Trong 2 ngày 3 và 4/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, dành nhiều thời gian thảo luận về đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng qua, dự báo kết quả thực hiện kinh tế-xã hội năm 2008.
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng của năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhờ những giải pháp điều hành linh hoạt, kiên quyết và cụ thể của Chính phủ, lạm phát đã bước đầu được kiềm chế. Trong tháng 7 giá xăng dầu tăng 31% nhưng chỉ số giá tháng 8 chỉ tăng 1,56%.
Sản xuất công nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong điều kiện gặp nhiều khó khăn trở ngại do chủ quan và khách quan, nhất là do tác động của giá đầu vào tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt 56.000 tỷ đồng và tính chung 8 tháng đạt 438.100 tỷ đồng, tăng 16,3 % so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, dịch bệnh được khống chế. Tính đến ngày 15/8, diện tích lúa mùa đã gieo cấy đạt gần 1,4 triệu ha, tăng 0,6% so với vụ mùa năm 2007. Các tỉnh phía Nam thu hoạch được gần 1,3 triệu ha lúa hè-thu, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, với kim ngạch hơn 43,3 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó có 10 nhóm hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, riêng dầu thô đạt 7,88 tỷ USD. Nhập siêu 8 tháng 15,9 tỷ USD, bằng 36,8% kim ngạch xuất khẩu và đang trong xu hướng giảm dần nhờ hoạt động nhập khẩu tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ hơn trước.
Lĩnh vực tài chính, tiền tệ đã có chuyển biến tích cực, dần đi vào ổn định, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ mức lãi suất huy động và cho vay.
Trong 8 tháng, cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, trong đó có 5,8 vạn người đi lao động ở ngoài nước. Công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là phòng chống dịch sau lũ lụt tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong tháng 8. Công tác cứu trợ thiên tai được thực hiện kịp thời.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng 8 tháng qua, kinh tế- xã hội đất nước còn bộc lộ một số khuyết điểm và hạn chế. Mặc dù tăng trưởng GDP khá trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhưng nếu không quyết liệt trong thực hiện thì khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7%. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư trong xây dựng nhìn chung chậm; lạm phát còn tăng cao, nhập siêu còn lớn; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt được như mong muốn; đời sống của một bộ phận dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Đề cập về các nhóm giải pháp điều hành của 4 tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng phải linh hoạt trong điều hành; tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải sâu sát thực tế ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để giảm nhập siêu.
Tiếp tục rà soát đầu tư công, đình chỉ, hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án xét thấy chưa thực sự cần thiết để tập trung vốn cho các công trình, dự án trọng điểm phục vụ sản xuất, đời sống, sớm mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội. Bảo đảm cân đối cung-cầu, ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn đầu cơ buôn lậu, nạn làm hàng giả; điều hành tốt giá cả theo cơ chế thị trường.
Quan tâm hơn nữa công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo; trong đó tập trung giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và phải có các giải pháp đồng bộ giúp 61 huyện nghèo nhất nước sớm thoát nghèo. Quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế và các hoạt động văn hoá, xã hội khác; đi đôi với xã hội hoá các lĩnh vực này. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2009 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ và thống nhất một số mục tiêu cơ bản như GDP tăng 7 %; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 75,5 đến 76,7 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 729.000 tỷ đồng; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%, tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động./.