Công ty luật King & Spalding LLP ngày 31/3 đã đệ đơn đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) kiện sản phẩm "túi PE đựng hàng bán lẻ" nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan và Indonesia bán phá giá tại Mỹ.
Công ty Luật King & Spalding LLP là đại diện cho bên nguyên là hai công ty Hilex Poly Co. LLC và Superbag Corporation của Mỹ, đồng thời cũng đệ đơn kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm "túi PE đựng hàng bán lẻ" nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Mỹ, sản phẩm bị kiện là các loại túi nilông có tay cầm được làm từ chất dẻo PE và thường được phát miễn phí cho khách hàng tại các cơ sở bán lẻ, có kiểu dáng, kích thước phong phú, đa dạng. Theo hệ thống mã hài hòa (HTS) của Mỹ, các loại túi PE bị kiện có mã HTS 3923.21.0085.
Trong số 3 nền kinh tế bị kiện lần này chỉ có Việt Nam vẫn bị Mỹ coi là một nền kinh tế phi thị trường (NME) nên bên nguyên đã đề nghị dùng Ấn Độ làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá bình quân của Việt Nam là 30,74% và biên độ tối đa là 75,13%; trong khi đó, biên độ phá giá của Đài Loan lần lượt là 73,94% và 100,33%, còn của Indonesia là 37,45% và 50,90%.
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong năm 2008 kim ngạch xuất khẩu túi PE đựng hàng bán lẻ có tay cầm của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 79 triệu USD.
Với các đơn kiện lần này, bên nguyên đã kiện chống bán phá giá đối với 3 nền kinh tế còn lại trong số 6 nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất mặt hàng túi PE vào Mỹ.
Hồi tháng 6/2003, nhóm nguyên đơn trên cũng đã khởi kiện chống bán phá giá mặt hàng túi PE đối với Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, dẫn đến việc áp dụng thuế chống bán phá giá với mức thuế suất từ 0,20 đến 77,33% đối với Trung Quốc; từ 0,91 đến 101,74% đối với Malaysia và từ 0,62 đến 122,88% đối với Thái Lan./.