Cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong vòng 80 năm đã đi qua, song năm 2010 vẫn được coi là một năm "bộn bề" đối với nền kinh tế thế giới.
Trong khi các chính phủ đang dồn sức khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng, những biến động lớn xuất hiện trên thị trường tiền tệ, giá vàng liên tiếp phá kỷ lục, giá dầu và USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm... đẩy kinh tế thế giới vào tình thế khó dự đoán.
Những dấu hiệu tăng trưởng khả quan của khối các nước đang phát triển hồi đầu năm được trông chờ là động lực để kéo cả đoàn tàu kinh tế thế giới tăng tốc, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của hai nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro là Hy Lạp và Ireland lại kéo chậm đà phục hồi của kinh tế thế giới sau cơn bão.
Năm 2010: Chật vật... khởi sắc
Vào thời điểm cuối năm 2009 đầu năm 2010, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ và bền vững sau cuộc suy thoái nặng nề nhất trong hàng thập kỷ qua.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi có dấu hiệu khởi sắc, sự phục hồi kinh tế thế giới bắt đầu mất đà. Kể từ giữa năm 2010, các thị trường tài chính thế giới đã lâm vào tình trạng hỗn loạn hơn do các quốc gia không phối hợp tốt chính sách tiền tệ sau khủng hoảng. Những phản ứng rời rạc của các nước trong chính sách tiền tệ cũng được cho là nguyên nhân gây rối loạn và bất ổn cho các thị trường tài chính.
Lần đầu tiên sau 80 năm, khái niệm “chiến tranh tiền tệ” trở lại do các nước đua nhau hạ thấp tỷ giá của đồng nội tệ so với ngoại tệ mạnh để tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Các quốc gia áp dụng những biện pháp này vô tình đã gây rối môi trường thương mại toàn cầu, dẫn đến cản trở sự phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, tinh thần hợp tác của các nền kinh tế lớn lụi tàn, làm giảm hiệu quả các các biện pháp đối phó với khủng hoảng. Tình trạng mất việc làm tại các nước phát triển (tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ và châu Âu lên tới gần 10%) một lần nữa trở thành yếu tố cộng hưởng cản trở sự phục hồi kinh tế thế giới.
Để nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, các chính phủ còn đua nhau tung ra các chương trình kích thích tăng trưởng, tạo ra những lượng thanh khoản ào ạt bơm vào nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng trung ương tìm cách duy trì lãi suất thấp kỷ lục để kích cầu đầu tư.
Chính sách tiền tệ nới lỏng đến cực điểm là một điểm nhấn nữa trong nền kinh tế thế giới năm qua. Nó tạo ra các luồng tín dụng "nóng” đổ vào các nền kinh tế đang phát triển, nơi lạm phát và kiểm soát chính sách tiền tệ đang là bài toán đau đầu.
Tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu một lần nữa lại vấp phải nhiều trở ngại khi một số nguy cơ bất lợi trở thành hiện thực. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đã gây cú sốc lớn cho cả châu Âu nói chung và khu vực đồng euro nói riêng.
Gói cứu trợ chung trị giá 110 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không dập tắt được “lửa nóng” cũng như không chặn được sự lan tỏa của nó.
Ireland tiếp tục đi theo vết xe đổ của Hy Lạp khi công bố hệ thống ngân hàng kiệt quệ, tình trạng bong bóng bất động sản đẩy nước này đến bờ vực phá sản. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng căng thẳng tài chính không chỉ ảnh hưởng tới Hy Lạp, Ireland, mà sẽ còn lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thậm chí cả Italy, những nước được coi là mắt xích yếu hơn trong khu vực đồng euro.
Việc giá vàng phá kỷ lục mọi thời đại (hơn 1.400 USD/ounce hồi tháng 11 vừa qua, tăng 30% trong năm 2010) đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới. Giá vàng quá cao đã làm giảm phần nào nhu cầu dự trữ và sử dụng vàng, tỷ giá trên thị trường tiền tệ thế giới biến động mạnh theo giá vàng, chính sách lãi suất của các quốc gia cũng từ đó phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp.
Giá vàng tăng cao cho thấy nhu cầu đầu tư an toàn vẫn còn mạnh và thu hút dòng tiền đổ vào kênh đầu tư này, tuy nhiên, chính điều này lại làm hạn chế dòng tiền chảy vào nền kinh tế, cản trở đà tăng trưởng.
Quá trình phục hồi kinh tế thế giới bị chững lại cũng một phần do giá vàng tăng cao, tác động đến giá cả các loại hàng hóa khác, gây ra những biến động thất thường. Như một phản ứng dây chuyền, khi kinh tế thiếu tăng trưởng, thị trường chứng khoán, vốn được xem là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, cũng sẽ khó có sự gia tăng bền vững.
Trong khi kinh tế thế giới vẫn phải vật lộn để phục hồi sau khủng hoảng, Trung Quốc đã trải qua một năm đầy sôi động trên vũ đài thế giới. Năm 2010, Trung Quốc “say sưa” với vị thế một cường quốc mới khi vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc bắt đầu có những dấu hiệu phát triển quá nóng sau hai năm tiến hành chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn, với lạm phát tăng chóng mặt, giá lương thực, nhà đất leo thang tạo ra lo lắng rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng bong bóng đầy bất ổn.
Nhìn chung, nếu nhận định năm 2010 là một năm "khởi sắc" đối với nền kinh tế thế giới cũng không hẳn là sai, song nếu đánh giá đây là một năm "chật vật" đối với nhân loại thì cũng đúng.
Xét trên phương diện vĩ mô, năm 2010 là năm thành công ngoài mong đợi của con thuyền kinh tế thế giới. Sau 12 tháng vượt sóng gió, con thuyền đã về đích với mức tăng trưởng dự đoán đạt 3,2-3,4% GDP.
Tuy được xem là khá khiêm tốn, song thành tích này cũng phần nào bù đắp những mất mát của thế giới sau hai năm trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Những gì người ta lo sợ nhất cuối cùng đã không (chưa) xảy ra. Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu tạm thời được khống chế. Mặc dù kinh tế các nước khu vực đồng euro vẫn được coi là trong vòng "nguy hiểm," song về tổng thể, khu vực này vẫn đạt mức tăng trưởng 1,7% (cao hơn dự đoán), nhờ sự vượt trội của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có mức tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2010; "Bom" chiến tranh tiền tệ đã được tháo ngòi nổ kịp thời; Kinh tế Trung Quốc không nổ tung vì bong bóng lạm phát; Mỹ không bị đẩy ngược trở lại suy thoái…
Tuy nhiên, thế giới “tiễn Hổ, đón Mèo” trong bầu không khí vẫn chẳng mấy lạc quan khi mà những khó khăn vẫn chồng chất, di sản nặng nề của khủng hoảng vẫn là nỗi ám ảnh của mỗi quốc gia trong những ngày “tống cựu nghênh tân” này.
Năm 2011: Trì trệ và lạm phát
Hầu hết các nhà phân tích khi đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế thế giới đều có chung nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2011 và có thể giảm từ 3,4% năm 2010 xuống 3,1% năm 2011, khi các gói kích thích tài chính hết hiệu lực, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và thâm hụt ngân sách khổng lồ. Tất cả các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng euro đều có mức tăng trưởng yếu hơn.
Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục phủ bóng đen lên khu vực đồng euro và những lo ngại về sự tồn tại lâu dài của đồng tiền chung này không dễ lắng dịu. Dự báo năm 2011, khu vực đồng euro có thể tránh được sụp đổ, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, các biện pháp khắc khổ, yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách vẫn là một thách thức đối với nhiều nước châu Âu, cũng như các nền kinh tế lớn như Mỹ và Anh. Theo các nhà phân tích, một khi việc thắt chặt tài chính bắt đầu phá vỡ sự phục hồi, các chính phủ có thể phải trì hoãn các biện pháp “thắt lưng buộc bụng.”
Từ cuối năm 2010, tình trạng lạm phát đã trở nên nghiêm trọng ở các nước đang trỗi dậy, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và một số nước khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 11/2010 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2009 và là mức tăng cao nhất trong vòng 28 tháng qua.
Chỉ số CPI của Ấn Độ trong tháng 10/2010 cũng tăng 7,5%. Cùng thời điểm này, tại Nga là 9,8% và của Hàn Quốc cũng tăng 4,1%, mức cao nhất trong 20 tháng qua. Riêng Brazil, chỉ số CPI trong năm 2010 dự đoán tăng tới 5,5%.
Bởi vậy, “trì trệ” và ”lạm phát” sẽ là hai đặc trưng nổi bật của kinh tế thế giới năm 2011 - trong đó “trì trệ” tiếp tục là căn bệnh của các nước phát triển, còn “lạm phát” là căn bệnh mới phát sinh của các nước đang phát triển. Với kịch bản này, các nền kinh tế mới nổi sẽ có mức tăng trưởng khá cao, song do qui mô của những nền kinh tế này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế thế giới và còn phụ thuộc vào các nước phát triển, nên chưa thể sớm dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu./.