NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH
PHỦ SỐ 26/2007/NQ-CP NGÀY
07 THÁNG 05 NĂM 2007
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM
2007
Trong
hai ngày 3 và 4 tháng 5 năm 2007, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4, bàn và
quyết nghị những vấn đề sau:
1.
Chính phủ đã nghe dự thảo
Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005 do Bộ tài chính trình; nghe Tổng
kiểm toán nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán năm 2005.
Năm 2005, hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước được
thực hiện theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ thu, chi
ngân sách nhà nước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thu ngân sách vượt dự
toán, bảo đảm nguồn chi để tăng chi cho đầu tư phát triển và các nhu cầu kinh
tế -xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; kinh phí cho phòng, chống, khắc phục
hậu quả thiên tai, dịch bệnh; trả nợ vay trong nước và thực hiện các chế độ,
chính sách xã hội, cải cách tiền lương. Bội chi ngân sách nhà nước được duy trì
ở mức Quốc hội cho phép.
Tuy
nhiên, qua kết quả kiểm toán cho thấy việc quản lý ngân sách nhà nước vẫn còn
một số vấn đề tồn tại. Tình trạng nợ đọng thuế còn nhiều, thất thu còn lớn ở
một số địa bàn, lĩnh vực, nhất là đối với hoạt động kinh doanh bất động sản,
thu thuế của người có thu nhập cao... Việc bố trí vốn còn dàn trải, phân tán,
giải ngân chậm, tình trạng chi tiêu lãng phí, không đúng mục đích, sai chế độ
còn nhiều.
Từ
những kinh nghiệm được rút ra trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2005, Chính
phủ yêu cầu:
- Các
Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Ngân sách
nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu, chi bảo đảm thu, chi đúng luật pháp,
đúng chế độ, định mức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường các
giải pháp làm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, giải quyết tình trạng nợ
đọng xây dựng cơ bản.
- Bộ
Tài chính tiếp tục kiểm tra, yêu cầu các địa phương giải trình rõ các khoản chi
hành chính vượt dự toán ngân sách, để bảo đảm chi đúng quy định; phối hợp với
Kiểm toán nhà nước đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý ngân sách nhà nước.
-
Tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán, bảo đảm mọi khoản chi từ ngân sách nhà
nước đều phải được kiểm toán.
Chính
phủ cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo quyết toán; giao Bộ Tài chính
chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên
Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, hoàn chỉnh Báo cáo. Bộ trưởng Bộ Tài chính
thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo này.
2.
Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ
Xây dựng trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp để thực
hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hỏng, xuống cấp; nghe Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp các ý kiến của thành
viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết.
Theo
số liệu thống kê, hiện nay cả nước có hơn 3 triệu mét vuông nhà chung cư cũ được
xây dựng từ trước năm 1991. Trong nhiều năm qua, các khu chung cư này đã đóng
vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công nhân,
viên chức tại khu vực đô thị, nhưng đến nay, nhiều khu chung cư cũ đang ở tình
trạng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của người dân và môi
trường, cảnh quan đô thị, cần phải được cải tạo, xây dựng lại.
Giao
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tiếp thu ý
kiến các thành viên Chính phủ và địa biểu dự họp để hoàn chỉnh dự thảo Nghị
quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện việc
xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp, trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét ban hành.
3. Chính phủ nhất trí thông qua đề án Phát hành
Trái phiếu Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế năm 2007 và dự thảo
Nghị quyết của Chính phủ về Phát hành Trái phiếu Chính phủ Việt Nam ra thị
trường vốn quốc tế năm 2007 do Bộ Tài chính trình. Giao Văn phòng Chính phủ
hoàn chỉnh các thủ tục để trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết trên.
4. Chính phủ nghe dự thảo Pháp lệnh Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thi hành án phát tù năm 1993 do Bộ Công
an trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến
thành viên Chính phủ về dự thảo Pháp lệnh.
Pháp
lệnh thi hành án phạt tù được Quốc hội thông qua năm 1993 là cơ sở pháp lý quan
trọng trong lĩnh vực thi hành án phạt tù và quản lý nhà nước về thi hành án.
Qua 14 năm thực hiện, Pháp lệnh đã có tác dụng tốt trong việc bảo đảm thực hiện
nghiêm các quy định của pháp luật và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, giữ ổn
định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù
năm 1993 đến nay đã bộc lộ nhiều vướng mắc, một số quy định không còn phù hợp
với thực tiễn và với hệ thống pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho công tác tổ
chức thi hành án phạt tù, cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Giao
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý
kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh, trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
5.
Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ
Nội vụ trình Báo cáo về tình hình thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước Trung
ương-Địa phương theo Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP nngày 30 tháng 6 năm 2004, Báo
cáo thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 4 năm 2007.
Về cơ
bản, Chính phủ nhất trí với các Báo cáo trên và đánh giá cao những kết quả đạt
được trong việc triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước mà Nghị quyết số
08/2004/NQ-CP đã đề ra. Tuy còn một số hạn chế, nhưng phạm vi phân cấp đã được
triển khai khá đồng bộ, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực thuộc trách nhiệm
của Chính phủ. Kết quả trên đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, giảm dần những hoạt động có
tính tác nghiệp, sự vụ để tập trung vào nhiệm vụ hoạch định chính sách, thể
chế, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện; tạo tiền đề cho việc cải cách thủ tục hành chính ngày càng thuận lợi,
thông thoáng, đáp ứng yêu cầu của dân và doanh nghiệp trong đời sống và sản
xuất, kinh doanh.
Thực
hiện chương trình cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
trong lĩnh vực, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát
để phân cấp và ủy quyền mạnh hơn. Việc phân cấp phải gắn trách nhiệm với thẩm
quyền, kết hợp việc rà soát chức năng nhiệm vụ với cải cách hành chính, nhất là
các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và giải quyết những vấn đề bức xúc của
nhân dân; thực hiện công khai, minh bạch các quy trình giải quyết công việc.
Giao
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan
liên quan dự thảo Nghị định của Chính phủ về các nội dung tiếp tục thực hiện
phân cấp và ủy quyền trong quản lý nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét
ban hành trong quý II năm 2007.
6.
Chính phủ nghe Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện công tác cải cách
hành chính trong quý I năm 2007.
Trong
quý I, công tác cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành
chính bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cải cách không chỉ tháo
gỡ những vướng mắc về thủ tục, đặc biệt là các thủ tục trong lĩnh vực quản lý
đất đai, đầu tư, xây dựng, đăng ký kinh doanh... cho người dân và doanh nghiệp
mà còn có tác dụng thiết thực trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành
chính và đổi mới lề lối làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong
thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này;
tiến hành thành lập Tổ rà soát các thủ tục hành chính, tiếp tục nghiên cứu, lấy
ý kiến rộng rãi của các đối tượng thi hành để cải tiến, sửa đổi các thủ tục
hành chính có liên quan theo hướng ngày càng đơn giản, thuận tiện và nhanh
chóng.
Đối
với các dự án đầu tư có quy mô lớn ở các địa phương cần phải tiến hành nhiều
thủ tục hành chính, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lập nhóm công
tác để giúp địa phương giải quyết nhanh các thủ tục có liên quan để triển
khai dự án.
Văn
phòng Chính phủ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương trong
việc rà soát sửa đổi các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch các
quy trình giải quyết công việc liên quan đến dân và doanh nghiệp; thực hiện
giao ban định kỳ với các bộ, tổ chức việc báo cáo và tổng hợp báo cáo để hàng
quý có Báo cáo trình Chính phủ về công tác này.
7. Chính phủ nghe Báo cáo Tình hình thực hiện
kế hoạch kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2007 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư
trình; Báo cáo Tình hình thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2007 do Bộ Thương
mại trình; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý I năm
2007 và Báo cáo Công tác phòng chống tham nhũng tháng 4 năm 2007 do Thanh tra
Chính phủ trình.
Tình
hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2007, vẫn tiếp tục duy trì được
xu hướng phát triển tích cực. Trong đó, nổi bật là thu hút vốn đầu tư nước
ngoài đạt khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Các hoạt động xã hội tiến triển tốt, không xảy ra các dịch bệnh lớn. Công tác
phòng, chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đang được triển
khai tích cực ở các Bộ, ngành, địa phương và có kết quả bước đầu. Tuy nhiên,
những khó khăn, hạn chế trong 4 tháng đầu năm cũng còn nhiều: tình hình khô hạn
có khả năng tiếp tục kép dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và phát điện,
tỷ lệ nhập siêu còn cao, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư từ vốn
ngân sách nhà nước, vốn tín dụng nhà nước, vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ
còn chậm; tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông
tăng cả về số vụ và số người chết, nhất là trong những ngày nghỉ lễ vừa qua...
Để
hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007, Chính phủ yêu cầu các
bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các
giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước đã đề
ra trong Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng
mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất
khẩu, đồng thời tập trung chỉ đạo các biện pháp kiểm soát kinh tế vĩ mô và giá
cả thị trường, không để tăng giá đột biến, nhất là đối với giá xăng dầu; tiếp tục
đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án
quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu
tư, nhất là các dự án quan trọng quốc gia; nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn
vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ. Khẩn trương hoàn thành các văn bản pháp
lý trong lĩnh vực chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm; khẩn trương kết luận
và xử lý nghiêm minh các vụ việc đang thanh tra, đôn đốc để sớm đưa ra xét xử
công khai các vụ án mà xã hội đặc biệt quan tâm. Tăng cường chỉ đạo thực hiện
tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm
thiểu tai nạn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự;
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan bảo vệ an toàn và tổ chức thành
công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XII.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng