Kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã vượt mốc 2.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Quý 2 vừa qua, dự trữ này đã gia tăng với tốc độ kỷ lục 178 tỷ USD.
Dự trữ ngoại hối khổng lồ tăng mạnh của Trung Quốc là một bằng chứng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế nước này, nhưng đồng thời cũng cho thấy những khó khăn của Chính phủ Trung Quốc trong việc tìm kiếm kênh đầu tư.
Theo thông tin mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố ngày 15/7, quý 2 vừa qua, dự trữ ngoại hối của nước này tăng kỷ lục 178 tỷ USD lên mức 2.132 tỷ USD. Mức tăng này lớn gấp nhiều lần mức tăng vỏn vẹn 7,7 tỷ USD trong quý 1.
Trong kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, hiện có lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 763,5 tỷ USD, chiếm hơn 1/3.
Theo ước tính của ngân hàng UBS tại Bắc Kinh, các tài sản bằng đồng USD chiếm khoảng 65% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Phần còn lại chủ yếu là các tài sản bằng Euro, Yên Nhật và đồng Bảng Anh.
Cũng theo UBS, nếu Trung Quốc muốn nắm giữ 5% dự trữ ngoại hối bằng vàng, nước này cần mua thêm 3.000 tấn vàng nữa, tương đương với sản lượng vàng của cả thế giới trong vòng 1 năm.
Với lượng tài sản bằng USD lớn như trên, Trung Quốc thời gian qua tỏ rõ thái độ lo ngại về nguy cơ trượt giá của đồng tiền này khi Chính phủ Mỹ thâm hụt ngân sách ở mức khổng lồ.
Tuy nhiên, sau khi liên tiếp đưa ra lời kêu gọi về một “siêu tiền tệ” nhằm thay thế cho USD ở vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên vào tháng trước đã loại trừ khả năng nước này thay đổi cách thức quản lý kho dự trữ ngoại hối.
“Với quy mô khổng lồ của kho dự trữ ngoại hối hiện nay, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Sự đa dạng hóa kênh đầu tư sẽ diễn ra với tốc độ chậm, trong đó các loại hàng hóa cơ bản là một lựa chọn được ưu tiên”, nhà kinh tế Ken Peng thuộc ngân hàng Citigroup tại Bắc Kinh nhận xét.
Hãng lọc hóa dầu quốc doanh Sinopec của Trung Quốc mới đây đã đạt thỏa thuận mua lại hãng dầu lửa Addax có trụ sở ở Geneva, Thụy Sỹ, với giá 7 tỷ USD để tiếp cận nguồn dầu lửa ở Iraq và Tây Phi. Trong khi đó, quỹ đầu tư lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã thua lỗ vì những khoản đầu tư vào quỹ Blackstone và ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ.
Ngoài ra, còn có những lý do khác để Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, đó là thị trường cho các loại tài sản khác còn nhỏ bé và có tính thanh khoản thấp nếu so sánh với kênh đầu tư này.
Trong vòng hai năm rưỡi trở lại đây, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, một phần nhờ mức thặng dư thương mại khổng lồ của nước này. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang lớn gấp đôi của Nhật Bản - quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang chiếm tới 29% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong quý 2 vừa qua còn có thể bắt nguồn từ sự gia tăng giá trị của những tài sản không phải là USD, do sự suy yếu của tỷ giá USD, và các dòng vốn đầu cơ đổ vào nước này.
Ngân hàng Thế giới (WB) và các định chế tài chính khác như PNP Paribas và Standard Chartered Bank thời gian qua đều tăng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
“Trung Quốc là nước có triển vọng kinh tế sáng nhất trong số những nền kinh tế lớn của thế giới. Do vậy, không có gì là ngạc nhiên khi chứng kiến những dòng tiền đầu cơ quay trở lại nước này”, nhà kinh tế Sherman Chan thuộc Moody’s Economy.com tại Sydney nhận định.
Từ đầu năm tới nay, chỉ số SCI của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng tới 74%, giá nhà đất tại Trung Quốc cũng đã khởi sắc trở lại.
“Các dòng vốn ngoại đã đẩy giá chứng khoán và nhà đất lên. Giới đầu cơ đánh giá tốt thị trường Trung Quốc vì gói kích thích kinh tế của Chính phủ nước này đang phát huy tác dụng và sẽ giúp kinh tế Trung Quốc trở thành nền kinh tế đầu tiên phục hồi”, nhà phân tích tiền tệ Yang Shengkun thuộc ngân hàng China Citic Bank ở Bắc Kinh nói.
Tuy nhiên, gói kích cầu và hoạt động cho vay được đẩy mạnh lên tốc độ kỷ lục của các ngân hàng Trung Quốc hiện nay cũng làm dấy lên những lo ngại về sự leo thang của các khoản nợ xấu, bong bóng tài sản và sự tái xuất hiện của tốc độ lạm phát cao.
Tuần trước, hai đợt đấu giá trái phiếu Chính phủ Trung Quốc đã không thể thu hút đủ các nhà đầu tư chào mua vì giới đầu tư lo ngại Ngân hàng Trung ương nước này sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ./.