Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phối hợp với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về triển khai thực hiện gói giải pháp kích cầu của Chính phủ.
Theo quy định của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, VDB sẽ cho vay với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc hoặc làm trợ cấp thôi việc cho người lao động bị mất việc trong năm 2009 có số lao động bị giảm từ 30%, hoặc từ 100 lao động trở lên.
Nhiều đại biểu thừa nhận, đây là chính sách có nhiều ưu đãi nhưng đến nay số doanh nghiệp được vay và số vốn cho vay vẫn còn rất ít, chưa tương xứng với thực tế. Một số đại biểu đề xuất nên cho vay cả với lao động mất việc trong năm 2008 vì thời điểm đó doanh nghiệp đã rất khó khăn, lao động mất việc đã xác định lên đến hàng chục ngàn người.
Về phía VDB, ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc VDB khẳng định, nếu Chính phủ cho áp dụng Quyết định 30 với năm 2008, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn cho vay.
Qua khảo sát thực tế, VDB cho biết rất nhiều doanh nghiệp có tâm lý e dè, ngại ngần khi tiếp cận nguồn vốn vay này. Tâm lý chung của doanh nghiệp là khi phải vay vốn tức là thừa nhận mình không còn đủ sức lo cho người lao động, nên sợ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu nhất là đối với những doanh nghiệp lớn.
Đến nay, qua kiểm tra hồ sơ của các doanh nghiệp gửi đến thì mới chỉ có 37 doanh nghiệp đúng đối tượng cho vay theo quy định, trong đó mới có 4 doanh nghiệp có được xác nhận của Sở Tài chính và Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Số vốn được chấp thuận cho vay đến nay chỉ mới chỉ đạt 526 triệu đồng.
Theo ông Dũng, việc cho vay chưa được nhiều là do đối tượng áp dụng chỉ là lao động mất việc trong năm 2009, mà chính sách mới áp dụng được gần 3 tháng nên hiện rất ít đối tượng thuộc diện này. Thông thường, doanh nghiệp sẽ lập phương án sắp xếp lao động cho đến cuối năm 2009 nên chưa thể hoàn thành ngay được. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc luân phiên hay lao động làm việc nhưng chỉ hưởng lương cơ bản nên không được hỗ trợ.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, cái khó của doanh nghiệp hiện nay lại nằm ở việc xác nhận. Sở Tài chính và nhất là Sở Lao động Thương binh và Xã hội đang rất lúng túng trong việc này. Thậm chí, các sở yêu cầu doanh nghiệp phải lập kế hoạch cho cả năm 2009, đây là vấn đề rất khó cho doanh nghiệp nhất là trong điều kiện kinh tế biến động như hiện nay.
VDB dự kiến, từ nay đến hết năm 2009, VDB sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay được một nguồn vốn khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng. Con số này là nhỏ so với 600.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất nhưng rất có ý nghĩa, vì những doanh nghiệp được bảo lãnh là doanh nghiệp không thể vay vốn bình thường ở các ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp./.