Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) kết thúc vòng bốn cuộc đàm phán Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) vào cuối tuần qua.
|
Ông James Moran
|
Trao đổi với Tiền Phong, Trưởng đoàn đàm phán EU, ông James Moran, khẳng định PCA chính là chìa khóa để mở rộng hợp tác với khu vực đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đàm phán vòng bốn diễn ra trong bối cảnh khó khăn khi cả EU và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Moran cho biết hai bên đạt được đồng thuận nhất định trên hàng loạt vấn đề như kinh tế thương mại, văn hóa, du lịch, an ninh (chống phổ biến vũ khí hủy diệt).
Vấn đề chống tham nhũng trong các dự án ODA cũng được hai bên đề cập đến trong đàm phán. Theo Trưởng đoàn đàm phán EU, chống tham nhũng ở Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và cần duy trì, tăng cường hơn nữa sự minh bạch, đặc biệt trong lĩnh vực công.
Theo ông Moran, một trong những vướng mắc lớn nhất trong tiến trình đàm phán PCA là vấn đề di cư. Hiện có hơn 600.000 người Việt sinh sống làm việc ở EU và gần đây một số nước thành viên bắt đầu trục xuất người di cư bất hợp pháp đến từ Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, ông Moran nhấn mạnh cả hai bên đều trao đổi một cách tích cực để tìm giải pháp hiệu quả, nhân đạo hơn cho cả người di cư hợp pháp và bất hợp pháp.
Theo Vụ trưởng Vụ châu Á, Tổng vụ Đối ngoại của Ủy ban Châu Âu (EC) James Moran, đàm phán về PCA giữa Việt Nam và EU đã đi được nửa chặng đường và bày tỏ hi vọng sẽ kết thúc nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tháng 10/2010 tại Bỉ.
Ông Moran khẳng định không có sự khác biệt về quan điểm giữa 27 thành viên EU trong đàm phán với Việt Nam. “Các thành viên EU đều ủng hộ PCA với Việt Nam và mong tiến trình đàm phán tiến triển nhanh hơn nữa”, ông Moran cho biết./.