Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/04/2009-09:57:00 AM
G-20 có tìm được "thần dược" cho kinh tế thế giới?

Nôn nóng đi đến một sự đồng thuận, nhưng lại bất đồng về cách thức đưa kinh tế thoát khỏi thời kỳ suy thoái, lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ngày 31/3 bắt đầu tới thủ đô London (Anh) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 với hy vọng mong manh tìm được "thần dược" để chặn đứng nguy cơ nổ ra một cuộc "Đại suy thoái" như hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Các cuộc thương lượng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra gay gắt cho tới phút chót, và những nỗ lực ngoại giao tìm kiếm sự đồng thuận của Thủ tướng nước chủ nhà Gordan Brown dường như không mang lại kết quả.

Diễn biến mới nhất là việc Nhật Bản "bỏ ngoài tai" cảnh báo của Đức về những rủi ro khi tăng chi tiêu nhà nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Trả lời phỏng vấn của "Thời báo Tài chính", Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho biết với kinh nghiệm 15 năm qua, Nhật Bản biết cần phải làm gì, trong khi Mỹ và các nước châu Âu lần đầu tiên phải đối mặt với tình huống này.

Theo ông, đó là lý do tại sao Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các biện pháp phối hợp kích cầu giữa các nước sẽ tạo ra một sự phục hồi không ổn định cho kinh tế thế giới. Đức và Pháp muốn cải tổ hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới, trong khi Mỹ và Anh đề xuất "tung" thêm tiền để đối phó khủng hoảng kinh tế.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố sẽ rút khỏi hội nghị mà không ký tuyên bố chung nếu những đề xuất của Pháp về cải tổ hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế không được giải quyết. Trước đó, ông đã nhiều lần nhắc đến "một chiếc ghế trống" nếu Pháp không đạt được mục tiêu của mình tại hội nghị này, hàm ý việc cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulles tẩy chay Cộng đồng kinh tế châu Âu năm 1965.

Như thể đoán trước diễn biễn hội nghị, Mỹ thừa nhận các nước ủng hộ ý tưởng gói kích thích kinh tế của Washington sẽ không cam kết tăng chi tiêu mạnh mẽ, trong khi các nước châu Âu không dễ dàng từ bỏ hy vọng siết chặt các qui định tài chính.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo G-20 sẽ công bố một lập trường chung có giới hạn, bao gồm tăng nguồn quỹ hỗ trợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kiểm soát chặt các quỹ có nguy cơ rủi ro cao cũng như các hành vi trốn thuế. Đối với những vấn đề lớn hơn, họ chỉ trông chờ kết quả tốt nhất hoặc hy vọng chí ít không làm hỏng kết quả hội nghị.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xoa dịu sự bức xúc của Pháp khi nói rằng ông sẵn sàng tăng cường thực thi các nguyên tắc quản lý tài chính chặt chẽ hơn và chấp nhận những cáo buộc rằng Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Hòa giọng trong "dàn đồng ca không kỳ vọng" vào thành công đột biến tại Hội nghị London, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cảnh báo không nên mong chờ vào những điều thần kỳ từ Hội nghị London, đồng thời gợi ý G-20 tổ chức một cuộc gặp tương tự khác trong năm nay để khôi phục kinh tế toàn cầu.

Tham gia diễn đàn tìm giải pháp cho những khó khăn kinh tế thế giới lần này, ngoài 8 nền kinh tế mạnh nhất thế giới từng chi phối các diễn đàn kinh tế trước đây còn có các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Arập Xêút. Đây cũng là lần đầu tiên các nước mới nổi và đang phát triển giữ vai trò quan trọng trong một diễn đàn kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, với những diễn biến mới đây, các nhà quan sát dự đoán Hội nghị London lần này có thể là một sân khấu mà "các bài hát thì hay nhưng ca sĩ trình diễn sai". Hội nghị có thể kết thúc với những thỏa thuận "dài về nguyên tắc, nhưng ngắn về chi tiết"./.


TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 793
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)