Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/03/2010-16:30:00 PM
Bắt mạch kinh tế thế giới 2010

Các chính sách kích thích chưa từng có đã thúc đẩy nhu cầu và thương mại toàn cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, đây là những yếu tố tạm thời và tăng trưởng kinh tế sẽ yếu đi khi tác dụng của các yếu tố này mất dần.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist của Anh cho biết các số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế thế giới đang trên con đường phục hồi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đối với nhiều nước.
Tăng trưởng kinh tế yếu cũng buộc các nền kinh tế lớn phải tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp như hiện nay trong khoảng thời gian dài hơn.
Theo EIU, hiện nay, mặc dù tình hình tài chính vẫn căng thẳng ở một số nước khu vực đồng Euro, nhưng những thông tin kinh tế tích cực vẫn nhiều hơn thông tin tiêu cực. Kinh tế Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng tốt trong quý IV/2009. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng tăng lên. Mỹ Latinh nhìn chung cũng trên con đường phục hồi mạnh hơn.
Thế giới đã không rơi vào suy thoái kéo dài là nhờ thành công của sự phối hợp giải quyết chung trên toàn cầu trong 18 tháng qua với các biện pháp như sỗ trợ tài chính cho các ngân hàng khó khăn, các gói kích thích tài chính và việc nới lỏng chính sách tiền tệ
Kinh tế thế giới sẽ không rơi trở lại suy thoái, nhưng có nhiều lý do cho thấy tốc độ tăng trưởng trong năm 2011 sẽ chậm lại. Sự hỗ trợ của việc thay đổi hàng hoá trong kho chỉ là thoáng qua. Việc điều chỉnh hàng hoá trong kho chỉ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng GDP nhất thời khi mới bắt đầu phục hồi và sẽ nhanh chóng mất tác dụng khi lượng hàng trong kho đạt đến mức bình thường.
Bên cạnh đó, tình hình tài chính xấu đi nghiêm trọng ở nhiều nước cũng có nghĩa là các biện pháp kích thích sẽ không được duy trì. Nhiều nước hiện đã phải thực hiện các biện pháp cắt giảm ngân sách mạnh mẽ để khôi phục tài chính công, quá trình này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng vì nó diễn ra vào đúng thời điểm đang cần thêm sự kích thích, hỗ trợ.
Những chính phủ có tài chính công tốt hơn cũng sẽ phải thận trọng hơn. Họ sẽ thu hồi một số biện pháp kích thích đặc biệt đã thực hiện trong năm qua. Trong khi đó, các hộ gia đình và các công ty còn mắc nợ cũng sẽ tiếp trục tập trung vào việc cân bằng ngân sách của mình, không tiêu dùng hay đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng thay cho chính phủ.
Sự chuyển dịch chậm chạp
Về các nền kinh tế lớn, EIU đưa ra một số nhận định cụ thể: Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng, nhưng chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và tác dụng của việc điều chỉnh hàng trong kho. Sự phục hồi sẽ yếu đi, trừ khi các động lực tăng trưởng khác sớm nổi lên mạnh mẽ, nhưng điều này khó xảy ra.
Người tiêu dùng sẽ vẫn lo ngại với tỷ lệ thất nghiệp cao, tín dụng chặt chẽ hơn và giá trị tài sản bị mất đi do sự sụp đổ của thị trường nhà. Chính sách tài chính dự kiến sẽ trở về mức bình thường từ giữa năm 2010 vì dư luận công chúng và các nhà chính trị hạn chế khả năng của chính quyền Obama trong việc đưa ra thêm biện pháp kích thích mới.
Chính sách tiền tệ đã được bí mật thắt chặt khi Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) sử dụng các biện pháp không chính thống, dù ít khả năng thay đổi lãi suất cơ bản. Dự báo GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm 2010 và chậm xuống còn 1,6% trong năm 2011.
Sự phục hồi của Nhật Bản vẫn không ổn định. Sự phục hồi của các nước châu Á khác, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ có lợi cho Nhật Bản. Việc tích trữ lại hàng hoá trên phạm vi toàn cầu cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu.
EIU dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản là 1,5% trong năm 2010 và 1,1% trong năm 2011. Do triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa, Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ giữ nguyên lãi suất cho tới cuối năm 2011.
Khu vực đồng Euro, tình hình kinh tễ vẫn xấu hơn cả Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế của quý IV/2009 ở mức thất vọng là 0,1% so với quý trước. Các ngân hàng vẫn đối mặt với nguy cơ tiềm tàng của các khoản lỗ và các tác động từ Đông Âu.
Đồng thời, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp cũng gây ra những lo ngại mới về xếp hạng tín dụng của các nền kinh tế châu Âu khác và sự ổn định của chính khu vực này. Dự báo trong năm này tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro sẽ chỉ là 0,8% và năm 2011 cũng không khá hơn.
Ngoại trừ một số ngoại lệ, các nền kinh tế đang nổi phục hồi nhanh hơn các nước phát triển. Châu Á dẫn đầu sự phục hồi nhờ các chương trình kích thích lớn và tình hình kinh tế tương đối tốt trước khi khủng hoảng nổ ra. Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu đang quay trở lại.
Triển vọng của Đông Âu cũng đang cải thiện, nhưng tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn xấu. Dự báo GDP khu vực này sẽ tăng 2,4% trong năm 2010 và 3,6% trong năm 2011.
Khu vực Mỹ Latinh chống đỡ cuộc khủng hoảng toàn cầu tương đối tốt. Khu vực này bị ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn so với các cuộc suy thoái trước một phần nhờ những cải thiện trong chính sách kinh tế. Khu vực này cũng được lợi từ việc nhu cầu đối với nguyên liệu thô của Trung Quốc tăng lên. Dự báo GDP khu vực Mỹ Latinh sẽ tăng từ 3,2-3,9% trong năm 2010.
EIU dự báo mức giá dầu trung bình trong năm 2010 sẽ là 77 USD/ thùng. Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2010 sau 2 năm liên tiếp giảm. Tuy nhiên, tác dụng của các gói kích thích kinh tế sẽ mất dần đi vào nửa cuối của năm nay dẫn đến nhu cầu dầu của các nước Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ giảm trở lại.
Điều này sẽ dẫn đến giá dầu trung bình trong năm 2011 giảm xuống mức 73 USD/ thùng. Tuy nhiên tiêu thụ dầu sẽ tăng lên ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông do kinh tế tăng trưởng, thu nhập tăng và việc trợ giá nhiên liệu./.
Linh Đức
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 873
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)