Ngày 2-10, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ đối với các sản phẩm giày da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, nhằm xác định xem Trung Quốc và Việt Nam có bán phá giá những mặt hàng này vào thị trường châu Âu hay không.
Với quyết định trên, thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày da của Trung Quốc (16,5%) và Việt Nam (10%), có hiệu lực hai năm qua và dự kiến sẽ chấm dứt vào ngày 7-10 tới, sẽ tự động được gia hạn cho tới khi EC kết thúc quá trình điều tra.
Trước đó, ngày 17-9, trong phiên họp tham vấn của Ủy ban chống bán phá giá với đại diện các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), đã có tới 15 trên tổng số 27 nước thành viên EU phản đối tiến hành rà soát và tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với giày da của Việt Nam và Trung Quốc. Người phát ngôn của Ủy viên Thương mại EU, ông P.Pao-ơ (Peter Power) cũng thừa nhận việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày da Trung Quốc và Việt Nam ảnh hưởng tới người tiêu dùng và phần lớn các doanh nghiệp giày dép châu Âu, nhất là trong bối cảnh lạm phát kinh tế, mặt bằng sinh hoạt đang tăng cao. Bản thân nhiều hiệp hội và tập đoàn sản xuất giày dép hàng đầu thế giới cũng đã kêu gọi EC hủy bỏ hình thức áp thuế chống bán phá giá trên, cho rằng biện pháp này không những ảnh hưởng người tiêu dùng châu Âu mà còn tới ngành sản xuất giày dép hiện đại của châu Âu.
Cho đến nay, EU vẫn là thị trường truyền thống chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành sản xuất giày của Việt Nam, trên Mỹ và Nhật Bản. Trong hai năm qua, giày da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã giảm sút đáng kể do bị áp thuế chống bán phá giá. Cuối năm 2007, EC đã đưa các sản phẩm da giày của Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009 - 2011.