Năm 2009, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng khá cao với 5,32%. Đây là chỉ số cơ bản nhất cho thấy kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2009. Cũng theo Bộ trưởng, trong các lĩnh vực khác, đà tăng trưởng rất đáng mừng.
|
Công nghiệpnăm 2009 tăng trưởng 7,6%
|
Công nghiệp tăng 7,6%
Công nghiệp là ngành bị ảnh hưởng mạnh do thị trường xuất khẩu thu hẹp; nhưng các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tập đoàn đã có nhiều cố gắng. Chính phủ và các cấp, các ngành đã đề ra nhiều giải pháp kịp thời, có hiệu quả như hỗ trợ lãi suất vay vốn; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước; vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên công nghiệp phục hồi khá nhanh... Từ chỗ giảm sâu ( - 4,4%) trong tháng 1/2009, sau đó liên tiếp tăng và đến những tháng cuối năm công nghiệpđều tăng khoảng 12 -13%. Tính chung cả năm tăng 7,6%.
Một số sản phẩm tăng cao là điều hòa nhiệt độ (41,8%); khí hóa lỏng (LPG) tăng 39,3%; tủ lạnh, tủ đá tăng 29,5%; xi măng tăng 19,2%; thép tròn các loại tăng 19,1%...
Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao như: Quảng Ninh tăng 15,8%, Thanh Hóa 13,9%, Đồng Nai tăng 10,6%, Bình Dương tăng 10,3%, Hà Nội tăng 9,4%, TP.HCM tăng 7,9%.
Tổng sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục
Năm 2009, mặc dù nước ta, đặc biệt là Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ bị bão lũ gây thiệt hại nặng nề, nhưng nhờ có sự nỗ lực đẩy mạnh sản xuất của các vùng, miền khác, nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nên tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 43,33 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đạt 38,9 triệu tấn, vượt mức kỷ lục của năm 2008 là 0,4% (năm 2008 là năm sản lượng lúa đạt mức cao nhất trong 12 năm trước đó). Năng suất lúa đạt mức trung bình 52,3 tạ/ha.
Những năm trước đây, nhiều địa phương đã tiến hành trồng thay thế diện tích cây lâu năm đã già cỗi bằng loại cây giống mới có năng suất và chất lượng nên thu nhập từ cây lâu năm cao hơn các loại cây trồng khác đã khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng. Đặc biệt trong năm đã phát triển hơn 42,8 nghìn ha cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước, tăng 2,6 nghìn ha chè, 6,1 nghìn ha cà phê.
Chăn nuôi tiếp tiếp tục phát triển, nhất là chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, số trang trại tăng hơn 18% so với năm 2008.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, khai thác tăng 5,4% so với năm trước. Chủ yếu do các địa phương tiếp tục chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi trồng theo hướng kết hợp đa canh, đa con. Bên cạnh đó, mô hình nuôi thuỷ sản lồng, bè tiếp tục phát triển, đặc biệt là nuôi lồng, bè trên biển ở các tỉnh: Kiên Giang, Quảng Nam, Ninh Thuận, Phú Yên, Hải Phòng. Khai thác thuỷ sản tăng cao nhờ chính sách hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu có công suất lớn đã tăng năng lực khai thác hải sản xa bờ. Ngoài ra, dịch vụ nghề cá được cải tiến hợp lý và hiệu quả hơn đã tạo điều kiện cho các tàu thuyền tăng thêm số ngày đánh bắt trên biển.
|
Sản lượng lúa đạt 38,9 triệu tấn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực
|
Doanh thu bưu chính, viễn thông tăng 39,7%
Số thuê bao điện thoại phát triển mới năm 2009 ước tính đạt 41,7 triệu thuê bao, tăng 40,8% so với năm 2008, bao gồm 4 triệu thuê bao cố định, tăng 43,1% và 37,7 triệu thuê bao di động, tăng 40,5%. Số thuê bao điện thoại của cả nước tính đến cuối tháng 12/2009 là 123 triệu thuê bao, tăng 51,3% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 18,1 triệu thuê bao cố định, tăng 28,4% và 104,9 triệu thuê bao di động, tăng 56,1%.
Số thuê bao internet đến cuối tháng 12/2009 đạt 3 triệu thuê bao, tăng 45,5% so với cùng thời điểm năm 2008. Số người sử dụng internet tính đến cuối năm 2009 ước tính 22,9 triệu lượt người, tăng 10,3% so với thời điểm cuối năm 2008. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông năm 2009 ước đạt 94,9 nghìn tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2008.
Chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong 6 năm gần đây
Giá tiêu dùng năm 2009 tương đối ổn định, ngoài tháng 2 và tháng 12 chỉ số giá tiêu dùng tăng trên 1%, các tháng còn lại giảm hoặc tăng thấp nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2009 so với tháng 12/2008 tăng 6,52%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng dưới 10% Quốc hội đề ra.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2009 tăng 6,88% so với năm 2008, là mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây (chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2004 tăng 7,71%, năm 2005 tăng 8,29%, năm 2006 tăng 7,48%, năm 2007 tăng 8,3%, năm 2008 tăng 22,97%).
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng khá cao, mức độ lạm phát không cao được duy trì, đây là thành công lớn trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô.
Xuất khẩu tăng mạnh vào cuối năm
Do sức tiêu thụ hàng hoá trên thị trường thế giới thu hẹp, giá cả của nhiều loại hàng hoá giảm mạnh nên kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt gần 41,4 tỷ USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm, xuất khẩu ước đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 11 đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 12 đạt mức cao nhất trong năm với 5,25 tỷ USD, tăng 12%so với tháng trước và tăng 12,5%so với tháng 12 năm trước, chủ yếu do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng. Trong đó dệt may tăng 90 triệu USD, gạo tăng 80 triệu USD; giày dép tăng 77 triệu USD; cà phê tăng 67 triệu USD; dầu thô tăng 33 triệu USD.
Những chuyển biến của kinh tế Việt Nam trong năm 2009, nhất là vào những tháng cuối năm, là dấu hiệutích cực khởi đầu cho sự phát triển mới trong năm 2010 - năm cuối của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 -2010, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ