Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cho rằng có những dấu hiệu cho thấy gói chính sách bình ổn kinh tế của Việt Nam đã tỏ ra hiệu quả.
Theo báo cáo của WB, công bố hôm 9/6, hiệu quả của chính sách này thể hiện ở việc giá cả các mặt hàng phi lương thực bắt đầu giảm so với những tháng trước và mức tăng nhập khẩu hàng tháng cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
WB còn nhận định rằng việc thắt chặt tín dụng như một phần của gói giải pháp bình ổn kinh tế đã có tác động đối với giá bất động sản và những yêu cầu đặt ra với các ngân hàng phải thận trọng cho vay đối với các công ty chứng khoán và nhà đầu tư chứng khoán đã góp phần làm thị trường chứng khoán nguội đi kể từ hè 2007.
Gói chính sách bình ổn kinh tế bao gồm việc chính phủ điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8,5-9% xuống còn 7%, cắt giảm chi tiêu của chính phủ, ngừng các dự án đầu tư công kém hiệu quả, tạm dừng các dự án mới và cho phép áp dụng tỷ giá linh hoạt hơn.
Theo báo cáo WB, triển vọng kinh tế của Việt Nam chắc chắn không thuận lợi bằng một năm trước đây, tuy nhiên, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn mạnh và tăng trưởng GDP có thể sẽ nhanh phục hồi hơn so với mục tiêu chính thức.
Để chứng minh sự vững mạnh của nền tảng kinh tế, báo cáo đưa ra một loạt con số tăng trưởng theo ngành trong quý 1 như khu vực nông, lâm, ngư nghiệp với mức tăng 2,9%; sản xuất công nghiệp, 9%; xây dựng 3,3%. Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, WB đã đề ra hai giải pháp nhằm tạo sự ổn định hơn cho nền kinh tế. Đó là cần quyết đoán hơn trong việc chuyển sang các hợp phần khác của gói chính sách bình ổn đã được công bố. Hiện các hành động mới chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ. Các công bố đưa ra nhắc đến chính sách tài khóa, song việc cắt giảm chi tiêu vẫn chưa thực sự diễn ra.
Thứ hai là cần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính và duy trì lòng tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng./.