Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/03/2009-10:39:00 AM
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khẩn trương quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Tiếp tục chương trình làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty nòng cột của nền kinh tế đất nước, sáng 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và một số Bộ, ngành liên quan đã làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2008, nhiệm vụ năm 2009.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt chú ý cải tiến dịch vụ, triển khai tích cực các dự án đầu tư đã có

Từng bước hình thành Tập đoàn đường sắt Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Đường sắt là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước. Mạng lưới Đường sắt Việt Nam với tổng chiều dài hơn 2.600 km tỏa rộng khắp nước.
Vượt qua những khó khăn của thời bao cấp, ngành đường sắt đã đổi mới thành công, cơ sở vật chất nâng lên, cải tiến dịch vụ, bắt đầu huy động được các nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành. Hiện Tổng công ty chiếm 10% thị phần vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành đường sắt, như: Cơ sở hạ tầng yếu kém, năng suất lao động thấp, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, khó khăn của kinh tế Việt Nam khiến số lượng hành khách giảm; vận tải hàng hóa cũng suy giảm, nhất là tuyến liên vận hàng hóa với Trung Quốc (ba tháng đầu năm 2009, khách giảm 10%, hàng hóa giảm 15%).
Thủ tướng đề nghị Tổng công ty rà soát lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2009 theo hướng tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa vận chuyển hành khách, hàng hóa, để đứng vững và phát triển, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tổng Công ty chú ý cải tiến dịch vụ, triển khai tích cực các dự án đầu tư đã có, đồng thời chuẩn bị các dự án mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo một số Bộ ngành làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Về chiến lược phát triển lâu dài đường sắt Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt cần phối hợp với các ngành, các cấp khẩn trương làm quy hoạch toàn tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, làm rõ sự cần thiết phải xây dựng tuyến đường cao tốc hiện đại, quan trọng này của đất nước. Trong đó chú ý lựa chọn phương án ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng đồng ý Tổng công ty xây dựng cơ chế đặc thù để huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng ngành Đường sắt Việt Nam, hoan nghênh việc đẩy mạnh xuất khẩu đầu máy xe lửa diezen; thúc đẩy sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, từng bước hình thành Tập đoàn Đường sắt Việt Nam.
Đảm bảo mức doanh thu năm 2009 tăng 8%
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng cam kết với Thủ tướng Chính phủ: Ngành đường sắt cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, cơ sở hạ tầng yếu kém để đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu 8% trở lên, lợi nhuận tăng trên 5%, đảm bảo giờ vận hành tàu, quản lý an toàn hành lang đường sắt, chủ động phòng chống thiên tai, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Toàn cảnh phiên họp

Trong năm 2009, ngành tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; triển khai thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị hồ sơ đấu thầu xây dựng đường sắt trên cao Hà Nội đoạn Yên Viên – Ngọc Hồi; chuẩn bị trình Quốc hội chủ trương đầu tư Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và triển khai lập dự án quy hoạch ga Hà Nội thành trung tâm trung chuyển khách đường dài; liên doanh, liên kết với các tập đoàn trong và ngoài nước làm tổng thầu xây mới các dự án đường sắt…
Năm 2008, Tổng công ty Đường sắt đạt doanh thu 6,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm trước. Trong năm, Tổng công ty đã tích cực tham gia bình ổn giá, không tăng giá cước vận chuyển trong khi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Ngành đã tập trung phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong các đợt vận chuyển cao điểm, ngày lễ, tết, mùa hè, mùa thi, nâng cao chất lượng phục vụ trên các đoàn tàu. Hoàn thành dự án mở rộng hệ thống bán vé điện toán giai đoạn 2 tại hầu hết các ga; đặt chỗ qua mạng internet; điều chỉnh giá vé linh hoạt phù hợp với thực tế. An toàn giao thông đường sắt có tiến bộ rõ rệt, số người chết, bị thương giảm nhiều. Đảm bảo đời sống của hơn 42.000 cán bộ, công nhân viên toàn ngành, với thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1162
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)