2010 tổng chi ngân sách địa phương bằng 12-14%/GDP, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 36-38% tổng chi ngân sách địa phương.
Tăng cường huy động vốn qua kênh tín dụng, phấn đấu trong 5 năm tới, nguồn vốn huy động tăng bình quân 30-35%/năm; dư nợ cho vay tăng bình quân 25-30%/năm, trong đó dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 40-45% tổng dư nợ.
Phát triển các loại hình dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao như: viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, xuất khẩu lao động, vận tải...
Đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu là: gạo 500 ngàn tấn, thủy sản chế biến 60 ngàn tấn, bánh phồng tôm 5 ngàn tấn, sản phẩm may mặc 10 triệu sản phẩm; ngoài ra, cần chú trọng tìm thị trường xuất khẩu mặt hàng trái cây, nấm rơm đóng góp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD (trong đó thủy sản đạt 180 triệu USD), nhịp độ tăng trưởng bình quân 17,95%/năm.
Ưu tiên nhập khẩu thiết bị công nghệ, vật tư nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất. Ðến năm 2010 kim ngạch nhập khẩu đạt 250 triệu USD, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu: xăng dầu chiếm 64%, nguyên liệu, tân dược chiếm 24%, nguyên liệu may chiếm 8%, phân bón chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
b. Giải pháp thực hiện.
Tập trung xây dựng hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng thương mại, khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch. Theo đó, cần tích cực huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành thương mại, dịch vụ. Nhà nước hỗ trợ đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các chợ chuyên, chợ cửa khẩu, chợ đầu mối; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng các chợ xã biên giới, chợ trong cụm dân cư; sử dụng nguồn thu từ chợ để đầu tư nâng cấp, phát triển mạng lưới chợ nông thôn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh doanh thương mại như: bán buôn, bán lẻ, thiết lập mạng lưới đại lý cung cấp sản phẩm từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Củng cố và phát triển thị trường trong, ngoài Tỉnh và nước ngoài một cách chủ động.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thị trường, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm đảm bảo cho sản xuất kinh doanh phát triển thuận lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng người tiêu dùng.
Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, du lịch và vận động đầu tư đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, có hiệu quả.
Xây dựng lực lượng hướng dẫn viên du lịch đáp ứng theo yêu cầu phát triển ngành... Tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch, gắn với phát triển các loại hình dịch vụ kèm theo như: nhà hàng, khách sạn, bán sản phẩm lưu niệm...
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích xuất khẩu và chương trình xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đã đề ra. Nghiên cứu nâng mức hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Tỉnh.
4. Xây dựng kết cấu hạ tầng.
Công trình thuỷ lợi: chủ động chuẩn bị các điều kiện về giải phóng mặt bằng, tái định cư..., đồng thời tranh thủ Trung ương thi công sớm các công trình đã đề cập tại Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huy động nhiều nguồn vốn để thi công hoàn chỉnh các công trình thủy lợi do Tỉnh quản lý như: hệ thống kênh trục, kênh cấp 1, 2, 3, hệ thống bờ bao, công trình tưới tiêu, thủy lợi nội đồng, bờ bao bảo vệ thị xã, thị trấn, khu dân cư... phân bổ trên 6 vùng dự án thủy lợi chính của Tỉnh, theo hướng kết hợp thủy lợi với giao thông và phục vụ đắc lực cho nuôi trồng thủy sản, tạo sự chủ động tưới tiêu cho trên 180 ngàn ha đất trồng cây hàng năm gieo trồng 2-3 vụ trong năm, kiểm soát lũ tháng 8 bảo vệ ăn chắc vụ hè thu, kiểm soát lũ cả năm cho 30 ngàn ha vườn cây ăn trái và các địa bàn nhân giống cây.
Công trình giao thông: tiếp tục đầu tư phát triển các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, chú trọng phát triển đường giao thông nông thôn theo hướng kiên cố hóa, gắn với chương trình xóa cầu khỉ bằng nhiền nguồn vốn khác nhau.
Quốc lộ: đề nghị Trung ương từng bước nâng cấp tất cả các tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, những đoạn đi qua thị trấn, thị tứ, khu dân cư lên 1 cấp, đi qua thị xã theo quy hoạch. Ðồng thời, nhanh chóng khởi công xây dựng tuyến quốc lộ N2, xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, góp phần phá thế độc đạo quốc lộ 1A, có thêm điều kiện thuận lợi cho vùng sâu Ðồng Tháp Mười phát triển.
Ðường Tỉnh: các tuyến đường Tỉnh hiện có và các tuyến xây dựng mới hoàn toàn phải được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đạt tối thiểu cấp IV đồng bằng. Những đoạn đi qua thị xã xây dựng theo quy hoạch; đi qua thị trấn, thị tứ, khu kinh tế nâng lên 1 cấp.
Ðường huyện, đường xã: thực hiện tu bổ, khôi phục đạt tiêu chuẩn từ cấp IV trở lên, bê-tông hoặc láng nhựa toàn bộ mặt đường; các tuyến đường huyện làm mới xây dựng đúng cấp theo quy hoạch (tối thiểu từ cấp V), những đoạn qua thị trấn, thị tứ, khu kinh tế được nâng lên 1 cấp. Tu bổ ác tuyến đường xã đảm bảo nền rộng từ 5 m trở lên; các tuyến đường xã làm mới xây dựng đúng cấp theo quy hoạch (tối thiểu từ cấp VI).
Ðường đô thị: ưu tiên đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đường trục chính, tập trung mở rộng đường ở thị xã Cao Lãnh, Sa Ðéc, thị trấn Hồng Ngự, chú ý các tuyến đường vành đai; khôi phục, nâng cấp các tuyến đường nội ô hiện có đã xuống cấp nặng.
Hệ thống giao thông tĩnh (bãi đậu, đổ xe): từ nay đến năm 2010 dự kiến hình thành một số điểm ở trung tâm thị xã Cao Lãnh, thị xã Sa Ðéc, các khu công nghiệp, khu du lịch.
Bến xe: nâng cấp các bến xe hiện có; quy hoạch, đầu tư xây dựng mới từ nay đến năm 2010 trên địa bàn Tỉnh 11 bến xe ở 2 thị xã và 9 huyện.
Ðường thủy: có kế hoạch huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng (bến tàu, bến cảng, bến phà, bến đò...), trang bị phương tiện (vận tải, bốc dỡ hàng hóa...) nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế giao thông thủy, chú ý phát huy các tuyến vận tải thủy đường dài. Tìm vốn thi công sớm tuyến kênh Mương Khai nối với cảng Sa Đéc và cảng Cần Thơ.
Xây dựng hoàn chỉnh phân cảng Sa Ðéc đủ sức tiếp nhận tàu 5.000 DWT vào bốc dở hàng hóa. Dự kiến đến năm 2010 phát triển thêm hai cảng sông: cảng Tân Thành (huyện Lai Vung), cảng Hồng Ngự (huyện Hồng Ngự).
Sân bay: tiến hành các bước quy hoạch sân bay tại phường 11, thị xã Cao Lãnh, quy mô 30 ha.
Điện năng: dự báo đến năm 2010 nhu cầu điện năng của Tỉnh nhận từ lưới điện quốc gia khoảng 902 triệu kwh, tăng bình quân 13,6%/năm, tỷ lệ tổn thất điện năng 8% (năm 2000 là 12,5%); điện thương phẩm khoảng 830 triệu kwh, bình quân điện thương phẩm/người là 461 kwh (năm 2000 là 137 kwh); trên 95% hộ sử dụng điện lưới, 100% cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp được sử dụng điện cho sản xuất. Cơ cấu điện thương phẩm: nông nghiệp chiếm 6,28%, công nghiệp-xây dựng chiếm 41,64%, thương nghiệp-dịch vụ chiếm 0,9%, sinh hoạt chiếm 47%, khác chiếm 4,19%.
Phát triển lưới điện: tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng và các điều kiện đảm bảo khác, đồng thời tranh thủ vốn ngành điện đầu tư phát triển các trạm biến áp và mạng lưới điện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong 5 năm tới, tranh thủ đầu tư xây dựng mạng lưới truyền tải, gồm: trạm 220/110 KV Cao Lãnh (công suất 125 MVA); hai trạm 110/22 KV (công suất 25 MVA/trạm) ở khu công nghiệp Sa Ðéc và khu công nghiệp Trần Quốc Toản; lắp đặt thêm máy biến áp thứ hai (110/22 KV, công suất 25 MVA) cho các trạm Tháp Mười, Hồng Ngự, Lấp Vò; xây dựng mới 2 km đường dây 220 KV và 4,5 km đường dây 110 KV dẫn đến các trạm biến áp. Đối với lưới phân phối, tranh thủ đầu tư xây dựng mới 577 km và cải tạo 234 km đường dây 22 KV; xây dựng mới 1.801 trạm, với 2.050 máy, công suất 270.203 KVA và cải tạo 337 máy, công suất 26.771 KVA các trạm phân phối 22/0,4 KV, 15/0,4 KV và 20/0,4 KV; xây dựng mới 850 km và cải tạo 1.100 km đường dây hạ thế.
Phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông: đầu tư nâng cấp hạ tầng, thiết bị bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ; 100% xã có điểm Bưu điện văn hóa xã (trừ xã có bưu cục 3). Phát triển, mở rộng mạng lưới điện thoại, nhắn tin, mở rộng điểm kết nối vi tính trên mạng để tăng thêm dịch vụ "Tiết kiệm, thương mại trên internet", phát triển dịch vụ internet tốc độ cao ADSL, từng bước đưa vào sử dụng các ứng dụng trên internet như: hội nghị, đào tạo, truyền hình trực tuyến... Ðến năm 2010, nâng số máy điện thoại trên 100 dân đạt 27 máy; 100% xã có điểm truy cập internet công cộng, 3.000 thuê bao đường truyền tốc độ cao (ADSL) và 8.000 thuê bao internet gián tiếp.
Cấp nước đô thị: cải tạo, phát triển hệ thống cấp nước hiện có; xây dựng mới một số hệ thống cấp nước theo yêu cầu phát triển của đô thị, đảm bảo cho tất các thị xã, thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đều có hệ thống nước máy. Phấn đấu đến năm 2010, tổng công suất cấp nước đạt 90.000 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho 100% dân số đô thị, theo định mức 150 lít/ngày/người.
Cấp nước nông thôn: kết hợp nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xây dựng kết cấu hạ tầng cụm tuyến dân cư, huy động các nguồn vốn khác theo hướng xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn theo các hình thức: giếng khoan, trạm cấp nước tập trung, bể chứa nước mưa. Phấn đấu trong 5 năm tới đầu tư xây dựng 310 giếng khoan sâu, 3.200 bể chứa nước mưa (6,5m3/bể), 120 trạm cấp nước mặt, 60 trạm cấp nước ngầm, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sạch lên 85% vào năm 2010.
5. Phát triển khu vực và đô thị.
Tập trung xây dựng ba trung tâm kinh tế làm động lực thúc đẩy ba khu vực của Tỉnh; đồng thời phát triển các thị trấn là huyện lỵ và các đô thị mới là trung tâm các cụm dân cư, các trung tâm tiểu vùng.
Thị xã Cao Lãnh là trung tâm của khu vực Đồng Tháp Mười, gồm: thị xã Cao Lãnh và các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình.
Thị xã Sa Đéc là trung tâm của khu vực phía Nam, gồm: thị xã Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò.
Thị trấn Hồng Ngự là trung tâm của khu vực biên giới, gồm các huyện: Hồng Ngự, Tân Hồng và Tam Nông.
Triển khai thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, dịch vụ... nhằm phấn đấu đưa thị xã Cao Lãnh (đã đạt tiêu chí đô thị loại III) lên thành phố trực thuộc Tỉnh vào năm 2007; tiếp tục đầu tư phát triển thị xã Sa Ðéc hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2007 và thị trấn Hồng Ngự (huyện Hồng Ngự) hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, làm cơ sở đề nghị thành lập thành phố Sa Đéc vào năm 2010 và thị xã Hồng Ngự vào năm 2008.
Rà soát, bổ sung quy hoạch, triển khai xây dựng 8 thị trấn huyện lỵ và 23 đô thị mới theo quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, chú ý các đô thị loại V ở những nơi có các khu công nghiệp, khu kinh tế quốc phòng, khu kinh tế cửa khẩu, trung tâm các cụm dân cư, các trung tâm tiểu vùng.
Căn cứ vào yêu cầu phát triển trên, sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các trục giao thông chính yếu nối liền trong nội bộ từng khu vực và giữa các khu vực với nhau, trong đó chú ý tuyến đường trục thị trấn Sa Rài - thị trấn Tràm Chim - thị trấn Tân Phú, huyện Thanh Bình (tuyến ĐT 843) - thị xã Cao Lãnh (Quốc lộ 30) - thị xã Sa Đéc (tuyến ĐT 848) – xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (tuyến ĐT 853).
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, xây dựng, mở rộng khu cửa khẩu Dinh Bà. Phấn đấu đến năm 2007 hoàn thành cơ bản việc xây dựng các công trình thiết yếu thuộc dự án Khu kinh tế quốc phòng (huyện Tân Hồng), đến năm 2010 tổng kết dự án, đồng thời đề nghị Chính phủ cho mở rộng quy mô Khu kinh tế quốc phòng sang một phần diện tích của huyện Tam Nông.
6. Về giáo dục và đào tạo.
a. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.
Phát triển giáo dục nhằm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời phải tạo cơ hội học tập suốt đời của các tầng lớp nhân dân; đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục, kể cả người khiếm khuyết về sức khỏe.
Phát triển đa dạng về quy mô, loại hình trường lớp học, chú trọng đầu tư cho giáo dục vùng nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới. Củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đồng thời triển khai phổ cập giáo dục trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện.
Mở rộng quy mô, đa dạng về hình thức và loại hình đào tạo đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo những ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và phục vụ cho xuất khẩu lao động.
Phát triển các ngành học, bậc học.
Giáo dục mầm non: phấn đấu đến năm 2010 nâng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đến trường đạt 15-25% và 80%, trong đó huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo hàng năm đạt 95-99%, tỷ lệ cháu ngoài công lập đạt 20-25%.
Giáo dục tiểu học: đến năm 2010, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và trẻ 6-10 tuổi đi học tiểu học đạt 99%; phấn đấu nâng hiệu suất đào tạo bậc học (tỷ lệ hoàn thành cấp học) đạt 95%; nâng tỷ lệ trường, lớp học 2 buổi/ngày đạt 50% và mỗi huyện, thị xã có 5-8 trường đạt chuẩn quốc gia.
Giáo dục trung học: đến năm 2010, huy động học sinh 11-14 tuổi đi học trung học cơ sở đạt trên 90%, tỷ lệ học sinh độ tuổi trung học phổ thông đi học đạt 50%; nâng cao hiệu suất đào tạo trung học cơ sở đạt 80% và hiệu suất đào tạo trung học phổ thông đạt 95% vào năm 2010; phấn đấu số trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia là 30% và 100%. Phấn đấu đến cuối năm 2006, chuyển tất cả các trường trung học phổ thông bán công sang hình thức khác (tư thục, dân lập, công lập).
Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề: củng cố, mở rộng, phát triển quy mô và năng lực đào tạo của các trường chuyên nghiệp và dạy nghề hiện có; đầu tư nâng cấp trường Trung học Y tế lên trường Cao đẳng Y tế; trường Dạy nghề lên trường Cao đẳng nghề. Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo 40% vào năm 2010.
Giáo dục thường xuyên và giáo dục trẻ khuyết tật: tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học, bổ túc văn hóa và đào tạo từ xa; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tăng tiến độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phấn đấu hoàn thành vào năm 2007 và triển khai thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông.
Phấn đấu đến năm 2010, có 70% trẻ khuyết tật được đi học.
Giáo dục đại học và cao đẳng: đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để có điều kiện đề nghị Trung ương đầu tư nâng cấp trường Ðại học Sư phạm thành trường Ðại học đa ngành; tiếp tục mở rộng quy mô và năng lực đào tạo của trường Cao đẳng Cộng đồng. Phấn đấu tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân đạt 170 sinh viên vào năm 2010.
b. Giải pháp thực hiện.
Phát triển giáo dục, đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trên cơ sở triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã đề ra. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên theo hướng đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ.
Tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp học theo đúng quy hoạch đã được duyệt, gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Sớm kết thúc chương trình kiên cố hóa trường lớp học để tổng kết triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo nghề theo hướng chú trọng phương pháp thực hành, nhất là thực hành ngay tại cơ sở sản xuất bằng cách kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề. Đặc biệt chú trọng việc gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, thực hiện đào tạo theo địa chỉ, nhằm đảm bảo người lao động có việc làm phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.
Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ về kinh phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo Nghị định 10 của Chính phủ.
7. Về khoa học, công nghệ và môi trường.
Khoa học và công nghệ: nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, tăng cường đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho công tác nghiên cứu khoa học, chú trọng phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; gắn nghiên cứu khoa học với phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, phấn đấu đạt tốc độ đổi mới hằng năm 15-20%.
Môi trường: tiếp tục việc bảo tồn đa dạng sinh thái một số khu vực thuộc vùng Ðồng Tháp Mười; tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân, các tổ chức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm nguồn nước; áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với mối trường trong sản xuất; hạn chế sử dụng các loại hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm; xử lý tốt các chất thải nguy hại; đảm bảo việc thu gom và xử lý rác thải tại các khu vực trung tâm thị xã, thị trấn, thị tứ, khu dân cư, cụm dân cư, các chợ, khu, cụm công nghiệp...
Nâng cao khả năng phòng chống và hạn chế tác động xấu của thiên tai; ứng cứu và khắc phục có hiệu quả sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra.
Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường tại địa phương. Thực hiện lồng ghép các nội dung quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
8. Về dân số, lao động và việc làm.
Dân số: tiếp tục kiềm chế tốc độ tăng dân số, xây dựng gia đình ít con (chỉ có từ 1 đến 2 con) - bình đẳng - hạnh phúc - tiến bộ, phấn đấu đạt mức sinh thay thế trước năm 2010, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Tỷ suất sinh thời kỳ 2006-2010 giảm bình quân 0,3-0,5%o/năm. Ðến năm 2010, tỷ suất sinh giảm còn 14,04%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,05%, dân số trung bình toàn Tỉnh có khoảng 1,72 triệu người.
Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc thực hiện công tác dân số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình đến mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục, tư vấn bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực dân số.
Lao động, việc làm: dự báo nguồn lao động trong độ tuổi của Tỉnh đến năm 2010 có 1,15 triệu người, chiếm 66,82% tổng dân số. Tổng nhu cầu lao động (trong độ tuổi) của toàn Tỉnh đến năm 2010 khoảng 977.500 người, chiếm 85% tổng số lao động trong độ tuổi, cơ cấu lao động: nông nghiệp 50%, công nghiệp - xây dựng 21%, dịch vụ - thương mại 29%.
Thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm, khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho người lao động có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 40 ngàn lao động, đào tạo nghề cho khoảng 6-7 ngàn lao động, nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo lên khoảng 40% vào năm 2010; số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm 2.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 2,5%, thời gian sử dụng lao động ở nông thôn khoảng 86% vào năm 2010.
Khuyến khích phát triển đa dạng các ngành nghề phi nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường công tác dạy nghề, gắn với tổ chức sản xuất, hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm góp phần tạo thêm nhiều việc làm, giúp cải thiện thu nhập cho người lao động.
9. Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, cải thiện giống nòi; phấn đấu để mọi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, đồng thời tạo điều kiện để họ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Tăng cường công tác phòng chống các bệnh có khả năng gây dịch như tả, sốt xuất huyết, sốt rét... Từng bước đưa vào kế hoạch tiêm chủng thường xuyên các loại vắc-xin phòng tả, thương hàn, viêm gan B và viêm não Nhật Bản nhằm khống chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết các bệnh này. Duy trì kết quả thanh toán bại liệt trẻ em, tiến tới thanh toán bệnh uốn ván sơ sinh bằng vắc-xin phòng bệnh.
Triển khai các hoạt động phòng chống và hạn chế tác hại các bệnh có xu hướng tăng trong mô hình bệnh tật các nước đang phát triển như ung thư, tim mạch, ngộ độc, tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn giao thông, tâm thần, bệnh nghề nghiệp; các dịch bệnh mới xuất hiện, như cúm tuýp A, bệnh SARS...
Ðến năm 2010 phấn đấu đạt tiêu chuẩn thanh toán bệnh phong và khống chế bệnh lao. Bằng mọi biện pháp cố gắng kiềm chế và giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS.
Phát triển mạng lưới y tế khám chữa bệnh trên cơ sở củng cố và phát triển y tế chuyên sâu tuyến tỉnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến huyện và đảm bảo thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến xã; phấn đấu đạt 19,46 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2010.
Tiếp tục củng cố và nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Thành lập các bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, lao, tâm thần.
Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo "chuẩn quốc gia về y tế xã". Ðến năm 2010, có 75% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia y tế xã.
Quản lý sức khỏe bà mẹ, trẻ em đến từng hộ gia đình đảm bảo khám thai, tiêm phòng đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý, sinh sản an toàn; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 20% vào năm 2010.
Bảo đảm cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng đến người dân và đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Thực hiện có hiệu quả đề án xã hội hóa công tác y tế nhằm huy động mọi nguồn lực vào hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Khuyến khích thành lập các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân hành nghề theo pháp luật. Phấn đấu đến năm 2010 y tế tư nhân đảm nhiệm khoảng 40% nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Kết hợp chặt chẽ quân dân y trong việc thực hiện các dự án thuộc chương trình y tế quốc gia số 12, trong hoạt động phòng chống thiên tai, thảm họa và sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống chiến tranh...
10. Về văn hóa thông tin.
Đẩy mạnh phát triển hoạt động văn hóa, thông tin theo hướng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới, góp phần tích cực xây dựng con người Việt Nam phát triển đồng bộ về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, thể chất, có nhân cách đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm với sự nghiệp đổi mới. Phát triển và bồi dưỡng những tài năng trẻ, sáng tạo nhiều sản phẩm tinh thần có giá trị cao và đưa các giá trị ấy đến nhân dân hưởng thụ; chăm lo những nhân tố tốt đẹp cần kế thừa, nhân tố mới cần phát huy, ngăn chặn những khuynh hướng lệch lạc trong văn học và nghệ thuật, phòng chống các tệ nạn xã hội.
Phát triển sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng, phát huy và bảo vệ các di sản văn hóa lịch sử cách mạng của dân tộc, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Chú trọng nâng cao chất lương hoạt động và từng bước đầu tư xây dựng, trùng tu, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử truyền thống; nghiên cứu nâng tầm ngày Giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên thành ngày Lễ hội hàng năm của cả nước.
Thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, thông tin. Mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu vực dân cư, xây dựng ấp, khu phố, công sở văn hóa và gia đình văn hóa. Nhân rộng những điển hình tiên tiến trên các mặt lao động, học tập và các hoạt động xã hội.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động văn hóa: trung tâm văn hóa, thư viện, điện ảnh...; tôn tạo các di tích văn hóa. Phấn đấu đến năm 2010, mỗi khóm, ấp có nhà văn hóa. Ðầu tư mở rộng hệ thống truyền thanh, phát thanh, truyền hình, các điểm bưu điện văn hóa xã, dự kiến đến năm 2010, có 90% hộ dân cư có đủ phương tiện nghe nhìn, 100% đài truyền thanh huyện phát sóng FM, 100% xã, phường có trạm truyền thanh và điểm bưu điện văn hóa xã.
11. Về thể dục thể thao.
Thể dục thể thao quần chúng: tiếp tục nhân rộng, phát huy hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại". Phấn đấu đến năm 2010 có 25% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, 15% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; 100% trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất theo quy định, có 740 câu lạc bộ thể dục thể thao.
Thể dục thể thao thành tích cao: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao của tỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo vận động viên năng khiếu, đội ngũ kế thừa. Tập trung đầu tư xây dựng các đội thể thao mạnh của tỉnh, phấn đấu duy trì, phát huy kết quả đã đạt được với nhiều thành tích cao hơn trong các giải cấp quốc gia và khu vực: bóng đá, điền kinh, cờ vua, đá cầu, xe đạp, Ju-do, bơi lội, bóng chuyền.
Về xây dựng cơ sở vật chất, xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao: tiếp tục xây dựng các công trình thể dục thể thao trọng điểm tuyến huyện, thị theo quy hoạch. Tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình thuộc khu liên hợp thể dục thể thao. Ðẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao.
12. Về công tác xã hội, chăm sóc người có công.
Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với hoạt động của các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Ðoàn thanh niên.... Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, xã biên giới. Phấn đấu hàng năm giảm 4-5 ngàn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 4,5% vào năm 2010 (theo chuẩn nghèo mới).
Quan tâm công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ðảm bảo 100% Bà mẹ Việt nam Anh hùng được nuôi dưỡng đến cuối đời.
Đẩy mạnh các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, các hoạt động cứu trợ nhân đạo, phong trào tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư... Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2005-2010. Tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng công tác bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già trên 90 tuổi; mở rộng hình thức bảo hiểm y tế tự nguyện trong các tầng lớp nhân dân.
Ðẩy mạnh công tác lập lại trật tự trên lĩnh vực văn hóa và bài trừ các tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Bảo đảm đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được lành mạnh hóa, các tệ nạn xã hội nghiêm trọng phải được ngăn chặn và thực sự đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.
13. Về quốc phòng, an ninh.
Chú trọng gắn kết giữa nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh. Tăng cường xây dựng các khu vực phòng thủ; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng, củng cố nâng cao chất lượng các tổ, ban tự quản, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, bộ đội địa phương đủ sức bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Tiếp tục hoàn chỉnh các phương án tác chiến bổ sung; nâng cao trách nhiệm phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới đạt được hiệu quả cao, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ an ninh Tổ quốc, chống buôn lậu, gian lận thương mại và xâm nhập phá hoại của các phần tử xấu.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển sinh, tuyển quân theo chỉ tiêu và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Quân khu, đảm bảo ngày càng nâng cao về sức khoẻ, trình độ chính trị, văn hóa của thanh niên trúng tuyển. Ðồng thời đẩy mạnh công tác hậu phương quân đội, gắn với hoạt động của tổ chức đoàn thể, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
14. Về cải cách hành chính.
Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Cải cách thể chế phải hướng mạnh vào phục vụ công dân, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục công tác kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý hành chính nhà nước. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm nhiệm vụ theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ cao. Đẩy mạnh cải cách tài chính công.
VI. Những giải pháp chủ yếu.
1. Xây dựng, điều chỉnh và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch.
Tiếp tục triển khai xây dựng mới một số quy hoạch; tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã có, bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất... Việc xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi, sát thực tiễn, phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch của vùng và cả nước, đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh tốc độ phát triển của Tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch. Công khai các quy hoạch theo quy định, chú trọng phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Trong năm 2006, phải cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh các quy hoạch: tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, để làm cơ sở cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện.
2. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực: đây là một trong những yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2006-2010 của Tỉnh. Có phương án đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học, công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Chú trọng đào tạo lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn đảm bảo có đủ trình độ, kiến thức góp phần tham gia thực hiện tốt, có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Có chế độ, chính sách sử dụng tốt lực lượng lao động có tay nghề cao, chuyên viên khoa học kỹ thuật có trình độ, các nhà quản lý giỏi, nông dân sản xuất giỏi... Tăng cường đầu tư mở rộng qui mô gắn với nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các trung tâm dạy nghề huyện, thị xã; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Tỉnh. Mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước: việc quản lý và khai thác tài nguyên đất, nguồn nước phải theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn từ quỹ đất; đồng thời chuẩn bị một số dự án mang tính khả thi cao, trong đó chú ý các dự án mở rộng đô thị trung tâm ở ba khu vực, Khu công nghiệp sông Hậu, Khu di tích lịch sử Gò Tháp. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn từ quỹ đất quy mô nhỏ, vận động các thành phần kinh tế thực hiện, kể cả vận động người có quyền sử dụng đất trong dự án tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Đối với các dự án có quy mô lớn (từ 5 ha trở lên), phải di dời hoặc tái định cư nhiều hộ dân, các chủ đầu tư cần đề xuất cụ thể phương án tái định cư để làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Có chương trình, dự án khai thác, sử dụng có hiệu quả lợi thế mặt nước trong mùa lũ phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.
Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển: để đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 14,5%/năm, nhu cầu vốn đầu tư phát triển 5 năm 2006-2010 khoảng 34.000 tỷ đồng, theo cơ cấu đầu tư dự kiến là: nông - lâm - thủy sản 12,21%, công nghiệp - xây dựng 45,82%, thương mại - dịch vụ 41,97%.
Theo dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển như trên, so với khả năng tự cân đối từ nội bộ nền kinh tế địa phương đảm bảo được khoảng 38-40% nhu cầu vốn đầu tư, gồm: vốn ngân sách địa phương kết hợp với vốn vay kho bạc khoảng 10-12%, vốn doanh nghiệp và dân cư 26-28%; phần vốn đầu tư còn lại khoảng 60-62% cần được Trung ương hỗ trợ 30-32%, gọi vốn đầu tư ngoài tỉnh 12-14%, vay vốn các tổ chức tín dụng 18-20% so nhu cầu tổng vốn đầu tư.
Đối với nguồn vốn Trung ương, cần nhanh chóng xây dựng các dự án, chương trình Tỉnh đã thỏa thuận với các Bộ, ngành Trung ương đến năm 2010 để làm thủ tục tranh thủ nguồn vốn hằng năm.
Đối với nguồn vốn Tỉnh, gồm: vốn ngân sách, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chủ yếu xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thủy, bộ trọng yếu, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng 3 khu vực trọng điểm. Vốn Quỹ Đầu tư phát triển (vốn tín dụng nhà nước), cho vay bồi thường giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn từ quỹ đất quy mô lớn, có tính khả thi cao. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh, nhất là tạo môi trường tốt cho thu hút đầu tư, Tỉnh sẽ đề nghị Trung ương và Hội đồng nhân dân Tỉnh cho vay vốn Kho bạc nhà nước khoảng 150 - 200 tỷ đồng để xây dựng sớm các tuyến giao thông thuỷ, bộ then chốt, hạ tầng khu công nghiệp, hằng năm ngân sách Tỉnh sẽ bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản để trả dần.
Đối với nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp nhà đầu tư thành lập thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các cụm công nghiệp, dọc theo các trục giao thông thuỷ, bộ... Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đặc biệt là giải quyết các vấn đề xã hội qua giải quyết việc làm, giúp cải thiện thu nhập cho người lao động. Mặt khác, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, tạo mặt bằng, hỗ trợ hạ tầng, các chính sách kêu gọi đầu tư trên địa bàn... phục vụ cho phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp, chợ, cầu đường, trường học, bệnh viện, công trình điểm, tuyến du lịch...
3. Xây dựng và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân. Tích cực hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, trước hết là hướng dẫn, giúp các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế nhà nước, trong đó xây dựng Công ty Thương mại dầu khí, Công ty Xây lắp vật liệu xây dựng hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con; thực hiện cổ phần hóa một số đơn vị trực thuộc Công ty Thương nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển loại hình kinh tế hợp tác xã; tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
Tiếp tục nhân rộng và xây dựng đa dạng các mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, chú ý khuyến khích hợp tác trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp. Thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích và hỗ trợ chuyển từ loại hình kinh tế hộ lên kinh tế trang trại, nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất lớn.
Thực hiện rộng rãi chính sách ưu đãi, hỗ trợ về sản xuất hàng xuất khẩu, vốn tín dụng, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, thông tin thị trường. Về vốn tín dụng sẽ tăng cường huy động vốn trên địa bàn kết hợp với tranh thủ tăng định mức phân bổ từ Trung ương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế; đồng thời sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý và cho vay vốn tín dụng theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng.
Tích cực tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính, xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, nhằm tạo sức thu hút mạnh đối với các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh.
4. Ðẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và môi trường.
Phổ cập các kiến thức về khoa học - công nghệ trong nhân dân thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư.
Thực hiện chương trình bồi dưỡng khoa học - công nghệ cho các doanh nghiệp, các chương trình huấn luyện ngắn ngày cho nông dân, công nhân.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thông qua hỗ trợ vốn tín dụng, ưu tiên giải quyết mặt bằng xây dựng, miễn các loại thuế cho các sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử bằng công nghệ mới, được trích một tỷ lệ nhất định trong lợi nhuận cho cải tiến kỹ thuật hoặc do ứng dụng công nghệ mới mang lại để thưởng cho cá nhân, tập thể lao động và chuyên gia đúng theo quy định của Nhà nước.
Phổ biến rộng rãi kiến thức về môi trường đến các tầng lớp dân cư nắm rõ và hiểu biết về lợi ích và nguy hại của môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội. Nâng dần ý thức thực hiện bảo vệ môi trường của mỗi người dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo dịnh hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).
5. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại, gắn với xây dựng thương hiệu, với các danh mục dự án đầu tư cụ thể, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước giành chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong, ngoài nước, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng.
Quan tâm hơn nữa thị trường Campuchia, Trung Quốc để xuất khẩu những hàng hóa của Tỉnh có khả năng sản xuất, đáp ứng theo nhu cầu. Chú trọng tìm kiếm, mở rộng thị trường nội địa: các siêu thị, các tỉnh phía Bắc, các khu công nghiệp, các tỉnh Tây nguyên và các tỉnh miền Ðông Nam bộ...
6. Phát huy dân chủ cơ sở trong cộng đồng dân cư.
Khuyến khích phát huy tinh thần tự quản, tự chịu trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa mới, phòng chống tệ nạn, khơi dậy tư tưởng làm giàu của mỗi người dân, từng hộ gia đình.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đổi mới hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân của các cấp chính quyền, nhằm góp phân nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
7. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước từ Tỉnh đến cơ sở theo hướng chính quy, hiện đại.
Nâng cao trách nhiệm gắn với quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đi đôi với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Khắc phục tính trông chờ vào sự chỉ đạo, hỗ trợ từ cấp trên trong đội ngũ cán bộ công chức.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi doanh nghiệp; khuyến khích phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của mỗi ngành, địa phương.
Thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, dân chủ và phục vụ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đối với các cơ quan và công chức nhà nước, gắn với việc thực hiện nghiêm chế độ thanh tra công chức, công vụ nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu... góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới./.
Website Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp