Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/07/2008-09:23:00 AM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Mở ra thời kỳ mới về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Hoa Kỳ

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, với chương trình nghị sự phong phú đã kết thúc tốt đẹp vào cuối tuần trước. Đánh giá về kết quả chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc - thành viên chính thức của Đoàn - cho rằng, đã có một bước tiến mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Báo chí đã đưa tin nhiều về chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo đánh giá của Bộ trưởng, thành công nổi bật nhất của chuyến thăm Hoa Kỳ lần này là gì?

Tôi cho rằng, thành công lớn nhất của chuyến thăm lần này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống George W. Bush đã đưa ra được một tuyên bố chung, trong đó đề cập nhiều vấn đề về chính trị, an ninh, kinh tế, giáo dục - đào tạo, biến đổi khí hậu…

Trong đó, riêng về lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Bush cam kết sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về việc được hưởng chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và tích cực xem xét để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Nếu đạt được GSP, thì sẽ tạo thêm khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng xem xét để nhập khẩu rau quả của Việt Nam, trước hết sẽ nhập khẩu quả thanh long, sau đó là chôm chôm, vải, nhãn. Điều đó mở ra khả năng lớn hơn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định đầu tư song phương, hiệp định quan trọng để tiến tới Việt Nam đàm phán với Hoa Kỳ về hiệp định thương mại tự do. Đây là một bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, là một bước khởi đầu, mở ra một thời kỳ hợp tác mới về kinh tế giữa hai nước.

Thưa Bộ trưởng, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Thủ tướng cũng đã có các cuộc gặp gỡ với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ và thông tin ban đầu cho thấy, họ có cái nhìn khá lạc quan về kinh tế Việt Nam…?

Trong các cuộc diện kiến với Thủ tướng, một số chủ tịch và phó chủ tịch các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, như Citi Group, AES, GE, Cheveron… đều nói về triển vọng kinh tế Việt Nam và họ đã nhấn mạnh những khuyến nghị để chúng ta cải thiện môi trường đầu tư hướng về trung và dài hạn.

Họ cho rằng, tiềm lực của Việt Nam là rất lớn. Họ cũng nhìn nhận Việt Nam ở các chính sách, các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, từ đó có hướng phát triển đầu tư vào Việt Nam. Họ hiểu rằng, Việt Nam, cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới, khi hội nhập nền kinh tế mở thì bao giờ cũng gặp những khó khăn và cho rằng, Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn đó.

Như vậy, có thể dự báo rằng, đầu tư trực tiếp của các tập đoàn Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng?

Đúng vậy. Trong khuôn khổ chuyến thăm, chúng ta đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án lớn, như dự án xây dựng Nhà máy Bia Long An của Công ty Ganon Việt Nam và dự án cảng Cái Lân của Công ty SSA Marines. Bên cạnh đó, nhiều dự án khác đang được đàm phán và tôi tin rằng, sẽ đi đến kết quả. Hơn nữa, nếu nhìn vào con số 26 dự án, với vốn đầu tư 1,353 tỷ USD của Hoa Kỳ được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 6 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 20/6), có thể thấy rõ xu hướng gia tăng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Thưa Bộ trưởng, chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, đặc biệt là nền kinh tế Hoa Kỳ đang có nhiều khó khăn. Điều đó có tạo nên sự khác biệt trong lịch trình làm việc của đoàn?

Đúng là chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này nằm trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nền kinh tế Hoa Kỳ đang khó khăn. Qua các cuộc tiếp xúc với các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ, chúng ta hiểu rõ hơn về tình hình chung của nền kinh tế thế giới, của Hoa Kỳ và triển vọng phát triển trong tương lai của họ, từ đó chúng ta có những đối sách cho phù hợp hơn.

Vậy các chuyên gia kinh tế đã đánh giá thế nào về tình hình kinh tế thế giới và cả Việt Nam, thưa Bộ trưởng? Các ý kiến đều đánh giá rằng, tình hình kinh tế thế giới và Hoa Kỳ trong năm 2008 và đầu năm 2009 sẽ còn khó khăn. Và đây là khó khăn khó lường trước.

Trước đây, không ai có thể dự báo được giá dầu có thể lên tới trên 140 USD/thùng, không ai dự báo giá gạo có thể lên tới trên 1.000 USD/tấn, cũng không ai dự đoán đồng USD mất giá và vàng lại lên giá đến vậy. Tất cả các yếu tố đó tác động tới nền kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu, làm cho kinh tế thế giới diễn ra theo chiều hướng còn khó khăn và còn khó dự đoán.

Đối với tình hình kinh tế nước ta, ông Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, được mệnh danh là “thầy phù thủy của kinh tế Mỹ”, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nói về 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ông cho rằng, các giải pháp này là đúng, nhưng điều cốt lõi là mỗi quốc gia, mỗi chính phủ phải có đủ dũng cảm để thực hiện đầy đủ các biện pháp đó.


Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1155
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)