Ngày 3/8, cơ quan bảo vệ môi trường Khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc) đã thông qua dự án xây dựng một nhà máy phong điện công suất 200 MW, với tổng chi phí đầu tư 7 tỷ đô la Hongkong (tương đương 903 triệu USD).
Đây sẽ là nhà máy phong điện ngoài khơi lớn nhất về công suất của châu Á và dự kiến đi vào hoạt động trước năm 2014.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất, nhà máy phong điện này sẽ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu điện năng cho Hongkong.
Tuy nhiên, thời gian qua, dự án này vấp phải sự chỉ trích từ nhiều tổ chức bảo vệ môi trường với lo ngại “lợi bất cập hại” khi xây dựng 67 turbine, cao khoảng 125m nằm cách không đầy 10km so với vịnh Thanh Thủy, nơi được xem là địa điểm hoang sơ hiếm hoi còn sót lại của Hongkong.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư dự án là công ty CLP Holdings (Hongkong) và Wind Prospect (Anh) đã giành được sự ủng hộ của dư luận.
CLP là công ty lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực điện năng của Hongkong và cũng là nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất vào ngành điện của Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, Wind Prospect đã tham gia xây dựng 45 nhà máy phong điện có tổng công suất 1.131 MW trên khắp thế giới, trong đó đáng kể là nhà máy phong điện 90 MW Burbo Bank ngoài khơi phía Tây Bắc nước Anh.
Từ khi ra đời ở thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay, đa số các nhà máy phong điện trên thế giới đặt ở đất liền.
Nhưng vài năm gần đây, nhiều nhà máy phong điện ngoài khơi được xây dựng với những lợi thế như vận tốc gió ngoài khơi cao gấp rưỡi trên đất liền, trong khi mặt bằng trên biển lại rộng rãi, giá trị kinh tế ít hơn so với đất liền./.