Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/05/2009-14:47:00 PM
Khủng hoảng kinh tế và ngoại lệ Na Uy

Giữa lúc các nhà đầu tư trên thế giới hốt hoảng bán đổ bán tháo cổ phiếu vào mùa thu năm ngoái, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu ở thời điểm căng thẳng nhất, nữ Bộ trưởng Tài chính Na Uy Kristin Halvorsen nhận thấy cơ hội tuyệt vời đã đến.
Tại một quán bar tại Oslo, thủ đô Na Uy. Mặc dù người Na Uy hiện tại chưa có những biểu hiện tiêu xài thái quá như ở một số nước phương Tây khác, đã xuất hiện một vài lo ngại rằng, nguồn tiền xuất khẩu dầu dồi dào và chế độ phúc lợi hoàn hảo đang dần “làm hư” người dân từng có tinh thần lao động hăng say của nước này.
Bà cho quỹ đầu tư lợi ích quốc gia trị giá 300 tỷ USD của nước này tăng cường thêm 60 tỷ USD cho hoạt động mua vào cổ phiếu. Số tiền này tương đương 23% GDP của Na Uy.

“Chúng tôi đã tính toán thời điểm không tồi”, bà Halvorsen hài lòng nhận xét khi chứng kiến thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục hồi phục từ đầu tháng 3 tới nay.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy nền kinh tế của hầu hết mọi quốc gia trên thế giới xuống dốc. Nhưng Na Uy là một ngoại lệ. Nói tới Na Uy, người ta thường hình dung ngay tới một đất nước với những vịnh hẹp ăn sâu vào giữa những dải đất gồ ghề, kém màu mỡ. Nhưng trái ngược với hình dung này, Na Uy đã tìm ra hướng đi cho riêng mình để trở thành một đất nước giàu có.

Khi các quốc gia khác tiêu xài thoải mái, thì Chính phủ Na Uy tiết kiệm từng đồng. Khi các nước khác tìm cách hạn chế vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, thì Na Uy tăng cường vai trò của một nhà nước phúc lợi, đem tới cho người dân những chính sách an sinh trọn đời.

Tiết kiệm là quốc sách

Ngay trong thời kỳ suy thoái tồi tệ này, kinh tế Na Uy vẫn đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 3% trong năm 2008. Thặng dư ngân sách Chính phủ của nước này là 11% và gần như chẳng nợ ai một đồng nào.

Ngược lại, thâm hụt ngân sách của nước Mỹ trong năm nay được dự báo có thể lên tới 12,9% GDP, đẩy tổng nợ Chính phủ Mỹ lên 11.000 tỷ USD, tương đương 65% GDP.

Na Uy là một quốc gia tương đối nhỏ với dân số chừng 4,6 triệu người, nhưng lại là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới. Năm ngoái, nước này thu về 68 tỷ USD từ xuất khẩu dầu lửa, một phần nhờ giá dầu liên tục lập kỷ lục. Mặc dù giá dầu thế giới thời gian qua đã giảm mạnh, nhưng Chính phủ Na Uy chẳng hề lo lắng nhiều, vì nước này đã tránh được cái bẫy mà nhiều nước giàu đã rơi vào.

Thay vì thoải mái chi tiêu, Na Uy đã thông qua đạo luật chuyển thằng tiền thu về từ xuất khẩu dầu vào quỹ lợi ích quốc gia để thực hiện các vụ đầu tư trên khắp thế giới. Hiện quỹ lợi ích quốc gia của Na Uy được xếp vào hàng lớn nhất thế giới, mặc dù đã suy giảm 23% trong năm ngoái do giá trị tụt dốc của danh mục đầu tư.

Tinh thần hạn chế mở hầu bao của Chính phủ Na Uy trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra ở Anh. Trong thời kỳ phát triển kinh tế bùng nổ, đảo quốc sương mù đã chi tiêu hầu hết số tiền thu về từ xuất khẩu dầu khai thác Biển Bắc. Chi tiêu Chính phủ Anh hiện đã tăng lên mức 47% so với GDP từ mức 42% GDP trong năm 2003. Ngược lại, chi tiêu công của Na Uy cùng kỳ giảm còn 40% GDP từ mức 48% GDP.

“Nước Mỹ và nước Anh không ý thức nhiều về vấn đề trách nhiệm. Nhưng ở Na Uy thì khác, người ta nhận thức rằng, nếu anh được cho càng nhiều, anh càng phải có trách nhiệm”, ông Anders Aslund, một chuyên gia nghiên cứu về vùng Scandinavia thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington, nhận xét.

Nhà kinh tế học người Na Uy Eirik Wekre thì cho rằng, người dân nước này tin là việc họ tiêu tiền ở hiện tại đồng nghĩa với việc lấy đi những thứ lẽ ra thuộc về thế hệ tương lai.

Giống như ở nhiều nước khác trên thế giới, giá nhà đất ở Na Uy cũng đã trải qua một thời kỳ tăng mạnh, với mức tăng gấp 3 lần trong thập kỷ này. Nhưng thị trường địa ốc ở đây không lao dốc chóng mặt như ở những nơi khác, do không xảy ra tình trạng cho vay địa ốc tràn lan. Sau khi điều chỉnh 15% trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này, giá nhà đất ở Na Uy đã phục hồi trở lại.

Khác với ở Dublin của Ireland hay Riyadh của Saudi Arabia, nơi những tòa nhà chọc trời đang được xây dựng bỗng chốc trở nên dang dở vì khủng hoảng, thủ đô Oslo của Nauy vẫn khiến người ta liên tưởng tới một làng chài, hơn là thủ đô của một đất nước phương Tây, mặc dù nhà hát opera trị giá 800 triệu USD mới được khánh thành chỉ là một trong số ít những biểu hiện về sự thịnh vượng của nơi này.

Theo nhà kinh tế Arne J. Isachsen thuộc Trường Quản lý Na Uy, các ngân hàng của nước này hiện vẫn ở trong tình trạng sức khỏe lành mạnh và rất khôn ngoan trong hoạt động cho vay. Các ngân hàng Na Uy chỉ chiếm khoảng 2% hoạt động kinh tế của nước này. Thêm vào đó, sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ đối với hoạt động cho vay đã ngăn không cho những nhà băng này liều mình với hoạt động đầu tư rủi ro như các ngân hàng ở Iceland.

Chính sách phúc lợi hoàn hảo

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, Na Uy là một quốc gia may mắn nhờ sở hữu một trữ lượng dầu khổng lồ.

Dòng tiền chảy về từ hoạt động xuất khẩu vàng đen từ những năm 1970 đã giúp người dân nước này chẳng phải lao động cật lực mà vẫn có được cuộc sống an nhàn. GDP bình quân đầu người ở nước này là 52.000 USD.

Mặc dù người Na Uy hiện tại chưa có những biểu hiện tiêu xài thái quá như ở một số nước phương Tây khác, đã xuất hiện một vài lo ngại rằng, nguồn tiền xuất khẩu dầu dồi dào và chế độ phúc lợi hoàn hảo đang dần “làm hư” người dân từng có tinh thần lao động hăng say của nước này.

Nhà kinh tế Knut Anton Mork thuộc ngân hàng Handelsbanken ở Oslo dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy, người Na Uy có số giờ làm việc ít nhất trong số công dân của các nền dân chủ công nghiệp trên thế giới. “Người Na Uy đã trở nên tự mãn. Ngày càng có nhiều khu nghỉ dưỡng được xây dựng. Na Uy có nhiều kỳ nghỉ hơn hầu hết mọi quốc gia, chính sách phúc lợi và nghỉ ốm vô cùng hào phóng. E là giấc mơ này đến lúc nào đó sẽ chấm hết”, ông Mork nhận xét.

Nhưng ngày đó có lẽ vẫn còn xa, vì hiện tại, không khí ở Na Uy đang còn rất trong lành, việc làm thì nhiều, và chính sách phúc lợi của Chính phủ nước này thì không chê vào đâu được.

Ở một góc phố cách trụ sở Ngân hàng Trung ương Na Uy không xa, Paul Bruum - một con nghiện heroin lâu năm, không có việc làm - đang chích thuốc vào tay. Anh này cho biết, số tiền 1.500 USD mỗi tháng mà Chính phủ cấp cho cũng đủ để anh ta mua thức ăn và ma túy.

VNeconomy

    Tổng số lượt xem: 802
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)