Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang thăm chính thức Cộng hoà Áo (từ ngày 2 đến ngày 4/6/2008). Báo Đầu tư đã phỏng vấn TS. Johannes Peterlik, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam về những cơ hội mở ra từ chuyến thăm này.
|
Ông Johannes Peterlik
|
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm chính thức Cộng hoà Áo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đối với quan hệ song phương giữa hai nước?
Chuyến thăm Cộng hoà Áo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới Áo. Chuyến thăm cho thấy, tầm quan trọng ngày một gia tăng mà hai quốc gia dành cho quan hệ song phương. Chúng tôi tự hào được hợp tác và làm việc một cách xây dựng với Việt Nam trong một số lĩnh vực quan trọng như kinh tế, thương mại; nhân quyền, tự do tôn giáo; trao đổi văn hoá và giáo dục.
Những năm gần đây, thông qua các chuyến thăm từ cấp cao nhất cho tới cấp chuyên gia, mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Tôi tin rằng, hai nước sẽ tiếp tục phát triển theo hướng gần gũi nhau hơn, hội nhập kinh tế giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục phát triển thông qua các hoạt động thương mại, đầu tư, trao đổi giáo dục, kỹ thuật, đồng thời cùng hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hoá. Những xu hướng này sẽ giúp xây dựng nền tảng cho một kỷ nguyên hợp tác mới và sâu sắc hơn nữa trong quan hệ giữa hai nước.
Những thoả thuận dự kiến được ký kết giữa chính phủ hai nước trong chuyến thăm là gì, thưa Đại sứ?
Dự kiến có 3 thoả thuận được ký kết. Một là, Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và Phòng tránh các vi phạm tài chính liên quan tới thuế thu nhập và thuế vốn. Hai là, Hiệp định về công nhận văn bằng đại học. Ba là, Ý định thư về các chương trình liên kết đào tạo cấp bằng cử nhân và thạc sĩ về du lịch bền vững và nghiên cứu môi trường.
Đánh giá của Đại sứ về hợp tác thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây và dự báo cho thời gian tới?
Năm 1972, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 16 triệu euro. Năm 2007, sau 35 năm, kim ngạch giữa hai nước đã lên tới gần 300 triệu euro/năm. Trong năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đã tăng gần 18%, đạt 223 triệu euro và xuất khẩu của Áo sang Việt Nam tăng 23%, đạt 68 triệu euro.
Tôi rất vui trước sự cải thiện trong cán cân thương mại giữa hai nước, đặc biệt là sự gia tăng xuất khẩu của Áo sang Việt Nam. Theo tôi, hai nước đã tận dụng được cơ hội từ việc Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong công tác mở rộng quan hệ thương mại. Do có những cải thiện về môi trường đầu tư, các DN lớn của Áo đang tích cực tìm kiếm đầu tư vào những dự án quan trọng ở Việt Nam. Tính đến nay, đã có khoảng 200 DN xuất khẩu của Áo có mặt ở thị trường Việt Nam và 52 công ty Áo đã thiết lập văn phòng đại điện, chi nhánh và liên doanh ở Việt Nam.
Về phía Việt Nam, theo Đại sứ, Chính phủ cần làm gì để có thể thu hút nhiều hơn đầu tư từ Áo?
Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục có các biện pháp cải cách cần thiết để làm tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này bao gồm cả việc nâng cao tính minh bạch ở tất cả các cấp.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ gần đây thông qua một số dự án đầu tư “treo” mà các DN Áo đã phải chờ đợi khá lâu. Tôi tin rằng, những dự án này sẽ giúp cải thiện hơn cán cân thương mại giữa hai nước, bởi đây là những dự án có tác động tích cực đối với xuất khẩu của Áo. Chúng tôi cũng hoan nghênh đầu tư của các DN Việt Nam sang Áo. Chính sách đầu tư của Áo là bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối xử với tất cả đối tác.