NGHỊ QUYẾT
NGHỊ QUYẾT
CỦA
CHÍNH PHỦ SỐ
06/2008/NQ-CP
NGÀY 03 THÁNG 3 NĂM 2008
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02
NĂM 2008
Trong hai ngày 27 và 28 tháng 02 năm 2008, Chính phủ họp
phiên thường kỳ tháng 02, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương trình dự án Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình dự
án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt
Nam; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các
thành viên Chính phủ về hai dự án Luật này.
Chính phủ cơ bản nhất trí nội dung hai dự án Luật. Giao Bộ
Công Thương, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp
và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh
hai dự án Luật này. Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ
trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Dầu khí; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban
Thường vụ Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân
đội nhân dân Việt Nam.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự án Luật
Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa
đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo ý kiến của Văn phòng
Chính phủ về hai dự án Luật này.
Chính phủ cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi Luật Thuế
giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Giao Bộ Tài chính chủ trì,
phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu
các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh hai dự án Luật, lấy ý kiến các thành viên
Chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền
Thủ tuớng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Thuế giá trị gia
tăng (sửa đổi) và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
3. Chính phủ thảo luận và thông qua Báo cáo bổ sung tình hình
kinh tế - xã hội năm 2007 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm
2008, Báo cáo kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư tháng 02 và
hai tháng và tình hình kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm 2008 do Bộ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân
sách nhà nước năm 2007, tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà
nước năm 2008, Báo cáo về tình hình kiểm soát kinh tế vĩ mô tháng 02 năm 2008 do
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình; Báo cáo về các giải pháp điều hành tiền tệ, tín
dụng và tỷ giánăm 2008 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình; Báo cáo
về tình hình khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp và thủy sản sau rét đậm,
rét hại ở các tỉnh miền Bắc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trình; Báo cáo tình hình bệnh dịch trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm và các
biện pháp phòng, chống đã được triển khai do Bộ trưởng Bộ Y tế trình; Báo cáo
tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 02 năm 2008 do Bộ trưởng
Bộ Nội vụ trình; Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo tháng 02 năm 2008 do Tổng Thanh tra Chính phủ trình; Báo cáo
tình hình thực hiện chương trình công tác, các quyết nghị của Chính phủ từ phiên
họp tháng 01 năm 2008 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các
thành viên Chính phủ hoàn chỉnh các Báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế
hoạch và ngân sách nhà nước năm 2007, tình hình triển khai nhiệm vụ kế hoạch,
ngân sách nhà nước năm 2008. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài
chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội các Báo cáo này.
Chính phủ nhất trí đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, mặc dù gặp
nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm và tình hình kinh tế thế giới
nhiều diễn biến phức tạp; giá dầu thô và nguyên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất
tăng cao, nhưng với quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ,
sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta
đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội, ngân sách nhà nước năm 2007 do Quốc hội đề ra. Kinh tế nước ta đạt mức
tăng trưởng cao nhất trong mười một năm qua và thuộc nhóm nước có tốc độ tăng
trưởng kinh tế cao trong khu vực. Các lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến tốt,
đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả tốt. Quốc
phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, những tồn tại yếu kém nổi
lên trong năm 2007 là: mất cân đối trong cán cân thương mại, nhập siêu tăng cao;
điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều bất cập, tổng phương tiện thanh toán và
tổng dư nợ tín dụng tăng cao so với nhiều năm trước, góp phần tăng áp lực đẩy
giá cả thị trường tăng cao; mức giảm tỷ lệ sinh đạt thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội
giao.
Nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội và ngân sách nhà nước năm 2008, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm
nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc giao kế hoạch sớm hơn các
năm trước. Nguồn vốn đầu tư được bố trí tuân thủ đúng thủ tục theo quy định hiện
hành, tập trung chủ yếu cho các công trình trọng điểm, các dự án hoàn thành
trong năm và các dự án chuyển tiếp; dần khắc phục tình trạng phân bổ vốn phân
tán, dàn trải. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị triển khai việc
giao kế hoạch còn chậm, chưa tuân thủ các thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc
giao cao hơn số giao của Trung ương làm xuất hiện nguy cơ tái diễn tình trạng nợ
đọng xây dựng cơ bản cho năm tới.
Tháng 02 và hai tháng đầu năm năm 2008, tình hình kinh tế -
xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tốt. Mặc dù thời gian nghỉ Tết dài, nhưng
sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ
hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong nước tăng hơn cùng kỳ nhiều năm. Hoạt động
du lịch có chuyển biến mới; dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu chính,
viễn thông tăng khá, đáp ứng tốt nhu cầu hàng hoá, dịch vụ phục vụ đón Tết của
nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ năm 2007. Thu hút vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA tiếp tục tăng. Thu, chi ngân sách đạt kế hoạch
đề ra. Các cân đối vĩ mô nền kinh tế vẫn được kiểm soát.
Công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí được các bộ, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo
có kết quả. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác
chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa,
vùng bị thiên tai, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được quan
tâm. Phòng, chống cháy nổ, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tai
nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong những ngày trước và sau Tết được tăng
cường, có nhiều chuyển biến tốt so với cùng kỳ năm 2007.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản và
tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề tồn
tại, khó khăn của nền kinh tế nhằm kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô, ổn định
phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, những diễn biến của tình hình rét đậm, rét hại kéo
dài đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ
sản, diện tích gieo trồng lúa và hoa màu. Bên cạnh đó, giá cả thị trường và nhập
siêu tăng cao; chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh, thị trường bất động sản tăng
nóng; vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh trong khi khả năng hấp thụ vốn
của nền kinh tế thấp đã tạo thêm sức ép làm tăng tổng phương tiện thanh toán và
tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng; dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở
người có nguy cơ bùng phát trở lại... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh,
đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn có
hiệu quả, tai nạn giao thông tuy có giảm, nhưng thiệt hại về người, tài sản do
tai nạn giao thông còn cao.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2008, Chính phủ
yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số
02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu
chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và
Chương trình công tác năm 2008 của Chính phủ thuộc trách nhiệm của bộ, ngành,
địa phương mình; trong đó, tập trung cao nhất cho tăng trưởng và chống lạm phát.
Cụ thể là:
a) Kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô để duy trì tốc độ tăng
trưởng cao: áp dụng chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất chủ động, linh hoạt
và thận trọng; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng, thị trường chứng
khoán để bảo đảm an toàn hệ thống. Kiểm soát thị trường, giá cả; thực hiện cơ
chế điều tiết giá vật tư thiết yếu theo cơ chế thị trường và có chính sách hỗ
trợ phù hợp cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng do tăng giá; bảo đảm cân đối
cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xẩy ra thiếu
hàng, sốt giá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chống lạm
phát, tránh việc đưa tin thiếu khách quan gây phân tán và tạo áp lực tăng giá.
b) Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tăng xuất khẩu để
giảm tỷ lệ nhập siêu: tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, đẩy mạnh
hoạt động xúc tiến đầu tư, xuất khẩu tại các thị trường hiện có, thị trường
truyền thống và mở rộng thị trường mới để tăng xuất khẩu, thúc đấy mạnh các hoạt
động dịch vụ và du lịch. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương
triển khai chính sách hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa Đông Xuân, trồng rau
màu, phát triển chăn nuôi, tăng nguồn cung thực phẩm, nhằm sớm ổn định giá cả
lương thực, thực phẩm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng
ruộng trống không gieo cấy. Bên cạnh đó, cần chủ động đề ra phương án khắc phục
tình trạng thiếu điện; chủ động phát hiện, phòng, chống, ngăn chặn và dập tắt có
hiệu quả dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người; tích cực triển khai việc tu bổ
các công trình hồ chứa, đê điều, công trình thủy lợi nhằm chủ động đối phó với
thiên tai trong mùa bão lũ sắp tới.
c) Tập trung sức tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng
cơ bản: các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các công trình đầu tư xây
dựng, kiên quyết dừng các dự án kém hiệu quả, không đủ thủ tục, chưa rõ nguồn
vốn. Tập trung năng lực tháo gỡ khó khăn về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản
từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình giao thông,
thuỷ lợi, giáo dục, y tế; tháo gỡ vướng mắc về huy động, giải ngân vốn ODA, vốn
đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và vốn của Việt Nam đầu tư ra nước
ngoài.
d) Về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết
khiếu nại, tố cáo: tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ
tục hành chính và hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác giữa bộ, ngành, địa phương,
tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp
luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy
nhanh tiến độ điều tra, kết luận, xử lý các vụ án tham nhũng. Hoàn thiện thể chế
và chấn chỉnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo theo đúng quy định
của pháp luật. Khẩn trương hoàn thành việc ban hành và tổ chức thực hiện các
nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang
bộ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân; các đề án thực hiện thí điểm đổi mới
mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần
thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.
Các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện cuộc vận
động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với cải cách
hành chính và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và
nhiệm vụ chính trị của bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị mình.
đ) Giải quyết các vấn đề xã hội: đẩy mạnh thực hiện các
chương trình nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu
xã hội; thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết
việc làm, nhất là đối với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Tập trung giải
quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; đẩy mạnh công tác xã hội hoá. Duy
trì thường xuyên, kiên quyết việc thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế
tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhằm giảm tai nạn giao thông bền vững.
e) Thực hiện chương trình công tác tháng tới: Chính phủ yêu
cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn
thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, đề án theo đúng kế hoạch
trong Chương trình công tác năm 2008 của Chính phủ. Trước hết, cần tập trung ưu
tiên xây dựng các dự án luật theo kế hoạch để trình Quốc hội; các đề án, cơ chế
chính sách phục vụ sự chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ về
điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đầu
tư; chủ động đề xuất, kiến nghị với Chính phủ các biện pháp giải quyết những khó
khăn, diễn biến bất thường về kinh tế - xã hội./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
File đính kèm: Nghi quyet 06-2008 CP.doc