Ngày 13/7, tại Thổ Nhĩ Kỳ, 4 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Áo, Bulgaria, Hungary và Rumani đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ một thỏa thuận then chốt về việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt được Mỹ hậu thuẫn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Thỏa thuận liên chính phủ, đánh dấu một mốc lịch sử trong dự án Nabucco bị trì hoãn lâu nay, đã được các Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Sergei Stanishev của Bulgaria, Emil Boc của Rumani, Gordon Bajnai của Hungary và Werner Faymann của Áo đặt bút ký.
Tham gia lễ ký thỏa thuận trên còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuen Barroso, đặc phái viên Mỹ về dự án năng lượng châu Âu Richard Morningstar và Thủ tướng Iraq Nuri Al Maliki.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt dài 3.300km nói trên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014 với chi phí xây dựng ước tính khoảng 7,9 tỷ euro (10,9 tỷ USD) và có công suất bơm khoảng 31 tỷ m3 khí từ khu vực biển Caspi ở Trung Á tới Áo qua Thổ Nhĩ Kỳ, không đi qua Nga.
Azerbaijan được coi là nước cung cấp khí đốt tiềm năng chủ yếu cho tuyến đường ống này cùng với Turkmenistan, Iraq và Ai Cập.
Dự án Nabucco hiện được coi là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" với dự án South Stream (Dòng chảy phương Nam) của Nga do tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom cùng với tập đoàn Eni của Italy hợp tác xây dựng, sẽ chuyển khí đốt của Nga qua Bulgaria tới khu vực Tây Âu./.