Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/04/2009-14:00:00 PM
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các Khu chế xuất(KCX),Khu công nghiệp(KCN) trên địa bàn. Ðây là một vấn đề lớn và khá phức tạp, đòi hỏi các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế phải tính toán kỹ càng và bài bản.

Sản xuất bo mạch điện tử tại Công ty Nidectosoc (KCX Tân Thuận)

Cuộc khảo sát do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Ban quản lý các KCX, KCN thành phố (TP) Hồ Chí Minh tiến hành tháng 3-2009 (thực hiện ở hơn 429 doanh nghiệp trong tổng số 978 doanh nghiệp thuộc 17 ngành tại ba KCX và tám KCN trong địa bàn cho thấy thực trạng trình độ công nghệ các doanh nghiệp ở đây đáng báo động. Chỉ có ba doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 1%) là đạt mức tiên tiến. Hơn một nửa số doanh nghiệp có công nghệ yếu kém. Những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu thường rơi vào các đơn vị kinh doanh những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: Da - giày, dệt - nhuộm, may, chế biến gỗ, nữ trang, thủy tinh.
Theo Phó Ban quản lý các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh Lê Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạc hậu này.
Trước hết, do TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc lập các KCX, KCN và đang rất cần thu hút vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động nên sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư, miễn sao lấp đầy các KCX, KCN. Vào thời điểm đó cũng là lúc làn sóng dịch chuyển công nghệ lỗi thời từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước chậm và đang phát triển. Vì thế, TP Hồ Chí Minh trở thành nơi mở rộng cánh cửa đón nhận sự dịch chuyển này.
Thứ hai là, các KCX, KCN cũng là địa điểm mới di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành gây nhiều ô nhiễm môi trường mà điển hình là các KCN: Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, Tân Phú Trung. Lẽ ra, ngay từ đầu, TP Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan quản lý chuyên môn cấp trên phải tỉnh táo hơn, có sự cân nhắc, chọn lọc để không phát triển các KCX, KCN một cách tràn lan và dễ dãi đón nhận các dự án đầu tư nhằm bảo đảm phát triển KCX, KCN một cách bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Rút bài học kinh nghiệm thời gian qua, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh tập trung vào hai lĩnh vực: Ðầu tư mới và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCX, KCN. Ðối với các dự án đầu tư mới, thành phố tập trung xúc tiến, kêu gọi và ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các ngành chủ lực có công nghệ cao, sạch và ít gây ô nhiễm môi trường như: Cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, công nghệ phần mềm, thương mại dịch vụ... Kết quả là từ năm 2008, "bức tranh" thu hút đầu tư mới trong các KCX, KCN ở TP Hồ Chí Minh đã có những gam mầu tươi sáng hơn trước. Trong số các dự án đầu tư trong năm (21 dự án nước ngoài và 55 dự án trong nước) có tổng mức đầu tư 481,14 triệu USD, có tới hơn một phần ba là các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp như thiết kế phần mềm thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu, nhà xưởng cho thuê; gần một phần ba là các ngành cơ khí chính xác phục vụ ngành công nghiệp, khuôn mẫu, thiết bị phụ trợ giữ cân bằng cho bánh xe ô-tô. Trong năm 2008, thành phố đã từ chối 11 doanh nghiệp dự kiến đầu tư các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường như: Thuộc da, dệt nhuộm, may mặc, dệt sợi, xi mạ...
Tuy nhiên, để có thể thu hút thêm các dự án lớn, có hàm lượng chất xám cao, thành phố cần chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất tập trung, có cơ sở hạ tầng tốt về nhiều mặt như: Phục vụ lao động, viễn thông, điện, nước, hệ thống giao thông bên trong và bên ngoài kết nối với KCN. Nhanh chóng đưa đất đã quy hoạch vào kinh doanh tại các KCN: Tân Phú Trung, Phong Phú, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Ðông Nam Củ Chi. Cần phải định hướng đối tượng đầu tư mới là các nhà đầu tư từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển và công nghệ tiên tiến như: Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Ðức, Pháp, Canada, Anh, Singapo... với các ngành nghề kỹ thuật cao, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị kinh tế như: Kính áp tròng, linh kiện vi mạch trong thiết bị chẩn đoán y khoa, máy photocopy, linh kiện máy bay, kính công nghiệp... Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển hệ thống logistic tại KCN: Hiệp Phước, Cát Lai và các dự án dịch vụ phục vụ sản xuất, dịch vụ phục vụ cho công nhân.
Trước thực tế là chỉ còn hơn 3.000 ha đất để phát triển các KCN, TP Hồ Chí Minh chủ trương khuyến khích các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng cao tầng tại một số KCN để thực hiện mô hình khép kín: Sản xuất thương mại, dịch vụ và phục vụ sinh hoạt.
Ðối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCX, KCN, thành phố động viên khuyến khích họ đổi mới công nghệ, lấy KCN Lê Minh Xuân làm điểm. Việc đầu tiên là rà soát lại hệ thống xử lý nước thải tại các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm nặng, buộc phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Tiếp theo là tổ chức rà soát lại các doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, các doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm và các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề hoặc di chuyển sang những KCN khác ngoài địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ban quản lý các KCX, KCN thành phố phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng khảo sát đánh giá trình độ công nghệ đối với 900 doanh nghiệp trong các KCX, KCN; xây dựng phần mềm đánh giá trình độ công nghệ tự động cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó vận động các quỹ tín dụng, các ngân hàng và các doanh nghiệp khác trong hiệp hội ngành nghề hỗ trợ vốn, vật tư, nguyên liệu để đổi mới công nghệ.
Trong năm 2008 đã có mười KCX, KCN hoàn chỉnh mạng lưới thu gom nước thải tập trung. Năm khu còn lại đang trong quá trình hoàn thiện. Nhiều doanh nghiệp đã từng bước đổi mới thiết bị. Nhiều doanh nghiệp xin chuyển đổi mục tiêu sản xuất. Một số doanh nghiệp có kế hoạch di dời ra khỏi thành phố để cải tạo sản xuất, cải thiện môi trường. Riêng tại KCN Lê Minh Xuân nơi được chọn là khu chỉ đạo điểm, đã có 23 doanh nghiệp ở đây tăng vốn, bổ sung thêm mục tiêu hoạt động, mười doanh nghiệp đổi sang nghề khác, bảy doanh nghiệp có dự định di dời đi nơi khác và chuyển đổi mục tiêu hoạt động. Việc đổi mới các hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN đã cơ bản hoàn chỉnh và bước đầu môi trường ở đây đã được cải thiện.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn; chính sách sử dụng đất khi doanh nghiệp di dời, giải quyết lao động dôi dư, đào tạo lại lao động do thay đổi công nghệ.
Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các KCX, KCN là một quá trình liên tục, cần có thời gian và có vốn. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh nên lập Quỹ hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới công nghệ doanh nghiệp KCN do Ban quản lý các KCX, KCN thành phố làm thành viên thường trực để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức lại sản xuất; nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, thành phố nên đưa các chuyên gia kỹ thuật, tư vấn giúp đỡ các doanh nghiệp tìm phương án đổi mới công nghệ phù hợp, tiết kiệm năng lượng và tạo ra các sản phẩm mới hiệu quả cao. Về lâu dài, nên xây dựng các trung tâm, các viện nghiên cứu phát triển kết hợp giữa Nhà nước, các trường đại học và doanh nghiệp để nghiên cứu khoa học, chế tạo công nghệ, sản xuất thử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững trong các KCX, KCN./.
Nguyễn Phan Toàn
Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1362
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)