Ngày 06/08/2009-13:36:00 PM
Trong hai ngày 4-5/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7/2009, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, dự báo tình hình và thống nhất các giải pháp điều hành trong tháng 8 và các tháng cuối năm. Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao sự cố gắng của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng.
Kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất nông – công nghiệp tăng
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ nhất trí, sản xuất công nghiệp tăng liên tục, trừ tháng 1/2009 có tốc độ tăng trưởng âm, 6 tháng còn lại giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng nhanh qua từng tháng. Tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 382,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1%. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: Quảng Ninh tăng 11,5%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 10,5%; Thanh Hóa tăng 8,1%; Cần Thơ tăng 7,9%; Đồng Nai tăng 7,3%; Khánh Hòa tăng 7%; Hải Phòng tăng 6,8%; Bình Dương tăng 6,5%,....
Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao. Khối lượng vận chuyển hàng hoá 7 tháng năm 2009 ước đạt 367,8 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Tuy trong tháng 7, mưa lũ lớn trên diện rộng ở đồng bằng và trung du, miền núi Bắc Bộ ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ mùa, song nhìn chung sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá ổn định.
Điều đáng mừng, chỉ số giá tiêu dùng tương đối ổn định, tháng 7 chỉ tăng 0,52% so với tháng trước. So với tháng 12 năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 3,22%.
Sau 7 tháng, có 510 dự án đầu tư nước ngoài được đăng ký mới với tổng vốn đạt 10,1 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới là 5,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị vốn ODA được ký kết đạt 2,18 tỷ USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2008; tổng số vốn giải ngân 7 tháng qua ước đạt 1,47 tỷ USD – tương đương 78% kế hoạch năm, gần 48.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong 7 tháng đầu năm giảm sút khá lớn so với cùng kỳ, ước đạt 207,6 nghìn tỷ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thành viên Chính phủ cũng phân tích, đánh giá những tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu gây không ít khó khăn cho nền kinh tế, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và xuất khẩu. 7 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 32,35 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập siêu trong 7 tháng đầu năm khoảng 3,38 tỷ USD, tương đương 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây là chỉ số thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thuỷ sản, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…đều sụt giảm khi hầu hết các thị trường đều bị thu hẹp mạnh.
Về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác, các thành viên Chính phủ cho rằng, tuy gặp nhiều khó khăn, song đạt được những kết quả đáng kể, kịp thời cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai, thiếu đói, đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho trên 1,26 triệu người thuộc diện trợ cấp xã hội thường xuyên.
Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác kiểm dịch y tế, nhanh chóng phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) và cho đến hết tháng 7 không có trường hợp nào tử vong.
Các ngành, các cấp, doanh nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 122 nghìn lượt người, bằng 87,1% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó xuất khẩu lao động đạt 5.700 người, bằng 81,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách, người có công.
Trong tháng 7, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiêm túc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, với trên 2,1 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Kỳ thi được tổ chức tốt, bảo đảm bí mật đề thi, an toàn và trật tự. Đến nay, hầu hết các trường đã công bố kết quả thi tuyển sinh.
Các thành viên Chính phủ cùng chung nhận định, tình hình kinh tế, xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tuy còn nhiều khó khăn nhưng tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp ổn định, ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và liên tục tăng trưởng trong 6 tháng qua; khu vực dịch vụ, đặc biệt là thị trường trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, trong từng ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn, nhất là hoạt động xuất khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số tiền tệ, tín dụng tăng, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh gây tái lạm phát...
Thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng
Chủ trì và kết luận phần thảo luận kinh tế - xã hội 7 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với đánh giá của các thành viên Chính phủ.
Thủ tướng cho rằng, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chú ý đến công tác phân tích, dự báo nên đã đánh giá đúng tình hình khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, xác định mục tiêu phù hợp và đề ra các giải pháp thích hợp.
Thủ tướng hoan nghênh sự nỗ lực quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để đạt được những thành quả đáng khích lệ như nêu trên, tạo sự chuyển biến tích cực, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực,.
“Để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bội chi ngân sách dưới 7%, tăng trưởng GDP hơn 5%, đảm bảo an sinh xã hội, cần phải cố gắng nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp kích thích nền kinh tế mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua, nhất là các chính sách tài chính, tiền tệ, miễn, giảm, giãn thuế, điều hành linh hoạt thị trường mở, tích cực hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay sản xuất, kinh doanh, mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp, các khoản vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách... cần tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất.
Để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng giao Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tổng quan tình hình, sớm đề suất ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành tỷ giá, cân bằng cán cân thành toán, cân đối hài hòa lợi nhuận của các ngân hàng và các công ty sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương phải chú trọng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước cần đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là nông sản, gạo, cá tra - basa, hoa quả. Trong đó, chú ý xây dựng bến bãi, kho ngoại quan, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Tập trung giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ ODA, đặc biệt chú ý kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện…”, Thủ tướng lưu ý.
Để đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc chỉ đạo quyết liệt trong việc hỗ trợ cho 61 huyện nghèo. Ngành Y tế tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A (H1N1), đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân để nâng cao khả năng tự tránh, tự phòng.
Thủ tướng giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế phối hợp với các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc bảo vệ rừng, nhất là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nhất là xả ra bên ngoài nước thải công nghiệp, rác y tế; cố gắng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa việc giết mổ lợn ở các đô thị vào nề nếp.
Thủ tướng cũng nhắc nhở lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết tốtđiểm nóng về khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách hành chính, nhất là cải tiến các thủ tục hải quan, đẩy nhanh việc công bố Bộ thủ tục hành chính của Bộ, ngành mình. Tai nạn giao thông trong 7 tháng giảm, nhưng không được lơ là, đồng thời tăng cường phòng chống thiên tai, bão lụt. Ngành Giáo dục chuẩn bị tốt cho việc khai giảng năm học mới. Các Bộ trưởng cần dành nhiều thời gian hơn để hoàn thành hơn 50 dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần chú ý xây dựng kế hoạch năm 2010 và 5 năm tới, nhất là kế hoạch huy động nguồn vốn, kế hoạch đầu tư đồng thời cần chủ động cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan thông tin, truyền thông.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, một số dự án Luật: Thuế tài nguyên, Nuôi con nuôi. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Tiếp cận thông tin...do các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo trình./.
Việt Đông Cổng thông tin điện tử Chính phủ
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|