Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/01/2008-15:05:00 PM
Việt Nam sau một năm gia nhập WTO: Tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục

Trong Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam sau một năm gia nhập WTO tổ chức sáng 11/1/2008 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế nhấn mạnh, Diễn đàn là nơi Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá bước đầu kết quả Việt Nam thực hiện các cam kết WTO, đề ra giải pháp cho việc tham gia WTO hiệu quả hơn trong thời gian tới, đồng thời cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thấy rõ những cơ hội to lớn đang được tiếp tục mở ra, tăng cường hợp tác trên cơ sở cùng có lợi.
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế thương mại quốc tế Lương Văn Tự cùng hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các đại sứ quán và tổng lãnh sứ quán tại Việt Nam.

Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định, sau một năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển biến rất tích cực, trong đó nổi bật nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Năm 2007, Việt Nam đã thu hút trên 20 tỷ USD vốn FDI (tăng gấp đôi so với năm trước) và kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 50 tỷ USD (tăng gần 22% so với năm 2006). Nhìn chung, các tác động của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam là tích cực, góp phần giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định ở mức 8,5% trong năm 2007. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục đối với Việt Nam và đứng thứ hai trên thế giới.

Năm 2007, Việt Nam đã thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO; xây dựng và hoàn chỉnh nhiều văn bản pháp quy quan trọng nhằm đưa hệ thống pháp luật về kinh tế - thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của WTO. Đồng thời, Việt Nam cũng đã nỗ lực mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh chống tham nhũng. Trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã mở cửa thị trường nhanh hơn, rộng hơn so với cam kết. Chính phủ Việt Nam nhận thức rằng, việc mở rộng thị trường trước hết là vì lợi ích phát triển của nền kinh tế.

Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận xét, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện theo hướng thông thoáng và minh bạch, tạo được niềm tin lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và tăng cường thu hút đầu tư.

Năm 2008, các Bộ, ngành, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư có hiệu quả

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng gắn kết với nền kinh tế hội nhập, nhạy cảm trước những biến động trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ Việt Nam xác định, việc giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế để phấn đấu đạt bằng được mức tăng trưởng cao và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đối với đất nước.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng chỉ rõ những điểm còn hạn chế của nền kinh tế, đó là hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất còn thấp… Theo Bộ trưởng, năm 2008, các Bộ, ngành và doanh nghiệp cần triển khai xây dựng các giải pháp nhằm tận dụng tốt cơ hội do việc hội nhập WTO mang lại, khắc phục những yếu kém trong quản lý, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư có hiệu quả.

Việt Nam cần đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng

Trao đổi tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tổng Giám đốc Gannon tại Việt Nam Walterr Blocker bày tỏ, năm 2008, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn. Bởi theo ông, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cả Hoa Kỳ, đều cho rằng, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ giúp các dự án được đầu tư vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn, hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư được nâng cao hơn.

“Việt Nam cần phải đặc biệt ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó cần quan tâm đến hạ tầng giao thông và giáo dục hướng nghiệp. Đồng thời cũng cần phải có những công cụ để quản lý nền kinh tế mở giao lưu với quốc tế nhiều hơn”, Chuyên gia kinh tế trưởng Dự án Star Việt Nam Steve Parke cho biết.

Nhìn chung, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều bày tỏ, năm 2008, với những bước cải tiến mạnh mẽ về thể chế, thủ tục hành chính, triển khai các giải pháp kinh tế, đảm bảo cân đối cung cầu…, Việt Nam sẽ ngày càng vững bước trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ là một thành viên năng động và tích cực trong WTO.
    Tổng số lượt xem: 1390
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)