Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 với những
nội dung chủ yếu sau:
1. Quan
điểm phát triển
a) Quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 phải
phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trung du và
miền núi Bắc Bộ và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước;
b) Phát triển
nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ,
công bằng xã hội và bảo vệ môi trường;
c) Phát triển
kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm hài hoà
giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học;
d) Phát triển
kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy các thế mạnh và lợi thế so sánh của Tỉnh;
huy động tối đa các nguồn lực (cả nội lực và ngoại lực), nhất là nguồn vốn đầu
tư và khoa học - công nghệ;
đ) Kết hợp
chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và
bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền quốc gia;
e) Chủ động
hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với bên
ngoài để phát triển.
2. Mục tiêu
phát triển
a) Mục tiêu
tổng quát
Phát triển
kinh tế với nhịp độ tăng trưởng nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn so với
giai đoạn trước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng tăng
nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đẩy mạnh công
nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế. Ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo nâng
cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng
dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý… để tạo ra năng suất,
chất lượng, hiệu quả cao. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh
thần của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng biên giới. Giữ vững ổn
định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc chủ quyền và an
ninh quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020, Cao Bằng đạt trình độ phát triển ở mức
khá so với các tỉnh trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và có mức thu nhập
bình quân/người bằng với mức thu nhập bình quân/người chung của cả nước.
b) Mục tiêu cụ
thể
- Phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt bình quân 15%/năm thời kỳ
2006 - 2010; 13%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 10%/năm thời kỳ 2016 - 2020;
- GDP bình
quân đầu người năm 2010 đạt trên 600USD và năm 2020 đạt 1.600USD;
- Cơ cấu kinh
tế chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch
vụ và công nghiệp - xây dựng (đến năm 2010: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm
25,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,4%, dịch vụ chiếm 45,7%; đến năm 2015:
nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 19,1%, công nghiệp - xây dựng chiếm
32,1%, dịch vụ chiếm 48,8%; đến năm 2020: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 15%,
công nghiệp - xây dựng chiếm 35,8%, dịch vụ chiếm
49,2%);
- Phấn đấu đến
năm 2008 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đến năm 2020 đạt chuẩn
quốc gia về phổ cập giáo dục trung học phổ thông; tỷ lệ lao động qua đào tạo
đạt 26% (trong đó, đào tạo nghề đạt 19%) vào năm 2010 và đạt 38% (trong đó, đào
tạo nghề đạt 31%) vào năm 2020; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho
khoảng 1,0 - 1,4 vạn lao động;
- Phấn đấu đến
năm 2010 đạt 9 bác sỹ và 25 giường bệnh/1 vạn dân; đến năm 2020 đạt 12 bác sỹ
và 30 giường bệnh/1 vạn dân, 30% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ tăng dân
số ở mức 1,0%;
- Giảm tỷ lệ
hộ nghèo đến năm 2010 còn 29,5% và đến năm 2020 xuống dưới 10%; tỷ lệ thất
nghiệp đô thị dưới 4% vào năm 2010; đến năm 2010: 95% dân số đô thị và 85% dân
số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền
hình đạt 90%; đến năm 2020: 100% dân số đô thị và 90% dân số nông thôn được sử
dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình đạt 100%;
- Xây dựng và
củng cố vững chắc khu vực phòng thủ trên địa bàn Tỉnh; hoàn thành cơ bản việc
bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư các xã biên giới;
- Nâng độ che
phủ của rừng đạt 52% vào năm 2010, đạt 60% vào năm 2020; giải quyết tốt vấn đề
vệ sinh môi trường đô thị, cửa khẩu, khu công nghiệp, khu vực khai thác quặng
và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Định
hướng phát triển ngành và lĩnh vực
a) Nông
nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản
- Phát triển
nông nghiệp hàng hoá trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến đối
với các mặt hàng nông sản chủ lực. Lựa chọn những cây trồng thích hợp với địa
hình vùng cao, có giá trị kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp,
chú trọng vùng nghèo, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; chuyển
đổi mạnh cơ cấu giữa trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ theo hướng nâng cao giá
trị, tích cực ứng dụng công nghệ thích hợp nhằm tạo ra giá trị hàng hoá lớn
trên một đơn vị diện tích và bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững;
- Nhịp độ phát triển giai đoạn 2006 - 2010 đạt
5,5%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 4,9%/năm;
- Sản xuất lương thực theo hướng thâm canh, đưa những
giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất, trọng tâm là
phát triển lúa nước và ngô lai; chú trọng phát triển những cây trồng thích hợp
với điều kiện của Tỉnh, tạo sản phẩm hàng hoá chủ lực theo hướng thâm canh tăng
năng suất như: mía, đậu tương, thuốc lá; xây dựng vành đai thực phẩm, các loại
rau, đậu theo hướng sạch cho thị xã, khu công nghiệp; tập trung phát triển các
loại cây ăn quả như: lê, mận, bưởi, cam, quýt, hồng không hạt trên cơ sở giống
mới và gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm;
- Phát triển chăn nuôi hàng hoá có giá trị kinh tế cao
trên cơ sở tận dụng ưu thế của tỉnh miền núi; tập trung phát triển đàn bò lấy
thịt theo hướng bán công nghiệp; phát triển chăn nuôi trâu, dê, chăn nuôi lợn
hướng nạc, gia cầm theo quy mô trang trại, hộ gia đình; tỷ trọng chăn nuôi
trong ngành nông nghiệp, đến năm 2010 chiếm 40,8% và đến năm 2020 chiếm 46,3%;
- Xây dựng hệ thống rừng đặc dụng, hệ thống rừng phòng hộ
đầu nguồn; kết hợp trồng mới và khoanh nuôi tái sinh, phát triển hệ thống rừng
sản xuất gồm rừng nguyên liệu giấy và gỗ công nghiệp, hồi thảo quả, chè đắng;
đưa độ che phủ của rừng đạt 52% vào năm 2010 và đạt trên 60% vào năm 2020;
- Khai thác diện tích mặt nước hiện có, xây dựng thêm các
hồ thuỷ lợi kết hợp nuôi trồng thuỷ sản tập trung với mục đích sản xuất hàng
hoá; xây dựng cơ sở ươm cá giống phục vụ cho nhu cầu tại chỗ và các tỉnh lân
cận.
b) Công nghiệp
- xây dựng
- Tạo sự tăng
trưởng đột phá; đến năm 2010 đạt 26% và đến năm 2020 đạt 14,6%; trung bình cả
giai đoạn đạt 17%/năm;
- Khai thác và
chế biến khoáng sản: bảo đảm không tàn phá và gây ô nhiễm môi trường; sử dụng
tiết kiệm, có hiệu quả các loại khoáng sản; khuyến khích đầu tư khai thác gắn
với chế biến sâu quặng sắt, man gan, thiếc, bô xít; tổ chức quản lý khai thác,
thu gom các mỏ nhỏ trên địa bàn Tỉnh;
- Phát triển
thuỷ điện: khảo sát, quy hoạch và đẩy mạnh khai thác tiềm năng thuỷ điện trên
các sông, suối thuộc địa bàn Tỉnh; có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư
xây dựng các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ;
- Phát triển
sản xuất vật liệu xây dựng: bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên địa bàn
Tỉnh; đổi mới công nghệ, nâng cao sản lượng và chất lượng xi măng của Tỉnh; tổ
chức tốt việc khai thác vật liệu sẵn có như đá cho xây dựng và nguyên liệu để
sản xuất xi măng; phát triển sản xuất gạch, ngói, cát, sỏi... tại địa phương;
- Xây dựng khu
công nghiệp Đề Thám, từng bước hình thành khu công nghiệp Chu Trinh, Phục Hoà;
đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển công
nghiệp; phát triển các cụm công nghiệp vệ tinh, công nghiệp chế biến, tiểu thủ
công nghiệp đối với ngành nghề cơ khí nhỏ, công cụ cầm tay,
chế biến nông, lâm sản phục vụ nông nghiệp và nông thôn;
- Bảo
tồn và phát triển ngành nghề thủ công, khôi phục các làng nghề truyền thống sản
xuất hàng tiêu dùng, phục vụ phát triển du lịch, xuất khẩu, góp phần tạo việc
làm, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp và nông thôn.
c) Thương mại - dịch vụ
- Tăng cường đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn thị
xã, thành phố trong tương lai, các khu kinh tế cửa khẩu; trong đó, ưu tiên cửa
khẩu Tà Lùng và các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, thu hút đầu tư,
thúc đẩy lưu thông hàng hoá giữa Cao Bằng với cả nước và thị trường Trung Quốc;
- Xây dựng các chợ trung tâm cụm xã, thị trấn, thị tứ,
các trạm thu mua nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân nông thôn, vùng
cao giao lưu, trao đổi, kích thích phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng
hoá thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường;
- Quy hoạch sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực,
tạo sự ổn định thị trường và hàng hoá xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh, thâm
nhập vào một số thị trường mới;
- Phát triển du lịch văn hoá lịch sử, du lịch sinh thái
và du lịch cảnh quan;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách
khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu
tư phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, ăn uống, khách sạn, nhà
hàng... đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch;
- Khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống, làm tốt
việc giới thiệu với du khách tại các điểm di tích lịch sử;
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển
dịch vụ vận tải; phấn đấu tăng năng lực vận tải đến năm 2010 gấp 2 lần và đến
năm 2020 gấp 3 lần so với hiện nay;
- Quy hoạch phát triển mạng dịch vụ bưu chính, viễn thông
của Tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (gồm cả Internet) đáp ứng yêu
cầu ngày càng tăng, chất lượng phục vụ ngày càng cao của xã hội; số máy điện
thoại đến năm 2010 đạt 18 máy/100 dân và đến năm 2020 đạt 30 máy/100 dân;
- Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tài chính, ngân hàng,
bảo hiểm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của Tỉnh.
d) Các lĩnh vực xã hội
- Phát triển dân số: tiếp tục đẩy mạnh công tác kế hoạch
hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản để nâng cao chất lượng dân số; đến
năm 2010 dân số khoảng 540 nghìn người và tốc độ tăng bình quân là 1,05%/năm;
đến năm 2020 khoảng 600 nghìn người và tốc độ tăng bình quân là 1,0%/năm; tỷ
trọng dân số đô thị đạt khoảng 18% vào năm 2010 và đạt gần 30% vàonăm
2020;
- Giáo dục và đào tạo: đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục - đào
tạo; chú trọng hợp tác, liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước, đại
học Quảng Tây (Trung Quốc). Sớm hoàn thành xây dựng Trường dạy nghề tỉnh, thành
lập Trung tâm dạy nghề vùng và cơ sở dạy nghề tại các huyện; nâng cấp cơ sở vật
chất cho Trường nội trú tỉnh, xây dựng các trường nội trú, bán trú tại các
huyện, tạo điều kiện hơn nữa cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học;
thành lập trường Đại học Cao Bằng trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm, trường
Trung cấp Y tế và trường Trung cấp nông - lâm nghiệp; chú trọng đào tạo nhân
lực cho hội nhập kinh tế quốc tế; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dạy và
học trong tình hình mới; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm
2008; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học phổ thông vào năm 2020; tỷ lệ lao
động qua đào tạo đạt 26% vào năm 2010 và đạt 38% vào năm 2020;
- Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: nâng cấp và mở
rộng mạng lưới y tế từ tỉnh đến huyện, xã trên nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa
bệnh; tập trung nâng cấp tuyến huyện, tuyến xã và tuyến thôn bản; nhanh chóng
hoàn thành việc nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh; khẩn trương triển khai xây
dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực miền Tây (huyện Bảo Lạc). Phấn đấu đếnnăm
2010 có 9 bác sỹ và 25 giường bệnh/1 vạn dân; đến năm 2020 có 12 bác sỹ và 30
giường bệnh/1 vạn dân, 30% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; bảo đảm vệ sinh môi
trường, an toàn thực phẩm; phòng chống, đẩy lùi được tệ nạn ma tuý, ngăn chặn
lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và các bệnh dịch nguy hiểm khác;
- Văn hoá xã hội: xây dựng và nâng cấp nhà văn hoá các
xã, thôn bản, chú trọng các thôn bản biên giới, vùng sâu, vùng xa; xây dựng nếp
sống văn hoá lành mạnh; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc
trong Tỉnh; đẩy mạnh phủ sóng phát thanh truyền hình, tăng thời lượng phát
thanh, truyền hình bằng tiếng các dân tộc thiểu số; nâng cấp Thư viện tỉnh và
thư viện các huyện, thị; củng cố thư viện xã; tăng cường đưa những ấn phẩm,
sách, báo mang nội dung phổ biến kiến thức pháp luật, khoa học - kỹ thuật cho
nông dân;
- Thể dục, thể thao: xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm thi
đấu thể thao của Tỉnh; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thể thao cho
các thị trấn, huyện lỵ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng vận động viên các môn thể
thao có khả năng đạt thành tích cao, đặc biệt như các môn võ cổ truyền dân tộc;
thường xuyên phát động phong trào thể dục, thể thao quần chúng. Phấn đấu đến
năm 2010, Cao Bằng có vận động viên thi đấu đoạt giải quốc gia;
- Xoá đói, giảm nghèo và việc làm: tiếp tục thực hiện
Chương trình 135 giai đoạn II, đầu tư cho 106 xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo
trong giai đoạn 2006 - 2010; thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ, hỗ trợ dân xoá nhà dột nát, bố trí đất sản xuất, đất ở cho tất
cả những hộ còn thiếu, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đối với hộ đồng bào các
dân tộc sinh sống ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện tốt
chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến
lâm, khuyến ngư; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 29,5% vào năm 2010 và
dưới 10% vào năm 2020; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, mở mang các ngành nghề
mới, nhằm thúc đẩy chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang các ngành
công nghiệp, dịch vụ; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu cho
xuất khẩu; phấn đấu bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 1,0 - 1,4 vạn lao
động.
đ) Quốc phòng, an ninh
- Tăng
cường củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm chủ quyền
quốc gia, ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng nền quốc
phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các
loại tội phạm xâm hại đến an ninh quốc gia, đẩy lùi tệ nạn xã hội, kiềm chế tai
nạn giao thông;
- Thường xuyên
tổ chức huấn luyện chiến đấu, thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, chuẩn
bị mọi điều kiện sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ vững chắc
biên cương của Tổ quốc;
- Xây dựng
đường biên giới Việt - Trung hoà bình, hữu nghị; mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp
tác về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo với Trung Quốc để phát
triển kinh tế - xã hội.
e) Phát triển kết cấu hạ tầng:
- Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp các Quốc lộ 3, Quốc
lộ 4A, Quốc lộ 34, Quốc lộ 4C, hoàn thiện đường nối Quốc lộ 3 với Quốc lộ 4A
(tuyến tránh thị xã Cao Bằng), khẩn trương xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn qua
địa phận Cao Bằng). Ưu tiên đầu tư nâng cấp đường ra các cửa khẩu, đường đến
các khu du lịch, đường vành đai biên giới. Nâng cấp dần các tuyến đường tỉnh
lộ, mở mới một số tuyến đường phục vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển
kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng đường liên xã, bảo đảm đi được cả bốn
mùa. Phát triển đường liên thôn bằng cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm; phát
động phong trào toàn dân xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng với sự hỗ trợ
vật tư kỹ thuật của Nhà nước;
- Sau năm 2010, tuỳ tình hình thực tế và nhu cầu vận tải
của Tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc nghiên cứu, lập dự án tuyến đường sắt Hà
Quảng đi Cửa khẩu Tà Lùng (nối với tuyến đường sắt Thuỷ Khẩu đi Sùng Tả - Trung
Quốc) và dự án sân bay Cao Bằng;
- Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho thị xã,
thành phố trong tương lai, khu công nghiệp, các công trình cấp nước sinh hoạt
tại các thị trấn, thị tứ, ưu tiên cho vùng cao. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 95%
dân số đô thị, 85% dân số nông thôn và đến năm 2020 đạt 100% dân số đô thị, 90%
dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh;
- Xây dựng đường điện 110 KV Lạng Sơn - Cao Bằng; tiếp
tục phát triển lưới điện nông thôn. Tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đến năm 2010
đạt 85% và đến năm 2020 đạt 100%;
- Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ bố
trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới, nhất là các thôn, bản sát biên
giới theo quy hoạch, không để biên giới trống dân;
- Đẩy
mạnh thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương; xây dựng thêm các công
trình thuỷ lợi, ưu tiên các công trình kết hợp thuỷ điện, cấp nước và phát
triển thuỷ sản, chú trọng vùng biên giới, tạo điều kiện để nhân dân phát triển
sản xuất, ổn định đời sống, yên tâm bám đất, giữ vững biên cương Tổ quốc;
- Tiếp tục nghiên cứu, điều tra, lập các dự án đầu tư kè
chống xói lở bờ sông biên giới và đô thị, bảo đảm an toàn đường biên, sản xuất
và đời sống của nhân dân.
4. Định hướng phát triển theo lãnh thổ
a) Phát triển vùng kinh tế
- Vùng bình địa (gồm thị xã Cao Bằng và 1 phần huyện Hòa
An) với thị xã Cao Bằng là trung tâm, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đô thị,
có 2 khu công nghiệp, khu dịch vụ và các tiểu vùng thâm canh lúa, thuốc lá, đậu
tương, lạc, ngô; tiểu vùng ven thị xã Cao Bằng trồng rau xanh, hoa;
- Vùng núi đá (7 huyện) có đô thị Tà Lùng, các khu kinh
tế cửa khẩu (Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang) với hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối
phát triển, có khu khai thác mỏ, cụm công nghiệp, khu du lịch và các tiểu vùng
trồng lúa, đậu tương, thuốc lá (Trùng Khánh); tiểu vùng trồng mía (Phục Hòa) và
tiểu vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
- Vùng núi đất (4 huyện) có 4 thị trấn gắn liền hệ thống
kết cấu hạ tầng được nâng cấp, có khu khai thác mỏ, cụm công nghiệp; tiểu thủ
công nghiệp và các tiểu vùng rừng sản xuất chuyên canh trúc sào, chè đắng; tiểu
vùng rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng và tiểu vùng trồng lúa, ngô, đậu tương, dong
riềng.
b) Phát triển đô thị và nông thôn
- Quy hoạch mở rộng, xây dựng thị xã Cao Bằng trở thành
thành phố thuộc Tỉnh khi có điều kiện; nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng thành cửa khẩu
quốc tế và 2 cửa khẩu Trà Lĩnh và Sóc Giang thành cửa khẩu quốc gia. Xây dựng
và phát triển thị trấn Tà Lùng trở thành đô thị loại IV; đầu tư xây dựng mới
các thị trấn: Đàm Thuỷ, Trường Hà, Phia Đén; phát triển thị tứ và các chợ biên
giới;
- Quản lý, sử dụng đất đai theo đúng quy hoạch, đặc biệt
là đất đô thị, dọc các trục giao thông, thị trấn, thị tứ, các khu kinh tế cửa
khẩu, các điểm du lịch.
5. Một số giải pháp chủ yếu về thực hiện quy hoạch
a) Huy động vốn đầu tư
Huy động tối đa các nguồn vốn trong nước, ngoài nước để
phát triển kinh tế - xã hội:
- Vốn trong nước đóng vai trò quan
trọng nhất, đặc biệt là nguồn vốn của Trung ương để phát triển kết cấu hạ tầng
kinh tế - kỹ thuật, củng cố quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo; ngân sách
trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW
ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị;
- Tăng cường
xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá về Cao Bằng để thu hút vốn đầu tư vào các
lĩnh vực thế mạnh của Tỉnh như: khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển một
số cây, con; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn
tín dụng đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định;
- Tích cực vận
động thu hút vốn ODA để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xoá đói
giảm nghèo; xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư trực
tiếp (FDI), chú trọng các nhà đầu tư Trung Quốc để phát triển các hàng hóa chủ
lực, chất lượng cao, các sản phẩm xuất khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng khu công
nghiệp, khu đô thị.
b) Về cơ chế,
chính sách
- Tiếp tục rà
soát, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định của pháp luật và đề xuất
chính sách mới với Chính phủ nhằm ưu tiên đầu tư phát triển cho Cao Bằng;
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế "một
cửa"; hiện đại hoá trụ sở chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp
xã. Làm tốt công tác tổ chức và cán bộ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến
khích người tài về địa phương làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy
hành chính nhà nước; chống lãng phí, tham nhũng. Ứng dụng rộng rãi và có hiệu
quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Thực hiện quy chế dân chủ gắn
liền với hoàn thiện quy chế quản lý nhà nước ở cấp cơ sở. Phát triển và nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo và đào tạo lại;
- Phân cấp đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, khai thác, chế biến khoáng sản, cấp
phép đầu tư, xây dựng cơ bản, xuất khẩu, nhập khẩu.
c) Khoa học công nghệ
- Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất công
nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi; tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất hàng hóa
chủ lực, xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế,
có uy tín và có sức cạnh tranh trên thị trường;
- Chú
trọng đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học công nghệ
về giống cây trồng, vật nuôi, công nghiệp chế biến nhằm tạo bước chuyển tích
cực về năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
d) Phát triển nguồn nhân lực
- Chú
trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, nâng dần trình độ ngoại
ngữ và trình độ sử dụng công nghệ thông tin ở các lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ,
công chức của Tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực
đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới;
- Tiếp tục thực hiện sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp, nâng cao hơn
nữa năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp của Tỉnh, sẵn sàng
tham gia quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới; đào tạo, tập huấn kỹ
thuật, trình độ quản lý cho các chủ trang trại, hộ gia đình nhằm hướng tới mỗi
chủ trang trại, hộ gia đình là một tế bào kinh tế vững mạnh, sản xuất ra hàng
hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước;
- Liên
kết hợp tác với một số trường đại học của Trung Quốc, đặc biệt là của tỉnh
Quảng Tây để đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, tạo sự đột phá trong
phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh;
- Làm
tốt công tác hướng nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo nguồn lao động có tay
nghề đáp ứng cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Tỉnh và cho xuất khẩu.
đ) Tổ chức thực hiện và giám sát Quy hoạch
- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch sau khi được phê
duyệt; cụ thể hoá các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để
tổ chức thực hiện. Xúc tiến hoạt động đầu tư, giới thiệu, quảng bá các dự án ưu
tiên, mời gọi các nhà đầu tư đến Cao Bằng đầu tư sản xuất, kinh doanh;
Điều 2. Quy hoạch này là định hướng,
cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên
ngành, các dự án đầu tư trên địa bàn của Tỉnh theo quy định.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
Cao Bằng căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã
hội của Tỉnh trong Quy hoạch, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ
đạo việc lập và trình duyệt vào đầu năm 2007 và triển khai thực hiện theo quy
định:
1. Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.
2. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị
xã, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch xây
dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh
vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể và đồng bộ.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà
nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát
triển của Tỉnh và pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy
động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
4. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; các
chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để đầu tư tập trung hoặc
từng bước bố trí ưu tiên hợp lý.
5. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc
điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh
tế - xã hội của Tỉnh, của Vùng và cả nước trong từng giai đoạn Quy hoạch.
Điều 4. Giao các Bộ, ngành liên quan
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hỗ trợ Ủy
ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; đồng thời
nghiên cứu xây dựng và trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số
cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh
trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến
khích, thu hút đầu tư... để thực hiện Quy hoạch; đẩy nhanh việc đầu tư, thực
hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự
phát triển của Tỉnh đã được quyết định đầu tư; nghiên cứu, xem xét điều chỉnh,
bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự
án liên quan dự kiến đầu tư nêu trong Quy hoạch.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh Cao Bằng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng