Các bộ trưởng nông nghiệp thuộc nhóm G-8 vừa kết thúc cuộc họp 3 ngày ở Đông Bắc Italia cùng với đại diện nhóm G-5 gồm các nước Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi để tìm cách đối phó với tình hình lương thực có thể sẽ gay gắt thêm do suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.
Hội nghị có sự tham gia của các định chế quốc tế chủ chốt như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), Ủy ban châu Âu, Liên minh châu Phi…
Theo tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, vấn đề đói nghèo hiện đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do "Cơn bão tài chính" làm gia tăng con số người nghèo. Tuyên bố trên cho biết biến động giá cả và tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu lương thực cho thấy những lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu sẽ còn dai dẳng. Các bộ trưởng nông nghiệp G-8 thừa nhận rằng nhiều nước hầu như không hành động gì để chống lại tình trạng đói nghèo trên toàn thế giới và cho đến giờ, các chiến lược toàn cầu chỉ mang lại kết quả không mấy khả quan.
Tuyên bố cũng đề cập đến vai trò quan trọng của công nghệ sinh học và nhiên nhiệu sinh học trong việc ngăn chặn tình trạng khí hậu trái đất ấm lên, sự cần thiết của đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững và "vai trò của công nghệ mới" khai thác các nguồn năng lượng tái sinh. Tuyên bố cũng chỉ ra sự cần thiết phải thành lập "hệ thống dự trữ lương thực" để chống lại tình trạng đầu cơ trên các thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, các Bộ trưởng nông nghiệp G-8 lại không đưa ra đề xuất hay giải pháp cụ thể nào cho việc tăng sản lượng lương thực. Bộ trưởng Nông nghiệp Italia Luca Zaia, với tư cách là chủ tịch cuộc họp, đã nhắc lại sự cần thiết của việc coi nông nghiệp "luôn là trọng tâm của chương trình nghị sự thế giới". Ông cho rằng sự đóng góp của G-5 là cần thiết để đạt được một thỏa thuận nông nghiệp toàn cầu.
Theo ghi nhận của LHQ tình trạng thiếu ăntrên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí còn nặng nề thêm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Dự báo của FAO, trong năm 2009 này, con số người thiếu ăn trên thế giới sẽ vượt mức một tỷ, so với 963 triệu người vào cuối năm 2008. Ngày 16/4/2009, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ đặc trách hồ sơ an toàn lương thực David Nabarro đã lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ tạo ra khoảng 100 triệu 'người đói mới' do việc hàng chục triệu người tại các nước nghèo bị mất công ăn việc làm.
Theo các nhà phân tích, để bảo đảm an toàn lương thực, các nước cần phải gia tăng mức đầu tư vào nông nghiệp, vốn có nguy cơ giảm sụt do khủng hoảng tài chính hiện nay. Một nguồn tin từ phái đoàn Pháp tham gia hội nghị đã cho rằng cần phải nhân sản lượng lương thực thế giới lên gấp đôi từ nay đến năm 2050 để có thể nuôi một dân số sẽ lên đến 9 tỷ người. Nhân hội nghị đang diễn ra, các tổ chức phi chính phủ như Oxfam của Anh, hay Ủy ban Công giáo chống Nạn đói và vì Phát triển CCFD của Pháp đã yêu cầu các quốc gia giầu có trong nhóm G-8 giữ đúng lới hứa tăng cường đầu tư vào lãnh vực nông nghiệp ở các nước nghèo đang phát triển. Ambroise Mazal thuộc tổ chức CCFD, ngày 18/4 đã nhắc nhở rằng trong số 22 tỷ USD cam kết nhân Hội nghị Thượng đỉnh FAO vào tháng 6/2008, cho đến giờ chỉ mới có hơn hai tỷ là được thực sự giải ngân.
Rõ ràng, an ninh lương thực toàn cầu không chỉ liên quan đến các vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến ý chí chính trị khi ngày càng có nhiều người nghèo đang chật vật chống lại tử thần. Các nhà quan sát cho rằng đây sẽ là một cuộc thử nghiệm để các nhà lãnh đạo toàn cầu thể hiện thái độ sẵn sàng giải quyết tình hình lương thực đang ngày càng xấu đi và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn cầu một cách bền vững./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ