Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 15/4 cho biết các nước đóng góp cho ADB có thể sẽ nhất trí với đề xuất tăng gấp ba vốn cổ phần của ngân hàng này từ 53 tỷ USD lên 165 tỷ USD.
Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda nói ông "khá tin tưởng" rằng đề xuất này sẽ được hội đồng quản trị ngân hàng, gồm đại diện của 67 nền kinh tế thành viên ADB, thông qua trước khi hội đồng họp thường niên vào ngày 2/5 tại Indonesia.
Ông Kuroda cho biết đề xuất trên đã được Ban giám đốc ADB gồm 12 thành viên phê duyệt và đã được gửi đến các thành viên trong hội đồng quản trị để bỏ phiếu. Đề xuất phải được 3/4 số thành viên hội đồng bỏ phiếu ủng hộ mới được thông qua.
Nếu được thông qua, đây sẽ là đợt tăng vốn thứ năm và là đợt tăng vốn lớn nhất trong lịch sử 43 năm phát triển của ADB kể từ khi thành lập.
Theo ông Kuroda, với số vốn được tăng thêm, mức cho vay hàng năm của ADB có thể tăng từ 8,7 tỷ USD lên hơn 11 tỷ USD. Số vốn này cũng sẽ giúp ADB hoàn tất chiến lược phát triển đặt ra cho các thành viên từ nay đến năm 2020.
Ngoài ra, tại cuộc họp thường niên sắp tới, ông Kuroda dự kiến sẽ đề nghị các nước đóng góp tăng vốn cho Quỹ Phát triển châu Á (ADF) do ADB quản lý. Quỹ này cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nền kinh tế kém phát triển nhất khu vực. Theo ông Kuroda, trong năm 2008 ADF chỉ cho vay 1,8 tỷ USD, song dự kiến năm nay con số này sẽ vượt trên 3 tỷ USD.
Kế hoạch tăng vốn của ADB được đánh giá là sẽ giúp châu Á tăng cường khả năng đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất, ADB dự đoán một triển vọng ảm đạm của kinh tế châu Á trong vòng hai năm tới, với tốc độ tăng trưởng giảm từ 6,3% trong năm 2008 xuống còn 3,4% trong năm 2009.
Các nền kinh tế lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia... rơi vào suy thoái. Ông Kuroda cho rằng châu Á sẽ gánh chịu thiệt hại lớn do khủng hoảng, đặc biệt là những nền kinh tế nhỏ phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo bi quan trên, ông Kuroda lạc quan về khả năng châu Á sẽ hồi phục trong năm 2011. Ông Kuroda đánh giá hiện nay các nền kinh tế châu Á có cơ sở tốt hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 1997.
Theo ông, khu vực ngân hàng của châu Á vẫn vững vàng, không bị thiệt hại như Mỹ, châu Âu, và hầu hết các nước châu Á vẫn có đủ tiềm lực tài chính để tiến hành các kế hoạch kích thích kinh tế vượt qua khủng hoảng./.