Tổ Điều hành thị trường trong nước vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để đảm bảo giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu, bình ổn thị trường trong nước, giữ vững an ninh xã hội và phát triển kinh tế trong tháng 8/2008 và các tháng cuối năm 2008.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý và chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ, ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, Chính phủ cần yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng vốn nhàn rỗi ở các địa phương để hình thành Quỹ bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý các hành vi lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý các loại hàng hoá khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp Lệnh Giá và kịp thời triển khai thực hiện để đưa công tác quản lý giá vào nề nếp. Mặt khác, Bộ Tài chính còn phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tính toán giá thành các sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế, kể cả các chi phí liên quan tới cước, cảng biển, vận tải, kho hàng... nhằm tăng cường công tác quản lý kinh tế có hiệu quả. Bộ trưởng các bộ ngành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về giá bán các mặt hàng thuộc bộ quản lý, kể cả đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. UBND các tỉnh, thành phố Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các loại giá cước dịch vụ trên địa bàn và thiết lập tốt hệ thống thông tin thị trường, giá cả trên địa bàn.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp thực hiện chiến dịch quảng bá các loại hàng hoá Việt Nam chất lượng cao với giá bán thống nhất, hợp lý và hướng dẫn tiêu dùng hàng hoá tiết kiệm.
Bộ Công Thương có trách nhiệm sớm hoàn chỉnh Nghị định chống đầu cơ, găm hàng để tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Đối với Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mặt hàng trọng yếu, đặc biệt là phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh... nhằm bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Đặc biệt, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tiến độ sản xuất và thu hoạch muối từ nay đến cuối năm để có kế hoạch nhập khẩu muối kịp thời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả muối trong nước. Bên cạnh đó, Bộ này kiểm tra chính xác việc bảo đảm diện tích trồng mía vụ 2008/2009 và chỉ đạo giá mua mía hợp lý nhằm duy trì và phát triển sản xuất mía đường vụ 2008/2009 có hiệu quả và đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng đường ở trong nước.
Trong một diễn biến khác, trong công văn hoả tốc số 8864/ BTC-QLG, liên Bộ Tài chính- Công Thương đã yêu cầu các đơn vị vận tải địa phương trước ngày 15/8, phải báo cáo đột xuất về giá cước kê khai.
Theo đó, liên Bộ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát không để các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh lợi dụng sự biến động của thị trường để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý. Trong trường hợp phát hiện các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về giá (không niêm yết, niêm yết sai hoặc kê khai đăng ký cao hơn chi phí…) sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Liên Bộ Tài chính-Công Thương cũng yêu cầu kiên quyết dừng các trường hợp đơn vị vận tải kê khai giá cước bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào, trước hết là tác động của giá xăng đến giá thành vận tải; xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá mà chưa thực hiện kê khai lại giá cước theo quy định; tổ chức ngay việc kiểm tra thực hiện quy định về phí, lệ phí và giá dịch vụ tại các bến xe trên địa bàn quản lý, việc thực hiện quy định về niêm yết giá cước vận tải tại các bến xe; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý giá, quản lý phí và lệ phí.
Liên Bộ cho biết, mặc dù lần tăng giá xăng dầu vừa qua đã làm tăng chi phí sản xuất, chi phí lưu thông và giá cả một số mặt hàng, dịch vụ trên thị trường. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến thị trường đã xuất hiện hiện tượng giá một số hàng hoá, dịch vụ được đẩy tăng cao bất hợp lý, tăng theo phong trào. Việc tăng giá bất hợp lý này một mặt đã ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, mặt khác còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong người dân, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất.
Trước hiện tượng này, liên Bộ yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ diễn biến giá cả. Riêng đối với các đơn vị vận tải- đối tượng chịu tác động mạnh bởi lần tăng giá xăng vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông công chính, Sở Giao thông vận tải và Cục thuế địa phương chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai giá cước và niêm yết giá cước. Đặc biệt, các đơn vị vận tải cũng phải tuân thủ hình thức niêm yết giá cước bắt buộc đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt và taxi.