Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/04/2009-11:11:00 AM
Tìm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu
Chủ trì cuộc tọa đàm giữa đại diện các Bộ, ngành với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để cùng tìm các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu diễn ra ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Chính sách của Việt Nam là nhất quán, không phân biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh”.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,7 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2007, vượt 7,1% so với kế hoạch đề ra là 59,2 tỷ USD.
Bước sang năm 2009, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong bối cảnh này xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm mới đạt gần 13,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2008.
Doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp: dệt may chiếm tỷ trọng 59% trong 2 tháng đầu năm 2009, giày dép 69,5%, điện tử 96,6%, máy móc thiết bị 85%... Có tới 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp FDI chiếm 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 và 24,9% trong 2 tháng đầu năm 2009.
Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI bị sụt giảm, chỉ đạt 2,97 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2008. Nếu không có các giải pháp tích cực hữu hiệu thì dự kiến trong năm 2009, mức độ giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI có thể sẽ lên tới 10-15%, chỉ đạt khoảng 19-20 tỷ USD.
Để hỗ trợ và tìm các biện pháp giúp các doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, ngay tại buổi toạ đàm, sau khi nghe ý kiến của 16 doanh nghiệp FDI trình bày những khó khăn và vướng mắc về cơ chế, chính sách làm ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu hiện nay, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã lần lượt giải đáp những vướng mắc doanh nghiệp nêu ra. Theo đó, trong thời gian tới, các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh các chính sách: điều chỉnh linh hoạt thuế xuất, nhập khẩu; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; thực hiện hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, bổ sung các nội dung còn thiếu và loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp cam kết của Việt Nam với WTO. Để giải quyết các vướng mắc cụ thể, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các doanh nghiệp gửi kiến nghị về các Bộ, ngành, hoặc gửi về Bộ Công Thương. Bộ này sẵn sàng làm đầu mối phân loại và chuyển các kiến nghị tới đúng cơ quan chức năng giải quyết.
Tiếp sau tọa đàm cho doanh nghiệp FDI phía Bắc, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tọa đàm tương tự cho khu vực phía Nam./.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1000
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)