Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng định hướng, lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước để phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2020. Theo đó, bước đầu tiên là tập trung ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan nhà nước để hình thành các cơ quan điện tử đến năm 2010.
|
Hai năm nữa, người dân sẽ được tiếp cận thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến
|
“Đến năm 2010, một số dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp sẽ được xây dựng”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định tại buổi giao lưu trực tuyến mang chủ đề “Chiến lược phát triển Thông tin và Truyền thông” ngày 6/8/2008.
Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, bước thứ 2 là đến năm 2015, tập trung xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan cùng ngành, giữa các cơ quan thuộc Chính phủ, cung cấp các dịch vụ cơ bản trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đến năm 2020, môi trường mạng rộng khắp sẽ được tạo lập để phục vụ hoạt động của các cơ quan Chính phủ, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến, hình thành Chính phủ điện tử rộng khắp phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT, kết hợp chặt chẽ ứng dụng CNTT với việc thực hiện cải cách hành chính để thúc đẩy cải cách hành chính và ngược lại, cải cách hành chính góp phần làm tăng hiệu quả của ứng dụng CNTT.
Trong năm 2008 và những năm tiếp theo, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Bưu chính và Chuyển phát, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Luật Xuất bản và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, Bộ đang dự thảo và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo xếp hạng tính sẵn sàng về Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, Việt Nam có những tiến bộ nhất định, từ vị trí 105/179 nước được xếp hạng năm 2005 đã tăng lên vị trí 91/182 nước được xếp hạng năm 2008.
Đức Nguyễn
Cổng TTĐT Chính phủ