Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Khi chúng ta mở cửa thì doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện vào làm ăn, đầu tư ở nước ta. Trong khi các DNNVV có nhược điểm là qui mô sản xuất nhỏ, sản phẩm mang tính cạnh tranh không cao. Chúng tôi đã nhìn thấy những thuận lợi và khó khăn đó để có những chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV.
Bộ trưởng Kế hoạchvà Đầu tư Võ Hồng Phúc, với tư cách là Chủ toạ các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC cho biết:
Chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC 2006 là “Tăng cường năng lực cạnh tranh của DNNVV” là sáng kiến của Việt Nam. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết: “Khi đưa ra sáng kiến này là xuất phát từ thực tế nền kinh tế Việt Nam. Luật Doanh nghiệp năm 1999 đưa ra khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển doanh nghiệp nói chung. Cũng cần lưu ý, Việt Nam là một nền kinh tế chuyển đối, cho nên các doanh nghiệp mới thành lập hầu hết là DNNVV (trên 95%). Các doanh nghiệp này có đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước (ở Việt Nam, DNNVV giải quyết được 25-26% lực lượng lao động, đóng góp 27% tổng GDP cả nước). Nhưng tính cạnh tranh của DNNVV kém nên cần có biện pháp để hỗ trợ họ trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đặc biệt khi tính cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt”.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói: “Tại các phiên họp, các Bộ trưởng thảo luận về các chủ đề mà Việt Nam đưa ra như: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV; tạo cơ chế chính sách, hỗ trợ DNNVV; Thảo luận và thông qua Tuyên bố Hà Nội và Tuyên bố của các Bộ trưởng. Tất cả các nội dung này được thảo luận sôi nổi, có nhiều ý kiến đóng góp, thống nhất đi đến ý kiến chung.
Vấn đề hỗ trợ DNNVV được các đại biểu nhấn mạnh nhiều đến là trợ giúp tài chính, kỹ thuật, đào tạo và tạo ra khuôn khổ pháp lý cho DNNVV. Các nền kinh tế đều có văn bản pháp luật nhằm khuyến khích sự phát triển DNNVV (Trung Quốc có Luật Phát triển DNNVV; Hàn Quốc có Văn bản của Chính phủ qui định các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV; Việt Nam có Nghị định 90 khuyến khích, hỗ trợ phát triển DNNVV…)”.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết thêm: “Các đại biểu, trưởng đoàn Bộ trưởng của các nền kinh tế APEC đã cùng đồng thuận với nhau, coi vấn đề phát triển DNNVV, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo cơ sở pháp lý hay chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm và phát triển thị trường… là những việc mà chính quyền cần phải làm để hỗ trợ DNNVV”.
Trả lời câu hỏi của báo chí khi Việt Nam gia nhập WTO thì DNNVV Việt Nam có gặp khó khăn, thuận lợi gì? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: “Các DNNVV của Việt Nam vừa có thuận lợi vừa có thách thức. Thuận lợi là doanh nghiệp có thị trường chung. DNNVV của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hoá tới các nước thành viên WTO với các điều kiện ưu đãi và có khả năng phát triển đầu tư ra nước ngoài, tiếp cận công nghệ của các nước, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp… Bên cạnh đó cũng có những thách thức lớn. Đó là tính cạnh tranh của doanh nghiệp không lớn. Khi chúng ta mở cửa thì doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện vào làm ăn, đầu tư ở nước ta. Trong khi các DNNVV có nhược điểm là qui mô sản xuất nhỏ, sản phẩm mang tính cạnh tranh không cao. Chúng tôi đã nhìn thấy những thuận lợi và khó khăn đó để có những chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV.
Đối với Việt Nam, DNNVV là mầm non để hình thành các doanh nghiệp lớn, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế./.