Báo cáo số 82/TH-BC ngày 20/3/2007 của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.
Quý I/2007, là quý có một số ngày được nghỉ theo quy định của tết cổ truyền song, mọi hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ổn định và phát triển. Các ngành, các cấp chủ động chỉ đạo, tổ chức cho nhân dânđón xuân mới vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm. Sản xuất Nông nghiệp vụ Đông do gặp mưa đá gây thiệt hại mất trắng một số diện tích, làm sản lượng, năng suất cây trồng giảm; sản xuất vụ Xuân đã cơ bản gieo trồng hết diện tích, cây trồng phát triển bình thường. Sản xuất Công nghiệp có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước do các Doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định, số Doanh nghiệp đầu tư mới, nâng cấp mở rộng sản xuất ngày càng tăng. Các ngành Dịch vụ hoạt động kinh doanh sôi động, thị trường hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết. Tuy vậy, giá cả một số hàng hoá và dịch vụ biến động tăng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn ổn định.
Tình hình cụ thể ở một số ngành, lĩnh vực chủ yếu như sau:
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH
1. Sản xuất Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản
- Sản xuất Nông nghiệp
Diện tích gieo trồng cây vụ Đông đạt 21,83 ngàn ha bằng 76,61% kế hoạch vụ và -21,83% so vụ Đông năm trước. Diện tích gieo trồng vụ Đông giảm chủ yếu do ảnh hưởng mưa đá ở đầu vụ gây thiệt hại và mất trắng trên 6,1 ngàn không có khả năng phục hồi; một số loại cây có diện tích giảm mạnh như đậu tương, khoai lang... Vụ đông năm nay, hầu hết các cây trồng đều giảm cả về diện tích, năng suất, sản lượng so vụ đông năm trước và kế hoạch vụ. Kết quả thu hoạch một số cây trồng chủ yếu vụ đông như sau: Cây ngô cho thu hoạch 12,4 ngàn ha -15,29%, năng suất 32,63 tạ/ha -12,18%, sản lượng 40,48 ngàn tấn -25,61%; cây đậu tương cho thu hoạch 2.217 ha -55,39%, năng suất 13,38 tạ/ha -10,46%, sản lượng 2.966,6 tấn -60,06%so cùng kỳ. Sản lượng một số cây trồng khác: Rau các loại 56,1 ngàn tấn-20,85%; lạc 382,8 tấn -16,95% so cùng kỳ. Một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được trồng tăng hơn như: hoa, cây cảnh 432,9 ha +5,35%.
Tính đến 15/3/2007, diện tích lúa Xuân đã cấy đạt trên 34,7 ngàn ha bằng 100,61% so kế hoạch và +1,95% so cùng kỳ. Công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ được thực hiện tốt; các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt được sử dụng tăng. Diện tích gieo trồng một số cây khác: Cây ngô xuân 1.718,4 ha +42,72%; đậu tương 730,5 ha -16,79%, lạc 2.915,8 ha 45,43%, rau xanh 2.404,6 ha +9,82%... riêng cây thanh hao hoa vàng chỉ đạt 161,1 ha giảm mạnh so cùng kỳ do năm trước gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên bà con không gieo trồng. Do được chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cây trồng vụ Xuân phát triển khá tốt.
Sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ổn định, không có dịch bệnh xảy ra; tuy vậy do nguy cơ tái phát rất cao nên công tác phòng dịch luôn được các địa phương và cơ quan chức năng thực hiện. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lượng vacxin cần thiết để tiêm phòng đợt 1 cho đàn súc và gia cầm.
- Sản xuất Lâm nghiệp
Đến nay, các đơn vị lâm nghiệp đã chính thức được giao kế hoạch trồng rừng tập trung năm 2007 với diện tích chung toàn tỉnh là 824 ha. Hầu hết các đơn vị từ đầu năm đến nay đều tập trung làm công tác chuẩn bị như khảo sát thực địa, chăm sóc cây giống đã ươm, chuẩn bị cuốc hố. Các đơn vị cũng đã ươm được trên 1 triệu cây giống các loại gồm keo lai, bạch đàn, thông Mã Vĩ, thông Caribe và 1 số loại cây bản địa. Phong trào trồng cây phân tán đầu xuân được duy trì; các địa phương đã trồng được 131,3 ngàn cây, trong đó có 78,3 ngàn cây lâm nghiệp. Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các đơn vị, các địa phương có rừng thực hiện, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo kịp thời; trong kỳ xảy ra 2 vụ cháy nhỏ, thiệt hại không đáng kể.
- Sản xuất Thuỷ sản
Quý I/2007, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thu hoạch sản lượng thuỷ sản nuôi từ năm trước, chuẩn bị diện tích cho vụ nuôi trồng năm nay. Các đơn vị, hộ nuôi trồng giống thuỷ sản đẩy mạnh nuôi vỗ đàn cá bố mẹ và cho đẻ; đến nay riêng Chi cục Thuỷ sản Vĩnh Phúc đã sản xuất được 50 triệu cá bột các loại. Các dự án nuôi trồng thuỷ sản đã được các cơ quan chức năng lập và chuẩn bị đầu tư. Dự án cải tạo vùng trũng kết hợp nuôi thuỷ sản tiếp tục được triển khai: dự án cải tạo đầm Nhị Hoàng (Tam Dương), Sáu Vó (Yên Lạc) Văn Khê (Mê Linh), cải tạo kênh tiêu vùng bãi kết hợp nuôi thuỷ sản tại Vĩnh Tường...
2. Công nghiệp - Xây dựng
- Sản xuất Công nghiệp
Quý I/2007, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (không tính công nghiệp do ANQP, Điện lực quản lý) theo giá CĐ1994 dự kiến đạt 5.640,5 tỷ đồng +44,43% so cùng kỳ và đạt 24% kế hoạch năm. Khu vực kinh tế Nhà nước thực hiện đạt 214,9 tỷ đồng +48,42%, kinh tế ngoài Nhà nước 758,6 tỷ +23,76% và khu vực (FDI) 4.666,9 tỷ +49,71% so quý I/2006. Phân theo ngành Công nghiệp cấp I: công nghiệp khai thác mỏ đạt 7,8 tỷ đồng +34,27%; công nghiệp chế biến 5.630,2 tỷ +44,46% và công nghiệp sản xuất phân phối nước 2,5 tỷ +21,23% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp quý I/2007 tăng khá do số dự án hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất tăng, một số dự án tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, chủng loại sản phẩm phong phú, sản phẩm mới được sản xuất ngày càng tăng. Sản phẩm chủ yếu của công nghiệp trong nước quý I/2007 nhìn chung đều tăng so cùng kỳ, nhất là các sản phẩm truyền thống như quần áo may sẵn (+22,56%), gạch ốp lát (+53,02%)... Khu vực FDI dự kiến quý I/2007 sản xuất được 4.175 xe ô tô các loại +60,33%; 285,1 ngàn xe máy +56,0%; xăm lốp xe máy 1.899 ngàn chiếc +27,02%; phanh xe máy 1.283 ngàn chiếc +75,51%; thức ăn gia súc gia cầm 22,88 ngàn tấn +62,59% so cùng kỳ...
- Xây dựng cơ bản
Quý I/2007, Nhà nước đã kịp thời giao kế hoạch vốn đầu tư cho các công trình, hạng mục công trình trên địa bàn tỉnh. Dự kiến vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Nhà nước do Địa phương quản lý thực hiện dự kiến đạt 194,4 tỷ đồng +15,49% so cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách Nhà nước đạt 176,7 tỷ đồng chiếm 90,9% và +22,71%, còn lại là nguồn vốn vay từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Trong quý trên địa bàn tỉnh số công trình, dự án có vốn đầu tư lớn khởi công mới không nhiều, vốn đầu tư thực hiện chủ yếu ở các công trình chuyển tiếp thuộc lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi. Tại một số địa phương trong tỉnhđã khởi công một số công trình, dự án như: Nhà điều hành và lớp học trường THPTTam Dương; Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tam Dương; hạ tầng chợ ở Yên Lạc; Trường Tiểu học xã Quang Sơn - Lập Thạch và 1 số công trình khác thuộc huyện Lập Thạch với tổng dự toán trên 9,2 tỷ đồng.
Quý I/2007, ngành xây dựng trên địa bàn có kết quả sản xuất đạt khá. Dự kiến giá trị sản xuất ngành xây dựng trong quý đạt 285,2 tỷ đồng +15,38% so cùng kỳ. Các Doanh nghiệp xây lắp Nhà nước thực hiện khá so cùng kỳ (+26,28%) do công tác cổ phần hoá đã hoàn thành, các đơn vị đi vào sản xuất ổn định. Kinh tế Tư nhân dự kiến đạt 207 tỷ đồng +29,65% chủ yếu do số Doanh nghiệp hoạt động xây dựng tăng nhanh, ký được nhiều hợp đồng, tuy vậy số hợp đồng có giá trị lớn chưa nhiều. Kinh tế Cá thể thực hiện giảm do năng lực cạnh tranh thấp, các công trình dân sinh ít, giá trị nhỏ.
3. Các ngành Dịch vụ
- Giao thông vận tải
Quý I/2007, tình hình kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh ổn định và phát triển; so với cùng kỳ hoạt động vận tải tăng khá cả về khối lượng vận chuyển, luân chuyển và doanh thu. Dự kiến vận tải hàng hoá đạt 2.607 ngàn tấn bằng 113,9 triệu tấn km, so với cùng kỳ +23,1% về tấn và +15,62% về tấn km. Vận tải hành khách đạt 1.670 ngàn lượt hành khách bằng 166 triệu lượt hành khách km, so cùng kỳ +35,22% về hành khách và +38,01% về hành khách km. Tổng doanh thu vận tải trên địa bàn đạt 136,1 tỷ đồng +21,96% so cùng kỳ, trong đó vận tải đường bộ thực hiện 120,4 tỷ +22,63%; vận tải đường sông 15,7 tỷ đồng +17%. Hiện nay giá xăng dầu biến động theo sự điều chỉnh của Nhà nướcnên có sự tác động làm tăng chi phí của ngành vận tải, dẫn đến việc tăng giá cước là khó tránh khỏi; song các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm trị những trường hợp bắt chẹt khách, tăng giá tùy tiện, vận chuyển quá tải...
- Thương mại giá cả
Quý I/2007, hoạt động thương mại trên thị trường xã hội phong phú, đa dạng, tuy giá cả có sự biến động do nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ dự kiến đạt 1.473 tỷ đồng +42,33% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ tăng một phần do nhu cầu, sức mua của nhân dân tăng, mặt khác cũng do ảnh hưởng của yếu tố giá tăng. Các thành phần kinh tế có mức bán lẻ thực hiện đều tăng: kinh tế Nhà nước thực hiện92,78 tỷ +58,96%, kinh tế Tư nhân 426,95 tỷ +53,83% và kinh tế Cá thể 952,5 tỷ +36,69%. Tổng mức bán lẻ trong quý tăng, phản ánh tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, tăng khá; sức mua của dân cư tăng cho thấy thu nhập và đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên.
Xuất, nhập khẩu quý I/2007 có nhiều thuận lợi và tăng cao so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên lãnh thổ dự kiến đạt 72,2 triệu USD +60,47% so cùng kỳ. Trong đó kinh tế Nhà nước thực hiện 2,4 triệu USD tăng cao, kinh tế Tư nhân 12,8 triệu +72,05% và khu vực (FDI) xuất đạt 57,1 triệu +52,86% so cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ít biến động, chủ yếu tập trung vào hàng nông sản, giày dép, hàng dệt may; khu vực FDI với các mặt hàng xe máy, phụ tùng xe máy và ô tô có giá trị xuất tăng nhanh. Xuất khẩu trên dịa bàn tăng khá nhanh nguyên nhân là do số Doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu tăng, nhất là khu vực FDI; mặt hàng xuất ngày càng đa dạng có giá trị cao. Kim ngạch nhập khẩu trên lãnh thổ dự kiến đạt trên 207,6 triệu USD +76,18% so cùng kỳ, trong đó khu vực FDI nhập 198,8 triệu USD77,2%; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gia công.
Do tác động của quy luật cung cầu trong dịp tết, cùng với việc Nhà nước thực hiện cải tiến chế độ tiền lương... nên chỉ số giá tiêu dùngtrong 3 tháng đầu năm 2007 tăng 3,55%, đây là mức tăng cao nhưng vẫn thấp hơn so quý I/2006. Trong đó: hàng ăn và dịch vụ ăn uống +5,28%; lương thực +13,11%, thực phẩm +4,98%, hàng phi lương thực, thực phẩm +2,03% và dịch vụ +3,84%. Giá bình quân trong quý so với quý I/2006 +6,77%, trong đó hàng lương thực +15,27%, thực phẩm +2,69%; nhà ở, điện nước, chất đốt vật liệu xây dựng +5,63%. Giá lương thực tăng chủ yếu ở nhóm hàng thóc gạo, nguyên nhân chủ yếu là do tiêu dùng dịp tết tăng và do sản xuất vụ đông đạt không cao. Gía thực phẩm tăng cao trong dịp tết, sau tết vẫn giữ do nhu cầu sử dụng trong và sau tết tăng, tuy vậy hiện nay đã dần ổn định. Giá vàng tiếp tục tăng, tháng 3/2007 +1,21% so tháng trước và +15,72% so cùng kỳ; bình quân trong quý I/2007 +3,6% so quý I/2006; giá bán bình quân quý I/2007 là 1.242 ngàn đồng/chỉ. Giá đô la Mỹgiảm nhẹ, trong tháng 3/2007 chỉ số -0,22% so tháng trước, bình quân trong quý I/2007 +0,71% so quý I/2006.
- Tài chính, Tín dụng
Tổng thu ngân sách trên địa bàn quý I/2007 dự kiến đạt 1.142,6 tỷ đồng +18,34% so cùng kỳ và đạt 23,7% dự toán năm do HĐND giao. Trong đó thu từ kinh tế Nhà nước đạt 11 tỷ +5,58%; kinh tế ngoài Nhà nước 43,2 tỷ +21,05%; thu từ khu vực (FDI)750 tỷ +25,29%; thu thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 260 tỷ +5,52%. Tổng chi ngân sách quý I/20006 dự kiến đạt 463,4 tỷ đồng +19,87%. Nhìn chung các khoản chi đều tăng như: chi XDCB (+19,99%), chi sự nghiệp kinh tế (+22,37%), chi sự nghiệp giáo dục đào tạo (+25,45%), sự nghiệp y tế (+17,1%); sự nghiệp văn hoá thể thao (+64%), chi quản lý hành chính (+11%)... Một trong những nguyên nhân chi ngân sách tăng là do Nhà nước cải tiến tiền lương nên khoản chi lương cho các đối tương hưởng lương từ ngân sách , mặt khác các khoản chi trong dịp tết cổ truyển đều tăng.
Quý I/2007 các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, một số chi nhánh các ngân hàng ngoài quốc doanh đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư. Tính đến hết tháng 2/2007, toàn ngành ngân hàng đã huy động được 4.340,5 tỷ đồng vốn các loại +4,88% so đầu năm, trong đó tăng cao là nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm (đạt 2.283,4 tỷ và +11,79%). Công tác cho vay trong nền kinh tế ngày càng được tăng cường với nhiều cải tiến; đến hết tháng 2/2007 toàn ngành tín dụng, ngân hàng dư nợ cho vay đạt 5.690,5 tỷ +0,31% so đầu năm; chủ yếu tăng ở dư nợ cho vay trung và dài hạn.
II. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI
- Tình hình đời sống dân cư
Quý I/2007, đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh ổn định và được cải thiện, mức sinh hoạt của nhân dân tăng, số hộ nghèo giảm, tình trạng thiếu đói giáp hạt không còn. Năm 2006 toàn tỉnh còn trên 38,4 ngàn hộ nghèo chiếm 14,9%, tỉnh phấn đấu năm 2007 hạ tỷ lệ này xuống còn 12,54%. Năm 2007, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng từ 2000 đến 2500 nhà Đại đoàn kết với mức hỗ trợ 8 triệu đồng/nhà cho các huyện miền núi, 7 triệu/nhà cho các huyện, thị còn lại.
Trong dịp năm mới nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tổ chức đón tết cổ truyền vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Lượng hàng hoá phục vụ tết phong phú và đa dạng không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá. Nhân dịp tết cổ truyền, tỉnhvà các địa phương đã trích ngân sách trên 6 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách; các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các cụ thọ cao tuổi; các già làng, trưởng bản; trẻ em lang thang cơ nhỡ; các gia đình có chồng, con là bộ đội công an ở biên giới, hải đảo và tổ chức đi thăm chúc tết, tặng quà cho các trung tâm thương binh, trung tâm từ thiện... Ngoài ra các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cũng tích cực ủng hộ, tặng quà cho các đối tượng gia đình người lao động gặp khó khăn, chúc tết các Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Nhằm hỗ trợ cho vùng nghèo, người nghèo, công tác cho vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh đã được các đơn vị có thẩm quyền chú trọng thực hiện. Tính đến hết 28/2/2007, toàn tỉnh đã có trên 54 ngàn hộ nghèo được vay vốn từ các nguồn với tổng số tiền trên 260,6 tỷ đồng; trong đó vay từ nguồn vốn 120 là 4.953 hộ (34,3 tỷ đồng), học sinh sinh viên 835 người (1,6 tỷ), người đi lao động nước ngoài 153 người (2,7 tỷ)... Ngoài ra chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ xây dựng hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường tiếp tục được thực hiện với 1.712 hộ và gần 8 tỷ đồng.
- Giáo dục, Y tế, Văn hoá, Xã hội
Quý I/2007, ngành giáo dục đào tạo tỉnh đã tích cực đẩy mạnh xây dựng hệ thống các trường chuẩn Quốc gia theo hướng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy; tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phổ cập trung học phổ thông. Hiện nay, Vĩnh Phúc xếp thứ 13/64 tỉnh, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Tính đến giữa năm học 2006-2007, số giáo viên phổ thông toàn tỉnh là 11.332 người, trong đó số có trình độ đào tạo chuẩn chung chiếm 98,76%. Công tác đào tạo chuyện nghiệp và dạy nghề trên địa bàn ngày càng được nâng cao về chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng; 7 trường trung học chuyên nghiệp trong đó có 1 trường dân lập. Tháng2/2007, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập trườngTrung cấp kỹ thuật Vĩnh Phúc trên cơ sở chuyển đổi Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp, thành lập trường Trung cấp nghề Việt Đức Vĩnh Phúc trên cơ sở; nâng cấp trường Đào tạo nghề nâng tổng số trường ĐH, CĐ và THCN hiện có trên địa bàn lên 13 trường. Số cán bộ công nhân viên và giáo viên các trường chuyên nghiệp và số học sinh năm học 2006-2007 có quy mô ngày càng tăng nhất là học sinh các trường trung học chuyên nghiệp, các trường đào tạo nghề.
Quý I/2007, ngành Y tế thực hiện tốt việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân... nên không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn nhất là trong dịp tết. Tuy vậy vẫn có một số ca mắc bệnh thuỷ đậu ở trẻ em, đau mắt nhưng đã được kiểm soát ngăn ngừa không để phát triển thành dịch. Các chương trình y tế Quốc gia: tiêm chủng mở rộng, phòng chống bướu cổ, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi... đã và đang được các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Tình hình nhiễm HIV/AIDS: tính đến tháng 2/2007, trên địa bàn đã có 445 người nhiễm vi rút HIV/AIDS, trong đó bệnh nhân AIDS là 125 và 98 người đã chết. Tháng 1/2007, ở huyện Lập Thạch đã xảy ra 1 vụ ngộ độc do ăn thịt cóc làm 2 người mắc trong đó có 1 người chết.
Ngành Văn hoá - Thông tin và Thể thao của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động và dịch vụ văn hoá nhất là công tác ấn bản, phát hành trong dịp tết; làm tốt công tác tuyên truyền, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian, bắn pháo hoa được tổ chức tốt, an toàn, trật tự trong không khí đón xuân vui tươi, phấn khởi của nhân dân. Nhân dịp tết, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tổ chức đợt chiếu phim phục vụ mừng xuân mới đã chiếu 20 buổi phim tại 2 huyện miền núi Lập Thạch và Tam Đảo; Đoàn nghệ thuật Chèo Vĩnh Phúc đã tổ chức các đợt lưu diễn tại các địa phương miền núi; Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề " Sưu tầm chọn lọc Mỹ thuật dân gian truyền thống và hình ảnh Vĩnh Phúc qua 10 năm tái lập tỉnh"... Các phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển; ngành Thể dục - Thể thao đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều giải thi đấu mừng Đảng, mừng Xuân. Ngành Văn hoá thông tin cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá như: ngày thơ Việt Nam, Hội Báo Xuân mừng Đảng, mừng Xuân, lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo), lễ hội Chọi trâu ở Hải Lựu, hội cướp phết ở Bàn Giản (Lập Thạch)...
Tình hình an ninh trật tự xã hội trong quý được đảm bảo tốt nhất là trong dịp tết; số vụ tai tệ nạn giảm nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, chỉ trong tháng 2/2007, tháng có tết cổ truyền đã xảy ra 11 vụ tăng 18,18% so cùng kỳ, làm chết 11 người, bị thương 9 người và thiệt hại vật chất đáng kể. Thực hiện tháng tăng cường chấn chỉnh công tác an toàn giao thông, các cấp và các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.