Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/10/2006-09:47:00 AM
Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản
Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 19/10/2006, tại Tokyo, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy các cuộc đối thoại trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, an ninh và các lĩnh vực khác.

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm xây dựng và hướng tới tương lai nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị khách mời chính thức đầu tiên của Nội các mới Nhật Bản, đến thăm Nhật Bản từ ngày 18 đến ngày 22/10/2006.

Hai bên đánh giá cao tình hữu nghị giữa hai nước được phát triển trên tinh thần ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau dựa trên Tuyên bố chung giữa hai Ngoại trưởng Việt - Nhật, hướng tới tầm cao mới của đối tác bền vững năm 2004. Hai bên bày tỏ quyết tâm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương với tư cách là đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

1. Thúc đẩy đối thoại

Hai bên khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa các chuyến thăm và trao đổi ý kiến cấp cao. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC tháng 11 tới. Thủ tướng Shinzo Abe đã vui vẻ nhận lời.

Để thúc đẩy quan hệ song phương một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn, hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy các cuộc đối thoại trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, an ninh và các lĩnh vực khác.

Hai bên hài lòng nhận thấy việc viếng thăm thường xuyên giữa các nghị sĩ Quốc hội hai nước, bao gồm các đoàn của các Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị, đã góp phần to lớn vào việc làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước, và bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa các chuyến thăm này.

2. Viện trợ kinh tế của Nhật Bản cho Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn những đóng góp của Nhật Bản, nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, vào việc hiện đại hóa kinh tế và xã hội của Việt Nam; hoan nghênh ODA của Nhật Bản đã vượt qua mức 100 tỷ yên trong tài khóa 2005 và hy vọng sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng cường trong những năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng như các dự án xây dựng tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc-Nam, phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời khẳng định quyết tâm cải cách kinh tế và chống tham nhũng để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới của Việt Nam.

Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ghi nhận tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe tái khẳng định Nhật Bản sẽ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội bằng cách hỗ trợ ba lĩnh vực ưu tiên, gồm thúc đẩy tăng trưởng; cải thiện mức sống và các lĩnh vực xã hội; xây dựng thể chế thông qua việc sử dụng kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe ghi nhận và sẽ xem xét một cách nghiêm túc những đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Hai bên nhận thức tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Nhật Bản - Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), đặc biệt là Tam giác phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và kêu gọi Nhật Bản tăng cường sự hỗ trợ dành cho Tam giác phát triển và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Tam giác phát triển này. Hai Bên đánh giá cao các Hội nghị cấp cao Nhật Bản-CLV trước đây và mong muốn tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 3 Nhật Bản-CLV nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 vào cuối năm nay.

3. Quan hệ kinh tế

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện chính sách Đổi Mới của Việt Nam và việc Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và hy vọng việc gia nhập này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe nhắc lại Nhật Bản tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong việc hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt trong thời gian sau khi gia nhập WTO.

Hoan nghênh quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai nước trong thời gian gần đây và trên cơ sở báo cáo của nhóm nghiên cứu chung, hai bên quyết định mở cuộc đàm phán chính thức về Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật (JVEPA) và tổ chức vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 1/2007. Hai Bên khẳng định lại quyết tâm thúc đẩy và sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản, trong đó có các điều khoản về hợp tác.

Hai bên đánh giá cao vai trò của Hiệp định Khuyến khích, Tự do hoá và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản và Sáng kiến chung Việt - Nhật về việc mở rộng đầu tư của Nhật Bản ở Việt Nam; đồng thời khẳng định mong muốn cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản thông qua Giai đoạn II của Sáng kiến chung Việt - Nhật. Trên tinh thần đó, hai bên kêu gọi các công ty Nhật Bản tăng cường hơn nữa đầu tư vào Việt Nam.

Nhận thức về tiềm năng trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất lớn, hai Bên nhất trí cùng nhau tạo thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ 8,5 tỷ USD năm 2005 lên 15 tỷ USD vào năm 2010.

Hai bên ghi nhận tầm quan trọng ngày càng cao của việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua các biện pháp chống hàng giả và vi phạm bản quyền, cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này để góp phần thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.

Hai bên quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng dựa trên chương trình bảo tồn và tiết kiệm năng lượng châu Á của Nhật Bản, tăng cường hợp tác trong việc dự trữ dầu mỏ, than và tổ chức một diễn đàn về năng lượng.

Ghi nhận tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin trong kinh doanh, hai Bên đánh giá cao các hội thảo kinh tế được tổ chức nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

4. Hợp tác khoa học và công nghệ

Ghi nhận vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong cạnh tranh kinh tế và bảo vệ môi trường toàn cầu, hai Thủ tướng đã quyết định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm cả công nghệ thông tin và Viễn thông (ICT) trên cơ sở Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công Nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ký tháng 8 năm 2006. Đặc biệt, liên quan đến ICT, hai Thủ tướng ghi nhận tầm quan trọng của dự án hợp tác ODA của Nhật Bản về giáo dục đại học, được bắt đầu từ năm nay.

Ghi nhận tầm quan trọng của việc hợp tác về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, hai bên quyết định xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực này bao gồm các nỗ lực về các mặt luật pháp, hành chính và những cơ sở cần thiết khác. Về vấn đề này, hai bên thừa nhận tầm quan trọng của an toàn hạt nhân, an ninh và không phổ biến hạt nhân. Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh Nghị định thư bổ sung IAEA, Nghị định thư về bảo hộ vật lý đối với hạt nhân và Công ước về an toàn hạt nhân cần đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Hai bên cũng cho rằng những nỗ lực này có thể đưa tới việc thảo luận về Hiệp định song phương về hợp tác năng lượng hạt nhân trong tương lai.

Hai bên quyết định khởi xướng cuộc thương lượng giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này.

5. Hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nuớc

Nhận thấy việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước là nền tảng cho mọi quan hệ song phương chặt chẽ hơn, hai bên bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau thông qua giao lưu trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, du lịch và thể thao. Hai bên chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc trao đổi thanh niên và đánh giá cao hiệu quả giáo dục của các hoạt động của học sinh làm phim ảnh đang được tiến hành ở Việt Nam hiện nay.

Theo đề nghị của phái đoàn giao lưu văn hoá Nhật Bản thăm Việt Nam tháng 5 năm 2005, hai bên quyết định thành lập một Diễn đàn Giao lưu Văn hóa Việt - Nhật cấp cao nhằm thảo luận một cách toàn diện các hoạt động giao lưu giữa hai nước và thúc đẩy các dự án giao lưu văn hóa cụ thể. Hai bên hoan nghênh những tiến bộ đạt được gần đây hướng tới thành lập Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật về bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long.

Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh những kết quả đạt được trong giảng dạy tiếng Nhật ở Việt Nam, đặc biệt đối với cấp học phổ cập giáo dục và khẳng định lại sự ủng hộ cao nhất của Nhật Bản dành cho chương trình này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chương trình tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam của Nhật Bản và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục những chương trình này.

Thủ tướng Shinzo Abe ghi nhận quan điểm của Việt Nam về những chương trình này và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường thực hiện hiệu quả những chương trình đó. Hai bên coi trọng việc hỗ trợ trao đổi các doanh nhân nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương và cùng chia sẻ quan điểm rằng cần xúc tiến cấp thị thực nhập cảnh ngắn hạn nhiều lần cho các doanh nhân.

Hai bên hoan nghênh thành công của Hội thảo ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao về Du lịch Hoa tại Lễ hội Hoa Đà Lạt tổ chức tháng 12/2005 và Lễ hội Nhật Bản 2006 tại Việt Nam diễn ra tháng 8 năm 2006 nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao lưu trong các khu vực tư nhân, bao gồm các lễ hội tương tự ở hai nước trong tương lai.

6. Hợp tác tại các diễn đàn quốc tế

Hai bên cùng nhận thấy rằng việc tăng cường hợp tác trong giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu là quan trọng. Hai bên nhận thấy rằng cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau nghiên cứu giải quyết vấn đề an ninh con người.

Đồng thời, Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh vai trò có tính xây dựng của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch APEC 2006 và hai Thủ tướng bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác vì sự thành công của Hội nghị Lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11 tới. Hai bên khẳng định lại quyết tâm đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế trên các lĩnh vực ưu tiên cụ thể, hướng tới thiết lập Cộng đồng Đông Á thông qua Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và các diễn đàn khác. Hai bên bày tỏ sẵn sàng là đối tác phát triển để cộng tác trong việc phát triển lưu vực sông Mê Công bằng kinh nghiệm của mình.

Hai bên khẳng định lại quyết tâm tiếp tục phối hợp nhằm sớm thực hiện cải tổ Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, và có chung nhận thức về việc cải tổ Liên hợp quốc là cần nâng cao tính hiệu quả và dân chủ hóa trong các hoạt động của tổ chức này trên cơ sở củng cố các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại sự ủng hộ của Việt Nam về việc Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009.

Vui mừng trước việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện (CTBT), hai bên cho rằng việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (WMD), khủng bố quốc tế, buôn lậu ma túy và buôn bán người là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định, đồng thời chia sẻ quan điểm cần tăng cường hợp tác song phương và đa phương để cùng nhau giải quyết các thách thức đó.

Hai bên cùng nhận thấy rằng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để Việt Nam phát triển bền vững là cần thiết cho môi trường châu Á và thế giới. Hai bên bày tỏ ý định rằng hai Chính phủ sẽ hợp tác để xúc tiến khuôn khổ 3R (tinh giảm, tái sử dụng và tái chế) và giải quyết hợp lý chất thải ở Việt Nam.

Hai bên bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Bán đảo Triều Tiên. Hai bên phản đối việc thử vũ khí hạt nhân và yêu cầu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không làm phức tạp thêm tình hình, sớm trở lại đàm phán 6 bên và hợp tác hướng tới thực hiện Tuyên bố chung, Nghị quyết 1695 và Nghị quyết 1718 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này. Hai bên nhấn mạnh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cần đáp ứng những quan tâm về an ninh và nhân đạo khác của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả vấn đề bắt cóc.

Hai bên bày tỏ hài lòng về những thành quả của chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hy vọng những kết quả này sẽ mở ra một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản./.


Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế

    Tổng số lượt xem: 1422
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)