Từ lâu, các ngân hàng của Thụy Sỹ nhận được sự tin tưởng gần như tuyệt đối của thế giới, giống như xe hơi sản xuất ở vùng Stuttgart của Đức hay công nghệ phần mềm từ thung lũng Silicon của Mỹ.
Thế nhưng, những biến cố lớn xảy ra trong thời gian qua đã khiến lĩnh vực kinh doanh nhà băng vốn là niềm tự hào của Thụy Sỹ bị thế giới nhìn vào với ánh mắt khác.
Chưa đầy một tuần sau khi thay giám đốc điều hành, UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ - mới đây lại thay thêm chủ tịch hội đồng quản trị. Những thay đổi mạnh mẽ trong đội ngũ lãnh đạo tập đoàn này không gì khác nhằm mục đích phục hồi niềm tin của khách hàng sau khoản thua lỗ kỷ lục mà UBS gánh chịu năm 2008 và vụ bê bối giúp khách hàng Mỹ trốn thuế bị lôi ra ánh sáng vừa qua.
Cùng với tác động tàn phá của khủng hoảng toàn cầu, những vụ việc này không chỉ khiến UBS chao đảo, mà còn khiến cả ngành ngân hàng nói chung của Thụy Sỹ và toàn bộ nền kinh tế nước này “lắc lư” theo.
Trước hết, bản thân quy mô nhỏ bé của đất nước Thụy Sỹ tạo ra một mối nguy lớn, xét trong bối cảnh mà lĩnh vực ngân hàng thế giới đang đối mặt với nguy cơ quốc hữu hóa lớn như hiện nay. Anh và Mỹ đã chi hàng trăm tỷ USD để cứu các ngân hàng trong lần khủng hoảng này. Trong khi đó, nguồn lực của Chính phủ Thụy Sỹ hạn chế hơn nhiều so với các quốc gia trên, ít nhất là xét trong tương quan với tài sản của các ngân hàng.
Bảng cân đối kế toán của UBS hiện có trị giá tới 2.000 tỷ USD, lớn gấp 4 lần GDP của Thụy Sỹ.
Tính chung, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại của Thụy Sỹ tương đương 6,8 lần GDP của nước này, chưa “khủng” bằng mức 9,5 lần ở quốc đảo nhỏ bé Iceland, nhưng lớn hơn nhiều so với mức 0,7 lần ở Mỹ.
“Tình hình hiện nay rất nguy hiểm vì ngành ngân hàng đóng một vai trò tối quan trọng đối với sự thịnh vượng của Thụy Sỹ. Nếu ngành ngân hàng co lại, hậu quả đối với mức sống của người Thụy Sỹ sẽ rất nghiêm trọng”, ông Charles Wyplosz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền tệ và ngân hàng Quốc tế tại Geneva nhận xét.
Ngoài mối nguy trên, ngành ngân hàng Thụy Sỹ lúc này còn đang đối diện với một rủi ro lớn khác.
Những tài khoản của khách hàng được đánh số và gần như vô danh trong các ngân hàng Thụy Sỹ từ lâu vẫn là một yếu tố hấp dẫn trong nhiều bộ phim huyền thoại của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang liên tục gây áp lực làm xói mòn truyền thống bí mật của các nhà băng ở quốc gia này.
Tháng trước, UBS đã phải nộp phạt 780 triệu USD và tiết lộ thông tin của khoảng 300 khách hàng cho Chính phủ Mỹ, sau khi bị các nhà chức trách nước này cáo buộc đã giúp khách hàng Mỹ trốn thuế đối với số tiền 20 tỷ USD. Nếu không chịu nộp phạt và nộp thông tin khách hàng, UBS sẽ đối mặt với khả năng ra hầu tòa ở Mỹ. Vụ việc này thực sự là một đòn giáng vào truyền thống bảo mật của ngành ngân hàng Thụy Sỹ.
Đối với quốc gia châu Âu 7,6 triệu dân này, vụ bê bối thuế má ở UBS đã tạo ra những mối đe dọa sâu sắc đối hoạt động nhà băng - lĩnh vực đóng một vai trò chính đưa Thụy Sỹ vào hàng những quốc gia giàu nhất thế giới. Thống kê cho thấy, ngành dịch vụ tài chính đóng góp 12,5% GDP của Thụy Sỹ, so với mức 5% ở các nước sử dụng đồng Euro và 8,5% ở Mỹ.
Hiện Mỹ vẫn chưa chịu “buông tha” UBS, khi mà Quốc hội nước này tiếp tục có những phiên điều trần để tìm ra cách thức UBS giúp các khách hàng giàu có của Mỹ trốn thuế.
Không thể loại trừ khả năng UBS sẽ phải cung cấp thêm thông tin của nhiều khách hàng nữa cho nhà chức trách Mỹ. Con số khách hàng mà cơ quan điều tra Mỹ muốn UBS phải giao nộp thông tin là 52.000 người, thay vì con số ít ỏi 300 người Mỹ ngân hàng này đã tiết lộ.
Các quan chức của UBS tỏ rõ quyết tâm không mở thêm hồ sơ khách hàng. Trong một tài liệu phục vụ cho phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây, một quan chức của ngân hàng này là Mark Branson tuyên bố, UBS “đã làm tất cả những gì có thể trong việc hợp tác” với cơ quan thuế vụ của Mỹ mà không vi phạm luật pháp của Thụy Sỹ.
Trong khi đó, các chính trị gia tại Zurich thì phàn nàn rằng Thụy Sỹ đang chịu sự đối xử bất công, đồng thời liên tục nhắc tới những “thiên đường thuế” của người Anh ở khu vực Caribbean hay quần đảo Islands - nơi các cơ quan điều tra Anh hay Mỹ chưa “sờ” tới.
Bên cạnh đó, một thực tế khiến các quan chức UBS không kém phần lo lắng là việc khách hàng đang rút dần tiền khỏi két của ngân hàng này. Năm ngoái, khách hàng rút 123 tỷ Franc Thụy Sỹ, tương đương 105 tỷ USD, khỏi bộ phận quản lý tài sản toàn cầu của UBS. Số tiền này ngang với 8% với lượng tài sản của khách hàng mà UBS quản lý.
Dòng vốn chảy ra này, cộng với sự sụt giảm giá trị của các khoản đầu tư như cổ phiếu và trái phiếu trong năm qua, đã khiến tổng giá trị tài sản của các khách hàng tư nhân mà UBS quản lý tính tới cuối năm 2008 chỉ còn 1.400 tỷ USD, so với mức xấp xỉ 2.000 tỷ USD vào cuối năm 2007.
“Lý do chính dẫn tới sự rút vốn là hình ảnh xấu của UBS thời gian qua và những sai lầm mà chúng tôi đã mắc phải, không chỉ ở lĩnh vực giao dịch mà còn ở lĩnh vực quản lý tài sản. Điều này tạo ra sự bất ổn và niềm tin đi xuống của khách hàng”, ông Oswald Grubel, CEO mới của UBS, nhận xét. CEO này cũng thừa nhận việc lấy lại niềm tin của khách hàng sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Năm 2008, UBS lỗ tổng cộng 18 tỷ USD, một con số thua lỗ chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Thụy Sỹ. Hiện số tiền cứu trợ của Chính phủ Thụy Sỹ mà UBS đã nhận là 60 tỷ USD. Giá cổ phiếu của UBS so với mức đỉnh hồi tháng 4/2008 đã giảm mất hơn 2/3.
Trong thời kỳ 2004-2007, GDP của Thụy Sỹ tăng trưởng gần 3%/năm. Tuy nhiên, trong quý 4/2008, GDP nước này tăng trưởng âm 0,6%.
Mức giảm GDP này khiêm tốn hơn nhiều so với độ sụt 6,2% của GDP Mỹ trong quý cuối năm ngoái, nhưng khả năng kinh tế Thụy Sỹ tiếp tục tăng trưởng âm sâu hơn trong năm nay đã trở thành một hồi chuông cảnh báo đối với người dân nước này vốn từ lâu đã không quen với sự bất ổn định. Các chuyên gia cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 2-3% là hiếm gặp ở Thụy Sỹ.