Báo cáo số 163/KHĐT-TH ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình về tình hình kinh tế xã hội tháng 2 năm 2008.
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Trong tháng 2, các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm theo đúng thời vụ. Dự kiến đến cuối tháng 2, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân toàn tỉnh thực hiện 49.428 ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Thành phố (TP)Đồng Hới 1.488 ha, tăng 1,2%; huyện Minh Hoá 3.243 ha, tăng 1%; Tuyên Hoá 4.290 ha, tăng 2,2%; Quảng Trạch 10.465 ha, tăng 1,3%; Bố Trạch 11.717 ha, tăng 2,7%; Lệ Thuỷ 11.946 ha, tăng 3,2%; Quảng Ninh 6.082 ha, giảm 4,9%.
- Cây lúa: diện tích lúa thực hiện 27.132 ha, bằng 100,2% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích được gieo cấy giống mới 26.975 ha, bằng 102,8%; diện tích gieo thẳng 26.047 ha, bằng 102,3% so với cùng kỳ.
- Cây ngô: diện tích ngô thực hiện 4.378 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Các huyện có diện tích ngô tăng như: Minh Hoá tăng 60 ha, Quảng Trạch tăng 90 ha. Các huyện có diện tích ngô giảm như: Bố Trạch giảm 135 ha, Quảng Ninh giảm 71 ha, chủ yếu do trời quá rét, những trà muộn chưa thể triển khai gieo trồng được.
- Cây lạc: thực hiện 4.413 ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
- Cây cao su: tháng 2, các đơn vị tiếp tục tiến hành chăm sóc và triển khai khai thác mủ cao su theo kế hoạch. Dự kiến trong tháng 2, sản lượng mủ cao su khai thác được 125 tấn, 2 tháng là 305 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Diện tích cao su kinh doanh và cao su kiến thiết cơ bản của các doanh nghiệp được chăm sóc là 875 ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Trong hơn một tháng nay, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Một số diện tích lúa đã gieo cấy bị vàng úa, bạc đầu, quăn ngọn, đẻ nhánh kém, diện tích ngô bị vàng lá, một số diện tích ngô, lạc đã gieo không nẩy mầm.
Tính đến ngày 15/2, rét hại đã làm cho 702,4 ha lúa gieo trong đợt rét bị chết phải gieo cấy lại, giá trị thiệt hại ước tính 1.422,4 triệu đồng trong đó huyện Minh Hoá 64 ha, huyện Tuyên Hoá 118,4 ha, Quảng Trạch 520 ha. Một số cây trồng khác như ngô Đông Xuân sớm 50 ha ở Quảng Trạch đang bước vào thời kỳ trổ cờ cũng bị ảnh hưởng đến năng suất; 118.4 ha lạc gieo đến nay vẫn chưa nảy mầm, khả năng phải gieo trồng lại, giá trị thiệt hại ước tính 332.9 triệu đồng.
Sâu bệnh đã phát sinh và gây hại trên một số cây trồng ở một số nơi. Đến ngày 10/2, diện tích lúa bị rệp muỗi gây hại 137 ha; lúa bị bệnh đạo ôn 10,5 ha tập trung ở huyện Tuyên Hoá; bị sâu cuốn lá nhỏ 9 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch; diện tích ngô bị sâu bệnh 113,5 ha; chuột phá trên diện tích 177 ha... Một số loại sâu bệnh khác như châu chấu, bệnh đốm lá nhỏ đã phát sinh và gây hại rải rác.
b. Chăn nuôi
Do thời tiết đầu năm diễn biến phức tạp, rét hại, rét đậm kéo dài hơn một tháng nên các hộ chăn nuôi không kịp đối phó. Điều kiện chăn nuôi không đảm bảo chống rét, đồng thời sau vụ làm đất, thiếu thức ăn, công tác chăm sóc của các hộ gia đình cho đàn gia súc chưa được quan tâm nên tính đến thời điểm 19/2, số lượng trâu, bò bị chết là 2.526 con, dê chết là 665 con, ước tính trị giá thiệt hại lên đến 7.605 triệu đồng. Trong đó: huyện Minh Hoá 1.717 con; Tuyên Hoá 516 con; Quảng Trạch 91 con; Bố Trạch 115 con; Quảng Ninh 20 con; Lệ Thuỷ 67 con. Các ngành chức năng đang tập trung chỉ đạo người chăn nuôi tăng cường giữ ấm cho gia súc, tích cực đun nước ấm cho gia súc uống, che chắn chuồng trại và nhiều biện pháp khác nhằm hạn chế tối đa gia súc chết do rét, đặc biệt là đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm được triển khai quyết liệt. Các ngành chức năng chỉ đạo tiến hành các biện pháp phòng ngừa không để dịch bệnh lan rộng; khoanh vùng, dập dịch, tiêu độc khử trùng chuồng trại nơi vịt chết, cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm trong vùng; không được thả vịt chạy đồng trong vùng với thời gian một tháng, khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, do vậy, đến nay đã khống chế được dịch.
2. Lâm nghiệp
- Khai thác lâm sản: Về khai thác nhựa thông 2 tháng đầu năm được 67 tấn, bằng 97,1% so với cùng kỳ, khai thác gỗ đang thực hiện công tác chuẩn bị.
- Công tác lâm sinh: Hưởng ứng chủ trương Tết trồng cây, tất cả các địa phương đã tích cực tham gia nhằm góp phần làm xanh sạch đẹp môi trường, tăng khả năng phòng hộ giữ đất, giữ nước . Trong dịp Tết, dự kiến số cây trồng phân tán khoảng 122 ngàn cây, trong tháng 2 thực hiện 650 nghìn cây, 2 tháng đầu năm thực hiện ước 1,85 triệu cây, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng cũng được các đơn vị quan tâm, đặc biệt là rừng trồng 1 năm tuổi và rừng trồng 3-4 năm tuổi. Dự kiến tháng 2, diện tích rừng trồng được chăm sóc là 270 ha, 2 tháng là 1.600 ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, các vụ vi phạm về lâm luật vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tổng số vụ vi phạm trong tháng 2 là 79 vụ và 8 tháng là 151 vụ với 132 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, 17 vụ khai thác rừng trái phép và 2 vụ vi phạm bảo vệ động vật hoang dã. Tịch thu 225,6 m3 gỗ các loại, 11 gốc mưng, 561kg động vật hoang dã. Tổng giá trị tiền phạt 41,4 triệu đồng.
3. Thuỷ sản
Dự ước sản lượng thuỷ sản tháng 2 toàn tỉnh thực hiện 1.543,9 tấn, 2 tháng là 3.199 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Về khai thác: Trước và sau Tết, thời tiết có rét đậm kéo dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến đánh bắt thuỷ sản, sản lượng khai thác trong tháng 2 tăng chậm so với tháng trước. Dự ước tháng 2, sản lượng khai thác là 1.204,3 tấn, bằng 91,18% so với tháng 1, 2 tháng thực hiện 2.525 tấn, tăng 2,33% so với cùng kỳ. Sản lượng đánh bắt chủ yếu là sản lượng khai thác nước mặn.
Về nuôi trồng: Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng các hộ nuôi trồng thuỷ sản đã có nhiều biện pháp tích cực, chăm sóc tốt và triển khai công tác thu hoạch sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết. Dự ước tháng 2, sản lượng thuỷ sản thu hoạch đạt 339,6 tấn, 2 tháng thu hoạch là 674 tấn, so với cùng kỳ tăng 19,9%. Sản lượng nuôi trồng tăng chủ yếu là cá nuôi nước ngọt và tôm thẻ chân trắng vào thời kỳ thu hoạch.
Cua giống thả trái vụ ở một số địa phương bị chết do nhiệt độ xuống thấp, diện tích bị thiệt hại chủ yếu tập trung ở phường Phú Hải (TP Đồng Hới).
Hiện tại, các hộ nuôi trồng tiếp tục thu hoạch các loại thuỷ sản đã thả nuôi, tiến hành làm vệ sinh ao hồ để chuẩn bị đến đầu tháng 3 là bước vào vụ thả cá, tôm, cua đầu tiên trong năm.
4. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 ước đạt 154,4 tỷ đồng, 2 tháng 324,5 tỷ đồng, tăng 21,1% so cùng kỳ. Tuy đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ nhưng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 chỉ bằng 80% bình quân các tháng năm 2007. Trong đó: công nghiệp Nhà nước 196,5 tỷ đồng, tăng 19,9%; công nghiệp ngoài Nhà nước 116 tỷ đồng, tăng 21,1%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 11,3 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm chủ yếu đạt kết quả tăng trưởng khá như: Bia chai đạt 1.600 ngàn lít, tăng 66,8% so cùng kỳ; xi măng và clinke đạt 265 ngàn tấn, tăng 45,8%; phân NPK và phân vi sinh đạt 8,86 ngàn tấn, tăng 65,8%; gạch Ceramic đạt 130 ngàn m2 tăng 21,5%; đá hộc 197 ngàn m3 tăng 13,2% so cùng kỳ...
Bên cạnh đó vẫn còn một số sản phẩm có mức tăng thấp hoặc giảm sút so với cùng kỳ như: Nước khoáng giảm 5,58%; gạo ngô xay xát giảm 8,97%; gạch nung đạt 27,5 ngàn viên, chỉ bằng cùng kỳ năm trước, thuỷ sản tăng không ổn định, chủ yếu làm gia công nên giá trị thấp....
5. Đầu tư xây dựng cơ bản
Thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai sớm nên phân bổ vốn đầu tư cho các huyện, thành phố và các đơn vị cơ sở tập trung vào các chương trình kinh tế, các công trình trọng điểm và các ngành kinh tế có lợi thế của tỉnh nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Sau thời gian nghỉ tết, các doanh nghiệp, đơn vị thi công tiếp tục tập trung thi công những công trình chuyển tiếp năm 2007 như sân bay Đồng Hới, cảng Hòn La giai đoạn 1, cầu Quảng Hải, đường nội thị thành phố Đồng Hới. Chuẩn bị thủ tục cho các công trình khởi công xây dựng mới theo kế hoạch năm 2008.
Dự ước tháng 2, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản của các đơn vị trên địa bàn quản lý đạt 67,2 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó tổng nguồn vốn ngân sách ước đạt 63,6 tỷ đồng, vốn khác 3,6 tỷ đồng, chủ yếu là các công trình nông, lâm nghiệp, giao thông, thuỷ lợi; các công trình y tế, giáo dục.
6. Thương mại
- Nội thương: Hoạt động thương mại trong tháng khá sôi động, hàng hoá đa dạng và phong phú đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ tết đều có kế hoạch cân đối, dự trữ nguồn hàng hoá, bảo đảm nguồn cung nên đã không xảy ra tình trạng khan hiếm và thiếu hàng. Hàng hoá lưu thông thông suốt từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện giao thông không thuận lợi. Tuy vậy, do sức mua tăng 20-30% nên giá các mặt hàng đều tăng so cùng kỳ. Dự ước, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tháng 2 ước đạt 477,1 tỷ đồng, 2 tháng 874,71 tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Công tác kiểm tra thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại được các ngành chức năng tăng cường thực hiện, chủ yếu tập trung vào: chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên thị trường; kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng phục vụ trong dịp Tết... Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo và phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra việc thực hiện nghiêm Công điện số 1721/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008.
- Hoạt động xuất nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: Tổng giá trị xuất khẩu tháng 2 ước đạt 3,55 triệu USD, 2 tháng 7 triệu USD, bằng 83,6% so với cùng kỳ. Trong đó kinh tế Nhà nước chiếm tỷ trọng 2,3%, kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng 97,7%. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu trong 2 tháng đầu năm là hàng nông sản, đạt 3,2 triệu USD; hàng lâm sản 160 ngàn USD, sau đó là các mặt hàng công nghiệp, thủ công nghiệp, thuỷ sản.
+ Nhập khẩu: Hoạt động nhập khẩu thời gian đầu năm diễn ra cầm chừng. Giá trị nhập khẩu tháng 02 ước đạt 2,3 triệu USD, 2 tháng 4,5 triệu USD bằng 75,1% so với cùng kỳ. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất tại địa phương như: gỗ tròn, gỗ xẻ, nhôm nguyên liệu và một số mặt hàng tiêu dùng như vải, đồ điện gia dụng...
Mặt hàng có trị giá nhập khẩu lớn nhất là gỗ, đạt 2,6 triệu USD, tăng gần 400% so cùng kỳ, trong đó riêng gỗ tròn đạt 2 ngàn m3, trị giá 2,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 51,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đến là nhôm nguyên liệu nhập khẩu 400 tấn tăng 200% so cùng kỳ, trị giá 1 triệu USD, tăng 70% so cùng kỳ.
- Giá cả hàng hoá dịch vụ: Giá cả hàng hoá trên địa bàn tăng với mức khá cao, đặc biệt là một số mặt hàng phục vụ tết Nguyên đán như nhóm hàng lương thực - thực phẩm tăng 10%, thịt heo tăng 12%, thịt gà tăng 15% ; rượu, bia, bánh kẹo tăng từ 15-20%....
- Du lịch: Trong tháng, lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt khá, tổng số lượt khách ước thực hiện 2 tháng là 48.636 lượt người, tăng 1,7% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là 5.357 lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ ; khách thăm quan Phong Nha thực hiện 2 tháng năm 2008: 20.607 lượt khách, tăng 12,4% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là: 2.693 lượt, tăng 18,8% so cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 10.868 triệu đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ.
7. Tài nguyên môi trường
Ngành đã chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, các huyện, thành phố; chỉ đạo các huyện triển khai việc lập quy hoạch sử dụng đất của các xã còn lại. Đến nay đã hoàn thành được 59/159 xã, đang triển khai tiếp cho 87 xã.
Trong 2 tháng đầu năm, ngành đã làm thủ tục trình UBND tỉnh quyết định giới thiệu địa điểm xây dựng cho 14 công trình, giao đất cho 17 công trình, cho thuê đất 9 công trình, thu hồi đất của 5 tổ chức để giao cho địa phương quản lý hoặc đưa vào đấu giá.
Công tác đăng ký đất đai chủ yếu tập trung vào việc hoàn thành thống kê đất đai năm 2007, triển khai việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Trong tháng, đã tiến hành trích đo bản đồ địa chính cho 9 công trình với diện tích 2,7 ha. Ngành đã thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 4 dự án, làm thủ tục trình phê duyệt cấp mới 5 giấy phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, doanh nghiệp.
8. Về sắp xếp doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh
Về công tác sắp xếp doanh nghiệp: Đến nay, cơ bản đã sắp xếp được hết các DNNN theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt. Riêng Công ty Sông Gianh đang tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục cổ phần hoá, dự kiến hoàn thành trong quý II/2008. Các đơn vị cổ phần hoá cơ bản hoàn thành quy trình. Các đơn vị sắp xếp theo hình thức chuyển sang công ty TNHH 1 thành viên đã hoàn tất các thủ tục bàn giao. Đã tiến hành bàn giao Công ty Công trình Đô thị Quảng Bình và phê duyệt phương án chuyển Công ty xổ số kiến thiết Quảng Bình thành Công ty TNHH 1 thành viên. Căn cứ Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 20/04/2007 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010, Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại và Công ty LCN Bắc Quảng Bình đang đẩy nhanh công tác rà soát đất đai để làm thủ tục bàn giao cho các cơ sở và địa phương quản lý và đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Công tác đăng ký kinh doanh: Trong tháng đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 22 DN trong đó có 2 DNTN, 16 Công ty TNHH 2 thành viên, 2 Công ty TNHH 1 thành viên, 2 Công ty cổ phần với tổng vốn đăng ký là 261,05 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký 2 tháng đầu năm lên 55 doanh nghiệp với tổng số 310,2 tỷ đồng. Đã kiểm tra và thu hồi 2 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do doanh nghiệp giải thể.
9. Tài chính tín dụng
Dự ước thu ngân sách trên địa bàn tháng 2 là 48,72 tỷ đồng, 2 tháng 128,72 tỷ đồng bằng 16,9% so dự toán địa phương và tăng 75,6% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt: 122,83 tỷ đồng, đạt 17,8% dự toán địa phương, tăng 96,3% so cùng kỳ; thuế xuất nhập khẩu: 5,89 tỷ đồng, bằng 8% dự toán địa phương và bằng 55% so cùng kỳ. Nhìn chung, một số khoản thu tăng cao so cùng kỳ như: thu DN quốc doanh TW, thu doanh nghiệp quốc doanh địa phương, DN có vốn đầu tư nước ngoài, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, một số phí và lệ phí.
- Tổng chi ngân sách 2 tháng là 131,587 tỷ đồng, chi thường xuyên: 131,587 tỷ đồng đạt 7% so với dự toán địa phương, đạt 10% dự toán TW, còn chi XDCB tháng 02 chưa phát sinh, đang tiếp tục giải ngân nguồn vốn kế hoạch 2007.
- Đến cuối tháng 2, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh ước đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 38,9% so cùng kỳ. Trong đó: tiền gửi của các tổ chức kinh tế ước đạt 615 tỷ đồng, chiếm 19,1% tổng nguồn vốn huy động, giảm 3,4% so tháng trước; tiền gửi dân cư đạt 2.612 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80,9% tổng nguồn vốn, tăng 3,1% so cuối tháng trước. Tính đến cuối tháng 02/2008, tổng dư nợ ước đạt 6.935 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 113,8 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và chiếm 1,7% tổng dư nợ.
10. Kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư
- Kinh tế đối ngoại:
+ Các dự án ODA:
* Đối với các dự án đang hoạt động như: Dự án giảm nghèo miền Trung, Dự án phân cấp giảm nghèo, Dự án vệ sinh môi trường TP Đồng Hới đang lập kế hoạch công tác và ngân sách năm 2008, đồng thời gấp rút triển khai một số hoạt động ban đầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án năm 2008 như trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu...
* Các dự án mới như: Dự án bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa ký hiệp định đang gấp rút triển khai một số hoạt động để khởi động dự án.
+ Các dự án FDI:
* Các dự án đã triển khai đầu tư: Dự án sản xuất và lắp ráp xe máy đang bị thua lỗ do khó khăn về thị trường tiêu thụ; dự án sản xuất Kaolin đã nhiều lần làm việc và có cam kết từ phía chủ đầu tư nhưng vẫn chưa khởi động lại xây dựng dự án.
+ Cấp giấy chứng nhận đầu tư: Trong 2 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất tinh bột dong riềng Long Giang và Dự án công viên văn hoá, vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư là 48,5 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lên 26 dự án với tổng vốn đầu tư 1.880 tỷ đồng.
- Công tác xúc tiến đầu tư: Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2007, trong tháng đầu năm 2008, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài... đã đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác đi làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội để kêu gọi thu hút đầu tư các dự án. Trong tháng 2, có một số dự án đăng ký đầu tư mới: Dự án mở rộng sản xuất bát hứng mủ cao su nhựa thông, sứ dân dụng của tổ hợp sản xuất gốm sứ Đức Huấn; dự án xây dựng nhà máy gạch ngói Tuynel tại xã Quảng Phú và Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch với công suất 15 triệu viên gạch/năm và 3 triệu viên ngói/năm của Công ty Cổ phần SXVL và XDTH Minh Sơn; dự án xây dựng nhà máy chế tạo và dệt vải sợi thuỷ tinh cao cấp của Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Toàn Cầu; dự án trung tâm nhiệt điện Hòn La và đầu tư nhà máy xi măng của tập đoàn đầu tư Sài Gòn.
Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt hội nghị sơ kết 1 năm chương trình cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
- Công tác ngoại vụ:
+ Đoàn ra có: 02 đoàn với 22 lượt người với mục đích thăm và làm việc với Chi hội Hữu nghị Lào - Việt Nam tỉnh Savanakhet, tham dự triển lãm Quốc tế về đồ gỗ nội thất.
+ Đoàn vào: 06 đoàn với 40 lượt người đến từ các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Úc, Mỹ… với mục đích đến thăm, trao đổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, làm việc tại dự án, trao đổi và nắm bắt tiến độ triển khai và đánh giá việc thực hiện các dự án.
11. Giáo dục đào tạo
Kết thúc học kỳ I năm học 2007-2008, tình hình giáo dục ở tỉnh ta có nhiều tiến bộ và đi vào thực chất hơn. Mạng lưới trường lớp, quy mô học sinh tiếp tục được mở rộng và duy trì; việc huy động học sinh ở các bậc học, ngành học so với độ tuổi cần huy động đều đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hai không” tiếp tục được triển khai đến các trường thông qua các đợt học tập, bồi dưỡng, đánh giá chất lượng học sinh đầu vào… Ngành đang thanh tra, kiểm tra toàn diện về thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thanh tra hoạt động sư phạm giáo viên tại một số đơn vị trường học và cơ sở giáo dục; việc quản lý dạy thêm, học thêm tại một số trường và phòng giáo dục các huyện, thành phố. Chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia; tổng kết công tác tuyển sinh năm 2007 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2008. Ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chuẩn bị tổ chức hội nghị về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Kiểm định chất lượng dạy học tại các đơn vị cơ sở đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn kiểm định chất lượng giáo dục; kiểm tra việc tổ chức liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục có liên kết đào tạo vừa làm vừa học.
12. Khoa học công nghệ
Hoạt động khoa học công nghệ trong tháng 2 chủ yếu tập trung vào việc tiếp tục triển khai các đề tài, dự án thực hiện năm 2007. Tiến hành kiểm tra các đề tài, dự án bị thiệt hại do đợt rét đậm rét hại vừa qua.
Trong tháng, ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý về đo lường chất lượng hàng hoá và ghi nhãn hàng hoá; thanh tra các địa bàn trọng điểm, những cơ sở kinh doanh lớn các mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, rượu, thuốc lá... Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 11 cơ sở vi phạm. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy trên địa bàn toàn tỉnh theo Công văn số 41/BKHCN – Thanh tra ngày 11/01/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sản xuất trong nước.
13. Văn hoá thông tin - TDTT
Ngành văn hoá thông tin đã tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ phong phú mừng Đảng, mừng xuân vui tươi, lành mạnh tạo không khí vui tươi phấn khởi trong cán bộ, nhân dân trong dịp đầu năm mới như chương trình văn nghệ và bắn pháo hoa đêm giao thừa tại cầu Nhật Lệ, chương trình biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian sôi nổi trên địa bàn các huyện...Tổ chức giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tuyên truyền nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa Tết trồng cây và tổ chức Tết trồng cây vào đầu xuân mới. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá; tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng dịp tết và các lễ hội đầu xuân để hành nghề mê tín dị đoan, cờ bạc, buôn bán và sử dụng văn hoá phẩm không lành mạnh.
Công tác phát thanh truyền hình thực hiện tốt, đã phát sóng các chương trình đặc sắc, phục vụ tốt nhu cầu giải trí của nhân dân trong những ngày Tết với nội dung tập trung phản ánh cuộc sống vui tươi của nhân dân đón Tết Mậu Tý trên mọi miền đất nước và kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng.
14. Y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Trong những ngày trước và trong Tết, ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, kết hợp các ngành chức năng tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở, hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Vì vậy, trong các ngày Tết không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Ngoài ra, ngành Y tế cũng phối hợp với Chi cục Thú y đẩy mạnh công tác kiểm tra các lò giết mổ gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết.
Công tác trực khám chữa bệnh, sơ cấp cứu bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân tại các bệnh viện đều được đảm bảo; thực hiện tốt việc thăm hỏi bệnh nhân còn nằm viện trong các ngày Tết. Ngành đang phát động phong trào thi đua và tổ chức kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2.
15. Lao động thương binh xã hội
Trong dịp Tết ngành đã tham mưu phân bổ 2.756,59 tấn gạo hỗ trợ cứu đói cho nhân dân, qua kiểm tra và theo báo cáo của các địa phương, đời sống của nhân dân cơ bản ổn định, không có hộ đói đứt bữa, nhân dân đón tết an lành. Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã nhận 29.419 suất quà với kinh phí 4,5 tỷ đồng từ Chủ tịch nước, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị hảo tâm khác. Nhiều đơn vị của tỉnh cũng tổ chức tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng bị bão lụt với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với người có công với cách mạng, gia đình chính sách được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức chăm lo chu đáo đời sống tinh thần và vật chất cho các đối tượng diện chính sách, bà con nghèo với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tặng quà Tết cho các hộ gia đình nghèo thuộc diện chính sách ở vùng sâu, vùng xa.
16. Công tác thi đua khen thưởng
Toàn tỉnh phấn khởi, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu thi đua ngay từ những ngày đầu năm mới, lập thành tích kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2008). Các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã phát động trồng cây nhớ ơn Bác Hồ, lễ phát động được tổ chức sáng 09/2/2008 (mồng 3 Tết) tại thành phố Đồng Hới.
Trong thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã tổ chức đăng ký giao ước thi đua gắn với công khai chấm điểm thi đua, gắn phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2008. Nội dung đăng ký thi đua tập trung xây dựng, tổ chức phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị. Đến nay, đã có 13 tập thể và 22 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, công nhận tập thể Lao động xuất sắc cho 2 đơn vị, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho 7 cá nhân.
Tiếp tục triển khai khen thưởng theo Quyết định số 98/2006/QĐ-TTg ngày 08/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng Bằng khen cho đối tượng có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
17. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Trong tháng, đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh; Hội đồng tuyển dụng giáo viên, nhân viên tuyển không đúng quy định vào ngành Giáo dục - Đào tạo từ tháng 01/1992 đến tháng 12/2005; Hội đồng kỷ luật Giám đốc Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh và Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh. Đã dự thảo đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện theo Nghị định 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính Phủ. Dự thảo kế hoạch tuyên truyền công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2008.
b. Công tác tư pháp
Trong tháng, ngành đã thẩm định và góp ý 04 dự thảo văn bản của UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh soạn thảo. Qua thẩm định, góp ý đã góp phần đảm bảo văn bản ban hành đúng thẩm quyền hơn. Trình UBND tỉnh ban hành kết quả rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chiến lược biển do HĐND và UBND tỉnh ban hành từ 01/7/1989 đến 31/12/2007.
Tiếp tục triển khai công tác thi hành án dân sự với 1.380 vụ việc phải thụ lý, trong đó việc có điều kiện thi hành 675 việc, chưa có điều kiện thi hành 705 việc, số việc đã giải quyết 68 việc, đạt 10%. Tổng số tiền phải thi hành 12,87 tỷ đồng, số tiền có điều kiện thi hành 2,5 tỷ đồng, số tiền chưa có điều kiện thi hành 10,1 tỷ đồng.
c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo
Ngành đang chỉ đạo đoàn thanh tra liên ngành tỉnh hoàn chỉnh kết luận thanh tra việc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh theo chuyên đề của Thanh tra Chính phủ; khẩn trương kết thúc cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, thu hồi tiền sai phạm và xử lý sau thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân theo Quyết định của Chánh Thanh tra tỉnh. Đã tham mưu xây dựng báo cáo hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh năm 2007.
Duy trì thường xuyên công tác tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; tham mưu giúp UBND tỉnh rà soát lại các vụ khiếu nại, tố cáo giải quyết chưa dứt điểm để báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định; xây dựng dự thảo Chương trình hành động về khiếu nại, tố cáo.
18. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
Tình hình trật tự an toàn xã hội trong tháng có nhiều diễn biến phức tạp. Trên 2 tuyến biên giới xảy ra 27 vụ, trong đó có 15 vụ uống bia rượu say và mâu thuẫn cá nhân; trộm cắp 6 vụ, phá hoại tài sản công dân 1 vụ, tai nạn giao thông 4 vụ; đã bắt và xử lý 19 đối tượng có liên quan.
Trong tháng, Đồn Biên phòng 192 đã bắt và xử lý 6 đối tượng sử dụng pháo nổ trái phép tại địa bàn xã Thanh Trạch và Hải Trạch; phát hiện 3 vụ cất giữ lâm sản trái phép, thu hồi 9,92m3 gỗ Huê và gỗ từ nhóm 3 đến nhóm 7, trong đó có 5,3m3 gỗ vô chủ tại địa bàn các xã Kim Thuỷ, Trọng Hoá, Dân Hoá. Các đơn vị đã phối hợp với cơ quan kiểm lâm lập hồ sơ và chuyển giao cơ quan kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền.
Tình hình tai nạn giao thông có xu hướng tăng so tháng trước. Tháng 02, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông làm chết 19 người, bị thương 21 người. Các ngành, các cấp phối hợp với các địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn về tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy. Ngành giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý những sai phạm để ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn./.
Website Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình