Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/07/2009-10:37:00 AM
Mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo đang về đích

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tháng 6, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo.
Việt Nam đang được đánh giá là nhân tố chủ lực trong việc xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới với sản lượng dự báo khoảng 6 triệu tấn, mức kỷ lục trong lịch sử 21 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thị trường rộng mở
Tại hội thảo về triển vọng ngành lúa gạo Việt Nam do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia khẳng định, thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang ổn định và thuận lợi cho Việt Nam.
Hai quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo là Thái Lan và Ấn Độ hiện vẫn chưa xuất khẩu trở lại. Thái Lan đang “lúng túng” trong thu mua và xuất khẩu, lượng gạo đọng của Thái Lan được ước tính là khoảng 7 triệu tấn và có thể tăng lên trong thời gian tới. Còn Ấn Độ, do vấn đề thời tiết nên đang cân nhắc và xem xét tình hình.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các nước vẫn đang ở mức cao. Đó chính là lý do mà các hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đang rất nhộn nhịp và giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng.
Theo bà Nguyễn Trang Nhung - Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo), quý 2 mặc dù được đánh giá là ảm đạm, nhưng chính những ngày cuối quý thị trường gạo lại có sự khởi sắc bằng những đơn hàng xuất khẩu lớn.
Theo cơ quan lương thực Quốc gia Philippines, nước này sẽ nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo ngoài 1,5 triệu tấn đã mua của Việt Nam. Châu Phi dự kiến sẽ mua 400.000 tấn gạo bao gồm 100.000 tấn gạo sấy của Thái Lan và 300.000 tấn gạo Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8.
Thực tế lượng gạo xuất khẩu 6 tháng qua của Việt Nam đã đạt 3,8 triệu tấn với kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng trên 57% về lượng và gần 25 % về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo trong nước đang có xu hướng tăng trở lại do các doanh nghiệp đang tích cực thu mua lúa cho xuất khẩu.
Tận dụng thời cơ
Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và có khả năng suy giảm. Sau một thời gian tạm thời “đóng cửa”, một số nước đã có dấu hiệu xuất khẩu trở lại.
Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch xuất kho 600.000 tấn gạo dự trữ trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc mở kho gạo dự trữ từ Cục Ngoại thương ngay khi được sự đồng ý từ Hội đồng Chính sách Gạo Quốc gia.
Ấn Độ tuy chưa mở cửa xuất khẩu gạo nhưng trong 6 tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tăng cường xuất khẩu. Khi gạo Thái Lan, Ấn Độ được tung ra thị trường, giá gạo giảm là điều tất yếu.
Chia sẻ những ý kiến này, bà Nguyễn Trang Nhung cũng dự báo, vụ đông xuân cả nước được mùa, sản lượng tăng 0,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái; dự kiến vụ hè thu năm nay cũng sẽ được mùa.
Theo tính toán, những tháng còn lại của năm 2009, sau khi trừ dự trữ giống, chăn nuôi, an ninh lương thực, sản lượng gạo hàng hóa còn lại có thể bán ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long là 2 triệu tấn.
Cùng với đó, việc hai cường quốc xuất khẩu gạo khác là Thái Lan và Ấn Độ có thể tăng bán lượng gạo dự trữ sẽ làm nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn. Mặt khác, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn phụ thuộc vào giá trên thị trường thế giới nên cũng sẽ theo xu hướng giảm vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Đình Bích - chuyên gia Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, do cung gạo thế giới năm nay tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước giảm nên giá gạo sẽ cao ở những tháng đầu năm và thấp ở những tháng cuối năm.
Hiện tại, Thái Lan chưa xuất khẩu gạo nhưng sẽ có kế hoạch bán lượng gạo dự trữ trong thời gian tới và giá gạo thế giới sẽ giảm. Vì vậy ngay lúc này là thời điểm hợp lý để Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu và vươn tới mục tiêu 6 triệu tấn gạo trong năm 2009.
Ông Bích cũng phân tích, đối với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan do công tác bảo quản và chất lượng gạo tốt nên bán rất được giá. Trong khi đó, công tác bảo quản và chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa tốt, gạo xuất khẩu chưa được giá.
Vì vậy sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, số gạo còn lại phải được đưa đi xuất khẩu, nhất là trong tình hình hiện nay, khi cơ hội xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường là khôn lường, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Chia sẻ những khó khăn trong công tác phân tích, dự báo thị trường về ngành hàng trong đó có ngành lúa gạo, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Agroinfo cho biết, trên thực tế, thị trường lúa gạo hay bất cứ một thị trường ngành hàng nào đều có những biến chuyển rất nhanh, khó có thể lường trước được.
Cùng quan điểm với ông Diệu, chuyên gia Nguyễn Đình Bích cũng khẳng định, câu chuyện dự báo giá gạo là thách thức đối với bất cứ ai, các nhà quản lý cũng như giới kinh doanh mặt hàng này cần theo dõi sát thị trường để có sự sự điều hành hợp lý./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1319
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)