Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, việc kiềm chế mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một vấn đề quan trọng, song các cơ quan của Chính phủ phải nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện một loạt chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm giảm lạm phát sẽ “hạ” chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008?
Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là tăng trưởng GDP. Việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện một loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ hiện nay là góp phần kiềm chế lạm phát. Song cần phải hiểu chính sách này một cách đúng đắn, bởi thắt chặt tiền tệ, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng. Chẳng hạn, đối với cho vay đầu tư vào phát triển các dự án bất động sản, xây dựng thì các ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay, nhưng chắc chắn sẽ thắt chặt cho vay đối với các đối tượng đầu cơ bất động sản.
Việc Bộ Tài chính vừa quyết định điều chỉnh giá xăng dầu sẽ góp phần làm tăng CPI. Liệu điều này có mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng GDP không, thưa ông?
Việc tăng giá xăng dầu lần này là bất khả kháng và chúng ta đã tính toán tới rất nhiều yếu tố. Giá dầu thế giới đã tăng lên mức rất cao. Tình hình kinh tế thế giới đang có những biến động mạnh mẽ. Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào trên thế giới đã tăng rất mạnh trong năm qua, do đó giá trong nước tăng lên là đúng quy luật.
Mặc dù tăng giá xăng dầu trong nước sẽ hình thành một mặt bằng giá mới, song chúng ta chấp nhận điều này để tiếp tục điều hành kinh tế theo mục tiêu tăng trưởng GDP. Sở dĩ tôi nói điều này bởi khi giá xăng dầu đã được hình thành theo giá thị trường thì mọi hàng hoá sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ có liên quan đều được tính toán chính xác, minh bạch theo hướng thị trường. Do đó, các chính sách đưa ra để điều hành phát triển kinh tế sẽ có cơ sở khoa học hơn và mục tiêu tăng trưởng GDP vẫn là mục tiêu chính của chúng ta.
Khi giá xăng dầu tăng thì người nghèo và một số ngành sản xuất sẽ chịu nhiều tác động nhất. Ông có lo ngại đời sống của người dân sẽ gặp khó khăn?
Trước đây, chúng ta thực hiện bao cấp giá xăng dầu tràn lan và không hợp lý. Thậm chí, do được hỗ trợ giá nhiên liệu, nên nhiều doanh nghiệp chưa sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nay chúng ta áp dụng chính sách điều hành mới để hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng chịu nhiều tác động và thúc đẩy sản xuất hiệu quả hơn. Các phương án hỗ trợ cụ thể đã được tính toán nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả hơn so với trước đây.
Việc hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng liệu có dẫn tới cơ chế xin - cho không, thưa ông?
Chính sách hỗ trợ cho các đối tượng đã rõ ràng và không thể xuất hiện tình trạng xin - cho. Riêng đối với ngư dân đánh bắt xa bờ, trong năm 2008, chúng tôi sẽ hoàn thiện chính sách và Chính phủ sẽ ban hành chính sách cụ thể để làm sao ngư dân được hỗ trợ hợp lý và không để xảy ra tình trạng xin - cho trong hỗ trợ giá xăng dầu.