Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/01/2009-13:45:00 PM
Kích cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tập trung cho các dự án lớn, có ý nghĩa kinh tế-xã hội
Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực hạ tầng đô thị ngày 14/1/2009, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan đã trả lời báo chí về một số vấn đề, giải pháp thu xếp vốn cũng như một số nội dung chủ yếu về triển khai gói kích cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng, cần những giải pháp gì để thu xếp vốn nhằm kích cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng ?

Hiện nay, kích cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần rất nhiều vốn, do đó không nên chỉ trông vào ngân sách, nguồn vốn hỗ trợ ODA. Sắp tới đây, khi thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt trên 1.000 USD/người thì nguồn vốn tài trợ ODA sẽ giảm đáng kể. Chính phủ cũng như các Bộ, ngành sẽ tăng cường kêu gọi giải pháp xã hội hóa, hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát triển hạ tầng. Chúng tôi sẽ có danh mục, dự án cụ thể để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Song song đó, cần xây dựng những chính sách về thuế, tài chính, đất đai và nhiều chính sách khác thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia dự án.

Có quan điểm cho rằng các doanh nghiệp tư nhân chưa mặn mà với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, điều này không hoàn toàn đúng, vấn đề ở chỗ một số doanh nghiệp còn hạn chế về vốn, quy mô nhỏ. Trong khi, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa thật sự hấp dẫn. Tôi cho rằng, cần có chính sách khuyến khích đầu tư và biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng.

Đột phá trong thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng là gì, thưa Thứ trưởng?

Tôi cho rằng, đột phá là chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung thực hiện dự án với hình thức BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao), BT (Xây dựng-Chuyển giao), BTO (Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh). Với cách làm này, nhà đầu tư có sự chủ động, sự lựa chọn cũng như bảo đảm thực hiện các cam kết của dự án.

Về kêu gọi đầu tư, nên tập trung lĩnh vực ưu tiên và địa bàn ưu tiên. Còn lại, chọn lĩnh vực, ngành nghề đầu tư như BOT hay 100% vốn nước ngoài thì do nhà đầu tư lựa chọn trên cơ sở tự đánh giá khả năng sinh lời, khả năng hoàn vốn của từng dự án.

Vậy những vướng mắc lớn nào sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới?

Hiện nay, muốn làm dự án theo hình thức BOT thì doanh nghiệp phải xây dựng dự án tiền khả thi, kinh phí xây dựng dự án ban đầu khá tốn kém. Vì vậy, một mặt, các nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra xây dựng dự án tiền khả thi, mặt khác Chính phủ cũng nên hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng dự án này, sau đó cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đấu thầu.

Trong quá trình triển khai dự án, cũng cần bám sát tiến độ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Lĩnh vực hạ tầng mà gói kích cầu sẽ hướng tới là gì, thưa ông?

Những dự án lớn về hạ tầng đô thị, giao thông rất cần kích cầu, cần huy động rất nhiều nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn cho những công trình lớn đang thiếu vì thế kích cầu đưa vốn vào là cần thiết. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi, thép, xi măng tạo được nhiều công ăn việc làm cũng cần được kích cầu, nhằm đem lại hiệu quả tức thì.

Hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đô thị Việt Nam có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành như Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh và hơn 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Trương Văn Đoan cho biết, Hội nghị lần này nhằm giới thiệu các dự án đầu tư hạ tầng, kỹ thuật đô thị cấp thiết tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng vốn dự kiến khoảng 12 tỷ USD (gồm 68 dự án), như dự án thuộc lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước sạch, thoát nước, xử lý chất thải rắn; phát triển khu đô thị là những dự án mang tính ưu tiên đã được các cơ quan có thẩm quyền trung ương và địa phương chuẩn bị và đề xuất để kêu gọi đầu tư.

Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung như định hướng phát triển hạ tầng đô thị Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn sau năm 2020. Chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đô thị, các chính sách thuế với nhà đầu tư, chính sách giải phóng mặt bằng, đơn giản hóa trình tự đầu tư vào cơ sở hạ tầng....

Tại đây, nhiều ý kiến tham luận đã đồng tình với quan điểm cần có chiến lược rõ ràng thu hút đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào các dự án cơ sở hạ tầng nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư bên cạnh nguồn vốn ODA và vốn đầu tư của nhà nước.

Nguyệt Hà
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Báo Lao động

    Tổng số lượt xem: 1800
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)